Làm talkshow thời giãn cách

11:20 25/10/2021 - Tác nghiệp
Trong những tháng vừa qua, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng lên trên quy mô nhiều tỉnh thành, đặc biệt là ở TP.HCM, chúng ta đã chứng kiến những sự thay đổi trong quy trình sản xuất một số thể loại truyền hình như phỏng vấn, đối thoại – tọa đàm hay các chương trình văn nghệ trực tiếp.

Phóng viên Chuyển động 24h của VTV thực hiện phỏng vấn online độc quyền với Daniel Craig (diễn viên đóng vai James Bond, điệp viên 007) và các nữ diễn viên đóng chung trong bộ phim bom tấn vừa ra mắt “No Time To Die”_Ảnh: TL

Đó là sự thay đổi bắt buộc khi phóng viên không thể gặp gỡ trực tiếp nhân vật của mình vì sự an toàn trong phòng chống dịch, vì yêu cầu giãn cách xã hội. Cuộc phỏng vấn, buổi tọa đàm vẫn diễn ra trên sóng truyền hình, có điều, khác với cách làm cũ, người hỏi và người trả lời, MC và khách mời, phóng viên và diễn giả không ở cùng một không gian như trong trường quay của đài mà phải gặp nhau trên… mạng.

Phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm trực tuyến… đã trở thành hình thức thể loại mới và quen thuộc trong giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19. Và các nhà báo truyền hình nhanh chóng tìm một quy trình sản xuất mới cho các nội dung công việc rất cũ, trong đó, có yêu cầu làm quen, làm chủ các công cụ kỹ thuật mới.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, mỗi đài truyền hình dùng các công cụ, nền tảng giao tiếp khác nhau để tổ chức phỏng vấn trực tuyến hoặc tọa đàm trực tuyến. Phỏng vấn có thể dùng các công cụ miễn phí phổ biến do phụ thuộc vào đối tượng phỏng vấn như các hình thức video call. Nếu nhân vật quen với Zalo, Viber, Messenger… phóng viên cũng phải chọn lựa theo vì không thể bắt họ cài mới ứng dụng phù hợp với yêu cầu của mình trong các điều kiện thời sự.

Riêng với việc thực hiện tọa đàm – đối thoại, vì tính chất của cuộc gặp gỡ - giao lưu nhiều người cùng một lúc nên tất cả phải dùng chung một nền tảng online. Những đài, kênh truyền hình lớn thường thuê bao các dịch vụ hội thoại trực tuyến với dung lượng đường truyền tốt để âm thanh hình ảnh chất lượng cao. Một số đài tận dụng các nền tảng dạy học online phổ biến như Zoom, Meet, Microsoft Team, Classroom v.v..

Một buổi tọa đàm online của Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long. Người dẫn chương trình tại studio kết nối online trên nền tảng Meet với các “khách mời” tham gia chương trình _Ảnh: TL

Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long chọn công cụ Meet của Google để tổ chức các buổi giao lưu tọa đàm phục vụ cho các chương trình chuyên đề, chương trình khoa giáo. MC của các chương trình này cũng đồng thời là người sẽ điều phối tín hiệu hình ảnh các “cầu” khách mời ngay tại phòng thu để đạo diễn hình xử lý tín hiệu đẹp nhất trên màn ảnh master trước khi lên sóng.

Do các nền tảng này không thiết kế chuyên biệt cho hoạt động truyền hình (mà thực chất là chỉ dùng cho hoạt động dạy học) nên kỹ thuật viên của Đài phải xử lý linh hoạt các source tín hiệu kết nối đồng thời từ các khách mời để cho kết quả hiển thị đẹp và phù hợp với tính chất “đàm luận”… Các nhân viên đồ họa cũng trổ tài trong việc thể hiện thêm các yếu tố văn bản và hình ảnh để chèn trong khuôn hình, tạo hiệu quả tiếp nhận tốt.

Làm tọa đàm truyền hình online, đa số các biên tập viên lo lắng nhất là gặp những khách mời, diễn giả khó tính. Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Chuyên mục Đài PT-TH Vĩnh Long kể rằng: “Trong việc tổ chức tọa đàm thông thường trước đây, việc chọn khách mời cho phù hợp nội dung là yêu cầu cực kỳ quan trọng, còn bây giờ, khi làm talkshow online thì ngoài yếu tố chuyên môn, tri thức của diễn giả, biên tập viên còn phải tính đến “khả năng công nghệ” của họ nữa. Ví dụ, nhiều vị giáo sư, tiến sĩ lớn tuổi rất giỏi chuyên môn, nhưng lại yếu về sử dụng các thiết bị, biên tập viên chúng tôi rất ngại đặt vấn đề yêu cầu cài thêm ứng dụng trên thiết bị cá nhân của họ”.

Nhưng cái khó nhất lại là chuyện xử lý khuôn hình - nữ nhà báo Phạm Hoàng Thy tâm sự - “Khi chúng tôi kết nối với khách mời, mỗi người đặt máy một kiểu khác nhau, hậu cảnh nhiều khi rất lộn xộn, góc máy thường chếch lên sàn nhà. Chúng tôi phải nhẹ nhàng ôn tồn nhờ diễn giả chỉnh sửa khung hình lại cho đẹp, cho phù hợp, đặc biệt là thay đổi hậu cảnh để tránh những chi tiết riêng tư gia đình bị đưa lên sóng”.

Không phải khách mời nào cũng thiện chí hỗ trợ để mình chỉnh sửa hình ảnh và âm thanh từ xa như thế đâu, có người tỏ ra khó chịu, thậm chí giận dỗi đó - chị Thy cho biết thêm. Tất nhiên cũng có những khách mời rất chuyên nghiệp, họ hiểu nhanh yêu cầu của nhóm sản xuất và hợp tác rất tốt, nhưng số này rất ít.

Diễn đàn trực tuyến báo chí doanh nghiệp do Tạp chí Người Làm Báo tổ chức mới đây

Làm tọa đàm online gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng lại có một điểm hay là có thể “mời” được rất nhiều khách quý từ những không gian rất xa đài mà trước đây, theo cách làm cũ, các biên tập viên chưa bao giờ mời được họ. Một đài truyền hình ở miền Đông Nam bộ lâu nay khi tổ chức các chương trình tọa đàm – đối thoại, khách mời xa nhất của họ thường là những chuyên gia ở TP.HCM, nhưng hiện nay, khi làm talkshow online, họ có thể mời các chuyên gia giỏi đến từ Thủ đô Hà Nội.

VTV vẫn tổ chức tọa đàm online với khách mời khắp năm châu bốn biển. Và vì trong không khí cùng giãn cách xã hội, hầu hết các chuyên gia đều hỗ trợ nhà báo trong việc tổ chức sản xuất những chương trình online khi họ chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet và ở bất cứ không gian nào.

Hóa ra, không phải sự thay đổi bắt buộc nào cũng là lựa chọn bất đắc dĩ đâu./.

Phan Văn Tú

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top