Phong cách ký chân dung của nhà báo Phan Quang

Hơn 60 năm hoạt động báo chí, Phan Quang đã trở thành một cây viết ấn tượng với phong cách nổi bật. Ông viết khá nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả với thể loại ký báo chí, đặc biệt là ký chân dung. Phần nhiều tác phẩm của ông đều viết về những danh nhân đã ghi dấu và đóng góp cho lịch sử, ông viết bằng tình yêu thương giữa con người với con người, bằng nỗi niềm thương nhớ và những ký ức tốt đẹp về nhân vật. Những trang viết chân thành, thân thiết, bình dị nhưng đủ sức lay động người đọc. Lật giở những bài ký chân dung của ông, người đọc có thể nhận ra phong cách đặc sắc của tác giả - nhà văn, nhà báo Phan Quang.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bức ký họa về những người nổi tiếng

Điểm qua các tác phẩm ký chân dung của nhà báo Phan Quang từ những năm 2000 tới 2010 thì thấy phần lớn tác giả tập trung viết về các nhà chính trị, học giả, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước cũng như trên thế giới mà ông được gặp gỡ, quen biết như: Lê Duẩn, Trường Chinh, nhà khoa học Lương Định Của, nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Francoise Giroud, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Olga Bergholt, nhạc sĩ Trần Hoàn,... Mỗi người là một nhân cách, một tài năng lớn mà tác giả quý trọng. Họ hiện lên trong bức tranh tái họa của ông với những nét đặc trưng của con người tài hoa, lịch lãm với cá tính đặc biệt, dung dị, đời thường. Trong các bài ký chân dung của mình, ông không chỉ dừng lại ở việc ghi chép đơn thuần những mốc chính trong cuộc đời của các nhân vật mà còn đi xa hơn, có cách nhìn sắc sảo, thấu đáo về sự nghiệp, tâm lý, tình cảm của nhân vật. Giản dị, chân thành, đầy ắp cứ liệu, tác giả kể lại từng kỷ niệm nhỏ với mỗi người, giúp người đọc hiểu thêm quan hệ chiều sâu giữa báo chí, văn chương và văn hoá.

Một nhà báo nổi tiếng và cũng là độc giả mến mộ ký Phan Quang nhận xét: “Phan Quang viết chân dung một người anh hùng không cốt để ngợi ca. Điều quan trọng là từ họ tỏa ra một niềm lạc quan, tự hào về cuộc sống, tiếp cho ta thêm nghị lực, giúp ta một cách nhìn về một điều lâu nay ta chưa thấy, hoặc thấy không đầy đủ các góc cạnh, chiều sâu của nó. Viết để thấy cái phẩm chất bình thường trong sự vĩ đại, sự vĩ đại từ những việc tưởng như nhỏ nhặt hằng ngày”[1]. Bằng chính sự trải nghiệm, quan sát và tiếp xúc với nhân vật, bằng cả sự chân tình lẫn con mắt tinh tường của người làm báo, Phan Quang đã chắt lọc ra những chi tiết đắt giá, để chân dung các nhà lãnh đạo, học giả, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng hiện lên vừa mang tầm trí tuệ, đầy ắp tri thức, lại vừa gần gũi, chân thực và đầy yếu tố bất ngờ. Mỗi bài ký là một sự ngưỡng mộ chân thành của tác giả đối với những tài năng, là sự rung động sâu xa trước mỗi số phận nhân vật trong tác phẩm của mình. Nhiều trải nghiệm với người cùng thời, nhiều ưu ái, trân trọng với người đã đi xa, nhiều bài học đáng suy ngẫm về tình người, về lẽ đời, về lao động sáng tạo, nhiều bất ngờ thú vị đến từng chi tiết trong các trang ký.

Đặt nhân vật trong dòng thời sự nóng hổi, tươi mới

Phan Quang là người luôn có cái nhìn nhanh nhạy với thời cuộc, mỗi tác phẩm ông viết ra đều mang tính thời sự nóng hổi, tác động sâu sắc người đọc. Nhà báo Vĩnh Trà (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: Ký chân dung Phan Quang mang đậm tính thời sự, cốt lõi ký của Phan Quang là báo chí, là phản ánh kịp thời, nhạy bén, sống động hiện thực. Dù là viết về một vấn đề, một sự kiện, hay khắc họa một nhân vật, Phan Quang đều bắt đầu từ yếu tố thời sự[2]. Nhìn tổng quan, các bài viết ký chân dung của Phan Quang gợi lên cả một giai đoạn lịch sử của đất nước. Những sự kiện lịch sử trong tác phẩm của nhà báo Phan Quang, tưởng như chỉ là tiền đề thời gian để xác định và xây dựng hình tượng nhân vật, tuy nhiên qua đó, người đọc có thể thấy được công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân, tinh thần cách mạng ở những ngóc ngách sâu thẳm của xã hội. Do vậy, không chỉ dừng lại ở việc đưa tin các sự kiện thời sự như yêu cầu cấp thiết về mặt cập nhật thông tin của báo chí, có thể thấy lồng ghép trong những tác phẩm ký chân dung của ông là dòng chảy của lịch sử đương đại, gương mặt của đời sống, xã hội, con người và cảm quan của nhân vật trước những vấn đề thời sự mang tính cộng đồng, dân tộc. Ví dụ như trong tác phẩm ký Hà Văn Lâu - Người con của làng Sình, qua nhân vật, nhà báo Phan Quang đã gián tiếp nhắc tới cách mà con người đang nhìn nhận và đối diện với chiến tranh, quá khứ. Hay khi viết bài Phạm Văn Đồng - Một nhân cách báo chí, ông lại bàn về vấn đề chưa bao giờ cũ, đó là tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt.

