Đào tạo nghiệp vụ báo chí số: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp
Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo báo chí số ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc
* Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo báo chí số ở Hoa Kỳ
Năm 1995, Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ) thành lập Trung tâm Báo chí số (Center forDigital Journalism) - một trong những trung tâm nghiên cứu và đào tạo báo chí số đầu tiên trên thế giới. Trung tâm cung cấp các khóa học về báo chí trực tuyến, sản xuất đa phương tiện, báo chí dữ liệu và nhiều chủ đề khác liên quan đến báo chí số. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Báo chí Pew, vào năm 2020 có khoảng 71% nhà báo ở Hoa Kỳ đã tham gia các khóa đào tạo về báo chí số trong 5 năm qua(1): Theo báo cáo của Hiệp hội Giáo dục Báo chí Hoa Kỳ (AAEE) vào năm 2021, số lượng chương trình đào tạo báo chí số được cung cấp bởi các trường đại học và cơ sở đào tạo báo chí ở Hoa Kỳ đã tăng 20% so với năm 2016(2).
Trong một nghiên cứu năm 2022, các chuyên gia dự đoán: nhu cầu nguồn nhân lực báo chí có chuyên môn về báo chí số ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Dự kiến nhu cầu về nhà báo có kỹ năng báo chí số sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, số lượng nhà báo và biên tập viên được dự đoán sẽ giảm 8% từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà báo có kỹ năng báo chí số được dự đoán sẽ tăng cao hơn mức trung bình, với mức tăng trưởng 11% trong cùng kỳ. Dự kiến sẽ có thêm 10.000 việc làm trong lĩnh vực báo chí số được tạo ra trong vòng 5 năm tới(3).
Để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, các nhà báo Hoa Kỳ phải tham gia các khóa đào tạo chuyên môn một cách thường xuyên, liên tục. Có đa dạng các cơ sở đào tạo để người học có thể chọn học. Phương pháp đào tạo lý thuyết phối hợp với thực hành, thực hành cả trong và ngoài trường đại học. Các khoa đào tạo thường có các Viện hoặc Trung tâm nghiên cứu về báo chí số. Các khoa đào tạo liên kết mạnh trong tuyển dụng, nghiên cứu, đào tạo lý thuyết và thực hành.
Một khảo sát của Hiệp hội Giáo dục Báo chí Hoa Kỳ (AEJMC) vào năm 2019 cho thấy, 72% các chương trình cử nhân báo chí tại Hoa Kỳ có ít nhất một khóa học về báo chí số. Từ chương trình đào tạo, giáo trình, sách trong thư viện số, hệ thống phòng thực hành là đa dạng, phong phú, đảm bảo cho việc học và nghiên cứu theo phương pháp kết hợp lý thuyết và thực tiễn; kỹ năng đào tạo đảm bảo cả 3 yếu tố, bao gồm: thực hành nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ và tư duy sáng tạo. Ưu điểm của mô hình đào tạo báo chí số ở Hoa Kỳ là: Sinh viên được tiếp cận với môi trường học tập hiện đại, trang thiết bị tiên tiến; chương trình đào tạo có số lượng các môn rất lớn, nội dung phổ rộng và tính chuyên sâu về nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sự lựa chọn theo nhu cầu của người học, phân rõ 3 cấp học và phát triển mạnh các khóa học ngắn hạn cho người đang đi làm.
Người học có cơ hội thực tập tại các tổ chức truyền thông uy tín, có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Nhược điểm lớn nhất là: Chi phí đào tạo cao và chương trình đào tạo có thể không phù hợp với tất cả các sinh viên.
* Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo báo chí số ở Hàn Quốc
Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc (Seoul National University) thành lập vào năm 1946, là một trong những khoa báo chí lâu đời và uy tín nhất Hàn Quốc, bắt đầu giảng dạy các môn học về báo chí trực tuyến và báo chí đa phương tiện từ đầu những năm 2000(4). Năm 2002, Khoa thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hội tụ truyền thông (Center for Media Convergence Studies), tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho báo chí. Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Yonsei là một trong những cơ sở báo chí hàng đầu của Hàn Quốc đã bắt đầu giảng dạy các môn học về báo chí trực tuyến và báo chí đa phương tiện từ giữa những năm 2000. Năm 2004, Khoa thành lập Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Mới (New Media Research Center), tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho báo chí (5).
