Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Sứ mệnh trời đày” - Kỳ cuối: Nặng lòng với… “người dưng”

23:40 12/09/2023 - Văn hóa xã hội
Một ngày hanh hao nắng, chúng tôi tìm về xã Hướng Việt,  huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất vùng cao này hiện ra yên bình, mộc mạc và hay đến lạ. Vậy nhưng, về đây, khi được nghe lại câu chuyện thương tâm của em Hồ Thủy Linh, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt với những ký ức đau thương khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.

Cô giáo Phụng đến nhà thăm và động viên em Thủy Linh.

Hơn cả nỗi đau

Sinh năm 2008, Hồ Thủy Linh ngày ấy học lớp 4, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt. Trong một lần chơi nhảy dây, Linh không may bị chấn thương ở chân. Cứ tưởng rằng đó sẽ là chấn thương bình thường nên gia đình Thủy Linh nhờ người đắp thuốc và thổi cho em theo phong tục của người địa phương. Vậy mà sau một thời gian đắp thuốc, chân của Linh vẫn không đi lại được. Trước tình trạng bệnh của Linh ngày càng nặng, thầy cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt đã động viên gia đình đưa Linh vào bệnh viện để khám. Kết quả là Linh bị viêm xương, cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, chưa chắc Linh có thể đi lại bình thường. Để có tiền cho Linh chữa bệnh, gia đình Linh đã tìm mọi cách, bán những thứ bán được để chạy chữa cho em nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Nói về những tháng ngày ấy, anh Hồ Văn Lập, bố của em Linh không khỏi ngậm ngùi ."Con bị bệnh, vợ chồng mình buồn lắm, bán hết bò mà không đủ tiền chạy chữa cho con. Nhà làm có 2 sào ruộng nhưng không đủ nước tưới nên năng suất thấp. Phải mượn 200 triệu để đưa con đi phẫu thuật. Nhìn con, mình thương lắm".

Em Thủy Linh được lắp chân giả.

Để có tiền phẫu thuật đây là bài toán vô cùng nan giải đối với gia đình em Linh. Trước hoàn cảnh này, một lần nữa cô Phụng lại “nặng nợ”. Thương cảm với hoàn cảnh của Linh, tập thể giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt đã gom góp chút tiền để hỗ trợ cho Thủy Linh, đồng thời, cô giáo Phụng chia sẻ câu chuyện của Linh lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ. Ngoài những thầy cô giáo ở trường, sau khi biết được thông tin của Linh, một họa sĩ ở huyện Hướng Hóa đã vẽ tranh và bán để lấy tiền giúp cho em Thủy Linh chữa bệnh.

Cứ tưởng rằng chỉ cần phẫu thuật thì bệnh tình của Linh sẽ thuyên giảm nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Nỗi đau dày vò, bệnh ngày càng nghiêm trọng. Liên tục những ca phẫu thuật kéo dài đã làm kinh tế của gia đình anh Lập kiệt quệ. Một chấn thương nhưng Linh trải qua 16 lần phẫu thuật tại bệnh viện. Nỗi đau về tinh thần và thể xác đã vắt cạn sức đề kháng của cô học trò đang học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt. Sau rất nhiều lần phẫu thuật không thành công, các bác sĩ bảo phải tháo khớp chân của Linh. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, lúc đầu, gia đình Thủy Linh không đồng ý nhưng không còn cách nào khác khả thi hơn. Sau lần phẫu thuật lần thứ 17, Thủy Linh đã được các bác sĩ tháo khớp chân. Từ đây, việc đi lại của Linh rất khó khăn, đôi nạng gỗ chính là người bạn thân trong thời gian Linh trở về nhà. Cũng chính thời gian này, cảm giác tự ti, mặc cảm luôn hiện rõ trong tâm trí Linh. "Từ một người lành lặn, bình thường, sau biến cố, em bị tháo khớp chân. Việc đi lại khó khăn, em không muốn đi học trở lại nữa", Thủy Linh thổ lộ.

Thương cảm với hoàn cảnh của Thủy Linh, cô giáo Phụng đã liên hệ với bác sĩ Lê Hồng Phúc, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Trường Đại học Y dược Huế nhờ bác sĩ Nguyễn Minh Công, nguyên Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình, phục hồi chức năng tỉnh Nghệ An xin hỗ trợ lắp chân giả cho em học trò bất hạnh. "Nhìn những bước đi tập tễnh của Linh mà em không cầm được nước mắt. Đau đớn về thể xác là một phần nhưng nếu vì tự ti mà Linh bỏ học giữa chừng thì đây là điều đáng tiếc. Nghĩ vậy, nên em phải làm mọi điều có thể để giúp Thủy Linh ". Cô Phụng nói về trăn trở của mình như thế.

Sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ cô giáo Phụng và bác sĩ Phúc, bác sĩ Nguyễn Minh Công đã liên hệ với nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ giúp đỡ người khuyết tật và họ đã đồng ý giúp em Thủy Linh. Nhờ sự kết nối của cô Phụng, tấm lòng của nhóm thiện nguyện và những bác sĩ tốt bụng, Linh đã được gia đình đưa ra Nghệ An lắp chân giả. Ngày trở về trên đôi chân giả đó là một ngày đặc biệt của Thủy Linh, là ngày mà nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt của em. Với cô giáo Phụng, hành trình “nặng nợ” với cô học trò Thủy Linh đã gặt được quả ngọt. Từ khi được lắp chân giả, Thủy Linh bớt đi tự ti, mặc cảm, Linh tiếp tục đến trường, không còn muốn nghỉ học nữa.

Hiện tại, Thủy Linh đã đi lại bình thường và đang là học sinh lớp 10 tại Trường THPT Hướng Phùng. Hiện nay, Thủy Linh đã tự tin đến trường cùng các bạn. Đây là điều mà cô giáo Phụng vui và tâm đắc nhất.

Lan tỏa yêu thương

Cô giáo Phụng tặng sách cho học sinh năm học 2023 - 2024.

Vượt nắng, thắng mưa, những thầy cô giáo ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt đang ngày đêm gieo chữ nơi vùng đất khó. Với cô giáo Thúy Phụng, hành trình vì sự nghiệp giáo dục chưa bao giờ ngừng nghỉ bởi lòng trắc ẩn, lòng thương người luôn được bồi đắp và lan tỏa. Năm học 2023 - 2024, những học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt một lần nữa nhận được niềm vui từ cô giáo mang tên Nguyễn Thị Thúy Phụng.

Bước vào năm học mới, nhận thấy sự khó khăn, thiếu thốn của những đứa trò nghèo, cô Phụng dã dành dụm số tiền 50 triệu đồng từ việc bán hàng online để mua 131 bộ sách tặng cho học sinh nhân dịp năm học mới. Bên cạnh đó, cô Phụng còn hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để mua dụng cụ học tập cho học sinh của trường. "Vào năm học mới, rất nhiều học sinh không có tiền để mua sách. Đây là sự thiệt thòi rất lớn cho học sinh nơi đây. Mong muốn của em là giúp đỡ các em học sinh có sách để đi học. Đó là điều em tâm đắc nhất". Cô Phụng trao đổi với chúng tôi bằng nụ cười tỏa nắng.

Chiều thu đi qua mà nắng vẫn đậm màu, câu chuyện về cô giáo Thúy Phụng vẫn còn nguyên những cảm xúc khó tả. Không chỉ mua sách tặng cho học sinh mà thời gian qua, cô còn bỏ tiền túi để khoan giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho giáo viên và học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt. Những việc làm của cô Phụng đã để lại nhiều cảm xúc cho học sinh cũng như các đồng nghiệp của mình. “Hằng năm nhà trường đều kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, nhu cầu hỗ trợ sách cho học sinh nhiều hơn. Việc cô Phụng tự bỏ tiền mua sách cho học sinh là điều rất đáng trân trọng. Nhà trường cảm ơn tấm lòng của cô giáo Phụng”. Thầy giáo Nguyễn Văn Tý,Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt phấn khởi, tự hào về đồng nghiệp của mình.

Câu chuyện về cô giáo Phụng, có lẽ là một câu chuyện với nhiều tình tiết hấp dẫn. Hơn 15 năm dạy học nơi vùng cao Hướng Hóa nhưng cô chưa bao giờ có ý định chuyển công tác. Điều cô mong muốn nhất vẫn là đem hết nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở vùng đất khó mặc dù hằng tuần cô phải đi về gần 200 km để thăm con, thăm gia đình ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Tôi đã chứng kiến nhiều người ở Quảng Trị yêu học trò, gắn bó với sự nghiệp giáo dục đến quặn lòng. Họ có thể hy sinh lợi ích của cá nhân để phục vụ cho việc trồng người, gieo chữ nơi vùng đất khó. Tuy nhiên, nặng lòng theo một cách riêng như cô Phụng thì có lẽ là điều hiếm thấy. Năm học mới đã bắt đầu, hành trình rọi chữ, mở đường của cô Phụng vẫn còn tiếp diễn. Nơi vùng đất khó Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn còn những học sinh nghèo cần lắm sự chở che, yêu thương của cô giáo Thúy Phụng. Đó cũng là điều mà cô quyết gắn bó đời mình ở miền quê này với “sứ mệnh trời đày”. Bởi theo suy nghĩ của cô Phụng, sống là cho đâu chỉ nhận bao giờ.

Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại tỉnh Quảng Trị, những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng, cụ thể: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị năm 2018 vì đã có nhiều thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo; Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2018; Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục - đào tạo năm 2020; Đảng bộ xã Hướng Việt tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020

Thành Nam

 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top