Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Quyền tự bảo vệ của nhà báo

21:22 18/04/2017 - Pháp luật
Nhiều người thừa nhận, làm báo là một nghề vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách và nguy hiểm. Từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2016 xảy ra liên tiếp nhiều vụ cản trở hành hung phóng viên báo chí, trong đó có một số vụ khá nghiêm trọng. Những hành vi “côn đồ” trái pháp luật đó xâm hại nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của công chúng...

Chuẩn bị cho quá trình tác nghiệp giúp các nhà báo tự tin khi hành nghề và bảo đảm sự tác nghiệp là đúng pháp luật. Ảnh minh họa

“Dậy sóng” từ clip

Tháng 10/2016, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài ghi lại lời được cho là của ông Nguyễn Minh Mẫn (Quyền vụ trưởng vụ 3 - Thanh tra Chính phủ) phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. HCM và các trường đại học trực thuộc vào cuối tháng 9/2016, trong đó có nhiều lời lẽ mang tính xúc phạm nhà báo: “... bất kỳ thành viên đoàn thanh tra nào, kể cả từ trưởng đoàn thanh tra mà tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật... Không có dại gì mà đi “cởi áo cho người xem lưng”... nên tôi đề nghị tất cả các thông tin báo chí, kể cả quá trình các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng và tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp Tết... Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào mà quấy nhiễu các đồng chí thì các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi. Tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi nhà báo đó ngay, chứ tôi chả ngại gì. bởi vì trong quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục. Nên các đồng chí phải khắc phục ngay từ đầu không tiếp đoàn nào cả...”.

Trong những vụ việc nêu trên, mặc dù các nhà báo tác nghiệp theo nhiệm vụ được phân công và tác nghiệp đúng pháp luật, nhưng nhìn chung các nhà báo vì quá say mê tác nghiệp mà đã quên nhiệm vụ tự bảo vệ bản thân và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để quá trình tác nghiệp được thực hiện an toàn, hiệu quả.

Thời gian gần đây, một số hội thảo khoa học về chủ đề bảo vệ quyền hoạt động nghiệp vụ của nhà báo đã được tổ chức. Các nhà quản lý, lãnh đạo báo chí đã lên tiếng, nhiều nhà báo bày tỏ quan điểm của cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt cư dân mạng đã tham góp nhiều ý kiến khác nhau thể hiện sự quan tâm của mình đến một hiện tượng xã hội.

Câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ bảo vệ nhà báo? Và đã có nhiều câu trả lời khác nhau: Luật pháp bảo vệ nhà báo, chính quyền bảo vệ nhà báo, cơ quan chủ quản tòa soạn báo sẽ bảo vệ nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí bảo vệ nhà báo...

Hãy tự bảo vệ khi tác nghiệp

Có thể nói, trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường để có thông tin về vụ việc, nhà báo sẽ gặp rất nhiều tình huống phát sinh ngoài mong muốn, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của bản thân. Những tình huống phát sinh này thường xảy ra khi nhà báo thực hiện việc ghi âm, chụp ảnh, ghi hình những hiện tượng tiêu cực để thực hiện tác phẩm báo chí điều tra về các mặt chính trị, văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh, môi trường... Những tình huống bị cản trở, gây khó khăn, nguy hiểm mà nhà báo sẽ gặp phải trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường có thể là:

- Nhà báo bị mua chuộc bằng tiền hoặc tình cảm.

- Nhà báo hoặc người thân trong gia đình bị khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức thông qua tin nhắn đe dọa, ném chất thải vào nhà, gửi vòng hoa viếng hoặc áo quan đến nơi cư trú.

- Nhà báo bị cài bẫy.

- Nhà báo bị bắt giữ trái pháp luật...

- Nhà báo bị cản trở bằng nhiều cách để không được tiếp cận thông tin.

- Nhà báo bị tịch thu phương tiện hành nghề (máy ảnh, camera, máy ghi âm...).

- Nhà báo bị chửi bới, lăng mạ, đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua tin nhắn, một người thứ ba...).

- Nhà báo bị hành hung, đánh đập gây thương tích.

- Nhà báo bị vu khống tinh vi và trắng trợn gây ra sự hiểu lầm của công chúng, sự nghi ngờ của lãnh đạo.

Nguyên nhân của những hiện tượng trên có thể đa dạng, khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng tựu chung lại là do nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Nên đối tượng bị điều tra vì muốn che giấu, bưng bít thông tin tiêu cực, hoặc vì không hiểu biết pháp luật sẽ tìm cách chống lại.

Mặt khác, cũng có những nguyên nhân từ phía các nhà báo do chưa có kinh nghiệm khi tác nghiệp tại hiện trường, và cũng có trường hợp do nhà báo không nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành nên có thái độ và cách tác nghiệp để tiếp cận nguồn tin một cách thiếu tính chuyên nghiệp khiến đối tượng bị điều tra bức xúc dẫn đến việc cố tình cản trở hoặc là mua chuộc dụ dỗ để nhà báo không đưa thông tin tiêu cực ra trước công luận, thậm chí đối tượng sẵn sàng đe dọa, hành hung, gây áp lực với nhà báo.

