Hội báo toàn quốc 2024: Phát triển báo chí dữ liệu là xu hướng tất yếu
18:07 16/03/2024
- Diễn đàn
Ngày 15/3, trong khuôn khổ hội báo đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.
Tại phiên thảo luận, ThS Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông nhìn nhận, báo chí dữ liệu chỉ chiếm một phần nhỏ trong “bánh xe” đổi mới báo chí nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng. Báo chí dữ liệu là lĩnh vực mới mẻ của báo chí. Do đó, các cơ quan báo chí cần tìm nhân lực nắm bắt lĩnh vực này và có chiến lược đầu tư dài hạn.
ThS Trần Lệ Thuỳ cũng chỉ ra nhiều nguồn dữ liệu được công khai nhưng bạn đọc gặp khó trong việc đọc mặc dù vai trò của báo chí dữ liệu là kể chuyện cho bạn đọc những dữ liệu mà họ không đọc được. Trước thực trạng đó, các toà soạn, cơ quan báo chí tại Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của mỗi nhà báo. “Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội”.
PGS, TS Trần Quang Diệu cho biết, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay. Đưa ra thông tin chung về mô hình toà soạn số, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài thì hiện nay, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ. Về quy trình hoàn chỉnh, bắt đầu từ ý tưởng, các nhà báo sẽ xác định dữ liệu, làm giàu dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, phân tích đánh giá rồi tiến hành trực quan hoá trước khi tiến hành xuất bản.
Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, PGS, TS Trần Quang Diệu cho rằng, hiện, các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Do đó, các đơn vị cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể. Ngoài ra, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.
PGS, TS Trần Quang Diệu cho rằng việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay.
Về xu hướng của thế giới, ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) cho biết, theo kết quả nghiên cứu của WAN-IFRA, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo báo chí thế giới vẫn tỏ ra khá lạc quan trong năm 2024 cũng như trong thời gian lâu dài. Trong năm 2024, các tòa soạn cũng đang có sự tăng trưởng về doanh thu, trong đó có nhiều nguồn doanh thu mới như tổ chức sự kiện hay hợp tác với các nền tảng khác.
Theo ông Kah Whye Lee, số lượng tòa soạn có quá trình chuyển đổi số đang có xu hướng tăng. Về đầu tư liên quan đến kỹ thuật, các tòa soạn tập trung chính vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời phát triển phân tích dữ liệu và thông tin chuyên sâu...
Tương tự, Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử Báo Nhân Dân cho biết, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội khi các nền tảng như Tik Tok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Dù vậy, theo nhà báo Ngô Việt Anh, báo chí thế giới vẫn đang đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Những tổ chức tin tức và truyền thông chất lượng vẫn có thể tăng trưởng bền vững vào năm 2024 trên cơ sở phát triển các gói đăng ký và kết hợp nhiều nguồn doanh thu. Bên cạnh đó, thế giới sẽ chứng kiến nhiều sự kiện chính trị (hơn 40 cuộc bầu cử) và thể thao (Thế vận hội Olympic) trong năm 2024. Đây sẽ là đòn bẩy để các toà soạn tăng số lượng độc giả.
Về kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, Nhà báo Ngô Việt Anh cho hay, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Về công nghệ, các cơ quan báo chí cần phát triển mô hình toà soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2024): (03:42 09/10/2024)
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quảng bá Giải Diên Hồng lần thứ 3 (03:45 03/10/2024)
- Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh: Toả sáng một nhân cách, một tài năng (12:28 01/10/2024)
- Giải Báo chí viết về chuyển đổi số TP. HCM nhận bài dự thi đến 30/11/2024 (10:32 01/10/2024)
- Phát động Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường năm 2024 (03:08 27/09/2024)