Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

16:43 08/05/2023 - Kinh tế
Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa có khuyến cáo đến người nộp thuế các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật thuế nói chung và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, hệ thống hóa đơn điện tử phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đã được ngành thuế triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022. Hiên nay, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống, điều này đem lại nhiều lợi ích cho cả người nộp thuế và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước, chống gian lận thương mại, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, trốn thuế. Ngày 12/4/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 11/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn.

Cục Thuế thành phố Hà Nội lưu ý đến người nộp thuế các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật thuế nói chung và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ nói riêng như; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (được quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) gồm: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Cán bộ, công chức Thuế Hà Nội tư vấn cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó pháp luật cũng nghiêm cấm những hành vi: Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ, các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định 123/NĐ-CP ngày 19/10/2020, cụ thể: Đối với công chức thuế, các hành vi bị cấm gồm: Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

Đối với cá nhân, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cá nhân tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm gồm: Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định cụ thể tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trong đó, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (quy định tại Điều 28 Nghị định này). Xử phạt hành vi trốn thuế cũng được quy định tại Điều 17 Nghị định này. Ngoài ra, hành vi trốn thuế còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top