Phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích (Phần 2)

19:39 10/04/2022 - Tác nghiệp
Tiếp tục  cuộc trò chuyện với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về các bài học, những bí kíp và trăn trở xung quanh chủ đề trên, sau hành trình hơn 25 năm cầm bút, đi nhiều quốc gia trên thế giới, xuất bản 31 cuốn sách (chuyên sâu về phóng sự, điều tra) và đoạt nhiều giải thưởng báo chí uy tín.

Các cá thể hổ nhỏ bị thu giữ tại Diễn Châu, Nghệ An, năm 2021, đến năm 2022, các đối tượng vi phạm đã bị tuyên án 18 năm tù giam

Lần này, là câu chuyện về nghệ thuật hóa trang, nhập vai, điều tra, đem hồ sơ vụ việc tố cáo lên cơ quan công an, chính quyền để thúc thẩy thực thi pháp luật. Qua đó, tạo hiệu ứng xã hội cho các tuyến bài dài kỳ, công phu. Trải nghiệm tâm đắc này được thể hiện thông qua xê-ri phóng sự điều tra “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng”, gồm hơn 50 tin, bài, với điệp vụ giải cứu 24 cá thể hổ và nhiều loài hoang dã quý hiếm khác - vụ việc được ghi nhận là lớn nhất trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam. Từ nguồn tin của nhà báo, cơ quan điều tra vào cuộc, nhiều đối tượng đã phải ra tòa với tổng mức án vài chục năm tù giam (tính đến tháng 3 năm 2022, sau đó, các phiên tòa vẫn tiếp tục được mở).

Cả rổ nanh và móng, vuốt hổ, sư tử được một đối tượng ở Đô Thành đem ra chào hàng phóng viên 

PHẦN 2: NHÀ BÁO LÀM "BÀ ĐỠ" CHO CÁC CHUYÊN ÁN "KỶ LỤC VIỆT NAM"

Như đã nói ở phần trước, người viết, với khát vọng làm điều có ích, tác phẩm của họ hoặc bản thân các hoạt động xã hội của chính họ, có nhiều cách để nỗ lực vì một cộng đồng tốt đẹp hơn. Đó có thể là hạt nhân nòng cốt cho một phong trào từ thiện, là lời hiệu triệu để cứu một hoặc cả cộng đồng gồm những bệnh nhân nghèo tận khổ. Đó có thể là việc hỗ trợ, cổ súy cho những sáng tạo mang tính khai trí và truyền cảm hứng về lẽ sống nhân ái.

Nhưng, một trong những điều mà phóng sự điều tra làm tốt nhất, có lẽ là việc “nó” chiến đấu vì những thứ hữu ích mà có thể đo đếm được rất cụ thể. Qua đó, chúng sẽ như giáo cụ trực quan nói về những bài học sống.

Đàn hổ 7 con được nhốt trong các lồng sắt vận chuyển trên ô tô, sau khi đem về trụ sở Công an

Chùm phóng sự hơn 50 tin bài, và những món quà “có lửa”

Tôi ví dụ, cuối năm 2021, loạt bài dài kì (khoảng hơn 50 phóng sự, điều tra, tin, bài, video) mang tên “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” (phiên bản báo in là: “Ăn thú rừng, rưng rưng người khóc”) của chúng tôi (đăng trên Dân Việt/NTNN) đã được trao Giải nhất - Giải báo chí về bảo vệ Động vật rừng, thiên nhiên hoang dã mang tên VIEWS AWARDS do Trung tâm Hành động vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) trao tặng. Phần thưởng cũng đầy sức truyền lửa: 01 chuyến đi châu Phi tìm hiểu về thiên nhiên tuyệt bích (vì đại dịch Covid 19 nên phải chuyển sang hình thức khác).

