Cuốn sách không đọc thì thật tiếc
22:44 09/02/2017
- Văn hóa xã hội
Đang lúi húi chọn sách trên giá thì nghe tiếng hai bạn trẻ nói rất to: “Khiếp quá, ngần này sách mà chả biết chọn cuốn nào?”. Tôi ngẩng lên, mỉm cười với hai cháu và nói: “Để bác chọn hộ hai cháu nhé”.
Ảnh minh họa
Hai đứa reo lên: “Ô, bác Dũng - thần tượng của cháu, chúng cháu học báo chí nên rất thích các bài phát biểu của bác ở Quốc hội”. Tôi bảo: “ Bác chưa đáng gọi như thế, các cháu hãy đọc sách này - tác giả là thần tượng của bác đấy, các cháu không đọc thì thật tiếc”.
Tôi rút ra cuốn sách đang cầm trên tay và nói: “Đây là cuốn vừa mới được xuất bản, bác đã được tặng một cuốn ở nhà, hôm nay mới thấy có mặt ở hiệu sách này đấy”. Hai cháu kéo tôi ra dãy bàn ở giữa hiệu sách và bắt tôi kể chuyện về cuốn sách và tác giả mà tôi vừa giới thiệu.
- Đây là sách của bác Phan Quang, một nhà báo lão thành năm nay đã 89 tuổi. Các cháu nhìn xem, sách dầy 441 trang. Nhưng nếu xếp các sách của bác ấy đã in thì chắc chất đầy cả cái giá kia. Nếu các cháu có biết đến tôi thì nói thật tôi chỉ là học trò nhỏ của bác Phan Quang.
Bác ấy viết như một lẽ sống. Không bằng lòng với vài chục đầu sách đã viết và đã dịch, sau tuổi 85 bác ấy đã làm tôi phát choáng vì liên tiếp được đọc các tác phẩm mới như Xuân bao nhiêu tuổi, Tầm nhìn, Chuyện rừng châu Phi, Cỏ lau thành cổ… Tôi giật mình vì nhiều cuốn bác ấy in với số lượng kinh khủng. Như cuốn Đồng bằng sông Cửu Long in lần thứ tư mà với ba vạn bản.
- Cháu xin lỗi bác, cháu cứ tưởng cụ ấy chỉ là dịch giả. Cháu đã đọc say mê những cuốn như Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Mười hai sử thi huyền thoại.
- Cháu khá đấy. Tôi gọi bằng bác thì cháu gọi bằng cụ là đúng rồi. Bác ấy thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Nhưng quan trọng hơn là bác ấy thông thạo tiếng Việt các cháu à. Đâu phải ai giỏi ngoại ngữ cũng có thể dịch hay như bác ấy. Mấy cuốn cháu vừa nói có cuốn đã tái bản tới 30 lần rồi mà đâu còn có trên giá sách. Những cuốn bác ấy dịch từ tác phẩm đương đại cũng được in đi in lại, như Những vùng đất lạ, Những ngôi sao ban ngày, Trở lại với đời.
- Thế mà cháu chưa được đọc cuốn tiểu thuyết nào của cụ ấy.
- Bác ấy không viết tiểu thuyết mà hay viết dưới dạng bút ký, tiểu luận. Các cháu ít xem loại này, nhưng nhiều tuổi hơn một chút thì lại mê ngay thôi mà. Ngoài viết về thời cuộc , bác ấy viết về các văn nghệ sĩ đương đại , nếu đọc thì thấy đúng là không ai sánh nổi.
Đủ các khuôn mặt thân quen với bác ấy như Hải Triều, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Nguyễn Văn Bổng, Thanh Châu, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Tạ Phước, Nguyễn Đức Nùng, Văn Bình, Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Tô Hoài, Quang Đạm, Trần Hoàn, Bạch Diệp… Các cháu học báo chí thì không thể không biết về những tên tuổi này. Biết dưới dạng chân dung phác hoạ thì mới thú.
- Bác vẫn chưa kể cho chúng cháu về cuốn sách bác đang cầm mà vừa rồi bác bảo chúng cháu là không đọc thì thật tiếc.
- Hôm ra mắt sách ở VOV nhân kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến bác ấy tặng tôi hai cuốn: Cuốn này là Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm , sách dày, khổ lớn. Cuốn thứ hai là sách mỏng, khổ nhỏ viết cho thiếu nhi Xin đừng quên nhau- Lời hoa muốn nói. Cuốn sách bác đang cầm đây là cuốn Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm bác muốn mua tặng hai cháu.
- Không, chỉ có 140 nghìn thôi mà, chúng cháu mua được. Bác chỉ cho cháu biết tại sao bác nói không đọc thì thật tiếc?
- Các cháu không hình dung nổi đâu. Đây không phải bác ấy mới viết mà là bác ấy chép lại từ những cuốn nhật ký đã ố vàng viết từ năm 1949 đến đúng Tết hoà bình năm 1955. Thật quý vô cùng. Bác ấy kể rằng đi đâu cũng có ba cuốn sổ, một cuốn ghi công việc hằng ngày, một cuốn ghi tư liệu viết báo, viết văn và một cuốn là nhật ký tâm tình tiện đâu ghi đấy.
