Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2024):
Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
15:42 09/10/2024
- Diễn đàn
Ngày 15/10/2024 Báo ảnh Việt Nam, cơ quan của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Số báo đầu tiên có tên gọi là Hình ảnh Việt Nam, với bức ảnh ấn tượng chụp khoảnh khắc hình ảnh anh Vệ Quốc đoàn vào giải phóng Thủ đô, bế trên tay một em bé. Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, trở thành thương hiệu báo ảnh Việt Nam, có công lao đóng góp của nhiều thế hệ làm báo ở nhiều cơ quan liên quan, trong đó phải kể đến đội ngũ nhà báo ở TTXVN.
Sau nhiều lần “đặt lịch”, nhà báo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Huyến mới chọn được một ngày đẹp trời của mùa thu Hà Nội, sát ngày kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam để nhóm “G7” gồm có 7 người tâm huyết với tờ báo đặc biệt này nhóm họp, phiếm chuyện về “hồi ấy” làm báo.
Nhóm “G7” gồm nguyên các nhà báo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí; nhà báo Lê Quốc Trung, Trần Mai Hưởng, Vũ Huyến, Phạm Tiến Dũng, Vũ Đức Tân, Ngô Dư, Vũ Quốc Khánh.
Từ trái qua phải: Tác giả bài viết, nhà báo NSNA Vũ Quốc Khánh, nhà báo NSNA Vũ Huyến, nhà báo NSNA Vũ Đức Tân, nhà báo Lê Quốc Trung, nhà báo NSNA Phạm Tiến Dũng, nhà báo NSNA Trần Mai Hưởng, nhà báo NSNA Ngô Dư trong buổi hội ngộ nhóm “G7” ôn lại kỷ niệm một thời làm Báo ảnh Việt Nam_Ảnh: Hà Vũ
Tôi là người được “đặc cách” vào nhóm “G7”, với lý do như nhà báo Vũ Huyến nói “tay này biết nhiều chuyện về giới ảnh ọt”. Thực ra, tôi cũng có chút chuyên môn liên quan, vì “chót” yêu ảnh và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực ảnh báo chí, do vậy cũng thích “giao du” học hỏi các bậc tiền bối, những người có kinh nghiệm về nghề. Cùng đi với tôi có thêm cậu con trai Hà Vũ tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa Đại học Greenwich (Anh) và cô học trò Kiều Trang sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Ảnh báo chí, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hai bạn trẻ đều là những người yêu thích nghệ thuật hình ảnh, tham gia cũng là để học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước.
Tôi biết danh nhà báo Lê Quốc Trung từ khá lâu, nhưng gần đây mới có dịp được gần gũi, trò chuyện với ông. Sau khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí, ông được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam mời làm cố vấn chuyên môn. Vì là giảng viên kiêm nhiệm của Trung tâm, nên mỗi khi có lớp, tôi hay được gặp ông và trò chuyện về nghề. Nhà báo Lê Quốc Trung là người hiền lành, ít nói. Khi “hồi ấy” về chuyện làm Báo ảnh Việt Nam, ông chỉ nhẹ nhàng trao đổi những thông tin mà mình nắm được về lịch sử phát triển của Báo ảnh Việt Nam trong giai đoạn ông làm Tổng Biên tập cũng như khi làm Tổng Giám đốc TTXVN.
Nhà báo Lê Quốc Trung là con trai cụ Lê Hữu Lập, một trong những người giúp việc thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1958 đến năm 1969. Cụ là Trưởng phòng Văn thư, Văn phòng Chủ tịch nước. Hằng ngày, cụ có mặt bên Bác Hồ và cả Bác Tôn (khi đó là Phó Chủ tịch nước) để thực hiện các công việc về công tác văn thư. Ngoài ra, cụ còn đọc báo hằng ngày để giúp Bác Hồ phát hiện các gương người tốt, việc tốt, xác minh để Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người.