Ngoài hai trường đại học uy tín nêu trên, Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Sungkyunkwan (Sungkyunkwan University) cũng thuộc tốp 3 cơ sở đào tạo báo chí số của Hàn Quốc, bắt đầu giảng dạy các môn học về báo chí trực tuyến và báo chí đa phương tiện từ giữa những năm 2000. Năm 2004, Khoa thành lập Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Mới (New Media Research Center), tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho báo chí (6).
Báo chí số_Ảnh minh họa
Theo thống kê của Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc (KJA) năm 2019, có khoảng 65% nhà báo ở Hàn Quốc đã tham gia các khóa đào tạo về báo chí số trong 3 năm qua (7).
Năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư 10 tỷ won (khoảng 8 triệu USD) để hỗ trợ các chương trình đào tạo báo chí số cho các nhà báo(8).
Tỷ lệ nhà báo được đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở Hàn Quốc cũng đang ngày càng tăng. Một khảo sát của Đại học Yonsei vào năm 2021 cho thấy, 85% các chương trình cử nhân báo chí tại Hàn Quốc có ít nhất một khóa học về báo chí số. Nhu cầu về nhà báo có kỹ năng báo chí số được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, thị trường truyền thông kỹ thuật số của Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 43.800 tỷ won (khoảng 36 tỷ USD) vào năm 2025.
Chương trình đào tạo báo chí số của Hàn Quốc tập trung mạnh vào kỹ năng sử dụng công nghệ. Sinh viên báo chí trường Đại học Quốc gia Seoul được học lý thuyết song song với làm việc trong phòng lab, với hệ thống thư viện số liên kết với thư viện của những trường đại học hàng đầu thế giới. Các trường đại học thường liên kết với các tập đoàn báo chí và tập đoàn công nghệ, các Viện đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông trong nước và quốc tế. Nhiều giảng đường, thư viện, phòng nghiên cứu, thực hành do chính các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ xây và hỗ trợ kinh phí vận hành.
Chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc được cập nhật liên tục với xu hướng mới nhất trong lĩnh vực báo chí số. Sinh viên có cơ hội thực tập tại các tổ chức truyền thông uy tín trong và ngoài nước. Đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Hầu hết các giảng viên đều là thực tập sinh và giảng viên trao đổi ở các trường đại học lớn chuyên sâu về báo chí số thuộc các nước phát triển. Chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Yonsei chú trọng vào việc phát triển kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo cho sinh viên. Sinh viên có cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu thực tế về báo chí số. Mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp và thành công trong lĩnh vực báo chí số, hỗ trợ hiệu quả cho các sinh viên mới ra trường.
Ngoài các trường đại học đào tạo chuyên sâu về báo chí số, Viện Báo chí Hàn Quốc (KJI) tuy không trực tiếp đào tạo báo chí số như một chuyên ngành riêng biệt, nhưng tổ chức giảng dạy một số môn học liên quan đến báo chí số như: Báo chí trực tuyến, Báo chí đa phương tiện, Truyền thông xã hội, Phân tích dữ liệu báo chí, Báo chí di động. Ngoài ra, KJI có trung tâm nghiên cứu chuyên về báo chí số, với sự liên kết mạnh với các đơn vị chuyên môn trong nước và quốc tế, từ đó thu hút một số lượng đáng kể các sinh viên và nhà báo bỏ tiền ra đi học nghiệp vụ báo chí số.
Chương trình đào tạo cập nhật, chuyên sâu, phương pháp đào tạo chú trọng kỹ năng sử dụng công nghệ và các kỹ năng mềm, chi phí đào tạo khá hợp lý. Tuy nhiên, đánh giá chung của sinh viên quốc tế đối với ngành báo chí số là yêu cầu đầu vào khá cao, chương trình học khá nặng (đầu ra yêu cầu cao cả lý thuyết và sản phẩm thực hành và kỹ năng mềm).
Đào tạo báo chí số ở Việt Nam, vấn đề đặt ra
Năm 2003, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh chuyên ngành Báo mạng điện tử, là nơi đào tạo loại hình báo chí này sớm nhất ở Việt Nam. Năm 2011, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập. Đây là một viện nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Tháng 9 năm 2015, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lần đầu tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện. Cấu trúc chương trình và phương pháp đào tạo nhấn mạnh kỹ năng sử dụng công nghệ số. Một số cơ sở đào tạo như Đại học Công nghệ Thái Nguyên cũng triển khai đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ như Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Tháng 8/2018, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Viện Báo chí - Truyền thông) lần đầu tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện, với cấu trúc chương trình đào tạo nội dung số + công nghệ số + mỹ thuật số nhấn mạnh báo chí truyền thông số.