Cuốn sách này là bác ấy chọn lọc ra để chép lại và các cháu đọc trong Lời thưa ở đầu sách đây này: “Điều quả quyết là không chi tiết nào bịa đặt hoặc them thắt. Từ ngữ có nhiều tiếng địa phương nay không thông dụng, đến người ghi cũng chẳng lần ra nổi, vẫn giữ nguyên xi, chỉ chỉnh lý trong trường hợp quá tối nghĩa, nếu cần thì mở ngoặc đơn hoặc ghi chú dưới chân trang”.
Chúng ta có thể chứng thực điều ấy vì trong sách có chụp vài trang nhật ký với chữ viết rất nhanh nhưng rất đẹp, nội dung y chang như trong sách. Bác ấy tâm sự vì sao ở tuổi sắp 90 mà bác ấy còn cặm cụi chép lại để chúng ta được đọc thứ quặng vàng còn chưa chế tác này: “Một hôm xếp lại mớ sách cũ, tình cờ gặp lại những cảnh,những người, những tấm lòng vàng một thờ xa lắm, trong đó thấp thoáng bóng chàng trai nuôi ảo tưởng văn chương…, tôi chợt nghĩ: Biết đâu một mai ai có nhu cầu tìm hiểu con người và cuộc sống một thời, thì mảnh tình riêng ta ngại ngùng chi mà không sẻ chia.” Cũng nhờ đó mà bác cháu ta mới có thể cầm trên tay hôm nay thứ quặng xù xì nhưng lấp lánh anh vàng này.
Các cháu hãy đọc thử trang đầu nhé: - Ngày 15-11-1949. Các cháu nhớ khi đấy tác giả mới chỉ là chàng phóng viên 21 tuổi. Nhật ký ghi: “ Tìm mãi mới gặp trạm giao liên. Anh trưởng trạm hơi ngỡ ngàng gặp anh cán bộ nói đặc giọng quê miềng, rứa mà coi giấy tờ thì ra ông nhà báo từ vùng tự do Liên khu vô mãi tận đây. Anh liền gọi một chú giao liên giao nhiệm vụ. Chú tươi cười: Dạ, eng muốn đi mô em đưa eng tới nơi. Nhưng lúc ni gần trưa rồi. Phải ăn chút chi cho chắc bụng đã rồi đi mô mới đi. Eng ăn cơm tạm với bọn em. Ngó rứa nhưng đường xa lắm. Đói không leo rừng được mô”. Các cháu thấy không, cứ như mình đang được xem một đoạn phim tài liệu. Thật sinh động về hình ảnh của một thời gian khổ nhưng hào hùng mà thế hệ các cháu không hình dung nổi. Các cháu sẽ là nhà báo, nhưng có cháu nào định luôn giữ bên người ba cuốn sổ và lúc nào cũng chép cũng ghi như vậy không?
- Hay quá bác ạ, bác đọc luôn cho chúng cháu phần ghi của ngày cuối cùng trong sách đi.
- Đây nhé. Ngày 21-1-1955: “Hôm nay, Nguyên đán năm Ất Mùi. Trời bỗng dưng hửng nắng. Thiếu cái rét dịu và mưa lâm thâm quen thuộc của ngày Tết nhưng lại được cái ấm nắng hiền hoà đầu Xuân. Quanh Bờ Hồ, cạnh đền Ngọc Sơn, bao nhiêu người chụp ảnh giúp nhau. Màu sắc. Nhộn nhịp. Có thể nói sáng hôm nay, tất cả những gì đẹp nhất Hà Nội có đều được tuôn ra phô ngoài đường phố. Mấy anh em chúng tôi diện bộ quần áo đẹp nhất vào, rồi kéo nhau ra phố, hoà vào cuộc sống”.
Tuyệt chưa. Tất cả những 441 trang khổ lớn. Bác đọc ngấu nghiến khi nhận được sách và chỉ muốn nói với mọi người: “Ai chưa được đọc thì thật tiếc”. Sách in lần này chỉ mới có 1.500 bản, các cháu không mua ngay chắc sẽ phải đợi đến lần tái bản đấy.
- Chúng cháu rất cảm ơn Bác. Hôm nào bác làm ơn giúp chúng cháu được đến gặp tác giả để xin cụ ký cho chúng cháu vào trang sách đầu thì quý quá
- Bác rất sẵn lòng, tác giả hiện sống với gia đình tại một gian nhà nhỏ ở khu tập thể Trung Tự và rất sẵn lòng gặp gỡ những người yêu sách.
Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: Tạp chí Xây Dựng Đảng
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trường ca “Lũ”: Nâng bước trẻ em vùng cao đến trường (08:02 06/12/2024)
- Huyền Trân công chúa: Sứ giả hòa bình (11:25 30/11/2024)
- Có một Trường Sa thật gần và sống động (10:10 25/11/2024)
- 15 năm hệ thống liên cấp Newton: Hình mẫu tiêu biểu về giáo dục tiên tiến (09:50 25/11/2024)
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)