Cụ Lê Hữu Lập còn được Bác Hồ giao giữ cuốn sổ tiết kiệm hằng tháng (Bác Hồ có thói quen dành dụm một khoản tiền lương và tiền nhuận bút viết báo tiết kiệm được để khi cần thì mua quà tặng bộ đội). Sau khi Bác Hồ mất, Bác Tôn nhận trọng trách Chủ tịch nước. Cụ Lê Hữu Lập được phân công làm Vụ trưởng Vụ Hành chính - Quản trị, Văn phòng Chủ tịch nước và làm thư ký riêng của Bác Tôn. Cụ Lê Hữu Lập gần gũi, thân cận bên Bác Hồ, Bác Tôn nên đã học tập và noi theo đạo đức trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư của hai vị lãnh tụ.
Tấm gương sáng của người cha kính yêu đã ảnh hưởng lớn đến tư chất, nhân cách của nhà báo Lê Quốc Trung. Nhà báo Lê Quốc Trung thực hiện lời cha dạy luôn tự răn mình, học tập đạo đức của Bác Hồ, Bác Tôn. Trong những năm làm công việc quản lý ở cơ quan báo chí lớn, trong đó có Báo ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, ông luôn gương mẫu, sống cần, kiệm, liêm, chính.
Nhà báo Lê Quốc Trung bảo sẽ tặng tôi cuốn kỷ yếu “60 năm Báo ảnh Việt Nam” in cách đây 10 năm để biết chính xác hơn về lịch sử phát triển của báo. Ông “khiêm tốn” bảo, thời điểm làm Tổng Biên tập và cả thời kỳ làm Tổng Giám đốc TTXVN, mình đóng góp không đáng là bao so với nhiều người đối với sự phát triển của Báo ảnh Việt Nam. Nhưng thực tế, theo nhận xét của các đồng nghiệp cùng thời với ông, giai đoạn nhà báo Lê Quốc Trung làm lãnh đạo trực tiếp cũng như làm Tổng Giám đốc TTXVN, Báo ảnh Việt Nam có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là về nhiệm vụ thông tin đối ngoại của đất nước bằng hình ảnh.
Nhà báo NSNA Trần Mai Hưởng, dù từng là một nhà quản lý cấp cao trong báo giới Việt Nam, nhưng khi nói về ảnh, ông cũng rất say sưa kể. Có lẽ cái “máu” của nhà báo, chiến sĩ trong ông kể từ khi còn là phóng viên chiến trường, đi dọc chiều dài đất nước và chứng kiến giờ phút của ngày toàn thắng 30/4/1975, nên ông vẫn cứ hừng hực khí thế nghề nghiệp khi “hồi ấy” về làm Báo ảnh Việt Nam.
Con đường vào nghề báo của nhà báo NSNA Trần Mai Hưởng khá “lòng vòng”. Ông nói, hồi nhỏ mình không nghĩ sau này sẽ làm báo, vì lúc đó ông học thiên về các môn tự nhiên và cũng có chút thích viết lách, văn chương. Năm 1968, tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10 năm), không hiểu sao ông lại được cử tuyển vào học… Đại học Thể dục - Thể thao. Lý do lãng xẹt là trong học bạ của ông, giáo viên chủ nhiệm bút phê… “có năng khiếu đánh bóng bàn”. Chưa biết xoay sở thế nào thì người anh trai là nhà báo Trần Mai Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), lúc đó là phóng viên TTXVN đã kết nối cho ông bén duyên với nghề báo. Thế là ông “đầu quân” vào TTXVN.
