Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Ngăn chặn xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí

03:35 21/03/2024 - Diễn đàn
Cùng với những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, cần được cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn kịp thời. Quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí như thế nào? Bằng cách nào để phát hiện và hạn chế hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí trên các website hay mạng xã hội?

Toàn cảnh phiên thảo luận về bản quyền báo chí. 

Quy định pháp luật  về quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí

Theo định nghĩa tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2022 (gọi tắt là “Luật SHTT hiện hành”), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, tác phẩm báo chí được Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành công nhận là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả[1]. Các tác phẩm báo chí là các tác phẩm “có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác”[2]. Theo định nghĩa này, tác phẩm báo chí không chỉ nhắc đến những tác phẩm viết trên báo in hay báo điện tử, mà còn bao gồm những phóng sự, phỏng vấn hay các loại hình tương tự được ghi âm, ghi hình và phát sóng trên các kênh truyền hình, phát thanh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tin tức thời sự thuần túy đưa tin, một trong những thể loại  phổ biến nhất của báo chí, không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Dù vậy, chỉ có những tin tức thời sự “thuần túy”, tức là những thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật mới được loại trừ[3], trong trường hợp có sự “sáng tạo” dựa trên thông tin thời sự do người viết tạo ra, những tin tức, thông tin báo chí này vẫn được xem một tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả theo quy định pháp luật hiện hành.

Quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, tương tự các thể loại tác phẩm được bảo hộ khác, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân[4] bao gồm  quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Trong khi đó, quyền tài sản[5] bao gồm  quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm. Ví dụ như đối với một số tác phẩm báo chí trình bày dưới dạng chữ viết được đăng trên báo in hoặc báo điện tử, quyền này cho phép tác phẩm được đọc lại và ghi âm dưới dạng audio, sau đó đăng bản ghi âm này cho công chúng tiếp cận; quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình; quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

Thực trạng hành vi xâm phạm quyền tác giả 

Hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm báo chí ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, bốn trong số các hành vi phổ biến nhất là  sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm báo chí và đăng lại trên các nền tảng điện tử khác nhau như các trang thông tin điện tử  hay các nền tảng mạng xã hội; mạo danh cơ quan báo chí hoặc tác giả; không trích dẫn nguồn gốc, tác giả, tên cơ quan báo chí của tác phẩm báo chí và chỉnh sửa, cắt ghép nội dung tác phẩm báo chí dẫn đến thông tin báo chí được đưa tin bị sai lệch. Các hành vi cụ thể sau: 

Một là,hành vi sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm báo chí và đăng lại trên các nền tảng khác nhau. Hành vi sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung của tác phẩm báo chí là hành vi dễ thực hiện và có thể được xem là phổ biến nhất. Theo quy định của Luật SHTT hiện hành, hành vi này được xem là hành vi xâm phạm quyền tài sản, cụ thể là quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Do đó, hành vi này được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả[6]. Mặt khác, việc sao chép tác phẩm báo chí được hiểu là không thuộc các trường hợp được xem là không xâm phạm quyền tác giả và được phép sao chép như sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập và không nhằm mục đích thương mại[7].

Hành vi sao chép này có thể được thực hiện bởi một số cá nhân, tổ chức, thậm chí là một số cơ quan báo chí. Thực tế, với những thao tác copy – paste đơn giản, một số cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chiếm đoạt tác phẩm báo chí của cá nhân, cơ quan báo chí khác và sau đó đăng tải lên website hay tài khoản mạng xã hội của mình. Việc sao chép được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là sao chép từng phần, đảo lại đoạn hay một số thao tác “xào nấu” nội dung, có thể dưới dạng bài viết hoặc là một bài nói mà theo đó, nội dung bài viết sẽ được đọc lại bởi một người hoặc bằng AI, nhưng kết quả cuối cùng cũng là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm báo chí gốc đã bị sao chép mà không  có nguồn dẫn, hay thậm chí tác giả của tác phẩm cũng bị đổi tên, nói cách khác, tác phẩm đã bị “cướp”. Hơn nữa, trong trường hợp độ phổ biến của website hay tài khoản mạng xã hội chứa nội dung xâm phạm có độ “phủ sóng” cao hơn website hay tài khoản mạng xã hội chứa nội dung tác phẩm báo chí gốc, người đọc sẽ không xác định được nguồn gốc thật sự của tác phẩm bị xâm phạm này.

