Quản lý thông điệp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên báo mạng điện tử

09:39 16/11/2021 - Tác nghiệp
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng điện tử ở Việt Nam, các thông điệp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) ngày càng được phổ biến rộng rãi, công chúng được tiếp cận đa dạng, tiện lợi và nhanh hơn. Tuy nhiên, trong các thông điệp đó, đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu về thời lượng, khía cạnh tiếp cận; có một số nội dung chưa chính xác, kịp thời; hoặc có những vấn đề nêu mang tính kỹ thuật chuyên ngành, chuyên sâu khiến bạn đọc khó tiếp nhận.

Bài toán đặt ra là cần phải có phương pháp giải quyết kịp thời để các thông điệp về TCĐLCL đáp ứng nhu cầu của công tác quản lý và bạn đọc.

Thông điệp TCĐLCL trên báo mạng điện tử

Nền tảng cho hoạt động TCĐLCL hiện nay là hệ thống cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ từ rất sớm. Điển hình như, ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 8/SL thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét, là hệ đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới. Đây là văn bản luật pháp đầu tiên về đo lường của chính quyền cách mạng nước ta. Kể từ dấu ấn Sắc lệnh 8/SL năm 1950, đến năm 1990 Pháp lệnh Đo lường đã được ban hành. Sau đó, Pháp lệnh Đo lường được sửa đổi vào năm 1999 và đến Luật Đo lường năm 2011 – là những chính sách kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đo lường Việt Nam phát triển.

Cùng với Luật Đo lường, các luật như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá cùng các Nghị định và Thông tư quy định, hướng dẫn luật được ra đời, triển khai trên thực tế trở thành những trụ cột để hoạt động TCĐLCL có nền tảng, phát triển.

Kể từ thời điểm năm 1997, khi báo mạng điện tử xuất hiện ở Việt Nam, loại hình này đã góp phần lan tỏa rộng rãi các thông tin tới công chúng. Trong đó, các thông điệp về TCĐLCL gắn với thị trường, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và đời sống doanh nghiệp, người tiêu dùng... đã được báo mạng điện tử kịp thời cập nhật, đưa thông tin tới bạn đọc.

Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức hàng đầu khu vực và thế giới như ASEAN, WTO, APO, APEC; ký nhiều hiệp định thương mại như TPP, EVFTA, RCEP... các vấn đề liên quan đến lĩnh vực TCĐLCL như: rào cản kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, mã số mã vạch, năng suất chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất (5S, TPM, TQM, Lean, Kaizen...), hệ thống quản lý chất lượng (ISO), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), đo lường, hợp chuẩn, hợp quy, thử nghiệm, kiểm định... ngày càng là những vấn đề nóng, hấp dẫn, rất được công chúng và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tìm kiếm.

Mặc dù vậy, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tần suất xuất hiện các tin, bài như vậy trên báo mạng điện tử mới chỉ được coi trọng ở các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL. Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông bên ngoài, thời lượng và tần suất còn chưa nhiều, còn nghèo nàn, chưa sâu rộng, chưa đồng đều. Các nội dung đề cập đôi khi chung chung, một chiều; những thuật ngữ chuyên ngành lột tả chưa thoát nghĩa, giải thích chưa cặn kẽ khiến bạn đọc còn mơ hồ, khó hiểu. Chưa khơi dậy được tư duy đổi mới sáng tạo, phong trào áp dụng các tiêu chuẩn, chất lượng, hệ thống quản lý vào đời sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19 tại Tổng cục TCĐLCL

Vấn đề đặt ra

Qua khảo sát thực tế tại các báo điện tử: Công Thương, Tiền Phong, Dân Trí, thông điệp về TCĐLCL trên 3 báo điện tử này có sự phân hóa rõ rệt. Nguyên nhân của vấn đề này chính là nội dung của báo điện tử Công Thương liên quan nhiều và gắn liền với lĩnh vực TCĐLCL, trở thành một phần nội dung thuộc tôn chỉ mục đích của báo, là “đặc sản” phát hành tới bạn đọc.

