
Phát triển truyền hình tương tác ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0
Trong bối cảnh có sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, truyền hình tương tác (THTT) đã và đang là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình.
Bài viết nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển THTT tại Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.
Truyền hình tương tác qua góc nhìn của người làm báo
Theo quan điểm của Đài Truyền hình CFI - Cộng hòa Pháp, truyền hình tương tác là dạng chương trình cho phép người xem trước màn hình có thể trực tiếp tham gia, có thể làm thay đổi kịch bản của chương trình đang được phát sóng. Truyền hình tương tác được hiểu là sự tác động, giao tiếp qua lại hai chiều đồng thời diễn ra sự trao đổi qua lại giữa chủ thể và khách thể truyền thông, giữa cơ quan báo chí với công chúng. Trong đó, các tương tác là bình đẳng nhưng cần kỹ năng định hướng thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội.
Trên thực tế, THTT được chia làm hai dạng tương tác, tương tác trực tiếp và tương tác gián tiếp. Tương tác trực tiếp là tương tác tại trường quay đây là hình thức đối tượng khán giả có mặt trực tiếp tham gia chương trình có các hoạt động trao đổi, bày tỏ ý kiến, quan điểm, sự đồng tình hoặc không đồng tình với các vấn đề đưa ra từ chương trình. Gọi điện thoại (đưa bình luận và đặt câu hỏi) cũng thuộc dạng tương tác trực tiếp, phương thức khá phổ biến trong giao tiếp giữa khán giả và người làm truyền hình.
Các phóng viên, biên tập viên truyền hình thông qua đường dây điện thoại nhằm thu thập những ý kiến phản hồi của khán giả cung cấp cho chương trình. Trong mỗi chương trình truyền hình được phát sóng, biên tập viên thường gắn số điện thoại liên lạc tới phòng thực hiện chương trình, đi kèm với các thông tin liên lạc khác như địa chỉ, email hay Facebook của chương trình.
Ngoài ra, tương tác đa màn hình là công nghệ mới nhất về mặt kỹ thuật cũng như hình thức tương tác trên truyền hình đang được xây dựng và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tại Việt Nam, công nghệ này đang được áp dụng và xây dựng với màn hình thứ hai - là một thiết bị điện tử thứ hai được sử dụng bởi người xem truyền hình để kết nối với một chương trình mà họ đang xem. Màn hình thứ hai thường là một điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Ví dụ, ứng dụng OTT - VTV Plus tích hợp vào các SmartTV của Samsung, ứng dụng này cho phép người dùng SmartTV kết nối Internet để xem nhiều nội dung truyền hình có bản quyền chất lượng cao. Đây được gọi là tương tác đa màn hình (multi-screens).
Tương tác gián tiếp gồm tương tác qua email, tương tác qua mạng xã hội và gặp gỡ khán giả... tất cả đều là phương thức tương tác cơ bản giúp khán giả và người làm truyền hình gần nhau hơn.
Viettel TV giới thiệu truyền hình tương tác cho độc giả
Tương tác qua email là phương thức tương tác bằng văn bản truyền qua hệ thống Internet giữa công chúng và cơ quan báo chí. Các văn bản, tài liệu đều có thể được chụp, ghi nhớ lại, được số hóa thành những văn bản ký tự, hình ảnh để gửi kèm một cách nhanh chóng qua email. Hiện nay, địa chỉ email là một thành phần không thể thiếu với cá nhân mỗi người sử dụng Internet.
Gặp gỡ khán giả là phương thức tương tác cơ bản của chương trình với khán giả xem truyền hình, giúp phóng viên, biên tập viên làm chương trình có thể tìm hiểu quan điểm, ý kiến, đánh giá của khán giả với chương trình, mở rộng hệ thống cộng tác viên thân thiết, từ đó kéo khán giả đến gần hơn với chương trình. THTT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bản thân mỗi chương trình truyền hình và đối với khán giả xem truyền hình.
Đối với chương trình truyền hình, tăng cường mối quan hệ giữa khán giả - những người làm truyền hình giúp những người làm truyền hình có thể hiểu hơn nhu cầu của công chúng; Tạo ra sự phản biện, dư luận xã hội một cách tích cực, giúp tạo ra sự gần gũi với cơ quan báo chí với người dân, mở rộng nguồn thông tin; Góp phần làm phong phú, đa dạng các chương trình truyền hình. Tạo dựng cảm hứng sáng tạo cho êkip thực hiện, đồng thời tạo kỹ năng làm việc nhóm của các phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, dẫn chương trình, kỹ thuật viên... mang lại khả năng thương mại hóa chương trình.
Đối với khán giả truyền hình, truyền hình tương tác có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng tham gia diễn đàn cho công chúng, khuyến khích khán giả bình luận, kêu gọi người khác xem chương trình. Khán giả được chủ động khám phá, học hỏi, hiểu biết, trải nghiệm trong các chương trình hơn là chỉ đơn thuần thụ động xem chương trình.