Hai là, mạo danh cơ quan báo chí hoặc tác giả. Một số tổ chức, cá nhân lập các website có tên miền gần giống với các cơ quan báo chí được cấp phép và tiến hành đăng các bài viết được sao chép lên các website này cũng như thay đổi tên tác giả của tác phẩm. Hành vi này thường  xảy ra với tác phẩm báo chí dưới dạng ngôn ngữ.

Ba là, không trích dẫn nguồn gốc, tác giả, tên cơ quan báo chí của tác phẩm báo chí. Bên cạnh việc mạo danh tác giả hay cơ quan báo chí, một trường hợp khác là cá nhân, tổ chức sau khi sử dụng nội dung của tác phẩm báo chí lại không thực hiện việc trích dẫn nguồn gốc, tác giả, tên cơ quan báo chí của tác phẩm báo chí. Hành vi này được xem là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, cụ thể là quyền “được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng”. Hành vi này không chỉ xảy ra đối với tác phẩm báo chí mà nhiều thể loại tác phẩm khác cũng bị xâm phạm và người thực hiện hành vi, trong nhiều trường hợp, không hề cố ý thực hiện vì lợi ích cá nhân, mà có thể là vô ý do thiếu hiểu biết hoặc do “quên”. Nhiều trường hợp, nhất là trên các nền tảng mảng xã hội, vì muốn đưa thông tin vì mục đích đưa tin hay tranh luận, một số đoạn bài báo đã được copy-paste ra nhưng tên bài viết hay tác giả lại không được trích dẫn cụ thể, chỉ đưa dẫn ra theo dạng báo A đưa tin thế này, báo B đưa tin thế kia. Hành vi này  được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí.

Bốn là, chỉnh sửa, cắt ghép nội dung tác phẩm báo chí dẫn đến thông tin báo chí được đưa tin bị sai lệch. Ngoài các hành vi xâm phạm quyền tác giả bài viết như đã nêu, có một hành vi còn nguy hiểm hơn là không trích dẫn hay mạo danh, đó là chỉnh sửa, cắt ghép thông tin dẫn đến sự sai lệch trong truyền đạt thông tin của tác phẩm báo chí đến người đọc, người xem, người nghe. Ví dụ, một bài báo nói về mặt lợi và hại của một loại thực phẩm. Một cá nhân vì muốn người khác tin rằng thực phẩm này có hại cho sức khỏe đã cắt đi toàn bộ phần ích lợi của thực phẩm, chỉ giữ lại mặt hại, rồi làm nghiêm trọng vấn đề lên bằng ý kiến cá nhân của mình. Hay là nhiều trường hợp cắt đoạn, trích dẫn tác phẩm theo đoạn có lợi cho mình mà bỏ qua bối cảnh chung quanh, dẫn đến người khác hiểu sai nội dung thật sự của bài viết, đặc biệt là các đoạn phỏng vấn. Thực tế, hành vi chỉnh sửa, cắt ghép thông tin của các tác phẩm báo chí đã có thể được xem là xâm phạm quyền tác giả, nhưng đối với việc chỉnh sửa, cắt ghép nhằm mục đích đưa thông tin sai lệch, hành vi này có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Chức năng của báo chí là đưa thông tin trung thực về mọi vấn đề trong xã hội, cả trong và ngoài nước[8], việc sử dụng các tác phẩm báo chí  làm sai lệch sự thật là hành vi cần phải phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Hành vi này còn xâm phạm quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, một trong các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm.

Giải pháp phát hiện, khắc phục

Thứ nhất, thành lập các tổ bản quyền hay bộ phận kiểm tra, giám sát thực hiện quyền tác giả đúng quy định pháp luật. Hiện nay, tại một số cơ quan báo chí, tổ bản quyền hay các đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền tác giả đã được thành lập, tuy nhiên không phải là thường trực mà là khi phát sinh sự việc. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí thường có số lượng nhiều và độ lan tương đối nhanh, việc huy động tổ bản quyền sẽ không hiệu quả và không thể giải quyết khối lượng công việc lớn. Do đó, việc sử dụng nhân lực thường áp dụng đối với các hành vi xâm phạm nghiêm trọng, ví dụ như nội dung thông tin có ảnh hưởng lớn, như tin tức chính trị hay những hành vi có tính nghiêm trọng như hành vi chỉnh sửa, cắt ghép nội dung tác phẩm báo chí dẫn đến thông tin báo chí được đưa tin bị sai lệch.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không thể huy động nhân lực là sự thiếu hụt nhân lực dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí. Do đó, các cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí nên tiếp tục thực hiện việc đào tạo, hướng dẫn và nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, xử lý xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí và công nghệ phát triển như hiện nay, các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi và mức độ ảnh hưởng ngay càng lớn và khó kiểm soát.

