Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phạm Quốc Toàn - Bút lực và trái tim

22:25 13/09/2022 - Chân dung nhà báo

Nhà báo Hồ Quang Lợi và nhà báo Phạm Quốc Toàn trong một lần gặp mặt_Ảnh:TGCC

Những mái tóc bạc trắng, những mái tóc hoa râm, những mái đầu xanh kề sát bên nhau trong Phòng Đương Đại của Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tham dự một sự kiện văn hóa báo chí. Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, đây là buổi giới thiệu tác giả - tác phẩm đầu tiên trong không gian của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).

Người có vinh dự đó là nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Trong Phòng Đương Đại này - nơi vẫn thường tổ chức các sự kiện quan trọng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam - đông đảo anh em, đồng chí, đồng nghiệp và những người thân đã đến dự chật kín, chia vui với anh Phạm Quốc Toàn. Tôi may mắn có mặt trong sự kiện xúc động, đáng nhớ này.

Trên màn hình lớn, in nổi bật bìa 20 cuốn sách của Phạm Quốc Toàn. 20 cuốn sách viết trong khoảng 10 năm. Một bút lực thật đáng nể! Các tác phẩm của Phạm Quốc Toàn thuộc nhiều thể loại: bút ký, phóng sự, chính luận, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, ký sự nhân vật, tiểu phẩm..., cuốn nào cũng tạo dấu ấn tốt, tất cả cùng vẽ nên chân dung đẹp của một người cầm bút tài năng.

“Chuyện tình phố cổ” - cuốn sách thứ 20 - “ra lò” ngay trước ngày kỷ niệm 97 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam - một tập hợp 10 bút ký với sự kết giao ngọt ngào giữa báo chí và văn học - đã tạo một dấu ấn sâu đậm trong buổi giới thiệu tác giả - tác phẩm này. “Chuyện tình phố cổ” là câu chuyện tình yêu rất đẹp của Tô Hà và Nguyễn Khắc Năng từ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là một cặp trai tài, gái sắc của đất Hà thành. Tô Hà là bạn đồng môn Khoa Báo chí - Xuất bản khóa I (1969 - 1973) Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Phạm Quốc Toàn.

Đó là một lớp học viên xuất sắc, đầy tinh thần cống hiến, rất đáng tự hào trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam đương đại. Tô Hà xung phong vào chiến trường, là A trưởng thanh niên xung phong (TNXP), còn Nguyễn Khắc Năng là Đại đội trưởng TNXP phố cổ. Họ gặp nhau trên những cung đường mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Câu chuyện tình này còn là sự kết nối tuyệt đẹp giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Cô con gái yêu của họ là Nguyễn Thị Minh Hằng, hiện là Phó Giám đốc Chi nhánh Thăng Long của Vietinbank, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn MHGroup. Qua trang viết của Phạm Quốc Toàn, chị Minh Hằng là hình ảnh một nữ doanh nhân, trí thức năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết và cháy bỏng khát vọng cống hiến.

Là doanh nhân, được đào tạo bài bản, chị Minh Hằng có chuyên môn sâu về quản lý rủi ro hoạt động, thẩm định tín dụng và phòng chống rủi ro tài chính, tiền tệ nên chị thường xuyên được mời tổ chức các cuộc thuyết trình tại Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội..., đồng thời trực tiếp giảng dạy, huấn luyện tại các khóa đào tạo cho sinh viên khối kinh tế do Tập đoàn MHGroup tổ chức.

Trong 20 cuốn sách thì “Từ bến Sông Nhùng”, theo tôi, là cuốn có tầm vóc nhất, tạo cảm xúc mạnh và riêng biệt. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Phạm Quốc Toàn. Nhân vật Phan Hoàng chính là nguyên mẫu nhà báo, nhà văn nổi tiếng Phan Quang, năm nay đã bước vào tuổi 95 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, vẫn viết báo, làm sách đều đều trong sự cảm phục và mến mộ đặc biệt của đồng nghiệp và độc giả cả nước.

“Từ bến Sông Nhùng” không chỉ khắc họa thành công nhân vật - con người và sự nghiệp chói sáng của Phan Quang - mà còn phản ánh sống động, chân thực đời sống báo chí nước nhà trong các giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước. Đó là một cuốn sách góp phần làm đẹp thêm nghề báo đầy thử thách nhưng rất vinh quang của chúng ta.

