Tản mạn bút danh
20:00 17/04/2017
- Đời & Nghề
Trong hoạt động nghề báo, nhất là đối với các phóng
viên, biên tập viên, họa sĩ trình bày, thường có bút danh,
thậm chí biệt danh. Bút danh được ghi theo tác phẩm với
tư cách tác giả, được quảng bá rộng rãi và được công
chúng biết đến. Còn biệt danh chỉ gắn với cuộc sống
thường nhật trong phạm vi nhỏ hẹp, lúc có lúc không, có
người biết và cũng có người không biết...
Ảnh minh họa
Chuyến đi đáng nhớ
Tháng 7/1977, tôi từ miền Bắc chuyển vào làm phóng viên báo Gia Lai - Kon Tum. Tôi làm báo, trong người có chút ít phẩm chất nghệ sĩ, thường vừa viết tin, bài phản ánh, vừa làm thơ, viết ký, thậm chí cả truyện ngắn. Với cái máy ảnh Canon cũ kỹ, cây bút bơm mực, quyển sổ, tập giấy viết trong ba lô, tôi rong ruổi khắp nơi, khi ở nông trường cao su, khi vào buôn làng, khi lang thang trong rừng sâu, vừa đi vừa ghi chép, vừa viết. Với thế mạnh viết phóng sự, có thể đăng nhiều kỳ, bởi vậy đăng số nào cũng được.
Mỗi khi đi công tác, tôi thường mang theo một túi bắp rang, một gói thuốc tây và ít nhất là 20 chiếc bánh mì. bắp rang thì vừa đi vừa ăn. Thuốc tây thì tôi dành để giúp người dân trị bệnh thông thường. Còn bánh mì thì tôi dành để ăn góp. Vào buôn làng, gặp bữa ăn nhà dân, tôi mang bánh mì vào góp ăn chung. Bánh mì là món ngon nên từ trưởng bản, già làng đến trẻ em, từ con trai đến con gái đều thích. Vừa ăn, tôi vừa hỏi chuyện vừa tìm hiểu phong tục tập quán và học tiếng của đồng bào.
Tôi thường nghe các già làng hát kể khan, ghi chép lại rồi viết thành bài đăng báo. Có nhiều đêm, trong ánh lửa bập bùng, tôi ngồi cùng bà con kể chuyện về Đảng, về bác Hồ, về những công việc mà Đảng, chính quyền đang làm để nâng cao đời sống cho nhân dân. Rồi tôi làm thơ đọc cho bà con nghe. Cái túi thuốc tây cũng trở nên quan trọng.
Một lần tôi về làng Plây Oi, huyện A Yun Pa. gần trưa, vừa đến đầu làng, tôi thấy một cây gỗ chắn đường và có dấu hiệu cấm người lạ vào làng. Hỏi ra mới biết, trong làng có một người sắp bị “ma bắt”, thầy mo (thầy cúng) đang cúng đuổi ma. Tôi tìm cách hỏi người sắp bị “ma bắt” như thế nào, nhận được thông tin đó là một em bé gái mười hai tuổi bị tiêu chảy đã hai ngày nhưng vì mê tín người nhà không đưa đi bệnh viện và không dùng thuốc chữa. Trong trường hợp này, cứ 10 người thì may ra mới có 1 người sống. Bởi thế, khi làm lễ cúng đuổi ma, người ta cũng chuẩn bị luôn lễ chôn cất người bệnh khi qua đời. Tuy cấm người lạ, nhưng khi biết tin Thiềng “bánh mì” đến, người làng cũng cho vào.
Khi tôi đến, cháu Rơ Chăm H’nhi (tên cháu gái bị bệnh) đã gần kiệt sức. biết cháu mắc bệnh tiêu chảy, tôi liền lấy thuốc béc-be-rin là loại thuốc đặc trị loại bệnh này cho uống một liều. ngay sau đó, bệnh của cháu thuyên giảm. Tôi trực bên cháu H’nhi suốt buổi chiều cho đến hết ngày hôm sau. Trong hơn một ngày đó, tôi vừa hỏi chuyện vừa hướng dẫn người dân biết cách ăn ở vệ sinh và đặc biệt là biết cách dùng thuốc chữa bệnh, không tin vào thầy cúng và những điều mê tín dị đoan. Sau kỳ tích chữa bệnh đó, tôi liền được bạn bè, đồng nghiệp tặng luôn cho biệt danh Khăm Tày.
Và nghiệp báo
Năm 1978, tình hình biên giới Việt nam - Campuchia khá phức tạp. Lính Khmer Đỏ từ phía Campuchia thường sang quậy phá và bọn phản động Ful-rô ở trong nước cũng thường xuyên phục kích bắn giết cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Tháng 8/1978, tôi được cơ quan cử tham gia đoàn công tác của tỉnh về huyện Chư Prông làm nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh chống địch xâm nhập và giải quyết vấn đề Ful-rô.
Hôm ấy là ngày 17/8, buổi sáng họp, tôi cùng anh Huy - Phó Văn phòng Huyện ủy được phân công về xã Ya Lâu.