Qua một lớp huấn luyện nghiệp vụ báo chí ngắn hạn, ông vào làm việc tại phân xã ở tỉnh Hà Tây. Năm 1972, nhà báo Trần Mai Hưởng được lệnh đi chiến trường và trở thành phóng viên chiến trường. Ông cùng người anh trai của mình (nhà báo Trần Mai Hạnh) đi dọc chiến trường Trung - Nam Bộ và vinh dự được chứng kiến giờ phút lịch sử 30/4/1975. Bức ảnh nổi tiếng do ông bấm máy khoảnh khắc chiếc xe tăng số hiệu 846 tiến vào cổng Dinh Độc lập đã trở thành biểu tượng của chiến thắng 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, nhà báo Trần Mai Hưởng có thời gian làm phóng viên của Báo ảnh Việt Nam. Rồi ông được cử đi học ở Trường Đảng cao cấp Matxcơva (Liên Xô) và về lại TTXVN công tác. Sau này, khi trở thành Tổng Giám đốc TTXVN, ông là một trong những lãnh đạo của TTXVN dành nhiều sự quan tâm đến Báo ảnh Việt Nam. Thời điểm này, Báo ảnh Việt Nam bắt đầu chuyển mình, thích ứng với bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin và phát triển kỹ thuật - công nghệ làm báo hiện đại. Báo ảnh Việt Nam bắt đầu phát triển các sản phẩm điện tử bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để đến với bè bạn năm châu.
Đến vui với nhóm “G7”, nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn phong thái như thời “Nam tiến” chạy xe Honda 67 qua các mặt trận Huế, Quảng Đà để ghi hình, đưa tin. Nay ông tự chạy chiếc HondaCub 82 cũ kỹ của mình đến hội ngộ nhóm “G7”, rồi lại nhanh nhẹn bon xe khi ra về. Nhìn chẳng ai nghĩ đó lại là một người từng giữ trọng trách cao trong làng báo chí cách mạng Việt Nam và là người đã “vẽ bằng ánh sáng” biểu tượng mang tính lịch sử của giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau buổi hàn huyên, ngay chiều hôm đó, nhà báo Trần Mai Hưởng đã cảm tác thi ca, cho ra đời một tác phẩm thơ đầy xúc động để tặng bạn bè một thời làm Báo ảnh Việt Nam:
Góc phố xưa
Góc phố xưa ngày ấy
Thời gian lặng lẽ trôi
Vỉa hè và quán cóc
Gặp nhau là nói cười
Năm tháng như dừng lại
Trời đất xanh cùng ta
Ống kính còn thấp thoáng
Hình bóng một người xa
Cà phê rơi thật chậm
Thẫm trong chiều nhạt nhoà
Cuốc lủi dăm ba chén
Đủ làm ta thăng hoa
Người nói về khát vọng
Kẻ khóc vì thơ ca
Lương chưa cầm đã hết
Vẫn yêu nhạc Mozart!
Sao mà phong lưu thế
Đồng bạc lẻ chia ba
Kẹo lạc và trà chén
Điếu thuốc cuộn ngâm nga
Mọi sự giờ khác cả
Hối hả và quay cuồng
Góc phố xưa ngày ấy
Ngổn ngang một công trường
Một chiều về qua phố
Chạnh lòng nhớ bạn xưa
Những ngày trong trẻo ấy
Tìm ở đâu bây giờ?
Đọc xong tứ thơ trên, chắc rằng những người có một thời làm Báo ảnh Việt Nam sẽ thấy một phần nào đó của mình trong đó, nơi mà mọi người gắn bó với nơi tổ ấm thân quen, trong trẻo này.
Nhà báo Vũ Huyến là người cởi mở, nhanh nhẹn, quyết đoán, tháo vát. “Cậy” là “chủ nhà đăng cai sự kiện” nên ông hay “to tiếng, chiếm diễn đàn” khi mọi người sôi nổi “hồi ấy” về một thời làm Báo ảnh Việt Nam. Ông cứ chạy ra, chạy vào, leo lên, leo xuống thoăn thoắt như con thoi trong căn nhà ống cao tầng, cầu thang rích rắc của mình. Mặc dù bận trông nồi trên bếp, nhưng ông vẫn lớn tiếng ngoái ra chen vào các câu chuyện hồi tưởng của bạn bè về một thời làm Báo ảnh Việt Nam.