Và nữa, trong gia tài chữ nghĩa của Phạm Quốc Toàn, tôi rất tâm đắc cuốn “Đời và Nghề” xuất bản năm 2013. Thời điểm đó, đang đảm đương nhiệm vụ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhận được cuốn sách này của anh Quốc Toàn gửi qua bưu điện, tôi rất ngạc nhiên vì năm trước anh vừa cho ra mắt cuốn “Tản mạn về đời”. 50 bài viết trong “Đời và Nghề” là những
lát cắt sống động, góp phần kết tạo bức tranh chân thực về đời sống báo chí nước nhà. Ở trung tâm của bức tranh đó hiển nhiên là các nhà báo với các trạng huống tác nghiệp báo chí - một nghề đặc thù, rất cao quý nhưng cũng đầy thách thức.

Văn là người. Đọc văn thấy người. Bằng một lối hành văn giản dị nhưng không kém phần sang trọng, bằng một lối kể chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, ý nhị, đôi khi như thủ thỉ tâm tình nhưng không kém phần sâu sắc, Phạm Quốc Toàn đã kết nối, hòa quyện được hai yếu tố cơ bản là Đời và Nghề. Từ những chuyện đời, chuyện nghề cụ thể, có khi thật đến chân tơ kẽ tóc như chuyện Thẩm định nguồn tin, Bóc bài lúc nửa đêm, Cưa đôi (quảng cáo), Nhuận bút, Nấu cháo điện thoại, Xe công xem bóng đá..., người đọc càng cảm thông chia sẻ với những điều kiện tác nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập của những người làm báo, phần nào hình dung được bếp núc báo chí, sự chuyển động của guồng máy trong từng tòa soạn với nhiều sắc thái, vui buồn, sướng khổ.

Từ nhịp đập của báo chí thường nhật, ta cảm nhận rõ mạch đập của đời sống đất nước đang chuyển mình trong công cuộc kiến tạo gian lao mà chói sáng giữa sóng gió thời cuộc dập dồn. Có những bài viết gây xúc động sâu sắc như Đưa mẹ về quê, Người lữ hành cày chữ, nhà báo Huyền Dân - một nhân cách... khi Phạm Quốc Toàn dành những lời trân trọng, tha thiết nói về những đồng nghiệp yêu quý của mình, nhưng tác giả cũng không quên phê bình những thói tật, những điều không nên, không phải trong lao động báo chí như ở các bài: Ăn theo nói leo, Biết thì thưa thốt, Phóng viên salon, Đồng nghiệp nữ, Đố kị, Ục nhau,“Thuổng” chữ nghĩa, Sát thủ...

Đọc các cuốn sách Phạm Quốc Toàn, dù ca ngợi, cổ vũ, khích lệ hay phê bình, nhắc nhở, góp ý, ngòi bút của anh luôn tỏ rõ sự chân thành, xây dựng, thấm đượm chất nhân văn, đúng như con người anh vậy. Sức thuyết phục là ở chỗ đó. Cái đáng quý là ở chỗ đó. Ấm áp, cảm thông, thương mến, nghĩa tình.

Phạm Quốc Toàn có một bề dày nghề nghiệp 50 năm liên tục làm báo qua nhiều cương vị khác nhau. Cách đây 42 năm, lúc tôi vừa chân ướt chân ráo về Báo Quân đội nhân dân thì lúc đó Phạm Quốc Toàn đã được biết đến như một cây bút bình luận quốc tế vững vàng, tin cậy. Mới ngoài 30 tuổi, anh đã lọt vào “mắt xanh” của vị tướng làm báo - Tổng Biên tập tài năng, nổi tiếng và đáng kính Trần Công Mân như một trong những người kế cận nhất cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Báo Quân đội nhân dân. Nhưng cuộc di chuyển đưa cả nhà “Bắc tiến để hợp lý hóa gia đình” của anh không thành. Đau đớn nhất là sau chuyến đi bão tố đó, anh mất đứa con trai yêu quý. Nhận được tin dữ, cả tòa soạn Báo Quân đội nhân dân bàng hoàng, thương xót. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, anh buộc phải đưa vợ con vào Nam và quyết định chọn Vũng Tàu là bến đỗ.

Vượt qua rất nhiều thử thách, gian nan, sự nghiệp báo chí của anh được tiếp nối xuất sắc tại vùng đất phương Nam này với cương vị Tổng Biên tập trong suốt một phần tư thế kỷ, 4 khóa liền là tỉnh ủy viên. Đang giữ chức Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu mà anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ với tín nhiệm cao đủ thấy uy tín nghề nghiệp cũng như nhân cách của anh được đồng nghiệp cả nước quý trọng như thế nào.

