Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Cuộc đọ sức trên đường Trường Sơn!

21:06 27/07/2023 - Diễn đàn
"Hai lần vượt Trường Sơn” (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 6/2023) là tựa đề tập sách thứ 4 viết về đề tài chiến tranh của nhà báo Kim Toàn, được ấn hành nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023); 64 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2023); 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023). Với 450 trang in, bao gồm 3 phần: Thăm thẳm Trường Sơn, Thênh thang Trường Sơn, Những tình cảm chân thành dành cho nhà báo Kim Toàn và các đồng nghiệp tại chiến trường.

Mọi người Việt đều khắc sâu trong tâm khảm thiêng liêng hai chữ Trường Sơn, dãy núi dài hơn 1.100km được các nhà thám hiểm thế giới coi là “đệ nhất thiên nhiên Đông Dương”. Từ năm 1959 lúc khai mở đường Hồ Chí Minh đến lúc miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, hàng triệu lượt thanh niên ưu tú đã in dấu chân trên dãy núi Trường Sơn ra trận đánh giặc. Và cũng đã có hàng chục ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, cuối năm 1966 (trái) và bìa ấn phẩm Hai lần vượt Trường Sơn_Ảnh: TGCC

Một nhà báo nước ngoài, ông Wilfred Burchett từng ví von Trường Sơn là cuộc đọ sức giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa sinh và tử. Trường Sơn thể hiện sức mạnh Việt Nam, chính nghĩa Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình!”. Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đã viết bài ca Trường Sơn sống mãi cùng năm tháng: “Ta vượt trên núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi nhằm phương Nam/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình!”... Đất nước đã có hàng ngàn và nhiều hơn thế tác phẩm viết về Trường Sơn, về cuộc chiến đấu hào hùng cả dân tộc theo đường Trường Sơn ra trận.

"Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn là ghi chép công phu, tươi mới, sống động, với nhiều tư liệu quý. Mùa Xuân năm 1966 có một đoàn cán bộ báo chí học lớp đặc biệt của trường Tuyên huấn Trung ương - dành cho các nhà báo chiến trường - mang mật danh K94 rời thủ đô Hà Nội vượt Trường Sơn vào miền Nam. Nhà báo Kim Toàn là một trong số 23 thành viên của Đoàn K94 “Thăm thẳm Trường Sơn” trên vai nặng trĩu chiếc ba lô - nào tư trang, tăng võng, gạo, lương khô, súng tiểu liên... chống gậy trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn hơn bốn tháng liền. Kim Toàn trở thành phóng viên Báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều trang ghi chép của Kim Toàn trên dải Trường Sơn, nếu không phải là người trong cuộc khó có thể hình dung đây là những trang viết thấm cả máu và mồ hôi, mang theo bao số phận, coi cái chết nhẹ như lông hồng, thực hiện lời thề “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Phạm Vương cảm nhận rất đúng: “Cảm động thay như biển rộng vô bờ/ Những trang sách mở lòng bao thổn thức/ Như vơi đi những gì đang uẩn khúc/ Những lăn tăn lấp ló bên đời ” (trang 445).