Nhà báo Vũ Huyến là bạn đồng môn Văn khoa Khóa 8 (1963-1967), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là người đa tài, đa năng, việc gì cũng thạo, cũng sẵn sàng sắn tay vào để “xử lý”. Ông là người gốc Hà Nội. Ông mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ của ông vốn là điệp báo viên cách mạng thời Pháp thuộc, hoạt động ở nội thành Hà Nội. Vì thế, lúc đó, gia đình ông “có điều kiện” để ở các biệt thự đẹp trong nội thành. Hòa bình lập lại, gia đình ông hòa mình vào cuộc sống bình dị như mọi gia đình lao động khác ở chốn Hà Thành. Lúc này, ông còn nhỏ và cũng nếm trải đủ cảnh nhọc nhằn để giúp gia đình, từ việc đi bán kem dạo đến kéo xe bò đêm chở, củi, tre nứa thuê ở bến Phà Đen, rồi đi vẽ thuê pano phim ở rạp… Rồi ông thi đậu vào Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp đi làm báo. Sau đó, ông được cử đi học chuyên ngành ảnh tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô). Về nước, ông kinh qua nhiều cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN và Báo ảnh Việt Nam.
Bạn bè thân thiện gọi đùa Vũ Huyến là một “nghệ sĩ chổi cùn, rế rách”. Bởi, với ông, không có cái gì là thừa, bỏ đi. Có đồ gì hay, ưng là ông sưu tập, lưu giữ, kể cả đồ đã hỏng. Ông tạo ra một không gian riêng chót vót trên tầng thượng nhà mình để “tàng trữ chổi cùn, rế rách”. Nhiều nhất trong khối “tài sản” của ông đó là sách, với đủ loại cũ - mới. Sách được ông bày biện chật kín đường đi lối lại trong nhà. Góc riêng tầng thượng của ông lợp mái tôn, dù có trần xốp, nhưng không lắp điều hòa. Vào mùa hè, không gian riêng này của ông nóng bỏng. Bù lại, nó thật ấm cúng mỗi khi ông mời bè bạn leo lên đây trà lá, chén chú chén anh, “chém gió” chuyện dưới biển trên trời, chuyện nghề. Sức “hot” của những câu chuyện “hồi ấy” mà nhà báo NSNA Vũ Huyến và bè bạn kể về một thời làm Báo ảnh Việt Nam dường như át đi sức nóng của tiết “rám trái bòng” giữa thu Hà Nội trong căn phòng áp mái.
Bữa cỗ “đạm bạc” mà nhóm “G7” “nháp” mừng Báo ảnh Việt Nam tròn tuổi 70 do chính tay nhà báo Vũ Huyến “đạo diễn”. Sáng hôm đó, ông dậy sớm, đạp xe một vòng… Thủ đô. “Tiện đường”, ông mua đồ ăn, thức uống về một mình tự chế biến đãi khách. Phải khẳng định, nhà báo Vũ Huyến là người sành nấu ăn. Nhà ông nằm giữa làng Mơ. Nơi đây có nghề truyền thống làm đậu phụ nổi tiếng, trở thành hồn cốt văn ẩm của đất Hà Thành. Vì thế, trong món cỗ ông chế biến không thể thiếu đậu phụ Mơ.
Cách đây ít lâu, có lần ông lọ mọ chạy xe máy từ Minh Khai lên Xuân Thủy chỉ để “biếu chú mày” mấy bìa đậu phụ Mơ ăn để biết thế nào là chính hiệu. Ông còn cẩn thận ngâm đậu vào nước muối loãng, để ngăn mát của tủ lạnh cho đúng “quy trình”, rồi mới đến “biếu ông em”. Quả thật, bữa đó, lần đầu tiên tôi ăn đậu phụ Mơ thấy ngon đến vậy. Vốn được đào tạo nghề báo chuyên nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), nên các món ăn mà nhà báo NSNA Vũ Huyến chế biến vừa đậm phong cách Việt, nhưng lại phảng phất phong cách Nga.