Còn báo điện tử Dân Trí và Tiền Phong đối tượng bạn đọc lại tập trung vào đại đa số công chúng phổ cập, không chuyên biệt như báo điện tử Công Thương. Tôn chỉ mục đích của báo điện tử Dân Trí và Tiền Phong cũng có sự khác biệt giữa một bên là cơ quan báo chí thuộc Bộ Lao động Thương Binh và xã hội (trước đây báo điện tử Dân trí thuộc Hội khuyến học Việt Nam) đi sâu vấn đề xã hội dân sinh và một bên là cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lấy đối tượng phục vụ là đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ... Đồng thời, tin bài báo điện tử Dân Trí liên tục có những tin bài xuất hiện sớm nhất trên mạng Internet, còn báo điện tử Tiền Phong và điện tử Công Thương lại chậm hơn.

Thời gian qua, mặc dù đã chủ động trong các hoạt động thông tin, truyền thông về TCĐLCL trên các báo mạng điện tử, tuy nhiên công tác này gặp không ít hạn chế, tồn tại. Cụ thể là chưa dự đoán, dự báo được các vấn đề nhạy cảm liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành, nên còn bị động khi xảy ra các sự cố, khủng hoảng về truyền thông. Kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền về TCĐLCL còn eo hẹp, mới chỉ ưu tiên một phần cho các đơn vị trong ngành, chưa có nguồn lực để tăng cường hợp tác đầu tư ra bên ngoài. Đề tài khai thác còn nặng về tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách pháp luật; thiên về các vấn đề chuyên ngành nên thông tin khô khan, mang nặng các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật, gây khó khăn cho bạn đọc khi tiếp nhận thông tin.

Trong khi đó, các vấn đề về TCĐLCL đang ngày càng thiết thực, gắn sát với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường chất lượng, mã số, mã vạch, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa... Các hoạt động hợp tác quốc tế về TCĐLCL ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng.

Một số giải pháp, kiến nghị

Để quản lý và nâng cao hiệu quả của thông điệp TCĐLCL trên báo mạng điện tử hiện nay, TS Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho rằng: “Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam. Đứng trước làn sóng đó, cần thúc đẩy nghiên cứu, triển khai các giải pháp đổi mới hình thức, cách thức thể hiện tác phẩm báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin cùng các giải pháp công nghệ mới vào việc thể hiện nội dung báo chí. Mục tiêu là hướng tới việc thu hút đông đảo độc giả, giúp độc giả tiếp cận nhanh hơn, chính xác hơn, dễ dàng hơn với các tác phẩm báo chí viết về những đề tài mang tính thời sự, nhất là trong lĩnh vực TCĐLCL” .

Thứ nhất, đối với Tổng cục TCĐLCL, cần cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền hình nhanh chóng, kịp thời những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm, hiểu không đúng về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Vấn đề đặt ra đối với các nội dung tuyên truyền và cung cấp thông tin cần tập trung vào các nội dung: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có liên quan đến hoạt động của ngành TCĐLCL; Giới thiệu về Tổng cục, các đơn vị trực thuộc, các đơn vị liên quan ở địa phương (quá trình hình thành và phát triển, các thành tựu đạt được, chính sách và chủ trương định hướng phát triển trong tương lai, tổ chức bộ máy quản lý và điều hành...); Quan điểm và ý kiến chỉ đạo, giải quyết của lãnh TCĐLCL được dư luận báo chí và xã hội quan tâm; Tình hình và kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục; chương trình kế hoạch chiến lược phát triển của ngành TCĐLCL; chương trình kế hoạch hành động của Tổng cục; Các tin tức sự kiện nổi bật về các hoạt động của Tổng cục trong các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, công tác chuyên môn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hợp tác quốc tế...); Thông tin về các hội nghị, hội thảo, tập huấn và các hoạt động nổi bật của đoàn thể như Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh của Tổng cục...