Các tác phẩm của Phan Quang vừa giàu chất văn học, giàu cảm xúc và phản ánh qua lăng kính cá nhân nhưng vẫn giàu tính lịch sử, tức là phản ánh thông qua những chân dung con người các vấn đề thời sự đang còn sức nóng và được dư luận quan tâm. Đó là hình ảnh công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, nơi những kỹ sư nông nghiệp hòa mình vào đời sống nhân dân cùng mục tiêu xây dựng đời sống mới hay những hình ảnh được ghi lại như một cảnh quay phóng sự ở miền Nam, nơi các chi tiết được chọn lọc để làm nổi bật lên tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.

Văn phong lãng mạn, đậm chất nghệ thuật

Tác phẩm ký chân dung của nhà báo Phan Quang hấp dẫn độc giả bởi sự sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ, thể hiện sự đan xen, hoà quyện khéo léo ngôn ngữ đậm chất báo chí với ngôn ngữ giàu chất văn học. Những hình ảnh, số liệu khô khan trở nên có sức hút mạnh mẽ khi được biểu đạt bằng một thứ ngôn ngữ phong phú, đậm chất văn chương. Nhà báo Phan Quang đã cẩn trọng và khéo léo lựa chọn, vận dụng ngôn ngữ và hình ảnh trong ca dao, tục ngữ, văn học, ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ đời thường, từ ngữ chuyên ngành trong mỗi tác phẩm ký chân dung của mình.
Khi được hỏi về “chất văn” trong ký chân dung của Phan Quang, nhà báo Vĩnh Trà cho rằng, cái “duyên bút ký” của nhà báo Phan Quang chính là cách sử dụng ngôn từ, vừa lung linh vừa gợi cảm: “Chất trữ tình trong bút ký của Phan Quang, nhất là trong bút ký chân dung là lung linh tình đất, tình người. Trữ tình từ cấu tứ, cách kể chuyện đến tu từ, để mỗi con người, mỗi nhân vật toát lên chất nhân văn, làm đẹp thêm cuộc sống, dù chung quanh còn xô bồ, thậm chí là bụi bặm, hiềm khích, ác độc”[3]. Phan Quang viết về cuộc sống hiện tại, người thật, việc thật với ngôn từ giàu hình ảnh, trong sáng. Có bài ký sử dụng câu chữ dí dỏm với cách ví von đầy trí tuệ. Có khi tác phẩm lại như một thước phim sống động, mang hơi thở của đời sống hiện thực. Những hô ngữ, từ cảm thán, thành ngữ, tục ngữ, ca dao được sử dụng trong các bài ký chân dung cũng bộc lộ nhiều cảm xúc. Có lẽ chính nhờ vốn sống, tính cách ham tìm tòi, khám phá đời sống muôn hình muôn vẻ đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối diễn đạt ngôn ngữ của Phan Quang.

“Cái tôi” tác giả trí tuệ, nhân văn, chan chứa ân tình

Nhà báo Phan Quang luôn có cái nhìn sắc sảo, thấu đáo về nhân vật vì thế ông luôn khai thác theo góc nhìn mới lạ nhưng giàu tính trí tuệ, sâu sắc, dễ đi vào lòng người: Với nhiều tác phẩm văn chương và những bài báo giàu chất nhân văn, ông là nhà văn có sự mẫn cảm mỹ học. Với tầm hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, ông là nhà văn hóa. Ông cũng là nhà tri thức bởi sự hiểu biết sâu sắc nhiều khái niệm khoa học cả cổ xưa và hiện đại”[4].

Nhân vật trong ký chân dung của Phan Quang là những nhà chính trị, những học giả, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng, những con người có năng lực chuyên sâu và tầm hiểu biết ở mỗi lĩnh vực nhất định. Khai thác và tìm hiểu về họ, người viết không thể đồng cảm và tương tác nếu họ không có sự am hiểu cơ bản về các lĩnh vực tương ứng với mỗi nhân vật. Chính vì thế, người ta dễ dàng nhận những tri thức của mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội trong những bức ký chân dung của Phan Quang khi ông miêu tả nhân vật của mình. Tri thức khoa học được đan xen tự nhiên như một công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng hình tượng nhân vật, nhưng lại giúp cho người đọc nhận diện được chất trí tuệ trong sáng tác Phan Quang.

