Khi người trẻ tranh biện
08:53 10/12/2016
- Văn hóa xã hội
Tranh biện là một hoạt động khá mới mẻ nhưng đã thu hút được sự tham dự của học sinh, sinh viên tham gia.
Tư duy ngược
Nguyễn Quang Minh, 22 tuổi, là người tham gia tranh biện lâu năm, hiện đang học tập tại ĐH Curtin, Malaysia. Anh đồng thời nổi tiếng với vai trò hướng dẫn tranh biện trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Minh chia sẻ một trong những câu hỏi bản thân sử dụng nhiều nhất mỗi lần đứng lớp là: “Tại sao gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cấm kỵ việc loạn luân?”.
Tháng 7/2016, anh về nước nghỉ phép và nhận lời hướng dẫn cho CLB Debate Empowering Sociality (trực thuộc Trung tâm Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE, ĐH Kinh tế Quốc dân). Nhân dịp này, tôi đã đăng ký tham gia và đặt cho Quang Minh câu hỏi vì sao anh luôn đưa ra vấn đề cấm kỵ này vào những lớp dạy tranh biện.
Theo Quang Minh, nguyên nhân thứ nhất là vấn đề này vừa quen vừa lạ. Bạn luôn khắc sâu loạn luân là hành động đáng lên án, đồi bại và sai trái nhưng chưa có nghĩa bạn đã tận biết lý do của điều cấm trên. “Không phải ai cũng biết bản chất của lý do cấm loạn luân là gì”, anh Minh nói.
Những cánh tay trong buổi thảo luận đã giơ lên. “Lý do bởi những đứa con sinh ra từ mối quan hệ loạn luân sẽ quái thai, dị dạng”, một thành viên CLB DES trả lời. Cả lớp chưa thực sự thỏa mãn.
Một người khác phản bác: Họ không cần phải sinh con, vì đã có những công cụ ngừa thai. Với thầy giáo Nguyễn Quang Minh, đặt ra những vấn đề cấm kỵ đẩy người tham dự tranh biện tới ranh giới nguy hiểm của những vấn đề đạo đức - luật pháp. Từ đó, những ý kiến phản biện mới mẻ sẽ nảy mầm.
GS Vũ Đức Vượng - Giám đốc Chương trình Giáo dục Tổng quát, ĐH Hoa Sen - nhận định: "Con người ta đơn thuần không thể để đi tới cùng một tranh luận, một vấn đề cụ thể". Ông đưa ra hai lý do. Thứ nhất, ta không biết đâu là cùng. Thứ hai, con người biết dùng đầu óc và chúng ta luôn luôn tiến tới chứ không chịu đứng yên. Các vấn đề xã hội và nhân văn cũng luôn thay đổi.
Cuối buổi tập luyện đó, Quang Minh đã đưa ra câu trả lời. Nhưng không phải ai cũng thỏa mãn và đồng tình với quan điểm của anh. Rất có thể, một ngày nào đó, những người ngồi cùng tôi trong gian phòng này có thể phản biện lại những điều anh Minh đã từng đóng đinh. Nhưng để làm được điều này không đơn giản.
Khả năng tự học
Tư duy phản biện là một quá trình dày công khổ luyện của mỗi thành viên. Bạn không thể “tay không đánh giặc”, không thể học tập với bộ não rỗng.
Một người (giấu tên) hiện đang tham gia tranh biện tiết lộ cho tôi rằng: Mỗi lần họp CLB là đối diện với những vấn đề rất lạ, rất mới: Từ khoa học xã hội & nhân văn tới kiến thức khoa học tự nhiên; từ vấn đề an ninh thế giới tới bình đẳng giới,... “Không thể tham gia tranh biện mà không học”, anh nói. “Nhưng học ở đây không vì yếu tố bên ngoài như CLB sàng lọc thành viên. Không có chuyện đó. Chỉ là mình thực sự thấy tranh biện kích thích mình tìm tòi”.
Cũng theo GS Vũ Đức Vượng, tư duy phản biện giúp kích thích khả năng tìm tòi và tự học của sinh viên.
Trao đổi với một số thành viên của những CLB tranh biện tại Hà Nội, họ chia sẻ bản thân đã bắt đầu hứng thú hơn với những môn học trên ghế nhà trường. Một lý do được đưa ra là các sinh viên đã hiểu hơn giá trị mà môn học đem lại cho mình.
Nguyễn Thị Ngọc, cựu thành viên CLB FU Debate là người từng tham gia tranh biện từ những ngày đầu tiên hoạt động lan tới Hà Nội. Chị đồng ý rằng, sinh viên có rất nhiều lựa chọn sinh hoạt ở các tổ chức xã hội nhưng không đâu khiến họ kích thích tư duy và lòng say mê học như tham gia các CLB tranh biện. Đấy là điểm khác biệt mấu chốt.