Do đó, trong bối cảnh mới, các cơ quan quản lý cần bám sát tinh thần, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nhà nước về hoạt động TCĐLCL; Tuân thủ các quy định của luật Báo chí 2016, Luật tiếp cận thông tin 2016, quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quy chế cung cấp thông tin của Tổng cục TCĐLCL; Hằng năm trong quá trình lập kế hoạch triển khai, dự kiến các hoạt động diễn ra trong năm, cần đưa vào các chương trình hoạt động tuyên truyền, truyền thông cụ thể đối với các loại hình báo chí.

Thông qua đó thông tin tới các cơ quan báo chí trong ngành những sự kiện cần có sự tổ chức bài bản thông tin, cập nhật trước, trong, sau sự kiện; Dành một phần ngân sách đầu tư cho công tác thông tin, tuyên truyền của Tổng cục thường niên ở các báo. Tổ chức các chương trình tập huấn, hoặc họp báo giới thiệu các sự kiện trọng điểm trong năm sẽ diễn ra để các cơ quan báo chí tiện theo dõi, đưa tin; Đối với các cơ quan chức năng ngoài hệ thống, nhưng có các thông tin liên quan đến mảng hoạt động TCĐLCL, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin để việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí kịp thời nhưng cũng đầy đủ, chính xác .

Thứ hai, đối với cơ quan báo chí, truyền thông cần phân bổ lượng tin, bài về TCĐLCL hài hoà với các tin bài ở chuyên mục; dành dung lượng nhiều hơn cho các thông tin về TCĐLCL ở địa phương, doanh nghiệp; tăng cường các nhóm bài phân tích, đánh giá, tọa đàm và giao lưu trực tuyến, các bài dạng emagazine, infographics. Chủ động, thường xuyên theo sát các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN, TCĐLCL để cập nhật và phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác. Nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và phương pháp làm báo hiện đại, tích hợp công nghệ, phương tiện thiết bị để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Đặc biệt, đối với Tạp chí Chất lượng Việt Nam, tiếp tục duy trì thế mạnh là cơ quan ngôn luận của Tổng cục cung cấp thông tin mới nhất, chính xác nhất, hay nhất về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến với bạn đọc với ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu. Ngoài ra, Tạp chí cần có thêm những “đặc sản” riêng, có thể phối hợp với đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, trên cơ sở đó xây dựng các tuyến bài điều tra chuyên sâu cảnh báo người tiêu dùng và xã hội về sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn lưu thông trên thị trường…

Thứ ba, đối với các phóng viên, nhà báo phụ trách lĩnh vực này cần chủ động, thường xuyên bám sát các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN, TCĐLCL để cập nhật và phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác trên báo điện tử. Mặt khác nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và phương pháp làm báo hiện đại, tích hợp công nghệ, phương tiện thiết bị để nâng cao chất lượng tác phẩm. Một điều đặc biệt quan trọng là tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà báo, phóng viên có chuyên môn sâu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có khả năng kết nối, lan tỏa thông tin, đóng góp ý kiến đề xuất, phản biện, hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đưa hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tới gần hơn nữa với bạn đọc và xã hội.

Nguyễn Văn Nam

--

1. Cổng thông tin điện tử Tổng cục TCĐLCL, Giới thiệu chung, 20/05/2015
2. Cổng thông tin điện tử, Bộ TTTT, Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí, 02/10/2020
3. Cổng thông tin điện tử Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Liên tục đổi mới nội dung, đưa tin tức tiêu chuẩn đo lường chất lượng tới gần hơn với công chúng, 21/06/2021
4. Quyết định 1668/QĐ-TĐC ngày 18/10/2017, Ban hành quy chế tuyên truyền, phát ngôn và cung cấp thông tin của Tổng cục TCĐLCL

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top