Phong cách trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lĩnh vực báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đa tài - Người không chỉ là một nhà báo giỏi mà còn là người có nghệ thuật trong tiếp xúc với báo giới, đặc biệt là trả lời phỏng vấn. Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1970, Người đã tham gia trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn của các báo, đài, hãng tin trong nước và quốc tế như: Mỹ, Anh, Pháp, Liên xô, Nhật, Ấn Độ, Cuba, Hunggari… Qua các bài phỏng vấn thể hiện phong cách trả lời rất riêng của Người - Đó là những câu trả lời ngắn gọn, súc tích, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sự cởi mở, thân mật, giản dị.

Marta Rojas, nữ phóng viên người Mỹ Latinh là nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi, đã từng chia sẻ: Bác là người ấm áp, nhẹ nhàng và rất mực hiền hậu. Với bà, được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cơ hội nghìn vàng. Sau bao nhiêu năm rồi, có những câu trả lời của Bác vẫn có sức “ám ảnh” bà, quả thực làm bà ngưỡng mộ bởi tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của người đứng đầu một dân tộc [2].

 Trả lời phỏng vấn ngắn gọn, súc tích

Ngắn gọn, súc tích là một trong đặc điểm nổi bật của Bác khi trả lời phỏng vấn báo chí. Khảo sát 359 câu trả lời trong 98 bài Bác trả lời phỏng vấn, dung lượng câu từ trong mỗi câu trả lời như sau: Câu trả lời có từ 1 đến 2 câu chiếm 54,8%; Tiếp đó câu trả lời có từ 3 đến 5 câu chiếm 23,1%; Câu trả lời có từ 6 câu trở lên chiếm 19.5%; Đặc biệt câu trả lời có 1 - 2 từ chiếm 2,8%.

Trong 98 bài phỏng vấn Hồ Chí Minh, chiếm tỉ lệ cao nhất (54.8% ) là những câu trả lời có từ 1 đến 2 câu. Bác không nói nhiều, nhưng mỗi câu nói đều trả lời đúng, trúng vấn đề. Có bài phỏng vấn gồm 8 câu hỏi nhưng chỉ có 9 câu trả lời. Như vậy chỉ có 1 câu hỏi là Bác trả lời 2 câu, còn lại các câu hỏi khác Bác chỉ trả lời có 1 câu. Bài phỏng vấn của phóng viên báo New York Herald Tribune có tới 21 câu hỏi. Trong đó 18/21 câu, mỗi câu trả lời Bác chỉ nói 1 câu.

Câu trả lời “cực ngắn” của Bác trên báo Freres D Armes chỉ vỏn vẹn 1 từ duy nhất [1, tr 82]:

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

Trả lời: Điều thiện.

Trong cuộc phỏng vấn trên, tác giả đã chủ yếu sử dụng câu hỏi đóng. Đặc điểm của câu hỏi đóng là yêu cầu người được phỏng vấn phải trả lời trực diện, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh. Và đó cũng chính là cơ hội để Bác trả lời thẳng thắn, gọn gàng. Câu từ cô đọng nhưng có tính tổng kết, khái quát cao và đúng đắn, chuẩn xác như một chân lý.

Bác “kiệm lời” tới mức trong trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Anh Roitơ, Người không nhắc lại những thông tin đã trao đổi trong câu hỏi trước đó mà yêu cầu người phỏng vấn xem lại câu Bác đã trả lời.  Trong một bài phỏng vấn, phóng viên báo Prance Soir (Pháp) hỏi: “Theo ý Chủ tịch giữa Chính phủ Chủ tịch với Bảo Đại có thể có thỏa ước hay không?. Bác trả lời: “Trong một nước làm gì có thỏa ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra”. Phóng viên hỏi tiếp: “Nếu có thể có thỏa ước, thì điều kiện thỏa ước phải như thế nào?”. Bác đã không trả lời câu hỏi này mà tỏ rõ sự nhất quán trong quan điểm của mình bằng việc yêu cầu nhà báo “Xem câu trả lời số 2” [1, tr 90].

Nguồn: Khảo sát của tác giả với 98 bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo chí (khoảng thời gian từ 1945 – 1970)

Từng là một nhà báo chính luận xuất sắc, một nhà quản lý báo chí tài ba; những kinh nghiệm trong nghề làm báo và viết báo đã tạo cho Bác một phong cách giao tiếp và trả lời phỏng vấn báo chí ngắn gọn nhưng vô cùng sắc sảo, linh hoạt, khéo léo và chuẩn xác tới từng câu, từng chữ.

Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do cho đất nước

Thông điệp quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Người xuyên suốt trong khi trả lời các câu hỏi của báo giới  trong nước và nước ngoài. Ngay từ thời gian đầu đặt chân đến Pháp (1919), Bác đã tỏ rõ quan điểm, lập trường của mình khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Yi Chê Pao về mục đích đến Pháp [1, tr 9]:

- PV: Ông đến Pháp với mục đích gì?

Đáp: Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng.

Hồ Chí Minh cũng khẳng định luôn khi trả lời điện phỏng vấn của phóng viên Walter Briggs: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi” [1, tr 95]. Và khi được báo Franc Tireur hỏi về lý tưởng riêng của mình, Bác đã khẳng khái trả lời : “Lý tưởng chung của tôi và nhân dân Việt Nam là nước nhà độc lập thống nhất thực sự” [1, tr 109].

