Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

50 năm - Sứ mệnh và hành trình khát vọng

12:15 09/11/2023 - Văn hóa xã hội
Nửa thế kỷ ươm mầm tri thức, trao gửi yêu thương, tiếp nối hành trình truyền cảm hứng dệt khúc hát người chở đò tri thức. Năm mươi năm chung ý chí và khát vọng; thế hệ tiếp nối thế hệ, thầy cô gieo trồng quả ngọt, vun đắp giá trị, tạo dựng niềm tin; trò vững vàng theo dấu những ước mơ... tất cả đã làm nên tên tuổi ngôi trường danh tiếng Trường THPT Giao Thủy B.

Thế hệ tiếp nối thế hệ, thầy cô gieo trồng quả ngọt, vun đắp giá trị, tạo dựng niềm tin... làm nên tên tuổi ngôi trường danh tiếng Trường THPT Giao Thủy B.

Những năm tháng khai mở

Ngày ấy, năm mươi năm về trước, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, một ngôi trường cấp III đã ra đời ở vùng cát biển mang theo bao hy vọng về tri thức, tương lai. Con chữ gánh gồng theo những tháng năm gói ghém nhọc nhằn, cũng hết mực thương yêu, tận tụy của thầy; theo ước mơ của trò, thắp sáng một vùng quê vốn còn nhiều lam lũ và chịu bao phen bão lửa cùng đất nước.

Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi vào giai đoạn quyết định. Cũng chính vào năm có ý nghĩa lịch sử đó, Trường Phổ thông Cấp III Xuân Thủy (tiền thân của Trường THPT Giao Thủy B) được thành lập. Sự kiện mang dấu ấn bước ngoặt của sự nghiệp giáo dục đã mang đến tin vui, niềm hi vọng học tập cho con em nhân dân các xã vùng ven biển Tây Nam huyện Giao Thủy. Và cũng từ đây, thầy trò nhà trường bắt đầu những tháng ngày vượt khó, những tháng ngày chung lưng đấu cật xây trường, dựng lớp, thi đua dạy tốt, học tốt.

Gian truân với thầy trò thật khó để hình dung khi chỉ mới ở tháng đầu, năm đầu. Có lẽ hành trình “an cư” chỉ thực sự bắt đầu khi tháng 10/1973, trường có quyết định di chuyển về thôn Đan Phượng, xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Mảnh đất thầy trò “lập nghiệp” là một khu đồi cát bồi hoang vu đầy dứa dại với tổng diện tích 1,3ha (năm 1975, diện tích mặt bằng nhà trường được nâng lên 1,63ha; đến năm 1985, tổng diện tích của nhà trường là 2,15ha). Một công cuộc gấp rút dựng trường, dựng lớp được thực hiện. Lúc này, để việc dạy và học của thầy và trò không bị gián đoạn, các lớp học tạm bố trí học nhờ tại trường cấp II xã Giao Yến.

Ngôi trường một thời để thương, để nhớ.

Đúng một năm sau ngày trường có quyết định thành lập, lần đầu tiên thầy trò nhà trường hân hoan đón lễ khai giảng năm học mới 1974-1975, tại chính ngôi trường thầy trò cất công tạo dựng. Tuy tất bật trong lao động, xây dựng trường lớp nhưng việc duy trì nền nếp dạy và học cũng như nâng cao chất lượng luôn được đảm bảo. Các thầy cô giáo  làm việc với tinh thần trách nhiệm “tất cả vì học sinh thân yêu”. Khoá học sinh tốt nghiệp đầu tiên ra trường năm 1975 đạt trên 91,3%, xếp loại khá của tỉnh Nam Định và cũng là thành tích đặc biệt có ý nghĩa chào mừng đại thắng mùa xuân năm ấy, chào mừng nước Việt Nam thống nhất, non sông nối liền một dải, từ mũi Cà Mau, đến địa đầu Móng Cái.

