Những phóng viên… ngoài lề

23:24 14/08/2023 - Diễn đàn
Có những người làm công việc của một phóng viên đã nhiều năm, nhưng không đủ điều kiện được cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

9 giờ 30 phút, Tuấn Anh trở về cơ quan, cất máy quay và bắt đầu công việc dựng hình. Sáng nay em “chạy sô” 4 địa điểm hoạt động trong thành phố: một điểm tiếp xúc cử tri, một cuộc họp lãnh đạo tỉnh, một điểm trại sáng tác văn nghệ và một phiên tòa lưu động. 2/4 tin sáng nay sẽ được phát trên Đài Phát thành - Truyền hình (PT-TH) tỉnh Lâm Đồng, Tuấn Anh vẫn cộng tác với Đài PT-TH tỉnh Lâm Đồng. Mọi người gọi Tuấn Anh là phóng viên Đài PT-TH thành phố Đà Lạt, công việc của em thực tế là công việc của một phóng viên, nhưng về mặt quản lý hành chính em không phải là phóng viên, mà là chuyên viên tổ thông tin của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Đà Lạt. Từ năm 2017, giống như các đài cấp huyện khác trên toàn quốc, Đài PT-TH thành phố Đà Lạt đã sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thuộc quản lý của UBND thành phố.

Tôi gặp Tuấn Anh lần đầu tiên khi em lên Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh để hỏi thông tin về một số hoạt động nghiệp vụ báo chí. Em có chút bối rối khi được biết những hoạt động như bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ tác phẩm chất lượng cao và một số hoạt động nghiệp vụ khác… chỉ dành cho hội viên, mà em không thuộc diện được kết nạp. Tuấn Anh tốt nghiệp Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình, là con nhà nòi, bố em trước đây làm lãnh đạo một ban của Đài PT-TH tỉnh Lâm Đồng, chú của em cũng làm ở đó. “Em làm nghề, muốn tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng thực sự em không có một giấy tờ gì để chứng minh em làm phóng viên cả, so với bạn bè em như ngoài lề ý. Cùng học với nhau, cùng ra trường một thời điểm, cùng làm một công việc giống nhau, nhưng bạn của em đã là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và có thẻ nhà báo, còn em thì không” Tuấn Anh chia sẻ. Em cũng khẳng định, dù có thẻ hay không em vẫn vui vẻ, phấn đấu làm tốt công việc của mình, năm sau em sẽ gửi tác phẩm dự thi giải báo chí tỉnh.

Tuấn Anh còn trẻ, em mới vào nghề 4 năm. Có thể đến một lúc nào đó em sẽ “may mắn” được cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và cả thẻ nhà báo để phục vụ cho công việc hàng ngày. Có những người còn gần như hết cơ hội được ghi nhận chuyên môn nghề nghiệp của mình là một phóng viên.

Anh Nguyễn Thông đã làm việc ở Đài Phát thanh huyện Đức Trọng 39 năm. Năm 1984, anh được tuyển vào công tác tại Đài Phát thanh huyện Đức Trọng, khi đài phát triển thêm mảng truyền hình, anh Thông cũng được cử đi học. Cùng với việc tiếp sóng Đài PT-TH tỉnh và Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh huyện Đức Trọng cũng tự sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình về các hoạt động ở địa phương, riêng truyền hình chỉ phát trên mạng xã hội.

Năm 2017, Đài Phát thanh huyện Đức Trọng sáp nhập với Trung tâm Văn hóa thể thao và đổi tên thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đức Trọng. Anh Thông vẫn phụ trách mảng thông tin tuyên truyền, hàng ngày anh vẫn vác máy đi quay và về dựng tin, phóng sự, tài liệu… Ở cấp huyện, một phóng viên làm được hầu hết các công đoạn sản xuất tin, bài bao gồm viết, quay phim, chụp ảnh, dựng hình, đọc và cả hiện hình. Vì ít người nên phải làm hết các khâu, anh Thông cũng đã “cầm tay chỉ việc”, dạy bảo nghề cho nhiều thế hệ đàn em, đàn cháu trong ngành báo chí của tỉnh Lâm Đồng. Anh Thông đã vinh dự được nhận Huân chương Vì sự nghiệp phát thanh, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp truyền hình. Đến nay đã sắp hưu trí, anh Thông vẫn chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Khi được hỏi thật sự anh có muốn được cấp thẻ hội viên không? một chút trầm ngâm, anh nói: “Những người làm báo ở tỉnh Lâm Đồng này không ai là không biết đến Nguyễn Thông, nên với anh thì không cần nói đến, nhưng còn tụi trẻ ở (đài) huyện này… cái nghề nó phải làm suốt đời…”. Tổ Thông tin tuyên truyền ở huyện Đức Trọng còn 2 phóng viên trẻ nữa, họ cũng không là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, dân cư trải rộng, nhiều đồi, núi, đèo, dốc, thác, ghềnh, việc di chuyển rất khó khăn. Lâm Đồng là tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất Tây Nguyên, đường bộ phân bố trải khắp các vùng trong tỉnh, đối với các tỉnh miền núi khác còn khó khăn hơn. Trong điều kiện đó, các tổ thông tin, gồm những người làm công việc phóng viên là những người gần gũi nhất với dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Họ chính là đầu mối đưa thông tin cơ sở tới chính quyền các cấp kịp thời nhất, đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều hành của chính quyền trực tiếp tới người dân địa phương một cách hiệu quả. Các nội dung về chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng đều đảm bảo đúng định hướng tư tưởng cũng như giáo dục để dân hiểu và thực hiện theo. Điển hình như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại của phóng viên, nhà báo rất hạn chế, thì phóng viên cơ sở đã đến được tận các khu cách ly, các bệnh viện, các chốt tuần tra… ghi lại được những thước phim quý giá về tinh thần địa phương cùng cả nước chống dịch, kịp thời phản ánh diễn tiến dịch bệnh một cách cụ thể, giúp chính quyền các cấp nắm được tâm lý nhân dân, đồng thời tuyên truyền trực tiếp, góp sức vận động người dân đồng lòng cùng chính quyền chống dịch.

Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023 đã mở rộng đối tượng được cấp thẻ hội viên tới nhân viên tòa soạn báo, kỹ thuật viên đài truyền hình, trước đó, các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc đài huyện (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao) cũng đã được kết nạp, giúp cho hoạt động Hội được đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có thể nói là khá thiệt thòi cho những người trực tiếp làm công việc của một phóng viên tại cơ sở khi họ không được cấp thẻ hội viên.

Mặc dù không phải thẻ hành nghề, nhưng việc được cấp thẻ hội viên có nhiều ích lợi cho người làm công tác truyền thông, như được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, được tham gia Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao… và đặc biệt là họ làm công việc mà không phải trong tâm thế của người ngoại đạo. Có thể hiểu rằng đó chỉ là một cách ghi nhận về công việc để họ vinh dự được cống hiến, theo nghề.

Hoàng Linh

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top