Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tản mạn về một nhà báo, nhà thơ

16:11 25/09/2022 - Chân dung nhà báo
Tháng 11 kéo dài đến đầu tháng 12, mùa hoa dã quỳ vàng rực cả Tây nguyên. Tôi và người bạn kỹ sư địa chất An Bình phóng xe lên Đà Lạt, chọn phố núi ngắm hoa, bởi nơi đây gắn bó với chúng tôi bao kỷ niệm đẹp về bạn bè, đồng nghiệp. Từ Bảo Lộc ngược lên thành phố Ngàn Thông, hoa dã quỳ nở rộ đua sắc vẫy gọi. nhìn những thảm hoa vàng nở rộ bên đường, trải dài lưng chừng núi, tôi chợt nhớ câu chuyện mà bạn tôi, cố nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm đã kể về loài hoa huyền diệu này.
Dã quỳ đón nàng thơ!

Từ sự tích hoa dã quỳ...

Người ta nói dã quỳ xuất phát từ bộ tộc Lasiêng sinh sống ở Tây Nguyên, có nàng H’Linh xinh đẹp yêu chàng K’Lang tuấn tú. Ngày ngày chàng vào rừng săn bắn, hái lượm nàng ở nhà xe tơ dệt chăn kiêu hồng theo tục lệ của người con gái Lasiêng sắp về nhà chồng. Buổi tối chàng và nàng cùng dân làng múa hát, đốt lửa, hạnh phúc bên nhau, chờ đến ngày nên vợ nên chồng. Nhưng rồi tình yêu của họ trắc trở. LaRihn con trai tộc trưởng cũng thầm yêu trộm nhớ nàng, nhưng H’Linh không đáp lại, LaRihn trắc ẩn đố kỵ, thù ghét. Một ngày nọ K’Lang vào rừng săn bắn đã không trở về. Nàng vào đại ngàn tìm chàng và phát hiện chàng bị người của bộ tộc trói chặt dưới gốc cây rừng, mũi tên bắn chết người yêu. Nàng lao tới ôm chặt chàng khóc tức tưởi, một mũi tên cuối từ đâu đó đã đâm thẳng vào trái tim nàng. Nàng chết cùng chàng trong tư thế quỳ ôm lấy chàng. Và tại nơi ấy đã mọc lên một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ tràn đầy sức sống thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, thủy chung, đó là hoa dã quỳ.

Đến Đức Trọng - Liên Khương, xe dừng ven đường, An Bình ngắt một cành hoa dã quỳ, nhắc lại câu chuyện tình giữa anh với cô giáo phố núi. Hai người yêu nhau từ một lần đi ngắm hoa dã quỳ. Hôm đó, chàng và nàng tung tăng chạy nhảy lọt vào thảm hoa đẹp, họ đã trao gửi cho nhau nụ hôn nồng cháy. Sau lần đó, An Bình nhập ngũ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ tham gia tiễu phỉ vùng đại ngàn Tây Nguyên. Nàng cùng nhóm bạn đi rừng hái nấm, lúc qua suối do mưa nguồn, cơn lũ bất chợt đổ về bị nước cuốn trôi, nàng mãi mãi không trở về. An Bình buồn tê tái nhớ người yêu và không còn yêu ai nữa, khi mùa hoa dã quỳ nở vàng rộm là chàng lại ngược lên Tây Nguyên tìm lại những kỷ niệm đẹp của tình yêu.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn cùng các đồng nghiệp_Ảnh:TGCC

Đến tình yêu, tình bạn và tình đồng nghiệp!