Trong những năm này, dưới sự lãnh đạo của các thầy Hiệu trưởng: Thầy Trần Xuân Thoán, thầy Nguyễn Văn Hưởng; các thầy cô Phó Hiệu trưởng: thầy Nguyễn Thế Hiếu, thầy Vũ Luyện, thầy Đỗ Văn Bạ, thầy Trần Văn Thế, và các thầy cô giáo: thầy Lưu Công Hạm, thầy Nguyễn Văn Quyến, thầy Trần Quốc Lục, thầy Phạm Văn Bằng, thầy Cao Văn Học, thầy Nguyễn Văn Thông, thầy Nguyễn Văn Tân, cô Nguyễn Thị Kỳ, cô Phan Thị Thơm, cô Lê Thị Hồi,… đã cùng nhau vượt khó, sáng tạo đổi mới, đem lại thành tích đáng tự hào về cho nhà trường. Các thầy cô đã tạo dựng một môi trường sư phạm mà ở đó “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”, tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau.

Chặng đường đầu gian lao không kể xiết. Gần 20 năm khai mở, biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức của thầy trò đã định hình lên vóc dáng, tô thắm cho ngôi trường phổ thông cấp III Xuân Thủy. Chỉ có thể lý giải sự hy sinh, cống hiến “vô tư” ấy bằng một lý lẽ giản đơn rằng: khi có đủ tình yêu thương, và trách nhiệm, đủ khát vọng, kiên định một ý chí vượt khó, vượt khổ ươm trồng cây trí tuệ, ươm trồng cây hạnh phúc thì cây đời sẽ nở hoa. Và từ ngôi trường tranh tre nứa lá đến những lớp học mái ngói, mái bằng, đồng hành cùng nhà trường là nhân dân mấy xã vùng ven đã luôn hết lòng bao bọc, giúp đỡ. Ngôi trường trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, “ngôi trường của dân, vì dân, do dân”, làm rạng danh vùng quê Giao Thủy giàu truyền thống hiếu học.

Dấu ấn nửa thế kỷ, ý chí và khát vọng…

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, lúc cam go, khi thuận chiều song ngôi trường THPT Giao Thủy B luôn khẳng định bản lĩnh vững vàng của tổ chức gánh trên vai sứ mệnh trồng người, hoàn thành trọng trách thiêng liêng được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Tinh thần ấy như lửa thử vàng, tạo thành nguồn sức mạnh nội sinh sẵn sàng đương đầu, chiến thắng mọi thử thách.

Thầy Lưu Thanh Thích, Hiệu trưởng nhà trường: "Các thế hệ thầy cô giáo và học sinh của nhà trường đã thắp lên, ngời sáng mãi ngọn lửa truyền thống đầy tự hào Trường Phổ thông Cấp III Xuân Thủy - THPT Giao Thủy B".

Năm mươi năm thực hiện sứ mệnh trồng người không ngơi nghỉ, lao động, giảng dạy và học tập đã trở thành lý tưởng, phương châm của thầy cô, học sinh Trường THPT Giao Thủy B. Cùng với những thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN của đất nước, Trường THPT Giao Thủy B bước vào thế kỷ mới, giai đoạn mới, từng bước trưởng thành. Các thầy cô đã kế thừa và phát huy những thành quả của các giai đoạn trước, năng động sáng tạo đi sâu vào cái mới, do đó các mặt hoạt động giáo dục của nhà trường có nhiều khởi sắc. Theo thời gian, chất lượng, hiệu quả các mặt giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được nâng cao. Đến nay trường đã có hàng trăm đội tuyển học sinh giỏi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và đạt giải. Nhiều năm liền trường được Sở GD&ĐT trao tặng Cờ toàn đoàn học sinh giỏi văn hóa; và giành giải cao trong các kỳ thi đấu thể dục thể thao do sở tổ chức. Liên tục nhiều năm trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%. Từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017, trường luôn nằm trong tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng đứng đầu toàn quốc. Nhiều thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo như: Thầy Bùi Đoàn Trường (Hiệu trưởng), thầy Cao Văn Năng (Hiệu trưởng), thầy Cao Đức Bôn (Hiệu trưởng), thầy Phạm Ngọc Báo, thầy Trần Quốc Ấn, cô Lê Thị Tý, cô Đặng Thị Tuấn Oanh,… và nhiều thầy cô đã được khen tặng là Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Đây cũng là phần thưởng vinh dự cho mỗi thầy cô tâm huyết đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người nơi đây.

Nửa thế kỷ, sứ mệnh trồng người mang dấu ấn của ý chí và khát vọng.