Các thành viên nhóm “G7” hầu hết đều từng được học tập nghề báo, nhiếp ảnh, điện ảnh… ở đất nước Liên Xô hoặc Đức, nên cũng khá sành đồ tây. Món ăn do nhà báo Vũ Huyến làm cũng có vẻ rất hợp khẩu vị với nhóm “G7”. Chúng tôi, mỗi người góp vui bằng chai rượu, lon bia, tây ta đủ loại. Một bữa ăn hội tụ đủ loại văn hóa ẩm thực đông - tây, hóa lại thành phù hợp với đa tính cách của các thành viên “G7”. Nhà báo Vũ Huyến nói, thế mới là dân báo ảnh Việt Nam. Cuối bữa, ông chuẩn bị sẵn những chiếc kem Tràng Tiền (có ý rõ ràng), mời chúng tôi tráng miệng. Ông chia từng chiếc kem cho mọi người và bật khóc khi hồi ức về thuở nhỏ nhọc nhằn, phải đi bán từng que kem để phụ giúp gia đình sinh nhai qua thời gian khó…
Mấy hôm trước khi quyết định tổ chức “họp” nhóm “G7”, nhà báo Vũ Huyến đã nói với tôi qua điện thoại với đầy nhiệt huyết về Báo ảnh Việt Nam. Nay khi nói về chuyện một thời làm Báo ảnh Việt Nam, ông nhắc lại nhiều kỷ niệm, thông tin quý, xen cả những “ngoại chuyện” với yêu, ghét và cả những cuộc tranh luận nảy lửa về nghề, đến mức có hai đồng nghiệp “choảng nhau” giữa một lối hẹp của tòa soạn mà chật đến nỗi người thứ 3 không thể len vào can ngăn được. Vui nhất là ông kể chuyện anh em Báo ảnh Việt Nam làm “kế hoạch phụ” (thời đó còn gọi là kế hoạch 3).
Vào thời điểm “đêm trước” sự nghiệp đổi mới của Đảng (trước năm 1986), đất nước ta bước vào thời kỳ rất khó khăn. Đời sống nhân dân nói chung, những người làm báo ảnh Việt Nam nói riêng đều rất thiếu thốn. Hầu như ngoài giờ hành chính, các cơ quan đều nghĩ đến chuyện làm “kế hoạch 3” để cải thiện đời sống. Để tạo động lực làm việc cho các nhà báo, lãnh đạo TTXVN và Ban Biên tập Báo ảnh Việt Nam lúc đó đã “bật đèn xanh”, cho phép anh em trong tòa soạn ngoài việc chính là thực hiện kế hoạch xuất bản báo thì có thêm “kế hoạch phụ”, đó là làm “kinh tế báo chí” bằng nghiệp vụ báo chí.
Lúc này nhà báo Vũ Huyến phụ trách phòng kinh tế - xã hội của báo. Ông đã đề xuất ý tưởng “oánh quả” bằng nghề để cải thiện đời sống cho anh em. Ông kết nối với các bộ, ngành, địa phương, đề xuất hợp tác làm sách ảnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển, “đôi bên cùng có lợi”. Nhà báo NSNA Vũ Huyến kể: “sản phẩm” đầu tiên là làm sách ảnh với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ trưởng Phạm Minh Hạc đã ưu ái dành một khoản kinh phí để anh em báo ảnh Việt Nam làm sách ảnh. Tiếp đó là các địa phương như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Các bộ, ngành khác cũng “đua nhau” làm sách ảnh để quảng bá hình ảnh. Thế là Báo ảnh Việt Nam cũng có một “nguồn thu” nho nhỏ từ nghề để chang chải. Các đơn vị làm sách ảnh lại có sản phẩm truyền thông có giá trị.
Nhà báo NSNA Vũ Huyến lấy trong giá sách đưa chúng tôi xem cuốn sách ảnh “Hải phòng - Thành phố bên bờ biển Đông” cách đây 39 năm, do ông làm chủ biên và các nhà báo Phan Công Hiển, Trần Quang Liêm, Trần Mai Hưởng, Ngô Dư, Trịnh Trí tổ chức thực hiện, nhân dịp Hải Phòng kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp (13/5/1955 - 13/5/1985). Ông bảo, cuốn sách ảnh này và nhiều cuốn nữa, nó vừa giúp ích tuyên truyền cho cơ sở, nhưng nó cũng là “vị cứu tinh chân chính” giúp cho anh em làm báo ảnh Việt Nam cải thiện được đời sống trong thời đận khó khăn. Sau này, khi làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), nhà báo Vũ Huyến cũng vẫn áp dụng mô hình tạo “nguồn thu” chân chính cho tòa soạn bằng việc phối hợp với các đơn vị để làm sách ảnh. Gần đây nhất, dù đã nghỉ hưu trí, ông vẫn được huyện đảo Bạch Long Vĩ tín nhiệm, mời giúp làm cuốn sách ảnh giới thiệu về địa phương để quảng bá du lịch với vai trò từ A đến Z, vừa chụp, biên tập, viết lời bình, thiết kế makét.
