Làng gốm và chuyện bảo tồn văn hóa - Kỳ 1: Men buồn… làng gốm
16:34 07/04/2024
- Văn hóa xã hội
Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên nơi có nhiều nghề thủ công truyền thống. Vì nhiều lý do khác nhau mà có những làng nghề đã bị mai một, đứng trước nguy cơ bị thất truyền, xóa sổ. Với tình yêu và mong muốn bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, bằng cách này hay cách khác, một số nghệ nhân vẫn gắn bó khăng khít với nghề mà mình đã chọn. Câu chuyện về nghề làm gốm thủ công của người Churu ở làng Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến cho người đọc, người nghe phải xao xuyến, bâng khuâng…
Chúng tôi về làng Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vào một ngày nắng như rót mật. Giữa những cánh đồng rau mơn mởn của vùng đất nông thôn mới tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng, nơi đây, câu chuyện về nghề gốm, đời gốm tại làng Krăng Gọ cứ phơi bày ra một cách trần trụi khiến tôi chạnh lòng. Dạo quanh làng một vòng, cuối cùng tôi đến nhà bà Ma li - người phụ nữ gắn đời mình với nghề gốm mấy chục năm nay để nghe hồi ức về một thời hoàng kim của nghề gốm. “Ngày xưa cả làng ai cũng làm gốm. Làm gốm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm gốm để về xuôi bán, đổi muối, gạo, thức ăn. Vui lắm”.
Bà Ma li - người phụ nữ gắn đời mình với nghề gốm mấy chục năm.
Rõ ràng, trong lời kể của người đàn bà đi qua hơn 70 mùa rẫy nơi mảnh đất Tây Nguyên này thì làng gốm Krăng Gọ ngày xửa, ngày xưa là nghề ăn nên làm ra của người dân Churu quê bà. Làng Krăng Gọ ngày xưa còn có tên là làng Nồi. Làng Nồi ngày ấy tất bật cả ngày lẫn đêm. Làng trên, xóm dưới, trẻ, già, trai gái, người lên núi đào đất, bổ củi, người nhào nặn, sàng sảy; phụ nữ thì vẽ hoa văn, tạo mẫu… cứ thế chuyện gốm, đời gốm quyện vào nhau biết bao ân tình. Ngày xưa, mấy chục nóc nhà trong thôn hôm nào cũng đỏ lửa để nung, để nấu cho cái ấm, cái vung, cái nồi thêm phần rắn rỏi. Cũng nhờ đến nghề gốm mà cuộc sống của người dân nơi đây có cơm ăn ngày ba bữa, lửa đỏ ngày ba lần. Cũng nhờ những sản vật của làng Nồi mà cư dân Churu đã có những chuyến mang gốm về xuôi đầy kỷ niệm. Cũng chính từ những chuyến đi xuôi ấy mà có bao chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã nên duyên chồng vợ để rồi giờ đây khi nhắc đến chuyện xưa họ vẫn tủm tỉm cười và tiếc nuối một điều gì đó của một thời thanh xuân tươi trẻ với nghề gốm luôn trĩu nặng những ân tình…
Đáng tiếc đó là câu chuyện của ngày xưa, chuyện quá khứ, tuy nhiên hiện thực bây giờ thì không được như vậy. Chuyện làng gốm bây giờ buồn lắm. Bà Ma Li trở về thực tại bằng tiếng thở dài xa xăm: "Bây giờ không ai muốn học làm gốm. Cả làng, ngoài tôi ra còn bà Ma Bi là chị em ruột với tôi làm gốm thôi. Tuổi trẻ bây giờ chúng nó không thích, chẳng mặn mà gì với cái nghề này. Nó đi làm thuê, hái rau, làm laghim nhiều tiền hơn, một ngày làm thuê bằng cả tuần làm gốm”.
Hai trạng thái quá khứ và hiện tại của bà Ma Li cứ luẩn quẩn giữa vui và buồn, giữa hoài vọng và thất vọng, giữa nhộn nhịp, đông vui và sự đìu hiu và vắng vẻ. Làng Krăng Gọ giờ đây chỉ còn 2 người biết làm gốm là bà Ma Li và Ma Bi. Chị em bà Ma Li làm gốm vì nhớ nghề, bà làm gốm để cố giữ lại cái nghề truyền thống, cái hồn cốt của dân tộc mình, làm gốm vì nhớ cái mùi đất thoang thoảng chứ không phải làm gốm vì cuộc mưu sinh như cách đây mấy mươi năm về trước. Vẫn biết rằng làm gốm ra không ai mua, bán không được. Cái thô ráp, mộc dị của những nét vẽ, những đường hoa văn do bà tạo ra không thắng được sự tinh xảo của những đồ dùng thủy tinh, đồ nhựa hết sức tiện nghi, và đẹp mắt. Giá thị trường thấp chạm đáy mà khách hàng vẫn ngó lơ.
Bao nhiêu chương trình xúc tiến, bao thước phim, bài báo đã lên sóng, lên khuôn nhưng sản phẩm gốm của bà Ma Li vẫn không cạnh tranh được với các sản phẩm tiện nghi trên thị trường. Chính vì thế mà nỗi buồn ngày càng chồng chất, hằn sâu trên khuôn mặt của bà Ma Li. “Thỉnh thoảng có một vài đoàn khách về thăm, họ bảo làm rồi mua một vài cái nhỏ để kỷ niệm chứ không mua nhiều. Mình làm để khỏi quên nghề chứ sản phẩm làm ra bán không được.
Làng gốm Krăng Gọ giờ đây đã bị phủ một lớp men buồn, nỗi buồn ấy không chỉ có ở chị em bà Ma Li mà đã lan xa, lan rộng. Buồn vì người biết làm gốm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Buồn vì sản phẩm gốm đã “hết thời” không còn đất để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của một làng nghề truyền thống nổi tiếng đã có từ xa xưa. Sản phẩm gốm của người Churu không có mặt ở chợ trên, chợ dưới ở miền xuôi, miền ngược như thời quá khứ mà nó nằm im lìm ở một góc nào đó trong nhà bà Ma Li. Gốm làng Krăng Gọ chỉ còn tồn tại trong một không gian hẹp, ánh lửa nung gốm vì thế mà cũng lụi dần. Sự tồn tại của làng gốm vốn huy hoàng một thời giờ đây chỉ trông cậy vào đôi bàn tay của những người già. Còn người trẻ thì thờ ơ với gốm: “Em không biết làm gốm, học nghề này mất nhiều thời gian quá mà sản phẩm làm ra có ai mua đâu”. Cô bé Nai Hoan người Churu mà tôi gặp trên đường làng Krăng Gọ đã bi quan về làng nghề truyền thống của ông cha mình như thế.
Nam Tây Nguyên ngày không mây, câu chuyện về chị em bà Ma Li, chuyện làng gốm và chuyện những đứa trẻ trên vùng đất này khiến tôi chồng chành nhiều cung bậc cảm xúc. Thực trạng về làng gốm Krăng Gọ được đặt ra một cách ngậm ngùi. Thời hoàng kim của nghề gốm Krăng Gọ đã qua và làm gì để người Churu phục hồi lại nghề gốm của chính mình là một bài toán khó cần có lời giải cụ thể và chi tiết. Người dân làng Krăng Gọ, những người như chị em bà Ma Li và Ma Bi mong lắm một ngày nào đó nghề gốm được hồi sinh. Họ vẫn chờ, vẫn hy vọng và ngày đó đã đến, niềm vui đã đến. Krăng Gọ đã bước sang một thời kỳ mới, một bước chuyển mình đầy tích cực…
(Còn nữa)
Thành Nam
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)