Thăm thẳm Trường Sơn bắt đầu từ ngày 16/3/1966 (trang 32) đến ngày 28/7/1966 (trang 221). Khoảng thời gian 4 tháng 11 ngày trèo đèo lội suối vượt bao chảo lửa, túi bom. Ghi chép ngày 16/3/1966: “... Đoàn xe chầm chậm lăn bánh giữa đường phố đông đúc. Nhớ quá, hậu phương ơi! Không ai bảo ai, tất cả đoàn chúng tôi đều vén cành lá ngụy trang bên thành xe, cố nhìn ra ngoài như lưu mãi hình ảnh thân thuộc đầy ắp kỷ niệm về phố phường nhộn nhịp và những con người Hà Nội bình dị mà thanh lịch đang loang loáng lướt về phía sau ...”. Ba ngày sau, 19/3/1966, ngòi bút của Kim Toàn càng thêm sống động sau khi đoàn xe đi vào tuyến lửa khu Bốn, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang vô cùng khốc liệt, nhiều cô gái thanh niên xung phong (TNXP) buổi chiều còn nhí nhánh bên đóa hoa rừng, buổi tối đã anh dũng hy sinh phục vụ thông đường, thông tuyến cho những đoàn xe ra trận. Nhà báo Kim Toàn ghi lại: “Đêm Hà Tĩnh thật vui với những điều lạ khó quên. Hai bên đường, hàng triệu con đom đóm tụ hội hình thành từng chùm, từng cụm quấn quýt nhau, tạo ra vô vàn điểm sáng lấp lánh như pháo hoa chúc mừng đoàn quân lên đường thắng lợi. Lúc đoàn xe dừng lại để đợi phà qua sông, chúng mình được xuống xe ít phút cho dễ chịu. Chợt nghe rộn lên tiếng nói, tiếng cười của phụ nữ”. Đó là các cô gái TNXP đang san lấp hố bom lạc quan, yêu đời, bạo dạn... khi cái chết do bom đạn của quân thù có thể đến bất cứ lúc nào.

Ngòi bút của Kim Toàn như tiếng lòng: “Bất ngờ một o khá xinh hiện ra trước mắt. O ấy ôm mình và hỏi nhỏ thì thầm: quê anh ở đâu? Cho em biết tên đi. Em tên Lành quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vào chiến trường anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Hẹn gặp anh trong một ngày không xa... Xe nổ máy chuẩn bị xuống phà. Giọng các em TNXP ríu rít: Mình ơi, nhớ luôn viết thư cho em, mình nhé! Anh yêu ơi, em vẫn đợi! Đến ngày chiến thắng, ta sẽ làm đám cưới! ” (trang 37). Không riêng nhà báo Kim Toàn mà gần như mọi chiến sĩ đều được các cô gái TNXP dưới mưa bom bão đạn - dù là ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hoặc Quảng Trị - dành cho tình cảm thân thương đó. Tình cảm của bao trai tài, gái giỏi tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân, không tiếc máu xương trong cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ sống hồn nhiên, yêu đời, nụ cười trên môi tỏa rạng, tiếng hát át tiếng bom. Nhiều ông chủ Nhà Trắng vỗ ngực tự cho là vĩ đại đã không thể hiểu nổi vì sao sức mạnh Việt Nam, tinh thần Việt Nam lại dũng mãnh đến thế, không có thứ vũ khí hủy diệt nào có thể khuất phục?.

"Thăm thẳm Trường Sơn”, từng trang lột tả sinh động cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc trong những ngày vượt Trường Sơn ra trận. Sau ghi chép ngày 28/7/1966, là những năm tháng nhà báo Kim Toàn cùng nhiều đồng nghiệp ở chiến trường tay súng, tay bút, tay máy lăn xả xuống cơ sở, đơn vị chiến đấu, vùng đô thị tạm chiếm Sài Gòn - Gia Định - chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968; với bao kỷ niệm đẹp rạng ngời với Đặng Văn Nhưng, Nguyễn Thế Phiệt, Lê Thế Thành, Phạm Ngọc Thành và nhiều đồng nghiệp khác. Rồi những ngày Kim Toàn đi lạc, sốt rét ác tính giày vò, những trận phục kích của quân thám báo; kỷ niệm đau thương khi có đồng đội, đồng nghiệp đi làm nhiệm vụ nhưng không trở về. Những trang ghi chép rất đỗi tự hào, những giọt nước mắt tin cậy, thủy chung, thương nhớ đồng nghiệp, đồng đội yêu dấu gần trọn 10 năm trên chiến trường khốc liệt bom đạn.