Nhà báo NSNA Phạm Tiến Dũng có chân dung đậm chất nghệ sĩ. Ông có nụ cười tươi tắn, thân thiện với mái tóc và cặp lông mày dài, đẹp như nhân vật trong phim cổ trang Trung Quốc. Ông chỉ cười khi các đồng nghiệp nhắc lại chuyện “hồi ấy” làm Báo ảnh Việt Nam... Thi thoảng ông chỉ đế vào cuộc phiếm chuyện vài tình tiết vui vui, theo phương châm “không nhớ lâu, thù dai”.
Tôi biết nhà báo NSNA Phạm Tiến Dũng từ khá lâu rồi. Ông nổi tiếng với những khoảnh khắc ảnh lịch sử chụp nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (Việt Nam) cùng nhà du hành vũ trụ Gorbatko (Liên Xô) bay vào vũ trụ tháng 7/1980. Khi đó ông đang là phóng viên Ban Biên tập ảnh TTXVN có mặt ở Liên Xô, được phân công tác nghiệp sự kiện quan trọng này. Tôi gặp ông nhiều hơn trong những lần Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức gặp mặt các giảng viên kiêm chức hoặc tổ chức hội thảo, tọa đàm về nhiếp ảnh, ảnh báo chí. Nhưng có lẽ, tôi gặp ông nhiều nhất... trên Facebook. Vì, ngày nào cũng thấy ông “khoe” những khoảnh khắc ảnh mới, đẹp... trên Facebook.
Ông từng là Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Việt Nam. Khi nói về Báo Ảnh Việt Nam, ông không kể lại những hồi ức theo đúng tinh thần “không nhớ lâu, thù dai”. Ông chỉ băn khoăn “dù biết làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại thì sử dụng bằng nhiều ngữ là rất tốt, nhưng Báo ảnh Việt Nam mà bỏ mất bản in bằng tiếng Việt thì thật là tiếc…”. Băn khoăn này cũng là chung của những thành viên trong nhóm “G7” và của cả chúng tôi - những người làm nghề và cũng là công chúng của Báo ảnh Việt Nam.
Nhà báo NSNA Vũ Đức Tân lại là người quá thân quen với tôi. Bởi ông là giảng viên thỉnh giảng ở chuyên ngành Ảnh báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ khá lâu. Tôi đã có nhiều lần cùng ông tham gia các hội đồng tuyển sinh đại học môn thi năng khiếu ảnh báo chí hoặc ở các hội đồng chấm giải ảnh của bộ, ngành, nghiệm thu đề tài luận văn, khóa luận, sản phẩm tốt nghiệp về lĩnh vực ảnh báo chí. Ông đến với lủng lẳng cặp bánh đa kế to đùng, dày cộp, vàng rộm để “góp cỗ” với nhóm “G7”.
Nhà báo NSNA Vũ Đức Tân là người gốc Hà Nội. Ông là con trai của nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nổi tiếng Vũ Đức Phúc. Vì thế, tuy chuyên môn về thực hành hình ảnh, nhưng ông lại rất sâu sắc về lý luận, lập luận và chuẩn mực về chữ nghĩa. Ông bảo, làm Bảo ảnh Việt Nam ngoài hình ảnh đạt chất lượng tốt thì chữ nghĩa cũng phải rất chuẩn mực. Những người trẻ làm báo ảnh bây giờ có máy ảnh số, kỹ thuật xử lý hình ảnh tốt, nhưng cần phải rèn chữ nghĩa cho thật tốt.
