Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh: Cháy bỏng tình yêu với âm nhạc

Bùi Hoàng Uyên Minh gây ấn tượng với tôi bởi mái tóc dài ngang vai lãng tử đậm chất nghệ sĩ, tính tình hiền lành, chất phác, đặc biệt là những tác phẩm âm nhạc cũng như con người của anh vậy - nhẹ nhàng, da diết, lắng đọng và giàu cảm xúc.

Không khó để tìm kiếm những sáng tác của nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh trên YouTube, bởi là người sáng tác đều tay nhưng anh cũng luôn chăm chút lên ý tưởng kết hợp cùng ca sĩ để “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng một cách hay nhất, trọn vẹn nhất. Người nhạc sĩ sinh năm 1984 này sinh ra bên dòng sông Trà Lý của mảnh đất Tiền Hải (Thái Bình), nơi có bãi biển Đồng Châu từng đi vào ca khúc nổi tiếng “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An. Anh tên thật là Bùi Văn Thành nhưng vì quá yêu thương cô con gái bé bỏng của mình nên đã lấy tên của con làm bút danh.

Anh chưa trải qua bất kỳ một lớp sáng tác âm nhạc nào mà có chăng chỉ là học những kiến thức sơ đẳng về các nốt nhạc ở trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Nhưng thiết nghĩ sáng tác âm nhạc là một cuộc rong chơi của cảm xúc, là cái duyên nghề, rất cần sự trải nghiệm, sự học hỏi, đúc rút từ cuộc sống. Bởi thế, Bùi Hoàng Uyên Minh cứ từ từ đắm mình trong những nốt nhạc, trong cảm xúc để rồi những giai điệu cất lên làm say đắm lòng người.

Anh đến với sáng tác khá muộn nhưng ít nhiều đã gặt hái được những “trái ngọt” đầu mùa. Đó là việc trong số những sáng tác của mình, anh đã có đến 15 ca khúc được dựng thành MV và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình cũng như được báo cáo tác phẩm trước Hội đồng nghệ thuật của Hội Âm nhạc Hà Nội – nơi anh là hội viên. Là một người viết nhạc còn khá mới mẻ nhưng được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Hội Âm nhạc Hà Nội nên trong thời gian qua anh đã thử sức ở nhiều thể loại âm nhạc, từ bản tình ca như “Hà Nội Sài Gòn và em”, những bài bolero như “Hoài niệm”, “Dấu yêu xin hãy tìm nhau” đến những giai điệu mềm mại như “Em vẫn đợi anh”, “Về quê em nghe anh” rồi những giai điệu nhịp nhàng, uyển quyển ca ngợi quê hương đất nước như “Thái Bình quê hương tôi” hay những bài hát mang tính cổ động hào hùng như “Lên đường”...

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh(trái) trong buổi lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam

Bùi Hoàng Uyên Minh luôn quan niệm âm nhạc là cuộc sống nên khi đặt bút viết anh luôn cố gắng chắt lọc và mang những ca từ gần gũi, nét nhạc nhẹ nhàng, dung dị phản ánh chân thực cuộc sống vào trong các tác phẩm. Anh luôn nghĩ làm sao để mỗi khán giả khi nghe các tác phẩm của mình đều thấy ở đó có một phần kí ức, một phần con người của họ đang hiện hữu trong đó. Đấy chính là sức sống để một tác phẩm có thể sống lâu bền cùng thời gian. Tự nhận bản thân còn thiếu hụt nhiều kiến thức nên mỗi tác phẩm chuẩn bị ra mắt anh đều khiêm tốn xin ý kiến của các nhạc sĩ đi trước mà anh rất thân thiết để bài hát được hoàn thiện hơn.

Một điều thuận lợi nữa với Bùi Hoàng Uyên Minh trong việc quảng bá tác phẩm là đã có nhiều giọng ca đình đám thể hiện các ca khúc của anh, như: NSND Quốc Hưng, danh ca Bảo Yến, Sao mai Xuân Hảo, Sao mai Thành Tài, Sao mai Huyền Trang… Được biết sắp tới ca sĩ Xuân Hảo sẽ thu âm ca khúc “Người Việt Nam tôi” của anh để giới thiệu đến công chúng qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là ca khúc ca ngợi những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam từ “bốn nghìn năm với những dâu bể, bốn nghìn năm với những khổ đau vẫn hiên ngang vượt trùng dương ra biển lớn”.

Là người đồng hương khá thân thiết với Bùi Hoàng Uyên Minh, nhạc sĩ Vũ Thiết thường xuyên có những cuộc “trà dư tửu hậu” cùng tác giả trẻ này. Tác giả “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” nhận xét: “Bùi Hoàng Uyên Minhrất đam mê nghệ thuật, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Đó là điều rất đáng quý của một nhạc sĩ trẻ. Những tác phẩm của anh ấy nặng về chất trữ tình, dịu dàng, tha thiết và tôi tin anh ấy sẽ còn tiến xa trên con đường sáng tác phía trước”. Còn tác giả của “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, nhạc sĩ Lê Mây thì cho rằng: “Bùi Hoàng Uyên Minh có thuận lợi về khả năng ngôn ngữ, lời khá tốt. Giai điệu trôi chảy, gần với dân gian”.

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhạc sĩ trong buổi sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội

Cũng là người luôn động viên, khuyến khích Bùi Hoàng Uyên Minh, nhạc sĩ Bá Môn, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao các sáng tác của người nhạc sĩ trẻ đồng hương này. “Ở Bùi Hoàng Uyên Minh tôi thấy có tình yêu mãnh liệt với âm nhạc, có quyết tâm lớn để cho ra sản phẩm âm nhạc tốt nhất phục vụ công chúng. Các sáng tác của anh ấy dù rất đa dạng về chủ đề nhưng mới chỉ dừng ở phong cách dân gian còn tính chất đương đại thì hầu như chưa có. Muốn trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, anh ấy còn nhiều việc phải làm, nhất là việc tiếp cận với âm nhạc thế giới, với nhạc nhẹ để các sáng tác mang đậm hơi thở của thời đại. Tuy nhiên với sự “nhập cuộc” đầy tự tin này, tôi tin vào lớp nhạc sĩ trẻ của Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó Bùi Hoàng Uyên Minh sẽ sớm khẳng định một chân dung nhạc sĩ chững chạc, sẽ dần là người kế cận thế hệ nhạc sĩ “già” chúng tôi”, nhạc sĩ Bá Môn nhấn mạnh.

Nghe và cảm nhận những sáng tác của Bùi Hoàng Uyên Minh cũng như những tâm sự của anh đủ thấy tinh thần vươn lên, sự khát khao đến cháy bỏng của người nhạc sĩ quê lúa. Tôi tin và chờ đợi những bước tiến mới của anh.

Ngô Khiêm

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top