Kim Toàn dành phần hai cho “Thênh thang Trường Sơn” (trang 260 - 324). Sau gần một thập niên hoạt động báo chí tại chiến trường, do bị thương và nhiều lần bị sức ép của bom đạn, lại ở trong vùng thường bị máy bay địch rải chất độc hóa học, chưa kể luôn bị sốt rét rừng và bệnh đau gan - từ sốt rét mà ra, sức khỏe của Kim Toàn ngày càng kém. Đầu năm 1974, được lệnh ra Bắc điều trị bệnh, anh lại khoác ba lô cùng đoàn hành quân gồm 32 cán bộ thuộc Trung ương Cục miền Nam lên đường - lần thứ hai, hành quân dọc suốt Trường Sơn. Khác với gần 10 năm trước hơn bốn tháng hành quân bộ. Lần trở về Bắc chủ yếu là hành quân cơ giới chỉ trong mấy tuần, nhưng trên đường hành quân cũng thật éo le và không ít rủi ro. Mở đầu vượt Trường Sơn lần thứ hai, ngày 11/2/1974, Kim Toàn viết: “Rời cơ quan báo Giải Phóng trong khu căn cứ của R tại rừng Tân Biên, mình được anh em giao liên chở bằng xe gắn máy tới điểm hẹn Cần Đăng - nơi nối liền chiến khu C với vùng giải phóng rộng lớn của Tây Ninh, cùng mọi người lên đường” (trang 263).

Thênh thang Trường Sơn” ngày 14/2/1974: “Đoàn xe nối đuôi nhau băng qua các con đường rừng ngoằn ngoèo, gập ghềnh, đầy bụi bặm, chung quanh chi chít hố bom, hố đạn nham nhở - nhiều hố mới chồng lên hố cũ. Xe vượt qua mấy cánh rừng lồ ô, rồi qua vạt rừng khô cháy kéo dài hàng chục km xác xơ. Xe băng qua cao nguyên bao la giữa đêm lạnh... Càng đi càng thấy sự kỳ công của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 559 cùng các đơn vị dân công và lực lượng TNXP Trường Sơn trên mặt trận bảo đảm giao thông” (trang 274). “Dọc đường, mình đọc được khá nhiều khẩu hiệu chữ to viết trên thành ta luy hoặc bên núi đá: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho mùa Xuân đại thắng”... Những trang viết của Kim Toàn cứ tiếp nối, mỗi binh trạm, mỗi khu căn cứ... từng địa danh dọc Trường Sơn hiện hữu trong bức tranh “Thênh thang Trường Sơn”. Kim Toàn viết: “Chúng tôi hành quân (ra Bắc) giữa lúc cách mạng miền Nam lớn mạnh, quân và dân ta liên tục thắng to, giặc Mỹ buộc phải rút dần về nước; đường Trường Sơn ngày càng vươn dài, rộng mở thành nhiều tuyến dọc, ngang, mọi người không phải chống gậy đi bộ suốt tháng này qua tháng khác như trước, mà được ngồi ô tô vận tải quân sự” (trang 275 - 276).

Đường về trong rủi có may. Đêm 2/3/1974, Kim Toàn và đoàn hành quân ra tới Trạm giao liên CT4, sông Gianh - huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thì bệnh trọng tiềm ẩn lâu nay trong cơ thể mà bác sỹ tiền phương đã dự báo trước ập đến. Kim Toàn bị xuất huyết từ bên trong, đi tiểu ra nhiều máu đỏ đậm trên cát, khi ho cũng ra máu đỏ tươi, uy hiếp trực tiếp mạng sống. Bệnh ngày càng nặng, mệt lả, máu vẫn xuất ra ngoài. Anh được đưa ngay đến viện Quân y 41 sườn Đông Trường Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cấp cứu. Hôm sau đoàn tiếp tục hành quân, Kim Toàn ở lại cùng một đồng đội Cao Tùng, người cùng quê, cùng đoàn hành quân.