Trọng trách và sứ mệnh, tình yêu thương và khát vọng truyền dạy học trò… như ngọn đuốc soi đường. Dẫu phải đối diện với chông gai nhưng thầy trò nhà trường không sờn lòng, nản chí mà vẫn say sưa giảng dạy và học tập. Bằng sự thấu hiểu và tình yêu thương, thầy cô gửi tất cả ước mơ của mình vào các thế hệ học sinh. Niềm vui nhân đôi, hạnh phúc nào bằng, khi ngôi trường là nơi các trò nối nghiệp thầy ươm chữ trồng người. Thế hệ tiếp nối thế hệ, truyền thống thành điểm tựa để tri thức được lan tỏa làm nên giá trị ngôi trường nửa thế kỷ.

50 năm sẽ là sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Sợi dây tri thức được nối dài bởi những người thầy tận tâm, những lứa học trò khát khao học tập, cùng chung niềm khát vọng, tin yêu.

Nửa thế kỷ đối mặt với thử thách nhưng các thế hệ thầy và trò nhà trường vẫn luôn luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của nhân dân, là điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Nam Định.

Trường THPT Giao Thủy B thực sự là một trung tâm văn hóa của khu vực phía Tây Nam huyện Giao Thủy.

Năm mươi năm qua đã có hàng trăm cán bộ, giáo viên về công tác tại trường, nhiều giáo viên của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo của nhà nước, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên giỏi của các trường trong và ngoài tỉnh. Trong đội ngũ đó có những thầy cô vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo Ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; được Sở GD&ĐT tặng giấy khen; hàng trăm thầy cô được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Sở GD&ĐT xếp loại cao; 02 thầy cô được cấp Bằng Lao động sáng tạo.

Từ mái Trường THPT Giao Thủy B thân yêu này đã đào tạo 48 khóa học sinh, với  hơn 18 nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều em đã cầm súng lên đường chiến đấu; trong số đó có 5 em đã anh dũng hy sinh được Tổ quốc ghi công. Các thế hệ học sinh nhà trường đã và đang có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Trong số các học sinh ưu tú có 9 học sinh được phong Tướng; 02 học sinh hàm Thứ trưởng, 02 học sinh hàm Vụ trưởng; có nhiều em đã được phong chức danh Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân; hàng ngàn học sinh có học vị thạc sỹ, bác sỹ, kỹ sư, sỹ quan, nhà giáo, các cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước; hàng ngàn học sinh đã trở thành các nhà doanh nghiệp giỏi, người lao động giỏi trên các lĩnh vực kinh tế.

Sự đóng góp của các thế hệ học sinh đã làm rạng rỡ truyền thống nhà trường, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà nhà trường đã kiên trì thực hiện suốt 50 năm qua. Có thể nói rằng, các thế hệ học sinh của Trường là niềm tự hào, là một phần lịch sử THPT Giao Thủy B.

Hình hài hôm nay là vóc dáng của ngôi trường đã trải qua thử thách đang vững vàng tiến bước tương lai.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước, Trường THPT Giao Thủy B bước vào giai đoạn mới với những nền tảng vững vàng. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Do đó, chất lượng học sinh giỏi của nhà trường ngày một tăng cao; nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng đầu cả nước. Đặc biệt, trong những năm học gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng lên rõ rệt, Chi bộ nhà trường được các cấp công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhà trường liên tục nhiều năm được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh tặng danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc; Công đoàn nhà trường nhận nhiều Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh; Đoàn trường liên tục được Tỉnh đoàn Nam Định, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

Năm học 2022-2023 với tinh thần thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vươn lên giành được nhiều thành tích xuất sắc.

Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục. Toàn trường có hơn 1500 học sinh, trong đó có 99,8% học sinh đạt hạnh kiểm tốt khá, 98,7% học sinh đạt học lực giỏi. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 100%; điểm trung bình của học sinh các khối xét tuyển đại học cao (Khối A - 22,5 điểm; khối C - 21,56 điểm; khối B - 21,59 điểm), có em đạt điểm tuyệt đối. Chất lượng mũi nhọn được khẳng định với Cờ giải Nhì toàn đoàn học sinh giỏi văn hóa (trong đó có 05 giải Nhất, 16 giải Nhì , 09 giải Ba và 08 giải Khuyến khích); Thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh đạt Cờ giải Ba toàn đoàn; Hội thi khoa học kỹ thuật và sản phẩm STEM đạt Khuyến khích toàn đoàn. Bên cạnh đó, hội thao giáo dục quốc phòng, nhà trường đạt Cờ giải Ba; thi học sinh giỏi thể dục thể thao cấp tỉnh đạt Cờ giải Ba; Hội thi Giai điệu tuổi hồng cụm huyện đạt giải Nhì toàn đoàn;… Nhà trường đã phát huy tốt trường chuẩn quốc gia đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận.

