Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Ngày 27/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Luật được thông qua gồm 7 chương với 86 điều, quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Luật quy định nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cụ thể như: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của nhà nước. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó nội lực là yếu tố quyết định. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.

Cơ cấu tổ chức bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Gắn kết chặt chẽ và phát huy tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh...

 Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chính sách của nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định của luật là: Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...

Trước khi thông qua luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định "Trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này"; đồng thời, sắp xếp lại các điểm của khoản này cho phù hợp như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về ý kiến đề nghị bổ sung việc Chính phủ quy định việc phân bổ quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; định kỳ hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung từ "phân bổ" trước từ "quản lý" tại khoản 4. 

Về động viên công nghiệp (Chương III), qua rà soát, UBTVQH đã bỏ khoản 1 Điều 51 (Điều 52 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trích và sử dụng tiền khấu hao bồi thường tổn thất, quản lý, sử dụng, thu hồi đối với trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ giao cho cơ sở công nghiệp động viên tại khoản 3 (Điều 52 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua).

Quy định cụ thể việc quản lý sản phẩm động viên công nghiệp, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao tại khoản 4 Điều 53 (Điều 54 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); bổ sung 1 khoản (khoản 10) quy định về phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp, chuyển khoản 2 lên thành khoản 4 Điều 57 (dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua) và sắp xếp lại các khoản tại Điều 58 (Điều 59 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật tại khoản 2 Điều 59 (Điều 60 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua). Đồng thời, chỉnh lý, sắp xếp các điều khác trong Chương này bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, khả thi...

Ngoài ra, liên quan đến quy định về đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 27), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ: Quy định về đất quốc phòng, an ninh đã được xác định rõ tại Luật Đất đai; dự thảo luật xác định đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là đất quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai nhằm dẫn chiếu và áp dụng các tiêu chí của Luật Đất đai, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật đã được chỉnh lý cụ thể như sau: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt”.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top