Báo Nông thôn ngày nay: Để có tác phẩm chất lượng tốt dự Giải báo chí Quốc gia

Mười năm qua cũng chính là thời gian mà Báo NTNN để lại dấu ấn đậm nét vè giải báo chí trong suốt hơn 32 năm từ khi xuất bản số đầu tiên đến nay.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay phát biểu, Ảnh: PV

Trong 10 năm qua, tôi đã nhiều lần được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia mời chấm Sơ khảo, và mới đây nhất, được mời chấm Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X – 2015. Để có được giải ở một sân chơi lớn nhất của báo chí trong nước không phải quá khó. Nhưng để được giải cao (giải A, giải B) trong bối cảnh báo chí đang phát triển nhanh cả về tốc độ lẫn chất lượng, sức mạnh tương tác với xã hội… là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt là với các đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng chứng là sau khi đạt giải A – Giải Báo chí Quốc gia lần thứ II – 2007 với loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”, dù rất muốn, NTNN vẫn chưa lần nào đạt thêm lần nữa giải cao nhất này. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho các phóng viên, dù trong điều kiện khó khăn, Ban Biên tập Báo NTNN đã quyết định tặng thưởng các tác giả được giải A, giải B bằng 100% trị giá giải thưởng mà Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã tặng.

Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Hội thảo hôm nay. Câu hỏi “làm gì để có tác phẩm đạt giải cao của Giải Báo chí Quốc gia” đã từng được chúng tôi đưa ra thảo luận nội bộ từ năm 2011, sau hai năm liên tiếp “đi xuống” với việc chỉ đạt giải Khuyến khích ở giải Báo chí Quốc gia.

Từ trải nghiệm đã đạt được ở “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” và đánh giá các tác phẩm đoạt giải Báo chí Quốc gia khác của Nông Thôn Ngày Nay, tôi xin chia sẻ một số điểm trước chủ đề của cuộc tọa đàm này:

Trước hết, để có tác phẩm chất lượng tốt dự giải Báo chí Quốc gia, trước hết là phải có tác phẩm tốt, chuẩn mực, và có hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Tác phẩm tốt có thể không dự giải báo chí Quốc gia vì nhiều lý do, trên thực tế, hầu hết các tác phẩm báo chí viết ra không phải đặt lên đầu mục tiêu dự giải báo chí mà xuất phát từ mục đích tôn chỉ của tờ báo, vì độc giả mục tiêu và giá trị xã hội mà tờ báo đó hướng tới, cổ vũ hoặc bảo vệ. Nói điều này là để phân biệt hai khái niệm “tác phẩm báo chí chất lượng tốt”“tác phẩm báo chí chất lượng tốt dự giải Báo chí Quốc gia” có sự phân biệt do thể lệ hoặc tiêu chí đánh giá khác nhau. Chẳng hạn, một bài báo gai góc, một phóng sự ảnh trên NTNN góp phần khơi dậy lòng nhân ái của cộng đồng, thu hút các báo khác “tiếp lửa”, sau đó thu hút được hơn 300 triệu đồng để góp phần xây dựng một điểm trường tiểu học vùng cao cho học sinh nghèo, đó là một tác phẩm có tính tương tác xã hội rất tốt, nhưng thường thì không gửi đi dự giải Báo chí quốc gia, hoặc có gửi cũng khó được đánh giá cao. 

Đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm hôm nay, tôi chỉ xin nêu 7 vấn đề trong phạm vi tác phẩm báo chí chất lượng tốt về đề tài “Tam nông”. Dù độc giả chủ yếu của chúng tôi là “nhà nông” và cán bộ cơ sở, nhưng có một thực tế là phần lớn những tác phẩm chọn đi dự giải báo chí Quốc gia của Báo NTNN lại đồng hành với “nhà nông” và hướng đến mục tiêu tương tác với lớp độc giả “nhà quản lý, nhà làm chính sách”.

Đề cao tính phát hiện vấn đề ẩn giấu dưới vẻ bình thường của cuộc sống.

