Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp từ môi trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp

18:34 15/12/2016 - Văn hóa xã hội
Hiện nay, hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo có chiều hướng gia tăng, gây sụt giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Triển lãm ảnh báo chí của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: PV

Có nhiều nguyên nhân tác động, nhưng chủ yếu vẫn bắt đầu từ việc học tập và rèn luyện nghề nghiệp của nhà báo.

Gốc rễ sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

Một thực tế là số nhà báo được đào tạo bài bản, năng lực tác nghiệp chuyên nghiệp hầu hết đầu quân cho những cơ quan báo chí có uy tín, kể cả các cơ quan báo chí của nước ngoài thường trú tại Việt Nam như BBC, Reuters, CNN, Tân Hoa Xã... Những cơ quan báo chí sử dụng đội ngũ nhà báo được đào tạo chuyên nghiệp thường ít phải xử lý các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp do phóng viên của mình gây ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều toà soạn tuyển chọn phóng viên theo cách riêng, nhất là tiếp nhận đại trà những người có khiếu về khả năng xử lý tình huống, nắm vững kỹ thuật - công nghệ mới hoặc có kỹ năng trong thương mại về làm việc, rồi tự huấn luyện, không cần đến môi trường đào tạo nghề báo chuyên nghiệp. Đôi khi, ngay chính cả bộ máy lãnh đạo cơ quan và phóng viên báo chí đều vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà cơ quan chủ quản cũng không hay.

Lý do lớn nhất là công cụ truyền thông quan trọng đã bị trao nhầm vào tay của những người không được trang bị tri thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp chuyên nghiệp. Họ đã mượn danh báo chí để kiếm chác, vi phạm pháp luật và đạo đức của nghề.

Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp từ môi trường đào tạo

Hiện nay, tất cả các cơ sở đào tạo đều đưa môn học liên quan đến đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy. Ngay tại Hội Nhà báo Việt Nam, các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ cũng đều lồng ghép tập huấn những vấn đề đạo đức nghề nghiệp liên quan đến các kỹ năng tác nghiệp báo chí. Do đó, những người được đào tạo nghề, dù chính quy hay bồi dưỡng cũng đều được cung cấp các kiến thức nền tảng về tri thức, kỹ năng, pháp luật và đạo đức nghề nghiệp báo chí.

Tại các khoa đào tạo về báo chí - truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, “Pháp luật và đạo đức báo chí” là môn học cơ sở ngành bắt buộc, với nhiều tín chỉ học tập. Về nền tảng kiến thức pháp luật, sinh viên báo chí - truyền thông được trang bị trong môn học “Pháp luật đại cương” theo quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kiến thức pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng là cơ sở nền tảng để sinh viên vận dụng, đối chiếu trong quá trình học và hành nghề cũng như tác nghiệp thực tế sau khi tốt nghiệp. Các giờ học về luật pháp và đạo đức báo chí không phải là những điều luật khô khan, đơn điệu. Sinh viên được thảo luận, phân tích nhiều tình huống thực tiễn về pháp luật và đạo đức báo chí.

Những ví dụ, số liệu thống kê thực tiễn hoạt động báo chí sôi động hằng tháng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam được giảng viên, sinh viên cập nhật trong từng bài học cụ thể. Vì vậy, đã thu hẹp được khoảng cách giữa giảng đường và thực tế sôi động của đời sống báo chí.

Bên cạnh các môn học riêng về luật pháp và đạo đức nghề nghiệp, sinh viên báo chí - truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn được trang bị những kiến thức luật pháp và đạo đức lồng ghép trong từng môn học cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành cụ thể.

Đối với các môn sáng tạo các thể loại tác phẩm và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông, mỗi bước trong quy trình tác nghiệp, vấn đề đạo đức nghề nghiệp đều được giảng viên và sinh viên nêu theo tình huống và phân tích, thảo luận, đặt ra các yêu cầu chuẩn mực tác nghiệp trong thực hành sáng tạo của sinh viên.

Cũng chính nhờ sự trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí chuyên nghiệp ngay từ giảng đường, nên sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều nhận thức tốt, không vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong các kỳ thực tập nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông. Ngay cả sau khi tốt nghiệp, làm nghề ổn định tại các toà soạn báo, cơ sở truyền thông, hầu như không có trường hợp sinh viên được đào tạo từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Với con số hơn 10.000 nhà báo và những người làm truyền thông tốt nghiệp từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang hành nghề, tỷ lệ vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp chỉ rất nhỏ và không nghiêm trọng. Điều này chứng minh cho việc để hạn chế vi phạm đạo đức nghề nghiệp, các nhà báo cần phải được đào tạo chuyên nghiệp.

Tóm lại, giáo dục tri thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp chuyên nghiệp cho những người làm báo là quan trọng. Đó là nền tảng vững chắc để hoạt động báo chí bớt dần những vi phạm, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với nghề báo, nhà báo./.

PGS,TS Hà Huy Phượng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.