Tôi từng viết, để làm được loạt bài đó, chúng tôi dựng ngược tấm bản đồ thế giới lên với các chuyến trải nghiệm từ châu Phi, sang Tam Giác Vàng, dọc Việt Nam và các nước lân bang như Lào, Campuchia, Thái Lan. Chúng tôi đã dành hàng trăm ngày nhập vai, hóa trang, đi vào ngõ ngách các hang ổ buôn bán ngà voi, sừng tê giác, tê tê, gấu; đặc biệt là nạn nuôi hổ trái phép trong ngục tối giữa nhà để bán cho người ta nấu cao. Nhiều “thủ phủ hàng rừng” chưa từng bị lật mặt nạ ở Việt Nam. Thậm chí, khi Dân Việt mới chỉ đăng được 3 bài (trong tổng số hơn 50 tin bài) thì một vụ việc lớn nhất trong lịch sử bảo tồn Việt Nam đã diễn ra: trong 3 ngày đầu tháng 8 năm 2021, Công an tỉnh Nghệ An giải cứu 24 cá thể hổ, trong đó 17 “Chúa Sơn Lâm” nuôi nấng trái phép tại gia nặng hơn 2 tạ - gần 3 tạ. Vụ việc này đã gây chấn động giới bảo tồn trong nước và quốc tế.

Ngay sau đó, triển lãm ảnh từ thiết bị điều tra bí mật của chúng tôi đã được mời tham gia triển lãm chuyên đề trực tiếp tại Đà Nẵng và online (trực tuyến) khắp cả nước. Một hội thảo mang tầm quốc gia về cứu hộ hổ bị nuôi nhốt trái phép ở Việt Nam được tổ chức mà người viết tuyến bài trên chính là diễn giả. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới WWF tổ chức lễ tôn vinh các đóng góp của chúng tôi sau tuyến bài này, với phần thưởng là kinh phí đĩnh đạc với “khuyến nghị” ấm lòng là: chỉ được chi tiêu phục vụ những tuyến bài điều tra còn công phu hơn thế. Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đến tòa soạn, làm lễ thưởng nóng… 70 triệu đồng cho Ban biên tập và nhóm Điều tra.

Cả đàn hổ được cứu hộ, chăm sóc tại Pù Mát, ảnh do SVW cung cấp

Tính đến hết tháng 3 năm 2022, đã có 3 đối tượng trong đường dây trên bị tuyên án tù giam: 2 đối tượng, vận chuyển 7 cá thể hổ nhỏ bị lãnh án 18 năm tù; 1 đối tượng nuôi 17 “ông hổ” trưởng thành trong hầm tối tại nhà họ ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) bị tòa tuyên phạt 7 năm tù. Một số mắt xích khác với nhiều đối tượng buôn bán tê tê và hổ Đông Dương khác (trong tuyến bài mà chúng tôi tố cáo) cũng sắp sửa hầu tòa với mức án không hề nhẹ hơn.

Hổ con bị buôn bán, về các nhầm tối nuôi nhốt, khi chúng chẳng may chết, họ bỏ vào hũ rượu ngâm để bán nguyên con

Để thực hiện tuyến bài, trong vòng gần 1 năm, chúng tôi hóa trang, đã nhiều lần đi dọc các tỉnh Bắc Trung Bộ, đi dọc Quốc lộ 7 sang biên giới Việt - Lào, dẫn công an Nghệ An vào cuộc; cùng ông Cường, Giám đốc VQG Pù Mát đi tiếp cận đối tượng “trùm sò” (họ chỉ tin ông Cường), cùng Giám đốc Save Viet Nam Wildlfie (anh Thái, người Việt Nam, năm 2021 đã đoạt giải Goldman “Nobel Xanh” trị giá 5 tỷ đồng) xâm nhập vào các hang ổ (anh này lập dự án trên địa bàn đã nhiều năm nên có nhiều tin độc)... Mỗi chuyến đi khoảng 1.000km lái ô tô.

Nhóm Phóng viên đã trực tiếp điều tra rồi trực tiếp cầm USB chứa tài liệu gồm ảnh, video, ghi âm rồi gặp gỡ các đồng chí công an để tố cáo các sai phạm trên quy mô lớn, rồi đề nghị cơ quan chức năng phối hợp xử lý dứt điểm. Cụ thể: chúng tôi trao đổi với Giám đốc Công an tỉnh Nghê An lúc bấy giờ là đồng chí Võ Trọng Hải (nay ông Hải làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh); rồi ông Hải giới thiệu làm việc với Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng phòng, các điều tra viên của đơn vị đánh án.