Ngày thứ hai tại thành phố Ngàn Hoa, chúng tôi đón thêm nữ đồng nghiệp Võ Lan cùng đi ngắm hoa dã quỳ. Võ Lan là con gái bạn tôi, cựu chiến binh Võ Đình Cường. Tôi và Cường cùng nhập ngũ, sau khi tốt nghiệp cấp 3 trường huyện, đam mê văn chương. Vào bộ đội, chúng tôi cùng là chiến sĩ thông tin Binh đoàn Trường Sơn. Từ chiến trường, Võ Đình Cường được cử đi học đại học Quân y trở thành bác sĩ, trở về đơn vị làm Chủ nhiệm quân y. Cường vẫn kể, Đông và Tây Trường Sơn có những thảm rừng hoa dã quỳ, vào mùa hoa nở vàng rực. Mỗi lần lên Đà Lạt, nhâm nhi cà phê phố núi, Võ Đình Cường đọc thơ về hoa dã quỳ: Em lên phố núi vùng cao/Anh về phố cũ tương tư nắng chiều/Quanh co dốc phủ sương mù/Dã quỳ vàng ruộm đón chào nàng thơ... (Thơ Hoàng Cầm).

Sau khi xuất ngũ, vợ chồng bác sĩ Võ Đình Cường rời quê nhà huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào định cư tại huyện Đức Trọng, dải đất ngút ngàn hoa dã quỳ và nhiều loại hoa quý khác. Cô con gái tên Võ Thị Lan (Võ Lan) tuổi Tân Dậu tính y chang bố, tần tảo mà mạnh mẽ nhưng rất yêu hoa, yêu đời. Tốt nghiệp Ngữ văn Đại học Đà Lạt, Võ Lan trở thành phóng viên của thành phố Ngàn Hoa. Bài báo đầu tiên mà Võ Lan viết tháng 10/2004 là tản mạn về hoa dã quỳ: “Cuối năm, từ nhà phóng xa tầm mắt lên triền núi Voi, ngút ngàn thảm hoa dã quỳ vàng rộm - màu của nắng dịu nhẹ, ánh sáng vui tươi, lạc quan và ấm áp, màu của sự giàu sang và thịnh vượng. Đôi lứa bước vào đời, bao nhung nhớ khi họ trao cho nhau bông hoa dã quỳ màu vàng rực rỡ, thể hiện tình yêu kiêu sa, nồng ấm, tin cậy, chân thành!”. Võ Lan, con gái bố Cường bác sĩ - cuộc sống đời thường dung dị, một nắng hai sương, yêu lao động, hay lam hay làm. Tình yêu mà Võ Lan dành cho bạn trai - cựu sinh viên khoa Luật, Đại học Đà Lạt Nguyễn Hữu Hiếu người chồng thủy chung, chính là màu vàng rực rỡ của thảm hoa dã quỳ trên triền núi Voi, cao nguyên Đức Trọng. Họ đã dành cho nhau trọn vẹn, dệt nên mái ấm gia đình hạnh phúc.

Dã quỳ, cánh hoa tựa hướng dương màu vàng tươi, biểu tượng của lòng kiên trung, trọn vẹn. Một Đà Lạt - Lâm Đồng ngàn hoa tinh khôi, mà quyến rũ, nhiều khát vọng chinh phục. Xin nói thêm, cựu Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng Nguyễn Thanh Đạm chính là người đỡ đầu, trợ giúp cháu Võ Lan yêu hoa dã quỳ, từng bước trở thành phóng viên có tay nghề trên đất cao nguyên. Lần này tôi trở về Đà Lạt thiếu vắng Nguyễn Thanh Đạm, người bạn quý, đồng nghiệp đa tài và nghĩa tình, quảng giao và nhiệt huyết. Mấy năm trước, nhà thơ Lưu Trọng Phú từ thành phố biển Vũng Tàu lên Đà Lạt, không may bị trọng bệnh. Hay tin, Nguyễn Thanh Đạm vào ngay bệnh viện đa khoa của tỉnh Lâm Đồng chăm lo cho bạn, bón từng ly sữa nhỏ cho Phú. Đạm điện thoại ngay cho tôi: “Phú đã qua cơn nguy kịch, nuốt được ba thìa sữa rồi bác Toàn ơi!”. Vui quá, tôi điện thoại báo về Vũng Tàu để Dương Vân và Hoàng Văn Định cùng vui.