Mỗi chương trình tương tác khiến nhà báo và công chúng gần gũi hơn thông qua cách tiếp cận đồng thời, 2 chiều qua tiện ích của công nghệ. Công chúng có thể giao lưu trực tiếp với các nhà báo, chương trình, công chúng khác... góp phần giải quyết được nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng. Ngoài ra, để có thể thực hiện THTT đòi hỏi phải có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật (điện thoại, máy tính...) có kết nối Internet. THTT có tốc độ phát triển nhanh, đa dạng và gắn liền với tốc độ phát triển nhanh của Internet, gắn liền với Internet với các biểu hiện đa dạng, đa chiều, ở các mức độ khác nhau.
THTT có tính thương mại cao, có sự ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị và thế giới quan của mỗi quốc gia, mà truyền hình hướng đến. THTT tạo ra rất nhiều cơ hội và lợi ích, nhưng nó cũng có không ít thách thức cần giải quyết. Để có một chương trình THTT hấp dẫn, khán giả cần phải có những yếu tố cơ bản về điều kiện xây dựng môi trường THTT. Để thực hiện THTT hiệu quả, cần phải có đủ các nhân tố tham gia vào việc tạo thành môi trường THTT là phải có khán giả có nhu cầu tương tác trên truyền hình; Có đầy đủ các thiết bị; Các dịch vụ và có kết nối mạng Internet.
Trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của những người làm truyền hình cũng là điểm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các chương trình THTT. Ngoài ra, các dịch vụ trên truyền hình có ảnh hưởng lớn đến chất lượng tương tác trên truyền hình như: dịch vụ mua bán qua TH, dịch vụ ngân hàng tại nhà, các ứng dụng kiếm tiền qua THTT, các trò chơi có thể là dành cho cá nhân hoặc tập thể...
Phát triển truyền hình tương tác ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0
Để nâng cao tính tương tác
Kết quả khảo sát tính tương tác trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ” trên kênh VTV6 và chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam hiện nay cho thấy, các chương trình này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút được lượng lớn khán giả xem và tương tác với chương trình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Nội dung, hình thức của chương trình còn thiếu tính đa dạng, khán giả bị phụ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số, còn hạn chế về đối tượng khán giả, chưa được phát huy hiệu quả các chủ đề của chương trình, bị lấn át bởi yếu tố thương mại, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người dẫn chương trình và những người tham gia chương trình, các khách mời tham gia chương trình chưa thu hút được sự chú ý của khán giả, hình thức tương tác còn thiếu tính đa dạng, thủ tục tương tác còn rườm rà và còn khó khăn trong việc tạo ý tưởng hoạt động, trong thu hút và tạo nên thói quen tương tác cho khán giả..., Vì vậy, cần thiết phải có các biện pháp tác động phù hợp nhằm tăng tính tương tác trong các chương trình truyền hình hiện nay.
Thứ nhất, đa dạng hóa các nội dung tương tác trên truyền hình phù hợp với xu thế mới chú ý tới xu thế về nội dung của các chương trình THTT của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là nội dung giải trí trên nền tảng Internet thông qua máy tính, điện thoại, máy tính bảng và TV thông minh;
Thứ hai, nâng cao sự tiếp cận cái mới của công chúng phân tầng nhận thức xã hội là yếu tố quan trọng để kéo khán giả đến với THTT; đối với những công chúng ở nhóm thành thị, thường gắn với các nội dung có điều kiện, tiếp xúc với truyền hình, với công nghệ kỹ thuật hiện đại gắn với các nội dung cập nhật với cuộc sống xung quanh, hội đủ những yếu tố để tham gia tương tác trên truyền hình, nhưng đây lại là nhóm đối tượng xem truyền hình ít hơn.
Chương trình Sống khỏe mỗi ngày trên VTV2
Ngoài ra, để nâng cao tính tương tác trong các chương trình truyền hình, người làm truyền hình cần đa dạng các hình thức tương tác với công chúng truyền hình, căn cứ vào thời lượng của chương trình “Bữa trưa vui vẻ” trên kênh VTV6 và chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” trên kênh VTV2 của đài truyền hình Việt Nam mà lựa chọn hình thức phù hợp trên cùng một chương trình ở vào các thời điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp khác như: Lựa chọn các khung giờ phù hợp với từng chương trình, kêu gọi đầu tư xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình, xã hội hóa về nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật, về nội dung chương trình truyền hình, nguồn kinh phí hoạt động truyền hình, phát triển năng lực nhân sự phù hợp với hoạt động tương tác trên truyền hình...
Việt Nam đã và đang bắt kịp xu hướng THTT khi lấy Internet và điện thoại làm cầu nối quan trọng liên kết các nội dung phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, các chương trình này đã bộc lộ những bất cập nhất định trong quá trình hoạt động tương tác do chưa thực sự được đầu tư và chú trọng phát triển. Vì vậy, quan tâm xây dựng các biện pháp phát triển tính tương tác cho các chương trình truyền hình từ nội dung đến, hình thức đến vấn đề chuyên nghiệp hóa lực lượng sản xuất và quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật chính là một trong những cách làm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các chương trình THTT hiện nay./.
Nguyễn Đình Hưng

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