Ở đâu, trên cương vị nào, Phạm Quốc Toàn cũng luôn là một người làm nghề nghiêm túc, cẩn trọng nhưng không kém phần sắc sảo, sáng tạo. Là người kiệm lời, không đao to búa lớn, anh âm thầm thuyết phục người khác bằng sự chín chắn, cần mẫn và tinh thần vượt khó. Chất lượng tờ Báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như Tạp chí Người Làm Báo dưới sự điều hành của anh, sự tin tưởng của bạn đọc dành cho các bài viết, các cuốn sách của anh mấy chục năm qua đã minh chứng cho điều đó.

Một số cuốn sách của nhà báo Phạm Quốc Toàn, xuất bản từ năm 2012 đến 2022_Ảnh: NVCC

Tôi có những kỷ niệm sâu sắc với anh Phạm Quốc Toàn. Năm 1984, anh được chi bộ Phòng Thời sự quốc tế Báo Quân đội nhân dân cử về làng Quỳnh Đôi quê hương tôi để thẩm tra lý lịch kết nạp tôi vào Đảng. Đêm hôm đó, trong hơi mát những ngọn gió đồng thổi dào dạt trên lũy tre làng, anh xúc động ngồi
nghe mẹ tôi kể chuyện và đọc thơ đến tận khuya và anh đã ngủ lại trong căn nhà đơn sơ của tôi. Bảy năm tôi được làm việc cùng anh ở Báo Quân đội nhân dân thân yêu, là những năm tháng không thể nào
quên. Những bài bình luận đầu tiên của tôi đều qua tay Thiếu tá Phó phòng Phạm Quốc Toàn và Đại tá Trưởng phòng Tạ Duy Đức biên tập. Những bài bình luận đó, được Tổng Biên tập Trần Công Mân ký chữ M duyệt cho đăng (mà chúng tôi gọi vui là được “phát màu” - thời điểm đó truyền hình Việt Nam bắt đầu phát màu) thì đó là niềm vui nghề nghiệp khôn tả.

Trong 25 năm anh Phạm Quốc Toàn giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi được anh mời làm cộng tác viên mục bình luận quốc tế trong khoảng gần 10 năm liên tục, số nào cũng có bài bình luận của tôi độ dài trên dưới 1.000 từ, mỗi tuần 4 số. Đi đâu, làm gì, kể cả đi công tác nước ngoài, tôi vẫn cố gắng viết bài gửi về cho anh. Nhiều hôm bài bình luận của tôi chỉ kịp gửi vào toà soạn ngay trước giờ máy in chạy.

Để cho kịp giờ xuất bản, anh nói với các kíp trực báo rằng “bài bình luận của Hồ Quang Lợi gửi vào không cần phải đưa tôi duyệt nữa”. Tôi hiểu là anh tin tôi, vừa cảm thấy vui, nhưng đồng thời cũng vừa cảm thấy thêm áp lực nên lại càng phải trách nhiệm hơn với từng con chữ. Mới đây, ngày 19/6/2022 khi đến thăm nhà tôi, anh ngỏ ý muốn nhìn thấy các tư liệu báo chí mà vợ tôi cần mẫn thu lượm giúp tôi trong suốt mấy chục năm qua. Hình như anh đang dự định viết một điều gì đó. Khi nhìn thấy các tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu được đóng và lưu giữ cẩn thận, cùng các bài bình luận được vợ tôi foto đóng thành nhiều quyển xếp thành dãy dài theo từng năm, anh thốt lên: Quá đồ sộ, còn hơn cả thư viện lưu trữ của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu hiện tại.

Không thể tưởng tượng được,không thể tin nổi! Giữa đời và nghề của Phạm Quốc Toàn là nhất quán. Năm 2022, bước vào tuổi 75 mà ngọn bút của anh vẫn không ngơi nghỉ, dòng chảy chữ nghĩa của anh vẫn dào dạt tuôn chảy. Thật đáng nể phục sức sáng tạo thanh xuân từ con tim đầy nhiệt huyết của anh. Con người anh như thế nào thì anh làm nghề như vậy: Trách nhiệm, tâm huyết, bản lĩnh và nhân văn.

Đọc các bài viết, các cuốn sách của anh, trong báo chí, văn chương thấy đất nước và xã hội, trong chữ nghĩa thấy văn hóa và tư tưởng, trong đời thấy nghề neo đậu, trong nghề thấy đời cuộn chảy. Tôi nghĩ, đó là những trải nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp được rút tỉa, chắt lọc từ một người sống tử tế, một người làm nghề tử tế, được viết lên bằng một trí tuệ sắc sảo, trái tim chân thành.

Hà Nội, tháng 8 năm 2022

Hồ Quang Lợi

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top