Trước khi về làm việc tại Báo ảnh Việt Nam, nhà báo NSNA Vũ Đức Tân là phóng viên ảnh của Báo Quân đội nhân dân. Ông được trui rèn từ môi trường quân đội và được đào tạo bài bản về nghề ảnh ở Liên Xô, nên tư duy lý luận ảnh rất sắc bén. Cũng vì thế mà ông dễ “cãi nhau” khi đối thoại với các đồng nghiệp về lý thuyết và thực hành nghề, dù đó là ai. Nhớ có lần, trong một hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Ảnh báo chí. Sinh viên nghiên cứu, khảo sát về đề tài liên quan đến Báo ảnh. Nhà báo Vũ Đức Tân lúc đó làm phản biện. Ông đã đứng phát dậy, mặt căng thẳng tranh luận với người hướng dẫn về một nhận định liên quan đến nghề. Nhà báo NSNA Vũ Huyến “cùng hệ máu lửa” như nhà báo NSNA Vũ Đức Tân. Trong bưa cơm, khi tranh luận về thời làm báo ảnh với nhà báo NSNA Vũ Đức Tân cũng phải dịu giọng, cười bảo “Tôi với ông đúng là một thằng đại gàn, một thằng đại dở. Thế mới đúng chất dân Báo ảnh Việt Nam!”.
Gần đây, nhà báo NSNA Vũ Đức Tân ít chụp ảnh (dù đi đâu ông cũng đem theo chiếc máy ảnh nho nhỏ). Ông chuyển hướng qua… “vẽ bậy vẽ bạ” để… “nuôi phây” (lời nhà báo NSNA Vũ Đức Tân). Ông bảo, chụp hay vẽ suy cho cùng đều giống nhau về lý thuyết bố cục và tạo hình. Chỉ khác là vẽ bây giờ nó phóng khoáng, sáng tạo, không bị bó buộc bởi các quy chuẩn cứng nhắc, nên thực nghiệm xem sao. Cũng vì thế mà gần đây, nhà báo Vũ Đức Tân có có cả trăm bức minh họa, ký họa với phong cách khác lạ. Bẵng đi một thời gian, bạn bè “mất dấu” ông trên Facebook, kể cả zalo, điện thoại. Hóa ra, ông bị tai nạn. Chẳng hiểu đi xe máy kiểu gì (không có nồng độ cồn) mà ông… lao vào tường, phải nằm viện dài ngày điều trị. Có lần vào chấm thi năng khiếu ảnh báo chí, lúc về chẳng hiểu sao ông cũng lao xe xuống “đo” thử cái hố đất mà mấy bác chăm cây cảnh mới đào để chuẩn bị trồng cây, may mà chỉ sây sát nhẹ…
Tôi cũng biết danh nhà báo NSNA Ngô Dư từ lâu với những hình ảnh đẹp, ấn tượng của ông trên Báo ảnh Việt Nam, nhưng ít có dịp trò chuyện trực tiếp với ông. Trong cuộc hội ngộ nhóm “G7”, ông là người đến sau cùng. Ông xách đến một giỏ trái cây, chắc mới tiện ghé mua trên đường đi. Ở tuổi ngót 80, nhà báo NSNA Ngô Dư vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Có vẻ ông khá rành với công nghệ mới, vì thấy ông đặt taxi công nghệ qua chiếc đồng hồ thông minh.
Nhà báo NSNA Ngô Dư cũng là một người ít nói. Ông chỉ tủm tỉm cười và thi thoảng mới nhẩn nha buông vài câu góp vui với nhóm “G7” khi bàn chuyện làm Báo ảnh Việt Nam. Ngồi bên tôi, ông thủ thỉ bảo, mình chỉ là “thường dân” ở Báo ảnh Việt Nam. Nhà báo NSNA Ngô Dư cần mẫn đi tìm hạnh phúc bằng nghề ảnh trong suốt 34 năm gắn bó với báo ảnh - nơi mà ông đã tìm thấy tình nghĩa và giá trị sống qua hàng trăm chuyến đi tác nghiệp. Ông tốt nghiệp trường Kỹ thuật điện ảnh Leningrat, Liên Xô (nay là Saint Petersbourg, Liên bang Nga). Về nước, ông đầu quân vào làm việc ở Báo ảnh Việt Nam, từ chuyên gia về kỹ thuật tráng rọi ảnh, rồi chuyển qua làm phóng viên cho đến khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí.