Nhiều người cho rằng, viết về nông dân thì dễ viết. Đúng vậy. Nhưng viết cho nông dân, viết vì nông dân, để mang lai tương tác chính sách tích cực cho hàng ngàn, hàng triệu nông dân thì không phải dễ. Và viết cùng nông dân (tức đứng vào vị trí của người nông dân, cùng nông dân làm báo, viết và theo đuổi vấn đề đến khi ra kết quả) thì hoàn toàn không dễ chút nào. Đặc biệt trong điều kiện báo in đang gặp khó khăn và phát hành đang đi xuống, báo điện tử cạnh tranh khốc liệt để tìm lượng bạn đọc lớn, thì việc phát hiện các đề tài hay, dữ dội ẩn giấu dưới bề mặt bình thường của cuộc sống, ngày càng ít được chú ý đầu tư hơn; hoặc phát hiện được mạch nguồn, nhưng lại không tương tác mở rộng vấn đề, theo đến cùng vấn đề đến khi có kết quả. Tôi cho rằng, vai trò tích cực của các Tổng Biên tập ở khâu này là chọn được nhân sự chủ biên đề tài tốt, hiểu biết và có khả năng làm việc nhóm, kết nối rộng, xây dựng kế hoạch ít nhất 3-5 đề tài lớn trong năm. Chủ động chuẩn bị bao giờ cũng tốt hơn việc đến đâu làm đến đấy!

“Đăng lên báo có làm bớt được khoản nào không..?”- Đó là hồ nghi của anh Nguyễn Văn Tâm ở một xóm nằm sâu trong núi của xã Đồng Tiến (Phổ Yên, Thái Nguyên)  khi phóng viên NTNN  hỏi về những khoản phí mà anh phải đóng trên hạt lúa làm ra. Đó là ngày 15-4-2007, khi loạt bài “Một hạt thóc – 40 khoản đóng góp” vừa mới bắt đầu. “Cả nhà tôi làm ruộng 1 năm mới có thu nhập bằng 1 tháng của “người thành phố”, vậy mà các khoản phí thì nhiều lắm, không nhớ hết..?”.

Lúc đó, phóng viên của chúng tôi chỉ dám trả lời anh Tâm rằng sẽ đưa những giọt mồ hôi mặn chát của anh, nối dài tiếng nói của những người như anh lên Trung ương, có thể lên tới bàn nghị sự của Quốc hội, của Thủ tướng. Nếu hàng triệu nông dân cùng tha thiết một điều như anh, chắc chắn sẽ có thay đổi.

Không nghẹt thở như những loạt bài điều tra, không căng thẳng như những bài viết chống tham nhũng, Chuyên đề “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” bắt đầu từ những câu chuyện bình dị như thế. Đeo bám mạch nguồn bình dị ấy suốt hơn 20 kỳ đăng báo, chúng tôi đã góp phần thúc đẩy Chính phủ, Quốc hội ra chính sách miễn giảm thuế phí cho nông dân với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng/năm, và được áp dụng từ 2008 cho đến nay.

Định lượng hóa vấn đề, thay vì hài lòng với định tính (chém gió)

Việc định lượng hóa trong các vấn đề báo chí nêu, rõ ràng đem lại sự tin cậy và sức mạnh thuyết phục lớn hơn nhiều, so với những bài chỉ có lập luận, ngay cả với thể loại bình luận, các con số bao giờ cũng có vai trò quan trọng khi dùng đúng cách. Cách đây 2 tuần, ngày 30-6, trong buổi Hội thảo “Nhà báo và vấn đề Chính sách cho nông dân” do TS Mai Đức Lộc chủ trì, các chuyên gia và nhà khoa học nông nghiệp tham dự khi đó như TS Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng IPSARD, hay nhà báo Hoàng Trọng Thủy – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, đã đặc biệt nhấn mạnh đến các con số thống kê tin cậy và việc vận dụng nó cùng với lập luận tương ứng của bài báo, đem lại sự thuyết phục như thế nào với bạn đọc, đặc biệt là nhà làm chính sách. Không phải con số đem lại giá trị, mà chính cách diễn giải các con số, nói cách khác là khả năng “đọc” được ý nghĩa con số và vận dụng, chuyển tải thành ngôn ngữ (text, box, biểu đồ...) của nhà báo, tòa soạn báo mới đem lại giá trị gia tăng cho tác phẩm. Và một sự thật là không nhiều nhà báo lĩnh vực Tam nông giỏi làm việc này.

