Phóng sự ngắn trong chương trình truyền hình

Phóng sự là một thể loại hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong loại hình báo truyền hình. Những năm gần đây, phóng sự ngắn được sử dụng như một thể loại mũi nhọn, phổ biến trong các chương trình thời sự, tin tức

Tâm sự những phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa

Xu hướng phát triển

Phóng sự ngắn có khả năng phản ánh súc tích, nhanh chóng, tốc độ, có thể “chạy nóng” luôn trong vài giờ đồng hồ giống như làm tin trong ngày. Có thể nói, chỉ cần một phóng sự ngắn tốt cũng có thể nâng cao chất lượng của một chương trình tin tức.

Một phóng sự ấn tượng, được công chúng ghi nhớ có thể nâng vị trí cho cả kênh truyền hình. Bởi sau khi xem một chương trình tin tức, khán giả không thể nhớ hết các thông tin mà chỉ nhớ những gì ấn tượng nhất. Sự hấp dẫn riêng của phóng sự ngắn truyền hình khiến nó trở thành một trong những thể loại được hiện diện nhiều nhất.

Thời lượng của phóng sự ngắn được rút đi nhiều so với phóng sự truyền thống. Tuy nhiên, rút ngắn thời lượng của phóng sự ngắn không có nghĩa là thông tin bị thiếu đi hay ít đi. Chính những cách thể hiện riêng trong phóng sự ngắn đã khiến nó có được ưu thế như vậy, vừa đảm bảo thông tin, lại vừa cần đảm bảo thời lượng ngắn gọn, nên sản xuất và thể hiện phóng sự ngắn luôn được đánh giá là khó và đòi hỏi những kiến thức, kĩ năng chuyên nghiệp.

Phóng viên Văn Học và biên tập viên Quý Hải (Đài Truyền hình Việt Nam) tác nghiệp tại Trường Sa năm 2022

Với thực tế hiện nay, những gì báo chí không đưa, mạng xã hội sẽ đưa. Hàng tỷ người dùng mạng xã hội không chỉ là một người dùng đơn thuần mà họ còn là một “nhà báo công dân” khi chia sẻ, cập nhật thông tin về các sự việc của đời sống xã hội mỗi ngày. Nói vậy để thấy, truyền hình hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, khán giả có nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Hiện nay, trong xu hướng toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các thiết bị thông minh như điện thoại thông minh, ipad, máy tính… báo điện tử với ưu thế đa phương tiện đang rất phát triển. Không chỉ tích hợp được video, hình ảnh, âm thanh, chữ viết, báo điện tử còn có ưu thế vượt trội trong việc tương tác với khán giả.

Đây là lí do loại hình báo điện tử được nhiều công chúng lựa chọn. Ngay trong loại hình truyền hình cũng có rất nhiều kênh, nhiều chương trình tin tức. Sự cạnh tranh không chỉ trong phạm vi các cơ quan báo chí, loại hình báo chí, các chương trình với nhau.

Phóng viên Đài PT-TH Khánh Hòa tác nghiệp tại Trường Sa năm 2022

Hiện nay, mỗi người dùng mạng đều có thể trở thành một nguồn cung cấp thông tin, một “nhà báo công dân”. Có thể kể đến một số xu hướng chính sau:

Thứ nhất, phóng sự ngắn trực tiếp hay còn gọi là phóng sự truyền thẳng, phóng sự được phát trực tiếp cùng với thời điểm mà sự vật hiện tượng đang diễn ra. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các đường truyền được cải thiện, việc đưa thông tin trực tiếp từ hiện trường đã không còn quá khó khăn. Phóng sự ngắn trực tiếp có độ tin cậy cao, chân thực do không qua sự cắt gọt hậu kì.

Hơn nữa khán giả được chứng kiến sự kiện cùng lúc khi nó diễn ra, do vậy tính thời sự của nó rất cao. Đây cũng có thể coi là một bước quan trọng trong việc cạnh tranh lại với báo điện tử trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay.

Hiện nay, phóng sự tại Việt Nam đang được sản xuất dưới hai dạng: Dạng truyền thẳng và dạng có hậu kỳ. Dạng có hậu kì vẫn là cách làm phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thế giới, việc làm phóng sự trực tiếp đã được thực hiện khá nhiều, tiêu biểu như kênh truyền hình CNN, CBS,… Nó đang trở thành xu thế làm truyền hình nói chung và phóng sự ngắn nói riêng.

