Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, địa phương

Trong những năm qua, báo chí nước ta phát triển cả về số lượng, chất lượng, làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của Nhân dân.

Báo chí về cơ bản đã hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng, tuyên truyền kịp thời việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới... Nhiều cơ quan báo chí chủ động trong sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tuy nhiên các cơ quan báo chí gặp phải khó khăn, vướng mắc…

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, địa phương

Từ kết quả chung

Đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo (trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử), 612 tạp chí (trung ương 520, địa phương 92; 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Số lượng tạp chí chiếm hơn 2/3 cơ quan báo chí (khoảng hơn 70%). Báo chí của Đảng nói chung và của các ban Đảng Trung ương nói riêng tuy có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, xã hội, nhưng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ về số lượng đầu báo cũng như số lượng biên chế. Khối báo chí thuộc Trung ương có 4 báo và 19 tạp chí, trong đó các ban Đảng Trung ương, Ban Chỉ đạo và Hội đồng Trung ương (dưới đây gọi chung là các ban Đảng Trung ương) có 1 báo (báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) và 8 tạp chí (1). Các cơ quan báo, tạp chí ở Trung ương, nhất là tạp chí các ban Đảng ra đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của các ban của Đảng. Các tờ báo, tạp chí khối Đảng ở trung ương và báo Đảng địa phương đều có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng gắn kết, tạo thành hệ thống cơ quan ngôn luận, phục vụ tuyên truyền, nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và diễn đàn của nhân dân. 

Các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương có mô hình tổ chức tòa soạn cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; tạp chí các ban Đảng ở Trung ương mô hình tổ chức cơ bản thống nhất. Một số tạp chí đã mở rộng phát triển, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, văn phòng đại diện ở miền Trung, miền Nam làm đầu mối thu nhận thông tin, tăng cường năng lực phát hành. Các báo Đảng địa phương có tổ chức bộ máy, biên chế theo Quy định số 338-QĐ/TW (2). Chất lượng một số tạp chí có chuyển biến rõ rệt; nội dung khởi sắc, bám sát các vấn đề thời sự, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; đi thẳng vào vấn đề bạn đọc quan tâm, hạn chế dần lối viết kinh viện, xa rời thực tiễn. Một số tạp chí đã có bước đổi mới mạnh mẽ về hình thức, thu hút bạn đọc, có số lượng phát hành lớn. Các phiên bản điện tử đạt mức truy cập khá cao so với mặt bằng chung của các tạp chí điện tử hiện nay.

Hiện nay, các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương có trụ sở làm việc tương đối ổn định, được trang bị phương tiện cơ bản phục vụ tác nghiệp. Một số cơ quan báo chí khi chuyển sang mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu riêng, tài khoản riêng, đã vươn lên, từng bước phát triển, giảm bớt chi phí cho ngân sách và cải thiện đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khẳng định vai trò của mình, góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng Đảng.

Khó khăn, vướng mắc và vấn đề đặt ra

Thời gian qua hoạt động báo chí ở nước ta còn có một số hạn chế như nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về nội dung, đối tượng phục vụ. Trong hoạt động báo chí vẫn còn hiện tượng thông tin thiếu chọn lọc, nội dung tin bài giật gân, câu khách; có một số báo điện tử, kênh chương trình phát thanh, truyền hình... bị tư nhân chi phối đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Có một số phóng viên vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật. Công tác quy hoạch hệ thống báo chí, kế hoạch phát triển và quản lý còn khó khăn. 

Trong Quyết định số 362-QĐ/TTg (3)  năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 26-KL/TƯ (4) của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan báo chí theo hướng truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gặp khó khăn: Đối với các cơ quan báo, tạp chí ở Trung ương, khi sắp xếp có mô hình, cơ chế tài chính khác nhau khi hợp thành 01 cơ quan rất khó khăn về quy trình, thủ tục; không giữ được thương hiệu của tên gọi, tên miền của loại hình báo điện tử, tên miền độc lập của chuyên trang; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ chưa đồng bộ; hoạt động chưa thống nhất sau sắp xếp và có sự ảnh hưởng lớncủa đại dịch covid-19. Một số cơ quan báo chí đã thực hiện việc sắp xếp nhưng chỉ mang tính cơ học. Còn tạp chí ban đảng Trung ương đến nay còn đang nghiên cứu, chưa thực hiện sắp xếp, kiện toàn. Đối với hệ thống báo Đảng địa phương, tổ chức, hoạt động theo mô hình truyền thông đa phương tiện chưa có trong quy định của pháp luật về báo chí hiện hành, do vậy, chưa có sự thống nhất về tên gọi, cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, hoạt động tài chính... Hiện nay, có hai địa phương hợp nhất các cơ quan báo chí tỉnh, trong đó với tỉnh Quảng Ninh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh (trực thuộc Tỉnh ủy) sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương. Với tỉnh Bình Phước thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập cơ quan Báo – Đài PTTH Bình Phước (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước). 