Cho tới nay, một số chương trình đào tạo báo chí số được cho là cập nhật và đổi mới mạnh nhất trong nước là chương trình Báo mạng điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Phương pháp đào tạo các ngành, chuyên ngành này của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với mô hình thực hành theo môn học tại các tòa soạn trong trường, kiến tập và thực tập tại các cơ quan báo chí ngoài trường.
Thực tiễn trên cho thấy mấy vấn đề đặt ra trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực báo chí số và năng lực cập nhật, đổi mới để đáp ứng của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, nhiều đơn vị đào tạo còn lúng túng trong việc xác định yêu cầu đầu vào, chuẩn đầu ra và mô hình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.
Thứ ba, hầu hết các chương trình đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế thị trường lao động của lĩnh vực này.
Thứ tư, thiếu hụt đội ngũ giảng viên có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực báo chí số.
Thứ năm, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo ở hầu hết còn thiếu thốn và hạn chế.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số
*Đối với các cơ sở đào tạo trong nước
Một là, đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số. Theo đó, cần tái cấu trúc mô hình đào tạo, xây dựng lại triết lý giáo dục, xác định rõ đầu vào, đầu ra và tất cả các yếu tố của quá trình đào tạo và đào tạo lại nghiệp vụ báo chí số.
Hai là, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí với các tổ chức truyền thông để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế.
Ba là, tăng cường liên kết 4 nhà trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số (nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nhà sáng chế công nghệ). Mời các chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí số tham gia giảng dạy, nghiên cứu.
Bốn là, đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo. Đảm bảo các phòng học chức năng đủ tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện tối thiểu về giáo trình, tài liệu học tập, thư viện số cập nhật thường xuyên các tài liệu mới.
Năm là, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao.
*Đối với Hội Nhà báo Việt Nam
Hội Nhà báo Việt Nam và các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ quan báo chí là các đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo lại và bồi dưỡng để cập nhật, kiến thức, kỹ năng cho các cơ quan báo chí về báo chí số. Riêng năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức 1 hội thảo quốc tế, 2 hội thảo cấp quốc gia, 10 diễn đàn nghiệp vụ báo chí bàn về báo chí trong kỷ nguyên số, với nhiều diễn đàn chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí số, tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, bồi dưỡng về báo chí số cho hội viên.
Các giải pháp cơ bản bao gồm:
Một là, cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển báo chí truyền thông số trên toàn hệ thống, bao gồm kế hoạch tổng thể đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng báo chí số và việc ứng dụng các loại hình công nghệ trong báo chí truyền thông phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Ba là, tăng cường phối hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, tập huấn nghiệp vụ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ở các cơ quan báo chí.
Bốn là, tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhu cầu của hội viên, phân tích, xây dựng mới chương trình đào tạo ngắn hạn phù hợp, triển khai mạnh mẽ ở các cấp hội trong cả nước.
Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng giảng viên báo, truyền thông số đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Sáu là, thúc đẩy hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức nhằm phát triển nghiệp vụ báo chí số cho hội viên. Điều kiện then chốt nhất là tạo điều kiện và môi trường để cả sinh viên, nhà báo đang làm việc được tiếp cận, được tập huấn, được thực hành và rèn luyện kỹ năng báo chí số, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và học tập suốt đời cho họ.
PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng
1)Nguồn: https://www.pewresearch.org/journalism
(2)Nguồn: https://www.indeed.com/m/jobs?q=Journalism
(3)Nguồn: https://www.indeed.com/m/jobs?q=Journalism
(4)Nguồn: Seoul National University Department of Journalism and Communication https://social.snu.ac.kr/en/institutes/
(5) Nguồn: New Media Research Center
https://www.yonsei.ac.kr/en_wj/intro/ymedia.jsp
(6)Nguồn: Sungkyunkwan University Department of Journalism and Communication https://mediacomm.skku.edu/eng_mediacomm/index.do
(7)Nguồn: https://www.journalist.or.kr/news/section5.html
(8)Nguồn: http://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/digital-newsreport/2023/south-korea
Tin tức liên quan
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)
- Sức hút từ cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:11 26/06/2024)
- Dòng chảy phát thanh qua một thế kỷ (08:41 24/06/2024)
- Phát triển nội dung số của cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay (08:38 24/06/2024)