Lễ tôn vinh các đóng góp của nhóm PV sau tuyến bài điều tra bảo vệ thiên nhiên hoang dã, giải cứu hổ ở Việt Nam

Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của người cầm bút

Tôi gọi các chi tiết kể trên là những thứ có thể đong đếm được, để nói về khát vọng và kết quả làm điều có ích thông qua phóng sự điều tra. Tức là nhà báo không thể tự khen văn mình hay, tự khen tài liệu mình có là độc quyền, mà cần để dư luận phán xét. Phán xét đó cũng không là thứ trà dư tửu hậu động viên nhau. Mà cần có “thước” để đo đóng góp của nhà báo. Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của người cầm bút, là họ đã làm được gì cho một cộng đồng tốt đẹp hơn. Sai phạm bị xử lý minh bạch, kẻ xấu đi ở tù, người tốt được bảo vệ, giá trị quý không bị tổn thất. Và, không chỉ làm những cái cụ thể, mà hơn thế, là: sự thức tỉnh, các quyết sách ở tầm vĩ mô hơn từ bài học nhà báo điều tra vừa phơi bày ra…

Trở lại tuyến bài trên. Khi ở châu Phi, chúng tôi được cài máy định vị, xâm nhập vào những ổ buôn động vật hoang dã quý hiếm quy mô lớn gần thủ đô của Nam Phi. Họ tặng “đối tác” (hầu hết đối tượng là người Việt, nên chúng tôi dễ vào vai hơn so với các bạn da trắng, da đen) cả bọc cao hổ, cao sư tử, nhóm đã phải làm lễ bàn giao cho lực lượng an ninh và bảo tồn Nam Phi, rồi chụp ảnh lại làm chứng. Vài năm sau, báo chí thế giới đưa tin, các đối tượng chủ yếu là người Việt bị bắt với tang vật là 40 con sư tử bị giết và cho vào vạc lửa luyện cao. Chúng tôi đem so sánh ảnh mình chụp khu giết mổ, bối cảnh trang trại, các gương mặt người da trắng và người Việt khi xâm nhập điều tra năm trước với ảnh tang vật trên báo, trong phim tài liệu điều tra của đồng nghiệp nước ngoài thì tất cả đều trùng khớp.

Chúng tôi đo đếm được chút sức lực nhỏ bé của mình đã có ích với bảo tồn bên Lục Địa Đen như thế nào.

Hổ và các sản phẩm từ chúng vẫn còn tràn lan khi chúng tôi xâm nhập ngôi làng, trước khi tố cáo đến công an Nghệ An

Về Việt Nam, vẫn giữ quan hệ tốt với các “chân rết” của đường dây ấy. Chúng tôi tiếp tục lần theo họ từ Hà Nội, vào Nghệ An, tỏa đi khắp nơi. Rồi cả kho da hổ, cao hổ, móng vuốt hổ trữ đông. Cả làng với nhiều “nông hộ” trong “hợp tác xã nuôi hổ” hiện ra. Cả gậm giường toàn ngà voi dài thượt nhọn hoắt. Cả bốn cái tay gấu để lên bàn cân với lời rao “nấu cháo ngon lắm”, cả Ông Ba Mươi con múa hổ quyền ở trong hũ ngâm rượu to đoành. Cả sự thật về ngôi làng với các ông chủ sang Lào nuôi cả trang trại hổ, lập thêm trang trại gà làm thức ăn cho hổ. Mỗi lúc nhập lậu về là cả công ten nơ ngà voi và sừng tê giác. Tất cả, tài liệu của chúng tôi có thể đo đếm được độ trung thực của nó, khi đặt lên bàn làm việc của cơ quan điều tra.

Và, khi các đồng chí có vũ trang (hơn 200 chiến sỹ ập vào) thì một gia đình đã nuôi tới 14 con hổ trưởng thành (nặng 200 đến 300kg/con) trong hầm tối nhà họ. Nhà bên 3 con. Ô tô ngoài kia chở 7 con. Quán gần đó 21kg tê tê đang sống… Nếu không có các phiên tòa, không có cuộc giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam được báo chí, truyền hình, mạng xã hội đồng loạt đưa tin, thì có thể ai đó còn nghĩ chúng tôi “báo hoang tin”, vu oan giá họa cho người lành.