Nhà trường tiếp tục có các giải pháp xây dựng cảnh quan, duy trì là trường THPT đạt danh hiệu: Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Dấu ấn 50 năm có hình ảnh các thầy cô hôm nay đang ngày đêm trăn trở, miệt mài truyền dạy cho trò tri thức, khơi mở cho trò ý chí, tiếp sức hành trình theo đuổi, chinh phục ước mơ bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Trọng trách người dẫn đường thời đại số đặt lên vai các thầy cô: thầy Lưu Thanh Thích (Hiệu trưởng), cô Cao Thị Khảo (Phó Hiệu trưởng), thầy Lưu Công Chinh (Phó Hiệu trưởng) và các thầy cô trong Hội đồng giáo dục hôm nay.

Hành trình 50 năm tự hào của Trường THPT Giao Thủy B được nhìn nhận từ sự trưởng thành của các thế hệ học trò, được cụ thể bằng những con số giải thưởng và còn bởi sự ghi nhận ở danh hiệu và phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (2003); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2009, 2001), Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc do Bộ GD&ĐT tặng (năm học 2017-2018); năm 2023 được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn (1973-2023).

Thể hiện tinh thần ưu tiên cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, suốt 50 năm qua, ở bất kỳ hoàn cảnh nào Trường THPT Giao Thủy B đã luôn nhận được sự chỉ dẫn sát sao của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Giao Thủy, sự giúp đỡ của các phòng ban huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đùm bọc của nhân dân để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ những lớp học tranh tre nứa lá ngày nào, đến nay, cơ sở vật chất của trường ngày được củng cố và hoàn thiện. Khu nhà hiệu bộ có đầy đủ các phòng chức năng. Khu phòng học gồm 3 dãy nhà cao tầng với 36 lớp học. Nhà đa năng rộng 1008m2. Trường có đủ các phòng thực hành môn Tin, Ngoại ngữ, Hóa, Sinh cho học sinh thực hành. Sân trường được đổ bê tông, sân thể dục ngoài trời đáp ứng yêu cầu rèn luyện cho học sinh các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, nhảy xa, đường chạy.

Từ năm 2010, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đến năm 2017, nhà trường được công nhận lại trường chuẩn quốc gia); năm 2018, trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ 3 (cấp độ cao nhất) và đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn;…

Tiếp nối truyền thống, trong giai đoạn phát triển mới, thế hệ thầy và trò Trường THPT Giao Thủy B hôm nay không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp giảng dạy, coi trọng thực hành, tự học và sáng tạo. Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy. Trong giai đoạn tiếp theo, nhà trường đã và sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới công tác dạy và học nhằm phát triển năng lực phẩm chất người học, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và định hướng nghề nghiệp. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, trí thức pháp luật và ý thức công dân; Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng - an ninh và hướng nghiệp, dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hoá, thiết thực, đảm bảo năng lực sử dụng của người học, đa dạng hoá nội dung, tài liệu học tập đáp ứng yêu cầu của bậc học THPT, đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện học tiếp các bậc học cao hơn và nhu cầu học tập suốt đời.

Hình hài hôm nay là vóc dáng của ngôi trường đã trải qua thử thách đang vững vàng tiến bước tương lai. 50 năm dày công vun đắp, nguồn sức mạnh to lớn ấy được kết tinh từ bao gian nan vất vả của những người chở đò thầm lặng đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ vinh quang của tri thức. Tuy những thành tích còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ nói lên sự khát khao vươn lên, sự nỗ lực không ngừng của tập thể thầy và trò. Bằng vốn tri thức, tâm huyết yêu nghề, bằng lòng yêu thương, độ lượng của thầy cô; bằng những gương hiếu học, vượt khó, tự lực vươn lên, cùng với những thành quả của nhiều năm trước đã tạo đà cho những phát triển của Trường THPT Giao Thủy B hôm nay.

Hà Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top