Toàn bộ âm thanh là lời dẫn của phóng viên cung cấp thông tin, hình ảnh được quay một đúp từ đầu tới cuối, không có sự cắt ghép vì truyền sóng trực tiếp. Mọi thông tin đều được truyền trực tiếp từ hiện trường, do vậy không có điều kiện trau chuốt các chi tiết, phần dẫn của phóng viên còn hơi ấp úng, tuy nhiên đã mang lại một sự khách quan, sinh động cho thông tin.

Thứ hai, giảm lời bình luận. Phóng sự ngắn ngày càng kiệm lời bình luận. Nhà báo không đi bình luận vấn đề mà chỉ thông tin về sự việc, bản chất của sự việc sẽ nói lên tất cả, những quan điểm, thái độ của phóng viên chỉ được lồng ghép một cách khéo léo qua những cách thể hiện tác phẩm.

Phóng viên Nguyễn Trường Sơn của Trung tâm tin tức VTV24 chia sẻ: “Trong phóng sự ngắn không cần bình nhiều, càng kiệm lời càng tốt. Tập trung vào hình ảnh và nhân vật, để sự kiện nói lên tất cả. Hãy để cơ quan chức năng kết luận và cho khán giả tự cảm nhận”. Trên thực tế những phóng ngắn sự của VTV24 không bao giờ được phép dài quá một trang A4, tính cả câu trả lời của nhân vật trong phóng sự. Thậm chí đã có những phóng sự mà không có một lời bình nào.

Thứ ba, co ngắn dung lượng tác phẩm. Sự co ngắn dung dượng của tác phẩm phóng sự hiện nay xuất phát từ nguyên nhân là quá trình “bùng nổ thông tin”. Người ta đang bị ngợp trong những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên hầu như không có đủ thời gian để xem.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ của cuộc sống hiện đại, còn có nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu của công chúng. Cuộc sống hiện đại rất gấp gáp và không ngừng chuyển động. Khán giả không có nhiều thời gian để ngồi xem một tác phẩm dài.

Công chúng hiện đại tiếp nhận thông tin khác với công chúng của những năm của thế kỉ XX trước đây. Những người làm báo cũng ý thức được điều đó, bởi vậy mỗi cơ quan báo chí, mỗi phóng viên, biên tập viên cũng phải tính toán dung lượng tác phẩm sao cho phù hợp.

Làm sao để công chúng có thể tiếp nhận một lượng thông tin nhiều trong thời gian tiết kiệm nhất. Trên thực tế, rất nhiều kênh truyền hình lớn trên thế giới như CNN, NHK, SBS,… sản xuất những phóng sự ngắn gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng.

Như vậy, sự co ngắn dung lượng tác phẩm phóng sự là một xu thế tất yếu, phù hợp với yêu cầu khách quan của cuộc sống. Tuy nhiên, sự co ngắn đó vẫn phải đảm bảo nội dung thông tin của tác phẩm, năng lực phản ánh hiện thực của phóng sự.

Phóng viên Phi Lai (Đài PT-TH Hậu Giang) tác nghiệp tại Trường Sa năm 2022

Một số giải pháp

Ngày nay, trong xu thế phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại, chúng ta đang chứng kiến sự công phá mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khác. Thậm chí với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, báo chí còn phải cạnh tranh cả với các mạng xã hội. Trong điều kiện ấy, báo điện tử ngày càng chứng tỏ ưu thế đa phương tiện của mình. Sự tích hợp cả nghe, đọc, xem trên báo điện tử đang khiến một bộ phận độc giả lớn đang dần chuyển sang thói quen đọc báo điện tử. Điều này khiến truyền hình mất dần công chúng.

Truyền hình đang bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí khác, nhất là báo điện tử. Mặt khác, sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình, các kênh truyền hình, thậm chí các kênh trong một đài truyền hình, các chương trình trong một kênh cũng là một cuộc cạnh tranh gay gắt. Vậy làm sao để khán giả chọn, chờ đón xem chương trình của mình là động lực và điều cần thiết để đổi mới và nâng cao chất lượng một chương trình truyền hình.

Cần nhận thức rõ được vai trò, vị trí của phóng sự ngắn. Do đó, cần quan tâm phát triển thể loại này. Tập trung tối đa nguồn lực về con người, kỹ thuật để tạo điều kiện phát triển thể loại này. Tập trung đội ngũ phóng viên, nhà báo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, tư duy nhạy bén, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần sáng tạo và chịu khó.

Và đặc biệt cần nắm vững và hiểu rõ các nguyên tắc để thực hiện phóng sự ngắn có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao. Từ những nhận thức về mặt tư duy tầm nhìn, tầm quan trọng của phóng sự ngắn mà có những quy hoạch tin bài rõ ràng, đảm bảo số lượng phóng sự ngắn trong chương trình được cân đối, hài hòa. Đề tài phải đa dạng, phong phú, bao trùm được các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đề tài hướng đến mọi khu vực từ vùng cao, nông thôn, thành thị, biển đảo,… trong nước, nước ngoài. Đảm bảo màu sắc đa dạng, dày dặn cho cả chương trình.