Tận diệt thú mồi của hổ, báo, là một thảm họa đáng lo ngại

Việc điều tra, đi tố cáo, phối hợp lật mặt những kẻ vi phạm như trên, ở góc độ đóng góp của người cầm bút, dù khiêm tốn, tôi vẫn có thể nói là: đong đếm được. Rất rõ ràng.

Phân tích ra thì như thế này: Lẽ ra, khi nhập vai xong, sững sờ trước sự thật dọc từ Việt Nam, sang châu Phi, Tam Giác Vàng, dọc tỉnh Nghệ An theo Quốc lộ 7 sang Lào, chúng tôi đã có thể tung loạt bài ra. Nhưng đó mới chỉ là “lớp váng” của những mong muốn vì cộng đồng mà thôi. Cái khó nhất là cần chọn thiên thời, địa lợi, nhân hòa để cùng cơ quan chức năng phối hợp hành động. Chúng tôi đã tìm nhiều “cửa” để chọn mặt gửi vàng.

Cách đây gần chục năm, cùng các tổ chức bảo tồn có cả video về “làng nuôi hổ” với những giao dịch ngầm táo tợn, với sự “đoàn kết” trong thành trì khá hung hãn của họ, chúng tôi đã tố cáo tới cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Song, bấy giờ, sự việc rơi vào im lặng. Có lần, chúng tôi tố cáo nạn tàn sát động vật hoang dã, quý hiếm ở chính khu vực này: nhà báo đang ngồi trước mặt cán ở tỉnh, đưa tư liệu, vị này gọi về huyện bảo đội đặc nhiệm ở huyện đi kiểm tra, vài phút sau thì trả lời qua điện thoại ngay là đã kiểm tra “không thấy gì”. Trong khi video, giao dịch, trong tài liệu chúng tôi đang cầm trong tay và ở thời điểm đó đối tượng vẫn ở nhà chờ chúng tôi đến “mua bán” với những dãy tủ lớn toàn xương hổ, báo, sư tử, sơn dương, khỉ cả con thui vàng co cắp la liệt.

Một con hổ được người Việt nuôi ở châu Phi để phục vụ săn bắn và nấu cao, ảnh do Đỗ Doãn Hoàng chụp ở Nam Phi

Thế nên, lần này, chúng tôi đã nín thở chọn thời điểm. Sử dụng cả những quan hệ tiềm năng có được nhờ xác lập uy tín trong giới điều tra bảo vệ thiên nhiên. Thậm chí, chúng tôi cố tình mặc trang phục có phù hiệu của đơn vị đã đào tạo cán bộ cơ sở trong khu vực về kĩ năng xử lý các tình huống cứu hộ động vật quý hiếm trong các chuyên án. Rồi kết nối với các “thầy cô” đã gắn bó với những vị cán bộ kia (tình cờ tôi cũng giảng dạy về lĩnh vực này). Cuối cùng, chúng tôi cài cắm người trong các đường dây, “nói vui” là để giám sát các bên, ai tư túi sẽ lộ ra. Hoặc “các bác” không làm hoặc không làm được, em có đủ suy luận, quan hệ, uy tín để mời lực lượng khác, thậm chí ở cương vị cao hơn vào cuộc. Còn hiện tại, để xâm nhập, chúng tôi có đầy đủ quan hệ, “niềm tin” từ các ông trùm, tôi sẽ “mở lời” để các anh tiếp cận. Thiết bị theo dõi của chúng tôi vẫn bí mật án ngữ ở nhiều ngõ ngách.

Chúng tôi đã “nín thở” 6 tháng kể từ khi tạm coi là mình đã có đầy đủ tư liệu viết bài, đủ các video để tung ra. Nhưng, phải chờ chuyên án kết thúc. Nếu không, nửa chừng xuân tung bài vở ra, có khác gì để lộ bí mật chuyên án. Không chỉ làm “vỡ ổ con chuồn chuồn”, khiến chúng tẩu tán hết tang vật; mà hơn thế, còn có thể làm hại đến tính mạng những người “của ta” đang “nằm vùng” trong đó.