Nhà báo NSNA Ngô Dư rất thích chụp ảnh phong cảnh và đó cũng là thế mạnh của ông. Người xem có thể tìm thấy trong ảnh phong cảnh của ông sự trau chuốt về bố cục và tạo hình. Các bức ảnh của ông đã chỉ ra được những nét tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của dân tộc, có tứ ảnh rõ ràng và những khoảnh khắc ảnh tự nhiên, không bố trí. Nhà báo NSNA Ngô Dư mặc dù đã được nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn đi và chụp ảnh như là một lẽ sống. Năm nào ông cũng có những tác phẩm mới. Ông bảo, cuộc hành trình của mình vẫn tiếp diễn, vì ở phía trước vẫn còn bao điều mới lạ…
Người cuối cùng trong nhóm “G7” mà tôi nhắc tới, đó là nhà báo NSNA Vũ Quốc Khánh. Tôi cũng biết ông cũng từ khá lâu. Thi thoảng có gặp ông ở một vài cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến nghề báo, lĩnh vực nhiếp ảnh. Nay mới chính thức gặp ông “kỹ hơn” trong hội nhóm “G7” để hồi ức về một thời làm Báo ảnh Việt Nam. Tôi ngưỡng mộ nhà báo NSNA Vũ Quốc Khánh về nghiệp vụ ảnh, vì ông có nhiều tác phẩm xuất sắc, ấn tượng. Trong thời kỳ làm Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam, ông cũng để lại những dấu ấn nhất định cho sự phát triển của báo. Tiếc là trong cuộc nhóm họp “G7”, nhà báo NSNA Vũ Quốc Khánh khá kiệm lời, không phiếm chuyện, mặc cho các đàn anh tha hồi “hồi ấy” về chuyện vui, buồn sự đời và chuyện làm Báo ảnh Việt Nam. Ông chỉ cười…
Hơn 3 giờ hòa vui trong không khí hội nhóm “G7”. Họ ôn lại chuyện của một thời làm Báo ảnh Việt Nam, với đầy ắp kỷ niệm. Tôi cảm nhận được thế hệ những người như họ thật sự đam mê, trách nhiệm, nhiệt huyết. Cho dù, trong đời sống, nghề nghiệp của họ có lúc truân chuyên, gian khó và 7 người với 7 cá tính khác nhau, nhưng họ - những nhà báo, nghệ sĩ đều có chung một đam mê, trách nhiệm, góp phần đáng kể làm nên thương hiệu Báo ảnh Việt Nam hôm nay.
Cách đây 70 năm (15/10/1954), chỉ 5 tháng sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 5 ngày sau khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chỉ thị xuất bản tờ Hình ảnh Việt Nam (tiền thân của Báo ảnh Việt Nam hiện nay). Ấn phẩm giới thiệu bằng hình ảnh với bạn bè thế giới về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và sự nghiệp của nhân dân ta trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo ảnh Việt Nam bản in 64 trang với 4 thứ tiếng: Anh, Trung, Tây Ban Nha, Lào, phát hành tới hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng 24.000 bản/tháng. Báo ảnh Việt Nam điện tử phát mạng 10 ngữ với khoảng 15 triệu lượt bạn đọc từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới truy cập thường xuyên. Báo ảnh Việt Nam có hai ấn phẩm phụ là: Tạp chí Đẹp ra hằng tháng mang đến cho bạn đọc những nét đẹp nhân văn trong đời sống văn hóa, thời trang và giải trí; Thời báo Việt Hàn - tờ báo chính thống bằng tiếng Triều Tiên tại Việt Nam, phát hành hằng tuần phục vụ nhu cầu thông tin cho khoảng 150.000 công dân Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. |
Bài và ảnh: Hà Huy Phượng
Bình luận: 0