Thứ hai, sử dụng công nghệ trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Việc áp dụng công nghệ trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả là cần thiết, vừa tăng hiệu suất, vừa bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Một trong số đó là các công cụ giám sát trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung chứa quyền tác giả được bảo hộ. Trung tâm bản quyền số cũng đã đưa ra 02 giải pháp là sử dụng Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí (Video Digital Right Management - DCC VDRM) giúp ngăn chặn tình trạng tải hoặc truy xuất tự do các nội dung video và livestream thông qua việc mã hóa luồng dữ liệu video và truyền hình. Phương pháp trên giúp bảo vệ nội dung khỏi việc sử dụng trái phép, kiểm soát băng thông, kiểm soát chi phí truyền dẫn trên internet; sử dụng giải pháp hệ thống lắng nghe, dò quét, phát hiện, cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử (DCC Watcher) sử dụng công nghệ lõi gồm Kỹ thuật thu thập lắng nghe dò quét thông tin trên báo điện tử, trang tin và mạng xã hội. Kỹ thuật xử lý lưu trữ, phân tích mô hình hóa và đối chiếu dữ liệu[9]. Một phương pháp khác là sử dụng blockchain trong việc xác lập, khai thác, thực hiện quyền tác giả cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Với việc ứng dụng blockchain, việc xác định tác giả của tác phẩm báo chí cũng trở nên dễ dàng hơn, từ đó thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp với các bên liên quan. Mặt khác, blockchain giúp cho việc bảo mật nội dung thông tin, được lưu trữ tại hệ thống tải nội dung tác phẩm.[10]

Dù vậy, việc sử dụng công nghệ  đang gặp nhiều khó khăn do công nghệ chưa hoàn thiện, trong khi số lượng vi phạm ngày càng tăng, việc áp dụng kết hợp công nghệ và thủ công vẫn được ưu tiên tại Việt Nam trong tương lai gần. Ngoài ra, Việt Nam cần đảm bảo khung pháp lý cần thiết cho việc áp dụng các công nghệ được sử dụng được minh bạch và rõ ràng, ví dụ như trường hợp của blolckchain.

Hiện nay, hầu hết các mạng xã hội như Facebook, đều có trung tâm trợ giúp nơi tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền báo cáo về hành vi vi phạm quyền tác giả dù cho tỉ lệ và tốc độ xử lý vụ việc còn mất nhiều thời gian và rắc rối. Dù vậy, việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quản lý mạng xã hội hay website cũng góp phần nâng cao khả năng phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm báo chí đang trở nên phổ biến trong thời điểm hiện nay. Tuy còn nhiều khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi này, Việt Nam bước đầu đã có những biện pháp góp phần đẩy lùi tình trạng xâm phạm này. Đã đến lúc cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, thực thi đồng bộ, quyết liệt  của các bên liên quan, từ Nhà nước, các cơ quan báo chí và ý thức của người dân nhằm góp phần giải quyết vấn đề này.

Vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí  là vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp cần sự lên án của dư luận  xã hội, xử lý nghiêm minh bằng pháp luật.

Quang Linh

[1] Điểm c, Khoản 1, Điều 14 Luật SHTT hiện hành

[2] Khoản 3, Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP

[3] Khoản 1, Điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP

[4] Điều 19 Luật SHTT hiện hành

[5] Điều 20 Luật SHTT hiện hành

[6] Khoản 2, Điều 28 Luật SHTT hiện hành

[7] Điểm b, khoản 1, Điều 25 Luật SHTT hiện hành

[8] Tham khảo Điều 4 Luật Báo chí 2016

[9] Tài liệu ham khảo “Đẩy mạnh triển khai công nghệ số: Lời giải cho bảo vệ bản quyền báo chí, Hà Thanh, Báo Kinh tế và Đô thị, https://kinhtedothi.vn/day-manh-trien-khai-cong-nghe-so-loi-giai-cho-bao-ve-ban-quyen-bao-chi.html”, truy cập lần cuối ngày 28/02/2024.

10 “Ứng dụng công nghệ blockchain vào bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nguyễn Quỳnh Xuân Mai - Vũ Thị Hồng & Hoàng An, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=1029”, truy cập lần cuối ngày 28/02/2024.

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top