Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhà báo Thái Duy “Sống và Viết”, suốt một đời phấn đấu không mỏi

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã long trọng tổ chức sự kiện ra mắt bộ phim về nhà báo Thái Duy và trưng bày chuyên đề, tọa đàm: Thái Duy - Sống và Viết nhằm tôn vinh những đóng góp của nhà báo Thái Duy với 75 năm son sắt với nghề báo.

Sự kiện nằm trong các hoạt động Chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023); hướng tới kỷ nệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Quang cảnh sự kiện ra mắt bộ phim về nhà báo Thái Duy và trưng bày chuyên đề, tọa đàm: Thái Duy – Sống và Viết.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, nhà báo Thái Duy và gia đình, các nhà báo lão thành, đại diện một số ban, bộ ngành, lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, bảo tàng, đơn vị bạn, các đồng nghiệp báo chí…

Điểm nhấn tại sự kiện là bộ phim tài liệu về nhà báo Thái Duy, lần đầu tiên được công chiếu tới khán giả. Phim do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, với thời lượng 30 phút, phim đã chuyển tải đến với người xem nhiều tư liệu, hình ảnh, câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua ba cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình.

Đặc biệt, những thước phim cũng tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Cũng tại sự kiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy. Theo đó, gian trưng bày gồm 3 backdrop và 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ; Hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm Sống như Anh, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…; Các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực… Cùng với đó là một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Thái Duy gắn quá trình hoạt động báo chí…được bài trí trong 7 tủ trưng bày tài liệu, hiện vật gồm bản thảo đánh máy, một số bài viết trên báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết, sách Sống như Anh, Khoán “chui” hay là chết, Thư các tử tù gửi nhà báo Thái Duy, đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, nhà báo Thái Duy, tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang. Ông nguyên là phóng viên báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết. Ông đã trải qua hai cuộc chiến, từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi nhận và phản ánh 10 kỳ Đại hội Đảng, 10 nhiệm kỳ Quốc hội. Với 97 năm tuổi đời, 75 năm son sắt với nghề báo, ông là cây bút nổi bật trong hàng ngũ những nhà báo cách mạng tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới, chấn hưng đất nước.

Gian trưng bày kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tuy chỉ có một danh xưng duy nhất là phóng viên, song trong suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy luôn viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Ông từng nói, chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi! 

Nhà báo Thái Duy còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân. Cái tên Trần Đình Vân gắn liền với cuốn sách "Sống như anh" - viết về cuộc đời anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi. Tác phẩm đã được xuất bản hàng triệu bản ra khắp thế giới…

Cũng tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” đã chia sẻ, những tác phẩm báo chí của nhà báo Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận. Nhà báo Thái Duy còn là tấm gương sáng cho các nhà báo hiện tại, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Ông là một con người giản dị, bản lĩnh và hội tụ phẩm chất đạo đức của người làm báo chân chính. 

Tuấn Trần-Dương Khánh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.