Trong bài đầu tiên của loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”,  con số trở nên nổi bật hơn: Xin trích dẫn “Các tỉnh nghèo nhất thường có có mức đóng góp “kịch liệt” nhất: Ninh Thuận (1.488.000 đồng/hộ), Phú Yên  1.208.000 đồng/hộ), Hà Tĩnh - một tỉnh nghèo nhưng có mức mức đóng góp rất cao, khoảng  1,1 triệu đồng/hộ. Còn TP. Hà Nội có mức thu thấp nhất với chỉ 106.000 đồng/hộ.

Xuất phát điểm của loạt bài này bắt đầu từ một cái tin 100 chữ của BTV Hồng Nga vào ngày 9-4-2007 về một đợt khảo sát của Cục HTX và Phát triển nông thôn. Gần như ngay lập tức, Ban biên tập - thư ký - phóng viên đã hội ý nhanh và xác định đây là một đề tài hấp dẫn, thiết thực và liên quan tới hàng chục triệu nông dân. Trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập WTO và hỗ trợ cho nông nghiệp của ta còn quá thấp, giá tiêu dùng lại đang tăng từng ngày, đây là một cơ hội tốt để “chiến đấu” cùng nhà nông. Để làm “ra tấm ra món” cần có chuyên đề ít nhất là 5 bài từ Bắc vào Nam.

Trước hết, ngay trong ngày 10-4, bằng mọi cách phải có bài “định lượng” ban đầu về các khoản đóng góp của nông dân, và phải từ nguồn tin chính thức. Vì vậy, chúng tôi chọn bài phỏng vấn ông Lê Quý Đăng -  Phó cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT)  để bắt đầu. Nếu loạt bài bắt đầu bằng một bài viết định tính ở cơ sở thì rất dễ làm nhưng sẽ khó tạo được một hiệu ứng mạnh mẽ tức thì. Theo nguồn tin chính thức này, đầu mục các khoản đóng góp của nông dân lên tới 28-40 khoản với tổng số tiền từ 200.000 - 1.500.000 đồng/hộ/năm tuỳ từng tỉnh.

Quan tâm hơn đến tít bài

Không chỉ vì dự giải Báo chí Quốc gia chúng tôi mới quan tâm đến tít, đây là câu chuyện của cả thế giới làm báo. Chúng tôi cho rằng, một cái tít hay về chữ nghĩa, cô đọng về ý tứ và tính thời sự đi thẳng vào lòng người, không lặp lại mô típ cũ đã từng có... là sự lao động nghiêm túc, sáng tạo của tác giả hoặc cả êkip làm báo. Có một cái tít hay, người làm báo đã “đoạt giải” của độc giả, trước khi chinh phục Giám khảo giải báo chí Quốc gia. Tôi cũng nhận thấy, cách đặt tít hay, khởi đầu thường mang tính sáng tạo cá nhân của người viết, hoặc người biên tập “hay chữ”.

Trong 10 năm qua, NTNN đã có nhiều tác phẩm dự giải Báo chí Quốc gia có được những cái tít khá tốt như: “Khi ông chủ đi làm thuê”, “Nhập từ con giống đến… cái máng lợn”, “Cơ hội vượt lên thách thức”, “Cử nhân giấu bằng đi làm công nhân”... Riêng tít “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” được chọn làm tít bài phỏng vấn khởi đầu và sau đó trở thành “linh hồn” cho cả loạt bài. Cho đến nay, sau gần 10 năm, chúng tôi đi về địa phương hay làm việc với các bộ ngành, nhiều nơi vẫn nhắc đến tên loạt bài này gắn liền với Báo NTNN.  

Có một chuyện vui liên quan đến cái tít này, chính là ông Lê Quý Đăng, Phó Cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn, sau khi NTNN đăng bài  phỏng vấn, ông đã gọi điện cho PV chia sẻ: Nội dung bài ổn, nhưng cái tít đã khiến ông bị cấp trên phê bình, vì mức phổ biển là 30 khoản đóng góp, còn đến 40 khoản thì có nhưng không phổ biến, và trên danh sách thuế, phí của người trồng lúa liệt kê đến 40 khoản. Ông Đăng đề nghị chỉnh lại là “30 khoản đóng góp”, nhưng Tòa soạn đã giữ nguyên cái tít nói trên.