Anh Huy khoác ba lô đi trước. Tôi khoác ba lô đi sau. Vừa đi vừa nói chuyện. Hôm ấy, tôi mang theo khẩu súng K54 chứa một băng đạn. Khẩu súng này là của anh Đỗ Quốc Phòng, bộ đội chuyển ngành, Trưởng phòng Hành chính báo Gia Lai - Kon Tum cho mượn. Chúng tôi từ Lệ Ngọc, thị trấn huyện về nhà anh Huy ở làng Đoàn Kết, xã Ya Boòng để anh Huy lấy thêm đồ dùng, sau đó đi tiếp. Đi bộ khoảng 5 giờ đồng hồ, qua đèo, qua dốc, đường trơn, dốc cao, người tôi thấm mệt, có lúc rã rời, chân muốn khuỵu xuống.
Hai bên đường đi, rừng cây rậm rạp, tiếng chim rừng khoan nhặt, véo von hòa tiếng gió rừng, tiếng thác đổ âm vang, u tịch. lúc ấy, vào khoảng 7 giờ tối, mưa tạnh, trăng lên, vừa đến chân dốc thì anh Huy lên cơn sốt, bảo tôi nghỉ lại. Hai anh em vào một chòi rẫy của dân. Tôi đưa anh Huy lên chòi rồi mở ba lô lấy mền đắp cho anh. Người anh nóng hầm hập. Anh Huy nắm tay tôi run rẩy: “Em à, chỗ này, cách đây mười ngày, bọn Pôn Pốt phục kích bắn chết người đó. Em phải cẩn thận”. Tôi để anh Huy nằm đó, rồi cầm khẩu K54 dò dẫm lên dốc, vừa đi vừa thận trọng quan sát.
Lên gần đỉnh dốc, tôi nhìn thấy một bóng người lom khom bên đường. Tôi đoán rằng đó là một tên lính Pôn Pốt đang phục kích, liền nấp sau gốc cây, chĩa súng về bóng người đó. Tôi định bụng hô ba tiếng: “một, hai, ba”, nếu sau ba tiếng hô mà người đó không bỏ đi sẽ bắn. Nhưng vừa hô: “một”, lập tức có tiếng hổ gầm, rồi ào một cái, con hổ lao xuống vực sâu, tôi hốt hoảng lia ngay một băng đến nỗi hết cả đạn. Lúc ấy, thần hồn nát thần tính thế nào không rõ, tôi trượt chân, ngã lăn xuống chân dốc.
Vừa lồm cồm ngồi dậy, tôi thấy ánh đèn pin, chưa nhận ra ai thì một người đã chộp lấy cổ tôi lôi lên và mấy họng súng chĩa vào người. Họ tước luôn súng, trói quặt tay tôi về phía sau, lôi đi như lôi con dê. Anh Huy đang sốt mê man cũng bị họ lôi đi. Tôi tưởng mình bị bọn Pôn Pốt bắt sống và đưa đi hành hình. Bọn Pôn Pốt thường hành hình bằng các hình thức dã man thời trung cổ. Tôi bước thấp bước cao, biết mình không thể trốn thoát nên định liều nhảy xuống vực, nhưng hễ tôi định nhảy xuống thì họ lại lôi lên.
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, tôi bỗng thấy phía trước mặt có một dãy nhà còn sáng ánh đèn, một lá cờ bay phần phật trên cột cao giữa sân. Hóa ra đó là trụ sở Ủy ban xã Ya Lâu. Có tiếng người nói bằng tiếng phổ thông: “Ai đó?”. “Báo cáo đồng chí! Chúng tôi bắt được hai tên vượt biên. Một tên có súng” - một người dắt giải tôi lên tiếng. Nghe nói vậy, mấy người trong nhà chạy ra.
Một người nhìn thấy anh Huy đang nằm dưới đất liền kêu lên: “Thôi chết rồi, đây là anh Huy, Phó Văn phòng Huyện ủy. Các cậu bắt nhầm người rồi. Còn đồng chí này là đồng chí nhà báo. Họ đâu phải là người vượt biên!”. Tôi chỉ nghe được mấy câu như vậy rồi tự nhiên ngất lịm, không biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy, đã thấy mình đang nằm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh ở Plei Ku. Các bác sĩ bảo tôi bị sốt rét ác tính, mẫu xét nghiệm ở mức can xi 3+, tức là ở mức nghiêm trọng. Sau khi qua cơn hiểm nghèo, tôi mới biết mình và anh Huy được các đồng chí bộ đội biên phòng dùng xe ô tô đưa về bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Trong cuộc đời làm báo, trải nghiệm ở nhiều thể loại từ phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, ký sự đăng báo Gia Lai - Kon Tum, báo Nhân Dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến tiểu thuyết vốn là thể loại văn học “khó nhằn” nhất, tôi luôn tự hào với những bút danh nhưng cũng tự hào với những biệt danh mà công chúng và đồng nghiệp đã vì quý mến mà tặng cho./.
Lê Văn Thiềng
Bình luận: 0