Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tổng thống Myanmar thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 26-28/10

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, ngài Htin Kyaw và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26-28/10.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Myanmar. (Nguồn: TTXVN)


Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ lâu đời, có nhiều nét tương đồng về văn hóa tôn giáo và cả hai nước hiện đều là thành viên của ASEAN. 

Chính phủ và nhân dân Myanmar luôn dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. 

Năm 1947, Việt Nam đặt Cơ quan thông tin tại Yangon, sau được nâng cấp lên thành Cơ quan đại diện chính phủ vào năm 1948. Đến nay quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar tiếp tục được củng cố, có nhiều bước phát triển thực chất, hiệu quả và thu được nhiều thành tựu quan trọng. 

Hai bên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, nhiều cơ chế hợp tác được thành lập và đi vào nề nếp, lãnh đạo hai nước cũng tích cực tiếp xúc, trao đổi thường xuyên. Tháng 6/2013, hai nước thành lập Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Myanmar và Hội Nghị sỹ hữu nghị Myanmar-Việt Nam. 

Tháng 8/2014, Việt Nam thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Myanmar để tăng cường sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước. 

Năm 2015, hai bên cũng đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar. 

Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên đã xác định và duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai tác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ôtô, xây dựng, đầu tư-thương mại. 

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước khởi sắc. Hàng năm, hai bên tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. 

Hai bên duy trì thường xuyên cơ chế họp Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Myanmar, đến tháng 7/2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 299 triệu USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2015). Mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn. 

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống sang Myanmar như sắt thép, sản phẩm từ kim loại, máy móc thiết bị và phụ tùng, nguyên liệu và sản phẩm nhựa, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải, gốm sứ, nay có thêm thực phẩm, ximăng, clinker, đồ nội thất.

Đến tháng 5/206, Việt Nam có 47 dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn 557 triệu USD. Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tích cực. 

Một số dự án có tiếng vang và tạo được hình ảnh như Dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, Dự án hợp tác khai thác dầu khí giữa Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Dầu khí Myanmar (MOGE), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí, Tập đoàn Viettel vừa trúng thầu chuẩn bị liên doanh với Công ty Yantanarporn Teleport của Myanmar, lập đường bay thẳng tới Yangon... 

Ngày 4/3, Myanmar cũng đã cấp phép cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành lập Chi nhánh tại Myanmar. 

Hai nước thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao hiệu quả, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị. 

Trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. 

Việt Nam đã tích cực ủng hộ Myanmar gia nhập Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM). Myanmar cũng ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cùng các nước châu Á nhất trí ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc… 

Hai nước còn phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế. 

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong, tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời rà soát các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm, trao đổi những biện pháp thúc đẩy lĩnh vực hợp tác mũi nhọn như ngân hàng, tài chính, du lịch và hàng không...

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top