Đi trước nửa bước, cộng hưởng sức mạnh của truyền thông

Một trong những giá trị được đánh giá cao của tác phẩm báo chí là tính mới của nội dung và hình thức thể hiện. Rất nhiều tác phẩm báo chí, nhất là thể loại điều tra đã nhấn mạnh giá trị độc quyền hoặc hoàn toàn đi trước mà không còn cơ hội nào cho các tác giả, các báo khác khai thác sâu thêm vấn đề đã đưa. Và NTNN cũng có nhiều tác phẩm tốt được thực hiện theo “chiến thuật” này.

Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, là câu chuyện “đi trước nửa bước”. Với những đề tài lớn, có tính nhạy cảm hoặc cần một không gian rộng, có nhạy cảm, cần vận động sự đồng thuận lớn trong từng giai tầng của xã hội, việc tác phẩm báo chí tốt đi trước một mình giữ độc quyền, vượt lên quá xa so với các đồng nghiệp báo khác, chưa chắc sẽ có lợi cho cộng đồng hơn là việc mình đăng trước một vài kỳ, để các báo đài khác cùng tham gia làm lan truyền rộng rãi hơn, đem lại sự đồng thuận cao hơn vấn đề mà tác phẩm báo mình đã nêu. Tất nhiên, để luôn đi trước nửa bước, thì Tòa báo cần phải chuẩn bị chu đáo 4-5 bước tiếp theo (kỳ xuất bản, sự kiện tương tác), bởi trước các vấn đề hay, các báo khác cũng quan tâm khai thác, và sẵn sàng vượt lên nếu mình bỏ lửng vấn đề.

Bằng cách này, các tác giả và cơ quan báo chí có chuyên đề hay, đi trước, chấp nhận để cái tôi cá nhân, hay danh tiếng của mình xuống dưới mục tiêu cao hơn là hiệu quả của tương tác truyền thông đối với xã hội trong vấn đề mà chuỗi tác phẩm đang đề cập. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, một khi có hiệu ứng xã hội tốt, cộng đồng sẽ không quên người đi đầu.

Tuyến tác phẩm về chủ quán Xin chào của tác giả Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng) gần đây được sự cộng hưởng rộng rãi của truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, có thể nói là điển hình cho câu chuyện đi trước nửa bước, mà cộng đồng vẫn thừa nhận giá trị của tác phẩm tốt đi đầu.

Đã quen với làm những chuyên đề sâu về tam nông, chúng tôi hiểu trong những vấn đề còn có sự tranh cãi, nếu chỉ khư khư “bản quyền” đề tài, nếu một mình NTNN lên tiếng thì chưa đủ mạnh. Phải làm sao để “nhất hô bá ứng”, tức là lôi cuốn các cơ quan truyền thông khác vào cuộc để làm rõ thêm tình cảnh của nông dân. Nhưng NTNN không thể nói với báo bạn “vấn đề hay lắm, các anh cùng làm đi”, mà phải có những bài có sức nặng liên tiếp. Sau 3-4 bài “phát động” đầu tiên của NTNN, các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao động, Kinh tế nông thôn và nhiều tờ báo khác đã cùng lên tiếng... Đặc biệt, Đài Truyền hình Việt Nam đã “trợ thanh” đắc lực cho NTNN bằng việc điểm báo ngày, điểm báo tuần đối với các bài viết của chuyên đề. Trong lần điểm báo cuối năm 2007, VTV1 đánh giá chuyên đề “một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” tiêu biểu cho những bài báo có tác động xã hội tích cực nhất trong năm. Chính “dàn hợp xướng” ấy đã trở thành tác động có trọng lượng tới Quốc hội, Chính phủ trong các quyết sách miễn giảm thủy lợi phí và các khoản thuế phí khác từ năm 2008.