Kim Toàn viết: “Ngày đầu nhập viện Quân y 41 cấp cứu, tôi vẫn bị chảy máu liên tục. Không chỉ đi tiểu hay khạc mới ra máu mà khi y tá lấy máu ở tai, ở tay để xét nghiệm, thử máu đông, máu chảy hoặc tiêm thuốc, cứ mỗi lần rút kim là máu lại rỉ ra theo. Tôi nhận ra rằng mình đang trong những giờ phút nguy kịch do mất quá nhiều máu. Cơ thể tôi như rã rời, da dẻ teo tóp, xám xịt, môi khô rộp, mắt trũng thâm quầng, tôi nằm như dính xuống giường, không nhúc nhích. Mọi người, các bác sỹ đang chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân” (trang 328).

Trang ghi chép những ngày bệnh trọng - cái chết và sự sống trong gang tấc rất giàu cảm xúc tình đồng đội, đồng nghiệp, tình người, những thầy thuốc như mẹ hiền, chạy đua từng giây phút cứu mạng người bệnh. Sau hơn nửa tháng cấp cứu, nghị lực, sự chịu đựng phi thường, đội ngũ thầy thuốc hết lòng chăm sóc, Kim Toàn đã thoát khỏi thần chết. Anh được xe cấp cứu của bệnh viện Quân y 41 chuyển về tuyến trên ở Thủ đô Hà Nội, để rồi “Kim Toàn lại mong nhanh chóng trở lại chiến trường cùng đồng đội, đồng nghiệp “Đánh cho Mỹ cút - đánh cho ngụy nhào”. Đó là thời điểm tháng 5 năm 1974. Do sức khỏe sa sút, bệnh tật cứ nhân đó mà kéo về để hành hạ “Một con người gang thép” như cách ví von của đồng nghiệp viết về anh. Thần tốc, táo bạo, bất ngờ - đúng một năm sau, ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, mong nguyện “Mau bình phục để trở lại chiến trường” của nhà báo Kim Toàn đã không xảy ra, không được dịp cùng hòa vào không khí đón mừng ngày đại thắng giữa lòng sào huyệt địch - nơi mà gần một thập niên nhà báo Kim Toàn chiến đấu và hy sinh...

***

Một Kim Toàn của ngày hôm nay đã bước qua tuổi 83, thân thể mang nhiều mầm bệnh mà vẫn miệt mài sáng tạo, không ngơi nghỉ trên cánh đồng chữ nghĩa - nghề báo, nghiệp văn mà người con yêu quý của đất Cảng Hải Phòng đã yêu nó đắm say. Người viết bài báo ngắn này cũng là một nhà báo người lính, có nhiều năm trong quân ngũ, đã có những tháng vai đeo ba lô vượt Trường Sơn - dù không may mắn như đồng nghiệp Kim Toàn đi suốt dọc Trường Sơn lượt đi và lượt về. Tôi cảm phục và trân quý tình yêu nghề nghiệp nơi anh, cảm phục sức chịu đựng vượt qua bệnh tật năm tháng vượt Trường Sơn, gần mười năm vào sinh ra tử đánh giặc bằng cả súng và ngọn bút ở chiến trường vô cùng ác liệt. Tình yêu nghề báo của Kim Toàn còn là tấm gương soi sau ngày đất nước thống nhất, khi anh được giao trọng trách Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam - Một trong những nhà báo đi tiên phong “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước!” Phần ba của “Hai lần vượt Trường Sơn” (trang 343 - 444) là những trang viết mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh “Một trái tim nồng nàn, ngàn trang sách nghĩa nhân” (trang 436).

Tôi xin mượn bốn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm tặng Kim Toàn để tạm kết cho bài viết của mình: “Mênh mông một dải chiến trường/ Tên anh đã một lần liệt sĩ/ Cuộc đọ sức giữa cái sinh và cái tử/ Anh lại trở về với ngọn bút tiền phương” (trang 443)... 

Phạm Quốc Toàn 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top