Vào ngày 1/8/2021, Công an Nghệ Anh đã bắt một lúc 7 con hổ con bị vận chuyển trái phép đi tiêu thụ

Với khát vọng làm những điều hữu ích cho cộng đồng, ít ra là tìm sự minh bạch và nhân ái cho lĩnh vực / chủ đề mà tuyến bài điều tra hướng tới, chúng tôi còn đặc biệt dành thời gian để kiến tạo các cuộc gặp, mở rộng vấn đề ra, kiến nghị một lối ra cho vấn đề. Khi xảy ra vụ 8/17 cá thể hổ trưởng thành trong chuyên án bị đồng loạt chết, dư luận bất bình chỉ trích nặng nề, chúng tôi đã có được tài liệu độc quyền để tung ra, định hướng dư luận theo đúng cách hiểu như cần phải có.  Loạt bài liên tục đưa tin, trích dẫn chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, của các cấp tòa án (xét xử các vi phạm sau khi “bóc gỡ”). Chúng tôi cũng đăng tải ý kiến của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam; các đại biểu quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này, với các câu hỏi mang tính gốc rễ của bi kịch: vì sao, một gia đình sống giữa ngôi làng đông đúc, họ nuôi một lúc 14 con hổ trưởng thành (mỗi con 2-3 tạ!) mà chính quyền và dân thôn “không hề biết”? Phải chăng, tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương đã “tê liệt”? - Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt câu hỏi trên tờ báo của chúng tôi.

Tuyến bài cũng chú trọng thúc đẩy thực thi pháp luật, thông qua ghi nhận ý kiến, giám sát hành động của cơ quan chức năng từ cấp Bộ, ngành đến UBND tỉnh, huyện, xã sở tại. Cuối cùng, là 14 tổ chức bảo tồn lớn nhất thế giới và Việt Nam cùng có thư ngỏ kiến nghị tới các Bộ trưởng, UBND các tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương đề nghị xử lý các vấn đề nhức nhối liên quan đến nuôi nhốt, giết hại trái phép hổ và các loài hoang dã khác. Cuối cùng là các cuộc ra quân quyết liệt trên cả nước, nhiều tỉnh thành đồng loạt bắt giữ quả tang các cảnh giết hổ nấu cao, vận chuyển hổ đông lạnh đi bán, hầu hết chúng có nguồn gốc từ… các “làng nuôi” mà tuyến bài này tố cáo.

Không may, trong quá trình giải cứu, 8 cá thể hổ trưởng thành đã chết tại Nghệ An

Với mong muốn đóng góp sức nhỏ bé của mình vì các giá trị chung cộng đồng, sau tuyến bài trên, ngoài các phần thưởng cho các tác giả như Giấy khen, Bằng khen, Giải nhất Báo chí, thưởng nóng từ các tổ chức danh tiếng; điều chúng tôi còn vui mừng hơn là có một phong trào trên cả nước về nâng cao ý thức bảo tồn.

Đặc biệt, sau các kỳ phóng sự điều tra, video ghi hình bí mật được công bố, chúng tôi vui mừng nhận được hồi âm quý báu là các “ý kiến tọa đàm mở rộng” từ khắp các chuyên gia trong cả nước: bà Tôn Nữ Thị Ninh (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội); ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương), lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia hàng đầu nước ta về bảo vệ thiên nhiên hoang dã, đại diện các tổ chức bảo vệ thiên nhiên lớn nhất thế giới và Việt Nam

Được sự động viên trên, chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm với môi trường, với các câu chuyện nóng của cộng đồng hơn nữa.

Để dụ khách, họ còn cho chúng tôi xem công nghệ nấu cao hổ, cao sư tử và cao da tê giác

Mạnh cho chúng tôi xem công nghệ nấu cao hổ, cao sư tử và cao da tê giác

Hổ làm quen với lồng sắt

Sau khi giải cứu, đàn hổ nhỏ được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An

Thứ này được giới thiệu là dương vật hổ, sư tử, bán giá rất đắt, các đối tượng khoe ra với chúng tôi tại xã Đô Thành

Tiêu bản hổ khổng lồ được rao bán bởi một đối tượng ở Yên Thành khi nhóm PV vào vai đại gia ăn chơi

Vận chuyển hổ vào ngôi nhà bình yên ở VQG Phong Nha Kẻ Bàng

Khen thưởng của Save VietNam Wildlife dành cho nhà báo điều tra vụ việc

(Ghi theo lời kể của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)

(Còn nữa)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top