Phối hợp trang báo và sự kiện ngoài mặt báo

Có một hiện tượng phổ biến là tác phẩm đạt giải cao Giải Báo chí Quốc gia thường gặp là những tác phẩm công phu, chuyên đề nhiều kỳ để chuyển tải nhiều góc cạnh của vấn đề (mở rộng dung lượng theo chiều dọc) hoặc chùm nhiều bài của một kỳ (mở rộng dung lượng theo chiều ngang). Theo tôi, đó chỉ là một trong những điều kiện biểu hiện giá trị của tác phẩm.

Điều mà một Tổng Biên tập có thể tạo thêm giá trị gia tăng cho tác phẩm tốt, trước là cho độc giả và cộng đồng, sau có thể dự thi Giải Báo chí Quốc gia, đó là tầm nhìn rộng mở, kết nối tác phẩm tốt trên mặt báo với sự kiện trên ngoài mặt báo. Sẽ thật tốt nếu như kết thúc một loạt bài nặng ký, báo tổ chức được các sự kiện đi kèm, gia tăng hiệu ứng tích cực cho xã hội. Điều này nhiều báo khác cũng như NTNN đã thực hiện (hội thảo cây trồng biến đổi gen, tọa đàm bàn tròn về sửa đổi luật đất đai...), nhưng theo quan sát của tôi, các tác phẩm đạt giải Báo chí Quốc gia, chưa có nhiều tác phẩm hội tụ được giá trị (đo đếm, ước lượng được) cả trong và sự kiện chủ động liên quan bên ngoài mặt báo.

Đứng trên vai người khổng lồ

Ngay cả với các nhà báo chuyên môn giỏi về Tam nông, hay lĩnh vực khác, cũng không thể biết hết các vấn đề. Đối với những điều tra xã hội, hay phản biện để xây dựng chính sách cho nông dân, thì lại càng cần đến trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học. Nếu chọn đúng chuyên gia giỏi mà lại là người của công chúng, khi phát ngôn, giới chức sẵn sàng lắng nghe thì hay nhất. Thậm chí, các chuỗi bài dự giải Báo chí Quốc gia, nên chọn cả bài trực tiếp của chuyên gia, nhà khoa học viết vào nhóm tác phẩm chính dự thi, thay vì vẫn thường để ở danh mục bài tham khảo như các báo vẫn thường xử lý.

Trong khi các chính trị gia, nhà quản lý có rất nhiều kênh truyền thông để phát ngôn, còn người nông dân thường hạn chế trong việc khái quát các vấn đề của mình, việc sử dụng các nghiên cứu của tổ chức và ý kiến chuyên gia giỏi, có tiếng nói phản biện uy tín đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ của báo chí. Một khi sức mạnh của ngôn từ kết hợp với lập luận và chứng cứ khoa học, tác phẩm báo chí sẽ có sức thuyết phục rất lớn (chẳng hạn loạt bài về sửa đổi Luật Đất đai, có sự tham gia của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, hay tác phẩm “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” đã cuốn hút được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tham gia, trong đó có chùm bài “Đừng quên bài học Thái Bình năm 1997  (3 kỳ liên tiếp) của Giáo sư Tương Lai – nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học). 

Vài đề xuất liên quan đến Giải báo chí Quốc gia

Đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định đánh giá chấm giải A Giải Báo chí Quốc gia theo xu hướng chọn vinh danh tác phẩm có tương tác tích cực, chuyển động xã hội có thể đo đếm được, ước lượng được; thậm chí cho phép nghiên cứu bầu chọn, lấy ý kiến tham khảo rộng rãi hơn trên môi trường mạng internet. Đây chính là cách làm cho các tác phẩm đạt giải cao thực sự có sức sống và lan tỏa, cũng chính là cách nâng cao uy tín giải Báo chí Quốc gia.

Bên cạnh đánh giá vinh danh tác giả qua tác phẩm là chủ yếu, đề xuất Hội Nhà báo VN nghiên cứu bầu chọn, vinh danh trực tiếp con người, 1 người tiêu biểu nhất của năm.

Sau 10 năm nhìn lại các giải A của các năm, nếu có một hội đồng bình chọn xếp loại vị trí từ cao xuống thấp các tác phẩm có giá trị đi cùng năm tháng, hẳn sẽ có rất nhiều điều suy ngẫm được rút ra./.   

Nhà báo Lưu Quang Định

Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top