Doanh nghiệp FDI phát triển cùng thành phố Hải Phòng

Bài 1 - Hải Phòng, nơi đất lành đón các đại bàng FDI về làm tổ

Ngày 5/10, Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp FDI năm 2024 với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng thành phố Hải Phòng: đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Có thể nói,đây chính là những mục tiêu, mong muốn của Hải Phòng trong thu hút nguồn vốn FDI.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, những năm gần đây, Hải Phòng liên tục lập nên những kỷ lục mới trong thu hút nguồn vốn FDI, nhất là thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN). Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những nhận xét, đánh giá rất tốt về môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thông thoáng của Hải Phòng, đặc biệt là vai trò, vị thế và sự phát triển vượt bậc, đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao về kết cấu hạ tầng của Hải Phòng. Điều đó đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng về kinh tế  đồng thời là điểm đến hàng đầu trong thu hút FDI, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hút hơn 31 tỷ USD vốn đầu tư FDI phát triển kinh tế - xã hội

Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, sau 30 năm kiên trì và dày công xây dựng, đến nay Hải Phòng có KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha; 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6080ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4028ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.

Sự hiện diện của Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và các KCN là yếu tố quan trọng nhất để Hải Phòng thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút vốn FDI, luôn nằm trong tốp đầu cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, trong 12 năm qua, Hải Phòng  luôn nằm trong tốp 5 địa phương có thành tích tốt nhất về thu hút FDI. Giai đoạn 2019 - 2023, thu hút FDI đạt khoảng 14 tỷ USD, gấp 2,5 lần giai đoạn 2014 - 2018.

Lũy kế đến nay, Hải Phòng có 976 dự án FDI còn hiện lực, với tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chiếm 64, 26% về số dự án và 82,5% về số vốn đầu tư; lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 7,83% về số dự án và 13,26% về số vốn đầu tư. Còn lại là các dự án về thương mại, dịch vụ, vận tải, khai khoáng...

Quan trọng hơn, quy mô, chất lượng các dự án đầu tư FDI ngày càng tăng cao, chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và giảm dần các dự án thâm dụng lao động.

Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải_Ảnh: Hồng Phong

Hiện nay Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 9 tỷ USD, chiếm 41%, tiếp theo là Nhật Bản với 3,2 tỷ USD, chiếm 15%; Hồng Kông 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD, chiếm 12%... Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam đã đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng. Nổi bật là Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 5 dự án đặt tại KCN Tràng Duệ, vốn đầu tư 7,24 tỷ USD và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn LG Display  với hơn 3,7 tỷ USD và 3 nhà máy. Sản phẩm chính là OLED TV, Mobile, Auto… Nhà máy LGE có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; LG Innotek hơn 2 tỷ USD; LG Chem 2,8 triệu USD; Tập đoàn Bridgestone(Nhật Bản) sản xuất lốp xe ô tô 1,2 tỷ USD; nhà máy Regina (Hồng Kông) 1 tỷ USD; Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử Pegatron (Đài Loan) 481 triệu USD; Nhà máy sản xuất dược phẩm của Nipro Pharma (Nhật Bản) 250 triệu USD; nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD…

Dòng vốn FDI  khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Phòng, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 30 -50% tổng vốn đầu tư phát triển toàn thành phố mỗi năm. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trên tổng GRDP toàn thành phố tăng dần từng năm, từ 15% đến trên 26%. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng  tới 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 88-90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Rất nhiều sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã được sản xuất tại Hải Phòng.

Trong 5 năm gần đây, doanh nghiệp FDI đóng góp từ 12-18% tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Đồng thời tạo việc làm cho gần 250.000 lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động trong toàn khối doanh nghiệp với thu nhập bình quân ở mức tương đối cao. Thông qua các dự án FDI, trình độ quản lý và kỹ năng của người lao động ngày càng được nâng cao, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, tác động lan tỏa tới các khối ngành khác trong nền kinh tế.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố, các doanh nghiệp FDI đã có những hoạt động thiết thực trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI đã thể hiện tinh thần chia sẻ, đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền, nhân dân thành phố và các doanh nghiệp FDI.  

Thực tế này khẳng định doanh nghiệp FDI là một bộ phận quan trọng, như đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: vừa là bạn, là đối tác và là những công dân danh dự của Hải Phòng. Nói cách khác, doanh nghiệp FDI chính là một trong những động lực phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH thành phố Hải Phòng

Tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Kết quả  thu hút nguồn vốn FDI  với những con số biết nói như trên thể hiện rõ nét dấu ấn của sự đổi mới tư duy, nhận thức và tầm nhìn, hành động của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng. Mỗi  dự án FDI thu hút về Hải Phòng là kết quả của cả một quá trình với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, từ định hướng phát triển, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN; GPMB; thực hiện các dự án hạ tầng kết nối đến tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quảng bá hình ảnh Hải Phòng hấp dẫn, thân thiện…

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đối thoại với các doanh nghiệp FDI 

Việc thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải và hoàn thiện cầu Tân Vũ - Lạch Huyện; xây dựng các bến cảng nước sâu khiến Cát Hải trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của Hải Phòng. Cùng với đó, với việc đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đưa KCN Tràng Duệ nằm trong KKT Đình Vũ-  Cát Hải tạo cú hích đột phá trong thu hút đầu tư của Hải Phòng mà điển hình là các dự án của Tập đoàn LG.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư của Hải Phòng có sự đổi mới và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm liền, thành phố chọn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nội dung chủ yếu của chủ đề năm. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất thành phố trực tiếp xúc tiến đầu tư tại chỗ và  ở nước ngoài. Nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD được triển khai nhanh chóng; hàng loạt dự án tăng vốn, đầu tư mở rộng, nâng công suất tại các KCN Hải Phòng là kết quả của các chuyến xúc tiến đầu tư, gặp gỡ từng nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, các ngành, các cấp, các địa phương cùng chung tay tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất là công tác GPMB; cung cấp các dịch vụ thiết yếu…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thời gian  qua, Hải Phòng rất chủ động, sáng tạo, có những đột phá, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng là một địa phương tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nói đến Hải Phòng là nói đến một chính quyền hành động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Đặc biệt, thành phố cũng  xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về cải cách thủ tục hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022 và 2023, Hải Phòng đều xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 của vùng đồng bằng sông Hồng. Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) luôn duy trì là 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Với những kết quả đã làm được cùng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư, là địa bàn “chiến lược” được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Trọng Hồng

(còn nữa)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top