Nhiều trường hợp đã thay đổi 180 độ sau khi đến với tranh biện. Từ một người có phần thụ động trong học tập trở thành người ham tự học. Họ tự học không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn nhiều hơn các vấn đề khác.
Muộn còn hơn không
Nhìn nhận khách quan, tranh biện đến Việt Nam là quá muộn. Tại thời kỳ Hy Lạp cổ đại, những học giả đã rất coi trọng tranh biện trong giáo dục. GS Vũ Đức Vượng khẳng định đây là xương sống của giáo dục. Ông tiếp tục: “Giáo dục phương Tây đặt nền tảng trên logic, do đó tranh luận, phản biện, hoặc so sánh các ý kiến khác biệt là chuyện không thể thiếu”.
“Trừ thời Trung cổ ở Âu châu, truyền thống tranh biện đã phát triển mạnh mẽ qua các triết gia Hy Lạp, La Mã, rồi nối tiếp lại từ thời Phục Hưng (Renaissance) cho tới nay. Nền giáo dục đại học ở những nước này cũng theo một truyền thống đó, đòi hỏi nghiên cứu khoa học dựa trên tìm tòi, tranh biện, so sánh của nhiều người”.
Trên thực tế, học sinh, sinh viên Việt Nam chưa có cơ hội phát triển tư duy phản biện tại nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thừa nhận hiện trạng trên và đưa ra nguyên nhân từ cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng dù sao, chậm còn hơn không.
“Tự lực” nuôi tổ chức
Nhu cầu thành lập CLB và tổ chức hoạt động tranh biện của học sinh, sinh viên là rất cần thiết.
Bởi lẽ, tranh biện cần được thể hiện ở những cuộc thi tài, không thể hoạt động cá nhân. Đồng thời, những chương trình tranh biện trên sóng truyền hình như "Tôi lên tiếng" (VTV6) là quá ít ỏi so với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Vũ Hương Giang, sinh viên Học viện Ngoại giao từng tham gia chương trình của VTV6, mong muốn nhiều nhiều hơn những sân chơi tranh biện cho người trẻ.
Trao đổi với người viết, chị Nguyễn Thị Ngọc, một người tranh biện lâu năm, cho biết đây là hoạt động mới du nhập vào Việt Nam hơn sáu năm trước. Tính tới thời điện tại, ở Hà Nội, số lượng những CLB, tổ chức tranh biện là không đáng kể. Có thể kể tên Vietnam Youth to Debate, FU Debate Club, HLU Debate hay Debate Empowering Sociality. Phần lớn, đây là những tổ chức, CLB được khoa hoặc trực tiếp đoàn trường bảo trợ và do sinh viên tự điều hành. Nhưng để duy trì những "sân chơi" này là không đơn giản.
Dù là câu lạc bộ trực thuộc khoa hoặc trường đại học, trung học nhưng khoản tiền khoa, trường cấp kinh phí để duy trì hoạt động là không đáng kể. Những người trẻ buộc phải tự lực nuôi tổ chức.
Nguyễn Ngọc Quỳnh, chủ tịch CLB Debate Empowering Sociality tiết lộ dù là câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE (ĐH Kinh tế Quốc dân), nhưng việc cấp kinh phí để duy trì hoạt động không đáng kể.
Quỹ CLB đến từ đóng góp của từng thành viên. Ngày thường có thể không sao nhưng đặc biệt khó khăn những lúc CLB tổ chức sự kiện những cuộc thi tranh biện hàng năm. Số tiền lớn vượt quá khả năng đóng góp của thành viên khiến BTC phải đi xin tiền tài trợ.
“Xin tài trợ đâu có đơn giản”, chị Ngọc Quỳnh nói tiếp. Tranh biện quá mới ở Việt Nam, mới chỉ khoảng 6 năm, quá mới mẻ. Làm sao để thuyết phục những công ty tài trợ để tổ chức những cuộc thi? Mấu chốt ở đây, theo chị là “Thuyết phục nhà tài trợ về giá trị của tranh biện. Hãy cho nhà tài trợ thấy sức hút của cuộc thi có lợi cho họ”.
Khó mấy những người trẻ vẫn cố vượt qua. Bằng chứng là cuộc thi tranh biện hằng năm như Voice Out của CLB Debate Empowering Sociality vẫn đều đặn được diễn ra. Tự lực ắt tự thành.
Đăng Thành
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)