Ngày nay, công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất, theo đó báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Sự hội tụ công nghệ và dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số đang dẫn đến sự hội tụ hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình với hạ tầng mạng viễn thông, xu hướng các đài tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình trong khi phần truyền dẫn, phát sóng sử dụng chung với hạ tầng mạng viễn thông. Và việc sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là hệ thống cơ quan báo chí khối Đảng là một xu hướng tất yếu và đặt ra các vấn đề: (1) Thống nhất nhận thức, quan điểm, cách tiếp cận về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan báo chí về mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. (2) Hoạt động báo chí theo phương thức “tòa soạn hội tụ đa phương tiện” đòi hỏi “một người làm được nhiều việc”, sau khi sáp nhập cần có thời gian, lộ trình hợp lý để đào tạo, đào tạo lại, tổ chức lại lực lượng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực để bảo đảm thích ứng với công nghệ làm báo hiện đại. (3) Cơ chế tài chính, lao động, tiền lương; cần có sự đầu tư mang tính quy mô, tính tổng thể về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. (4) Văn bản luật và dưới luật về báo chí chưa bao quát hết xu hướng báo chí đa phương tiện; xu hướng báo chí công nghệ; xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Và một số kiến nghị

Xây dựng các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương đủ tầm là cơ quan ngôn luận của Đảng, các ban Đảng Trung ương, đảng bộ địa phương là góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, dư luận xã hội, hướng dẫn nghiệp vụ công tác và là cầu nối thông tin giữa, chính quyền với nhân dân. Để mỗi tờ báo, tạp chí của Đảng tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm tính định hướng, tính chiến đấu, tính khoa học và tính hấp dẫn yêu cầu cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí cũng chuyên nghiệp, khoa học, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. 

Do đó, kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển; rà soát cấp lại giấy phép hoạt động báo chí theo nội dung Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đặc biệt đối với các tạp chí để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành. Để củng cố dòng chảy chính thông tin, giữ thế chủ động trong công tác thông tin, truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xác định nhóm cơ quan báo chí có ảnh hưởng tác động xã hội để báo cáo cấp có thẩm quyền có chính sách đặt hàng phục vụ mục tiêu quốc gia. 

Đề nghị cấp có thẩm quyền cho định hướng về cơ cấu bộ máy, cơ chế tài chính phù hợp mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện để tránh việc xây dựng đề án không thống nhất, không gắn kết thành một hệ thống gây lãng phí, không hiệu quả. Tăng cường hướng dẫn hoạt động báo chí, nhất là trong lĩnh vực phát thanh – truyền hình, báo điện tử; xây dựng bộ đơn giá mới phát thanh – truyền hình hình phù hợp với sự thay đổi về mô hình, tác nghiệp báo chí mới làm cơ sở cấp địa phương xây dựng cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công.

Cấp có thẩm quyền cho ý kiến, có văn bản hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức và tên gọi của cơ quan báo chí đối với những địa phương hợp nhất các cơ quan báo chí trực thuộc. Nên gọi là “Trung tâm báo chí -truyền thông tỉnh A” sẽ phù hợp hơn, vì vừa ngắn gọn, vừa giữ được cốt lõi ‘báo chí”. Đồng thời, cho ý kiến về việc có nên nhân rộng mô hình tổ hợp báo chí của Bình Phước, Quảng Ninh để có thể thực hiện ở các địa phương khác. Các cơ quan báo chí ở địa phương, sau tích hợp nên được chuyển về trực thuộc Tỉnh ủy sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện đối với cơ quan báo chí địa phương, từ đó sẽ góp phần bảo đảm cho báo chí định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội một cách ưu việt, hiệu quả hơn. 

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho các cơ quan báo chí để giảm gánh nặng cho báo chí, giúp báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, tạo ra nguồn kinh phí tái đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, tuyên truyền về định mức sử dụng phương tiện phục vụ hoạt động tác nghiệp đối với hoạt động báo chí đặc thù, nhất là hoạt động phát thanh – truyền hình. 

Việc sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là hệ thống cơ quan báo chí khối Đảng đang đặt ra những vấn đề cần thiết, và cấp thiết. Do đó, các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương hướng tới xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện làm nòng cốt, tham gia định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, in-tơ-nét, đáp ứng yêu cầu chung về công tác xây dựng Đảng. Việc kiện toàn, sắp xếp phải đảm bảo khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích để nâng cao phát triển./.

Trần Thu Thủy

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top