Làm báo là một nghề vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách và nguy hiểm. Ảnh minh họa

Đi tìm giải pháp

Trong khuôn khổ của luật pháp, ở một chừng mực nhất định, nhà báo có thể tự bảo vệ mình khi tiến hành hoạt động nghiệp vụ thu thập thông tin phục vụ cho công tác chuyên môn do lãnh đạo các tòa soạn phân công. Quá trình tự bảo vệ đó có thể được chia ra thành 3 giai đoạn của quá trình tác nghiệp.

Chuẩn bị cho quá trình tác nghiệp

Đây là một giai đoạn rất cần thiết và quan trọng, giúp các nhà báo tự tin khi hành nghề và bảo đảm sự tác nghiệp là đúng pháp luật. muốn vậy, nhà báo cần thực hiện những công việc cụ thể theo các bước:

Xác định phạm vi, nội dung, đối tượng tác nghiệp và báo cáo với lãnh đạo tòa báo xin ý kiến chỉ đạo: Đây là bước hình thành ý tưởng, lên kế hoạch cụ thể để triển khai công việc. Ở bước này, nhà báo (hoặc nhóm phóng viên, nhà báo) cần phải tìm hiểu tình hình ở nơi mình sẽ tác nghiệp và lên các phương án, các tình huống có thể xảy ra để đưa ra cách ứng phó phù hợp. Trong một số trường hợp khẩn cấp, phải tiếp cận hiện trường ngay lập tức, nhà báo cũng phải tìm kiếm thông tin (trực tiếp hoặc gián tiếp) về đặc điểm của vụ việc đã và đang xảy ra để tìm ra cách vào cuộc nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Chuẩn bị: luôn luôn phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp cần thiết khi tác nghiệp như: thẻ nhà báo, giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân. những giấy tờ hợp pháp này khẳng định tư cách và trách nhiệm của nhà báo, chứng tỏ nhà báo tác nghiệp có tổ chức, đúng pháp luật.

Liên hệ với chính quyền địa phương: Trong điều kiện cho phép, kể cả ở trường hợp cần phải giữ bí mật, bất ngờ phục vụ công tác nghiệp vụ đạt kết quả, nhà báo cũng cần phải liên hệ với chính quyền địa phương nơi mình sẽ đến tác nghiệp để báo cáo và xin hỗ trợ khi cần thiết. nhà báo không nên đến hiện trường một cách đơn độc và liều lĩnh.

Tác nghiệp tại hiện trường

Đây là giai đoạn quan trọng, bởi vì mọi “sự cố” đến với nhà báo thường là xảy ra ở giai đoạn này.

Xuất trình thẻ nhà báo: Khi đến hiện trường tác nghiệp, nhà báo phải xuất trình thẻ nhà báo và những giấy tờ cần thiết cho nhà chức trách ở địa bàn tác nghiệp (chính quyền, công an, bảo vệ...) và đề nghị sự hướng dẫn, giúp đỡ của những người có trách nhiệm tại địa bàn (nếu có).

Đây là một việc làm cần thiết để chứng minh rằng hoạt động nghiệp vụ của nhà báo là đúng pháp luật, đồng thời nhà báo cũng nhanh chóng nắm bắt những yêu cầu của nhà chức trách đối với từng vụ việc cụ thể để chấp hành đúng và bảo đảm tác nghiệp trong môi trường công khai, dựa trên hành lang pháp lý minh bạch. Nhà báo không nên vì quá say mê nghiệp vụ mà tự ý tiếp cận hiện trường một cách tùy tiện.

Tiến hành thu thập thông tin: nhà báo (nhóm phóng viên báo chí) tiến hành thu thập thông tin bằng các loại máy móc công khai hoặc bí mật tùy theo đặc điểm, tình hình của hiện trường nơi tác nghiệp.

Khi gặp tình huống bị cản trở tác nghiệp

Trong trường hợp nhà báo bị đe dọa, hành hung, tấn công tại hiện trường nơi tác nghiệp cần phải có cách ứng phó kịp thời.

Bình tĩnh tìm cách thoát khỏi nguy hiểm: nếu nhà báo bị đe dọa bằng lời nói hoặc bằng những hành vi hung hăng của một vài người trong cuộc, cần nhanh chóng tìm cách tránh xa nhóm người hung hãn đó, không nên thách thức hoặc đối đầu với họ, đồng thời cố gắng ghi lại những âm thanh, hình ảnh của những kẻ quá khích kia dùng làm tư liệu khi cần thiết.

Trình báo các cơ quan chức năng: Nhà báo không nên im lặng sau khi bị cản trở, hành hung, tấn công mà cần phải nhanh chóng thông tin báo cáo lãnh đạo tòa báo, Hội nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí; Đồng thời có thể tiến hành tố cáo những cá nhân và tổ chức cản trở, hành hung với các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

Thực tế trong nhiều năm qua, ở nước ta có rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bị phát hiện, lên án là nhờ sự đóng góp to lớn của nhà báo và các cơ quan báo chí. những chiến công mà báo chí đạt được là nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và đặc biệt là sự cổ vũ, động viên của công chúng.

Cuộc đấu tranh nào cũng có xảy ra tổn thất, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và bảo vệ nhân dân góp phần đưa đất nước phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến nhất định. Chúng ta tự hào về những thành tích đó, nhưng mỗi nhà báo cũng cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt và không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp để bớt đi những tổn thất về tinh thần và vật chất khi hoạt động nghiệp vụ nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho./.

ThS. Phạm Ngọc Thông

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.