Các tác phẩm ký chân dung của Phan Quang hầu hết đều viết về những con người đã đi vào lịch sử, vẫn còn nguyên trong ký ức của tác giả khi viết, tạo nên những tác phẩm có giá trị nhân văn. Thông qua những câu chuyện có thật về nhiều lãnh tụ, cùng các học giả, nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ mà tác giả đã có dịp gặp gỡ, đã gợi mở một triết lý sống, cách ứng xử tình người với truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, mang tình cảm nhân ái, bao dung, độ lượng, đúng như suy nghĩ của tác giả: “Đã là con người thân thiết, sống với nhau, thì ngoài việc góp ý xây dựng để cùng phát triển, thì trong hồi niệm, ký ức nên chỉ dành cho nhau tình yêu thương, không thù hận, không chấp nhặt”[5].

Trong Phan Quang có biết bao nhiêu “nhớ thương” về những người đã khuất, nhiều kỷ niệm đến nỗi tưởng mình “như thể đã sống cả ngàn năm”[5]. Hơn 60 năm hoạt động báo chí, lại là người tự học, tự đọc rất nhiều, ghi chép và lưu trữ cẩn thận, những kỷ niệm, hồi ức về những nhân vật lịch sử trong và ngoài nước được ông khắc họa với tư duy hàm súc, trí tuệ, văn phong thanh thoát luôn làm người đọc say mê. Qua những trang ký chân dung của nhà báo Phan Quang, kỷ niệm lại lôi cuốn kỷ niệm, viết sâu, viết có hồn, luôn thể hiện sự tương tác giữa người viết và nhân vật, đó là đặc điểm và phong cách riêng của ông. Chuyện về nhân vật không chỉ được tiếp xúc có một vài lần mà viết, mà có người đó là từ việc gắn bó cả một cuộc đời mà thôi thúc phải viết. Theo ông: Không phải cứ bịa ra chi tiết để thêm vào bài báo cho hấp dẫn là được, mà phải viết sao cho không đi ngược lại với tôn chỉ đầu tiên của báo chí: cần phải có cứ liệu đầy đủ. Có những điều nhớ, có điều quên, có điều không chính xác trăm phần trăm nhưng đó là phải là tấm lòng thành của người viết, không bao giờ được bịa ra [6].

Ký chân dung của nhà báo Phan Quang chứa đựng trong đó tư chất nghệ sĩ, tâm hồn đôn hậu, luôn cố gắng tìm ra những hạt ngọc trong con người, được biểu hiện bằng văn phong vừa giàu tính chính luận, vừa đậm chất văn chương, giản dị mà sâu sắc. Ông luôn tìm đến nhân vật trong cái nhìn vừa khách quan, chuyên sâu của một nhà báo, nhà nghiên cứu, vừa đặt họ trong mối quan hệ giữa con người với con người, và nhìn họ như một con người với sự hợp nhất về cả danh chức, sự nghiệp, phẩm chất và tâm hồn. Tác phẩm của ông hàm chứa kiến thức sâu rộng của một nhà dịch thuật, tính cẩn trọng, chuẩn mực của một nhà báo, sự thăng hoa của một nhà văn, do vậy người đọc không chỉ tìm thấy ở đó những kiến thức, thông tin về các lĩnh vực mà còn có cả những cảm xúc nội tâm, nâng tâm hồn người đọc lên một cung bậc mới. Ông đã viết báo bằng cái tâm và trí tuệ của người thiết tha với đất nước và nhân dân.

Qua các tác phẩm của Phan Quang có thể rút ra bài học quý về cách viết ký chân dung, nhưng hơn nữa là bài học về nhân cách của một người làm báo. Người làm báo không chỉ có tài, có tri thức mà quan trọng nhất là phải có tâm trong sáng, trung thực, tiến bộ. Và dù cho có giỏi đến đâu thì sự lao động bền bỉ công phu và sáng tạo mới là yếu tố quyết định cho sự thành công. Nhà báo cần đi nhiều, học hỏi nhiều, mở rộng lòng mình để ghi lại thế giới, in sâu hồn người, cóp nhặt từng gương mặt, từng mẩu chuyện dù giản dị, mộc mạc nhưng giàu ý nghĩa xã hội, nhân văn./.

TS. Lê Thị Nhã, Trần Hồng Nhung
Tạp chí Người Làm Báo số 385 - Tháng 3/2016​

Tài liệu tham khảo
(1) Phỏng vấn nhà báo Hải Đường (thực hiện tháng 10-2015).
(2) Phỏng vấn nhà báo Vĩnh Trà, (thực hiện tháng 10-2015).
(3) Phỏng vấn nhà báo Vĩnh Trà, (thực hiện tháng 10-2015).
(4) Ngọc Niên, Từ diện mạo báo chí đến diện mạo tác giả, Báo Nhà báo và Công luận, ngày 20/6/2000.
(5) Phỏng vấn nhà báo Phan Quang, (thực hiện tháng 8-2015).
(6) Phan Quang, Thương nhớ vẫn còn (tập 1- tập 2), Nxb Văn Học, Hà Nội, 2011.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top