Niềm vui chưa tày gang, chưa đến 30 phút sau, Nguyễn Thanh Đạm điện thoại cho tôi, giọng nấc lên, nói trong tiếng khóc nghẹn: “Chú Phú đi rồi bác ơi”. Chỉ một chi tiết nhỏ về Đạm, để thấy Nguyễn Thanh Đạm nhiệt thành và sống rất mực tình cảm, thủy chung với bạn bè, khó diễn tả hết. Làm Tổng Biên tập báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đang là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật lâm bệnh hiểm nghèo, dù đã rất cố gắng, nhưng không qua khỏi, về cõi vĩnh hằng anh để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và gia đình sự tiếc thương vô hạn. Nguyễn Thanh Đạm đã gieo vào lòng tôi tình yêu mãnh liệt đối với thành phố ngàn hoa, anh đã dẫn dắt tôi đến những cánh rừng hoa dã quỳ bằng câu chuyện tình yêu bất tử giữa H’Linh và K’Lang.

Nguyễn Thanh Đạm đã có những câu thơ hay về Đà Lạt, về hoa, kiếp nhân sinh - tình đời, tình người: Sương, mưa và gió lạnh/ Đà Lạt sáng đầu đông/Lất phất vài vạt nắng/Hiu hắt sắc quỳ vàng... Nguyễn Thanh Đạm dạt dào cảm xúc với phố núi, với hoa, với đất trời Nam cao nguyên như cô gái đẹp diễm lệ: Say đất trời Đà Lạt/Bàn tay vương bàn tay/Nụ hồng run run nở/Lay ngàn hoa tỏa hương... Tháng 10 năm 2021, giỗ đầu Nguyễn Thanh Đạm, bạn đồng môn khóa V - Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Hữu Mão người chứng kiến tình yêu của Thanh Đạm và Bích Hiền - cũng là người chủ hôn đám cưới của hai người điện thoại cho tôi, nhắc đến nghĩa tình và tài hoa của bạn. Nguyễn Hữu Mão kể rằng, từ là bạn, đồng môn - đồng nghiệp thành bạn đời, nhà báo Bích Hiền và Nguyễn Thanh Đạm đã có những bài viết hay, giàu chất thơ đăng trên nhiều ấn phẩm của địa phương và Trung ương.

Tình yêu của họ chắp cánh cho thơ, cho nhạc, cho những ước mơ và khát vọng. Trước lúc lâm bệnh, Nguyễn Thanh Đạm được Bích Hiền khích lệ, giúp sức, vẫn say mê nói và viết về khát vọng Nam cao nguyên, nhìn từ Lâm Đồng và Đà Lạt. Đó là vùng đất lý tưởng của du lịch chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển công nghiệp theo hướng có chọn lọc, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp mũi nhọn - chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, dược liệu, dược phẩm chức năng. Nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, nông nghiệp thông minh nhiều chuỗi liên kết.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm lãng mạn, tâm hồn bay bổng hội đủ hai trong một: Nhà báo và nhà thơ. Đúng như tên gọi mà cha mẹ đặt cho anh: Nguyễn Thanh Đạm, con người của sự điềm đạm, thanh đạm - thanh sạch. Bạn quý, bác sĩ, cựu chiến binh Võ Đình Cường cũng đã rời cõi tạm bởi căn bệnh ung thư quái ác. Và Nguyễn Thanh Đạm yêu quý cũng mãi mãi đi xa. Đà Lạt mến khách, thân thiện, nơi hội tụ của văn hóa, tình bạn, tình người, tình đời, cỏ cây và hoa lá - thiên nhiên quyện chặt với những câu hát - bài thơ - bản nhạc cao nguyên du dương bên hồ đẹp, bên núi lãng đãng sương mù. Đất trời, tạo hóa ban cho Đà Lạt món quà thiên nhiên vô giá, các loài hoa đẹp rực rỡ, tỏa hương sắc cùng đất trời, lòng người. Những người con của cao nguyên ngàn hoa giàu ý chí và nghị lực, hào sảng và quyết tâm, giàu khát vọng, làm giàu bằng nội lực quê hương, đất nước.

Hải Vân

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top