Hồ Chí Minh cũng không hề né tránh các câu hỏi về những điều yêu, ghét và cả nỗi lo sợ. Phóng viên báo Freres D Armes hỏi: “Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất?”,  Người trả lời đanh thép, bản lĩnh và kiêu hãnh: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết” [1, tr.82]. Hoặc khi nhà báo Mỹ Harold Issacs hỏi: “Cụ có sợ Việt Nam thành một nước chư hầu của nước nào không?”, Người trả lời: “Không, tôi không sợ” [1, tr 93]. Bản lĩnh của Người một lần nữa được khẳng định trong trả lời phỏng vấn của báo Franc Tireur về trông đợi sự giúp đỡ và nỗi lo sợ khi bị các nước lớn thống trị: Thắng lợi của Việt Nam sẽ là độc lập và thống nhất thực sự. Chúng tôi bao giờ cũng trông ở sức mình. Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi” [1, tr 109].

Hãng thông tin Mỹ U.P hỏi về việc có chấp nhận một thể thức theo đó cả nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Việt Nam làm hai quốc gia riêng biệt và có thể vào Liên Hợp quốc không, câu trả lời của Bác hết sức điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng khẳng khái, quyết liệt: “Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam thành hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt” [3].

Xuất phát từ nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, Bộ Chính trị ra nghị quyết về chủ trương của Đảng trong đàm phán, thương lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ đường lối ngoại giao mềm dẻo nhưng quyết liệt đó khi trả lời phóng viên Thuỵ Điển về việc Chính phủ Pháp muốn giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Việt Nam: “… Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy nǎm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” [1, tr 131].

Trả lời phỏng vấn của phóng viên tuần báo Thời đại mới Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng quyết tâm và niềm tin của nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành độc lập, thống nhất đất nước: “Dù khó khăn to lớn đến thế nào, chúng tôi tin chắc sẽ hoàn thành được độc lập và thống nhất đất nước chúng tôi bằng phương pháp hòa bình vì toàn thể nhân dân Việt Nam đều mong muốn như vậy và đều ủng hộ chúng tôi. Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân” [1, tr 153].

Có thể nói, nội dung các câu trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lập trường nhất quán, công khai, minh bạch về những vấn đề đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong những thời khắc lịch sử trọng đại. Ý nguyện xuyên suốt của Người khẳng định ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá của dân tộc ta giành lại độc lập, thống nhất cho nước nhà, quyền tự do cho nhân dân.

Phong cách trả lời phỏng vấn cởi mở, thân thiện, và giản dị

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của báo chí và đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua kênh truyền thông đại chúng quan trọng là báo chí, dư luận trong nước và quốc tế đã hiểu rõ hơn về Việt Nam, về những chủ trương chính sách đúng đắn, kịp thời, nhân văn; qua đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và thế giới. Đặc biệt những thông tin, thông điệp đó được gửi gắm bởi vị Chủ tịch thân thiện, cởi mở, tuệ minh và giản dị. Nhiều nhà báo quốc tế đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lưu giữ lại ấn tượng sâu sắc về phong cách thân thiện, lịch thiệp, giản dị và sức cảm hóa của trí tuệ uyên bác, sâu sắc của Người. Marta Rojas, nữ phóng viên người Mỹ Latinh đã chia sẻ khi gặp gỡ phỏng vấn Bác Hồ: “Tôi không nghĩ đó là một cuộc phỏng vấn, đúng nhất để gọi tên thì đó phải là một “cuộc trò chuyện”. Hơn hết, tôi còn là người “bị hỏi” nhiều hơn. Bác cho tôi không khí cởi mở, thân thiện. Tôi hoàn toàn không bị lo lắng khi trước mặt mình là một vị Chủ tịch. Chúng tôi trò chuyện như thể hai người bạn thân lâu ngày gặp lại nhau, có quá nhiều điều mà cả hai đều muốn nói” [2]. Nhà báo Australia W. Burchett đã đưa ra nhận xét: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng” [4].

Theo dõi các bài phỏng vấn Bác, thấy rõ Người luôn dành sự quan tâm tới việc tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với các tờ báo, nhà báo. Trong rất nhiều bài phỏng vấn, phần kết bài Bác thường gửi lời chào tới tờ báo, nhà báo: “Sau cùng, chúng tôi cảm ơn tất cả các anh em báo giới và hy vọng thêm rằng không những các báo giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị”[1, tr 38].

Điều đáng quan tâm là qua các câu trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đánh đồng mà luôn phân minh rạch ròi giữa nhân dân yêu chuộng hòa bình và các thế lực phản động, hiếu chiến. Người vẫn luôn giành cho những người dân yêu chuộng hòa bình ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Cu Ba… sự đồng cảm, mến thương và gửi tới họ lời khích lệ, động viên. Sự thân thiện, cởi mở của Bác Hồ thể hiện rất rõ qua từng câu từ trả lời phỏng vấn. Những lời nói cô đọng, khúc chiết, sâu sắc, tuệ minh nhưng không hề xa lạ. Có lẽ vì vậy nhiều nhà báo đã yêu mến và coi Bác như một người bạn lớn. Người cũng được là nhân vật được nhiều báo và tạp chí trên thế giới quan tâm. Tạp chí Time (Mỹ) từng bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 [4]. Có thể nói, phong cách trả lời phỏng vấn báo chí của Hồ Chí Minh được kết tinh từ một con người với tư cách là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản, công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh chung trên toàn thế giới vì sự tiến bộ xã hội và từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại.

 TS Lê Thị Nhã

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Sông Lam – Nguyễn Lam Châu tuyển chọn, Nxb Thanh Niên, HN 2007.
  2. https://zingnews.vn/phong-van-bac-la-co-hoi-nghin-vang-trong-cuoc-doi-lam-nghe-cua-toi-post1217092.html
  3. Báo Nhân Dân số 861, ngày 13/7/1956.
  4. https://baoquocte.vn/nghe-thuat-tiep-xuc-bao-chi-nuoc-ngoai-cua-chu-tich-ho-chi-minh-73092.html
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top