Tác nghiệp tại Trường Sa

Từ việc có những tư duy, tầm nhìn về phóng sự ngắn cần phải có những cơ chế phù hợp để phát triển thể loại này, cụ thể như:

- Cần có chiến lược cụ thể thể nâng cao chất lượng phóng sự ngắn trong từng giai đoạn đặt ra. Có kế hoạch bố trí nguồn lực nhân sự phóng viên, biên tập viên, quay phim, nguồn lực tài chính, các điều kiện kĩ thuật để tạo những điều kiện tốt nhất cho việc sản xuất phóng sự ngắn.

- Thường xuyên theo dõi những xu hướng, cách làm của truyền hình thế giới. Đặc biệt là những nước có truyền hình phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản… những kênh truyền hình nổi tiếng như CNN, KBS, NHK… Từ đó, học hỏi và rút ra những cách làm mang bản sắc, phong cách của mình.

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền khoa học, chủ động, hợp lý cho phóng sự ngắn, đặc biệt là những vệt bài có chất lượng cao nhằm nâng cao uy tín, thu hút khán giả hơn.

- Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa phòng nội dung, chịu trách nhiệm sản xuất phóng sự ngắn với những phòng, chức năng liên quan như: phòng kỹ thuật, phòng đồ họa, phòng quay phim, phòng lái xe để nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng làm việc theo nhóm.

- Xây dựng quy chế làm việc của phóng viên đối với việc thực hiện phóng sự ngắn, có chế độ theo dõi, đánh giá chất lượng, số lượng phóng sự ngắn, khen thưởng, kỷ luật đối với phóng viên thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, hàng tuần, hàng quý. Đánh giá phóng sự ngắn theo bậc, theo dõi các phóng sự ngắn có chất lượng, đề tài, thể hiện tốt để bình xét, khen thưởng. Việc theo dõi sẽ giúp cho việc quản lý của lãnh đạo tốt hơn, và mỗi phóng viên cũng phải cố gắng, trách nhiệm trong công việc, trong thi đua.

- Thường xuyên họp chuyên môn, thảo luận giữa lãnh đạo và phóng viên để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời cổ vũ động viên, khen thưởng hoặc kỷ luật. Trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm giữa các phóng viên.

- Đầu tư nghiên cứu công chúng. Mở các cuộc điều tra, khảo sát công chúng, thăm dò dư luận để nắm bắt xu hướng, nhu cầu của công chúng, đánh giá sự quan tâm của khán giả đối với phóng sự ngắn của chương trình truyền hình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

- Đầu tư vào chất lượng đội ngũ nhân lực, phóng viên, biên tập viên. Trong việc thực hiện một phóng sự ngắn, nguồn lực con người là cơ bản nhất và vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng phóng sự ngắn. Do đó, muốn nâng cao chất lượng của phóng sự ngắn phải tập trung đầu tư vào việc nâng cao chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ của phóng viên.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện nay, rất nhiều người không học báo chí vẫn có thể làm báo, không học truyền hình vẫn có khả năng làm truyền hình nhưng mọi việc vẫn phải bắt đầu từ nền tảng kiến thức chuyên môn. Khó có thể so sánh một người được đào tạo báo chí bài bản, chính quy với những người đào tạo ở các hệ khác, hoặc không được đào tạo, bởi năng lực báo chí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tố chất làm báo. Tuy nhiên, những người đã được đào tạo bài bản sẽ dễ dàng, nhanh nhẹn hơn với công việc. Mặt khác, báo chí vận động mỗi ngày theo đời sống hiện đại, phóng viên cần phải thường xuyên học hỏi để bắt kịp xu thế, nâng cao trình độ năng lực.

Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ làm phóng sự ngắn cho các phóng viên, biên tập viên là điều vô cùng cần thiết. Qua việc học bồi dưỡng sẽ nâng cao, bổ sung kiến thức nền tảng lý luận về phóng sự ngắn truyền hình, nâng cao nghiệp vụ của phóng viên.

Tự trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng là việc mà mỗi phóng viên, biên tập viên nên làm. Thường xuyên xem các chương trình truyền hình khác nhau, đặc biệt là các kênh truyền hình lớn trên thế giới để hiểu những xu hướng, cách làm mới, rút ra kinh nghiệm cho bản thân./.

THS ĐINH THỊ THUỲ LINH
Khoa Truyền thông - Trường Đại học Đại Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top