Cần phát huy vai trò tiên phong, truyền cảm hứng của đội ngũ nữ lãnh đạo
03:33 31/08/2022
- Diễn đàn
Chiều 30/8, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh baoquocte.vn
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Việt Nam và Nam Phi có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng hai nước có sự đồng cảm, ủng hộ lẫn nhau từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, quyền tự quyết trước đây cũng như trong sự nghiệp phát triển đất nước ngày nay. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Nam Phi, xác định Nam Phi là "đối tác hợp tác và phát triển" quan trọng của Việt Nam tại châu Phi và quyết tâm đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Nam Phi. Phụ nữ hai nước đều có vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay”, bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Bí thư Thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi Hà Phi Nga cho rằng, Việt Nam là quốc gia có hệ thống chính sách tiến bộ, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản luật, quy phạm pháp luật; phụ nữ tham gia ngày càng nhiều các vị trí lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách các cấp. Đội ngũ cán bộ nữ đã và đang khẳng định vai trò, vị trí của mình, có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, phụ nữ làm lãnh đạo là lĩnh vực mà cả Nam Phi và Việt Nam quan tâm, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo thống kê của Liên minh Nghị viện quốc tế (IPU), đến tháng 7/2022, Nam Phi xếp thứ 10 trên thế giới về tỷ lệ nữ trong Nghị viện (46,5% ở Hạ viện và 37% ở Thượng viện), trong nội các có tới 12 nữ bộ trưởng, chiếm 46% . Về phía Việt Nam, Quốc hội khóa XV là lần thứ 2 trong lịch sử Quốc hội có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm trên 30% và cao gần gấp rưỡi tỷ lệ chung của khu vực châu Á (hiện đang là 21,2%).
Vấn đề mà nhiều đại biểu hai bên quan tâm là hội nhập quốc tế hiện nay thực sự đã là xu thế lớn, chi phối và quyết định các mối quan hệ quốc tế, tương tác giữa các quốc gia. Phụ nữ Nam Phi và phụ nữ Việt Nam đang tham gia tích cực trong tiến trình này, có nhiều đóng góp quan trọng nhưng cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức nhất là về năng lực thích ứng và môi trường để hội nhập còn hạn chế; có thể bị tác động tiêu cực nhiều hơn nam giới trong quá trình hội nhập...
Bên cạnh đó, nên giới thiệu danh sách nguồn nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội; hội đồng nhân dân nhiều hơn; tăng cường các chính sách cho cán bộ nữ khi đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; giới thiệu cán bộ nữ vào quy hoạch, các vị trí lãnh đạo, quản lý; chính sách nghỉ hưu cho cán bộ nữ cơ sở; tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực, tăng cường sự kết nối của mạng lưới lãnh đạo nữ; phát huy vai trò tiên phong, truyền cảm hứng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Dịp này, các diễn giả giàu kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của hai nước đã chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và hội nhập quốc tế; trao đổi, thảo luận về khả năng tăng cường kết nối, hợp tác giữa phụ nữ hai nước trong thời gian tới, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi.
Trà Vũ
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)
- Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt (02:05 01/11/2024)
- Nâng cao năng lực báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (09:41 30/10/2024)
- Nghĩa tình và lẽ sống (04:15 27/10/2024)