Phóng viên đa nhiệm
03:21 21/08/2021
- Tác nghiệp
Công nghệ truyền tin đang phát triển như vũ bão, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi
phóng viên phải rất nỗ lực trong tác nghiệp, với tốc độ nhanh nhất, để cạnh tranh lại mạng
xã hội và các đơn vị truyền thông. Bạn đọc đang “nuôi” quảng cáo, “nuôi” nồi cơm của cơ
quan báo chí, cuộc chiến “giành” bạn đọc về phía mình đang diễn ra nóng bỏng, buộc các
phóng viên phải thay đổi căn bản, trở thành phóng viên đa nhiệm, đáp ứng xu thế mới.
Những phóng viên đa nhiệm trong đại dịch Covid 19
Tác nghiệp trong tư thế “đạn đã lên nòng”
Trước đây, chỉ có đài truyền hình và đài phát thanh làm được chương trình trực tiếp ở những sự kiện lớn. Ngày nay, báo điện tử làm trực tiếp bất cứ lúc nào, bất cứ sự kiện nào, miễn là họ muốn. Còn mạng xã hội, với ưu thế mạng “phóng viên toàn dân” có mặt ở khắp mọi nơi, sẵn sàng quay và phát trực tiếp mọi hình ảnh, mọi sự việc. Thực tế nhiều hình ảnh “độc” được phát trên mạng xã hội, sau đó đài quốc gia, đài tỉnh, nhiều tờ báo điện tử “xin” phát lại.
Áp lực đè lên vai phóng viên chuyên nghiệp khá lớn, từ lâu một số toà soạn đã chủ động đào tạo, tập huấn kỹ năng làm báo mới cho đội ngũ làm báo. Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ: “Từ năm 2013, Báo Tuổi Trẻ đã liên tục mở những lớp tập huấn cách làm báo mới, hướng đến một toà soạn hội tụ. Đặc biệt kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng thể hiện bài viết, kỹ năng truyền tin,... Từ phóng viên tại hiện trường đến các biên tập viên “hiểu ý” nhau, cho ra những sản phẩm báo chí vừa nhanh, vừa đạt chất lượng. Cái quan trọng đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc trong thời buổi bùng nổ thông tin, thường xuyên “lướt” trên điện thoại”.
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường_Ảnh: TL
Cái thời, phóng viên viết báo in cứ chăm chăm lấy tin để viết, phóng viên ảnh chạy loạn xạ lên để “bắn” cho được những tấm ảnh “đắt” nhất,... Thời buổi “so bì” nhau, gần như cơ quan báo chí nào cũng có báo điện tử và có thêm “lô đất” làm chuyên mục: Truyền hình, phóng sự ảnh, phát thanh, tờ báo in (Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam). Xu thế báo điện tử thường hay “chơi” liên hoàn trong một bài viết, đính kèm theo nhiều tấm ảnh, đồ hoạ, từ 1 – 3 video. Gặp những sự kiện “hơi nóng”, “hơi to” chút đỉnh, một số báo điện tử tổ chức ngay nhóm phóng viên, biên tập làm trực tiếp.
Phóng viên đa nhiệm đã xuất hiện từ thực tiễn công việc, một phóng viên phải vừa lấy tin viết bài, vừa chụp ảnh, vừa quay phim,... Trường hợp báo điện tử làm trực tiếp tường thuật tại hiện trường, phóng viên còn kiêm luôn biên tập viên, điều hành cả nhóm phóng viên và cộng tác viên ở “đầu nguồn” phụ trách. “Nhiều khi sự kiện xảy ra quá nhanh, đang loay hoay chỉnh máy quay phim, thụt vô – thụt ra, cận cảnh – cảnh toàn,... giật mình “quên” chụp ảnh để đăng báo in, bí quá về chụp lại qua màn hình video, chất lượng không tốt bằng máy ảnh chụp” – một phóng viên chia sẻ. Sau nhiều lần bị thua cuộc, anh phóng viên này điều chỉnh lại “vũ khí” - máy ảnh, máy quay, ghi âm luôn ở tư thế “đạn đã lên nòng”, hạ máy quay xuống, cầm máy chụp lên bắn ngay lập tức.
Phóng viên Nguyễn Văn Hạnh - Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà_Ảnh: Hải Luận
“Vũ khí” 6 trong 1
Do tính chất làm báo hiện nay, gặp loại “hàng nóng” phải đẩy lên báo điện tử ngay, phóng viên tác nghiệp ở hiện trường, luôn ý thức được tốc độ làm việc, tính cạnh tranh với đồng nghiệp rất cao. Nhiều phóng viên đã sắm loại điện thoại đắt tiền, có độ phân giải cao, tốc độ chụp ảnh và quay video khá nhanh. Điện thoại thông minh nó giống như “vũ khí” 6 trong 1 của phóng viên: Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, soạn tin, truyền tin, tra cứu thông tin. Báo tôi có đồng nghiệp đang tác nghiệp ở vùng lũ lịch sử miền Trung năm 2020, đang đi trên ca nô cứu hộ quân đội, không có chỗ ngồi gõ từng chữ thành bản tin. Bạn ấy, mở điện thoại có kết nối 4G, bật Zalo chế độ ghi âm, tường thuật trực tiếp gửi về toà soạn, các biên tập viên xử lý thành bản tin. Ảnh, video cũng gửi qua đường Zalo.
Cơn bão số 9 năm 2020, đã đánh chìm hai tàu đánh cá của tỉnh Bình Định ở giữa Biển Đông, ba người được may mắn cứu sống, nhiều người bị mất tích. Tàu kiểm ngư Việt Nam đưa ba ngư dân vào quân cảng Cam Ranh, các phóng viên được cho lên tàu tác nghiệp “chớp nhoáng”. Với không gian chật hẹp của tàu, thời gian ngắn, rất nhiều phóng viên đã phát huy tối đa tác dụng của máy điện thoại, tính cơ động cao, biến chuyển nhanh. Bản thân tôi lúc đó có mang theo máy ảnh to ở cổ, nhưng không sử dụng tới, gần như chỉ sử dụng bằng điện thoại để ghi âm, quay video, chụp ảnh, gửi thông tin về toà soạn.
Đối với phóng viên viết điều tra hoặc muốn “giấu” thân phận nhà báo, khoác lên mình “vai” khác, điện thoại là vũ khí lợi hại và “ngụy trang” tốt nhất hiện nay./.
Hải Luận
Bình luận: 0