Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phát súng tội ác và tham- sân - si

Vụ việc đầy bi kịch tại Yên Bái, không chỉ gây sốc cho người dân cả nước ở hành vi tội ác, mà ở góc độ nhân tâm, còn là một đạo lý hành xử giữa đồng chí với nhau rất đáng sợ, rất không đẹp.

Vào giữa lúc cả xã hội đang quan tâm theo dõi diễn biến của cơn bão Thần Sét vẫn tiếp tục di chuyển, thì một vụ việc như… tiếng sét giữa trời quang, khiến cả xã hội chấn động.

Tại Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn đã bị bắn tại phòng làm việc của họ, trước cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh chuẩn bị khai mạc.

Tham sân si, Yên Bái, Đỗ Cường Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn

Nghi can, không phải một kẻ du thủ du thực nào, mà hóa ra cũng là một quan chức - Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái.

Vết thương quá nặng, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hai nạn nhân đều bị bắn 2-3 phát đạn. Một bị bắn vào ngực, bụng và đầu. Một bị bắn vào ngực xuyên lên cổ và vào đầu, đều đã không qua khỏi.

Đỗ Cường Minh, sau phát súng tội ác bắn vào hai quan chức tỉnh ủy, đã tự sát bằng cách bắn vào đầu. Và cũng tử vong sau ít giờ đồng hồ.

Mặc dù, trước sự việc quá nghiêm trọng, nhận được thông tin, ý thức được hoàn cảnh vụ việc và tình hình nguy cấp, Bộ Y tế đã khẩn trương điều kíp bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức lên Yên Bái, trực tiếp tham gia ca mổ cấp cứu.

Nhưng tất cả, số phận đều đã… “an bài”.

Kỳ họp thứ 02 HĐND tỉnh Yên Bái đã phải hủy bỏ ngay sau đó.

Trước vụ việc gây chấn động mạnh cả xã hội, nhất là là với cán bộ, nhân dân tỉnh Yên Bái, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp lên Yên Bái nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Cũng ngay buổi chiều 18/8, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo. Theo những thông tin từ cuộc họp báo cho biết, khẩu súng đối tượng sử dụng là súng K 59, được trang bị hợp pháp để dùng trong hoạt động nghiệp vụ bảo vệ rừng. Cơ quan chức năng đã khám xét nhà ở, phòng làm việc của đối tượng. Đối tượng là con rể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Trước đó, được giới thiệu, bổ nhiệm đúng quy trình, là người hiền lành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (VietNamNet, ngày 18/8).

Mới đây, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố hình sự vụ án.

Nhưng câu chuyện đời người, câu chuyện bi kịch của số phận, của quan hệ công quyền có lẽ chưa dừng được ở đó.

Tại cuộc họp báo, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái nhận xét có thể do một phút nông nổi, dẫn tới tinh thần bị kích động nên đối tượng đã không làm chủ được bản thân.

Cả 03 người- 02 nạn nhân và đối tượng Đỗ Cường Minh đều đã trở về với cát bụi. Chỉ họ biết rõ nhất điều gì giữa họ với nhau, biết rõ điều gì khiến họ đang là đồng chí, bỗng chốc trở thành kẻ không đội trời chung, chỉ cách nhau bằng những tiếng súng nổ đanh chát, lạnh lùng. Dù họ rồi đây vẫn phải “nằm chung”- ở nghĩa địa, chí ít là chung nhau … cát bụi.

Trong cuộc sống hiện đại này, với biết bao vòng xoáy tham – sân- si, mà bản chất hỉ -nộ- ái - ố của con người, đặt trong mối quan hệ cộng đồng đầy phức tạp, thì mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quan chức với quan chức đều có thể xảy ra ở bất cứ đâu, lĩnh vực nào, tỉnh nào. Nhưng một hành vi kích động đến mức như vậy, chứng tỏ sự mâu thuẫn giữa họ- đối tượng Đỗ Cường Minh với 02 nạn nhân quá căng thẳng, đến đỉnh điểm. Nếu như Đỗ Cường Minh thực sự không mắc bệnh tâm thần

Và đây mới là điều đáng nói nhất, việc hành xử giải quyết mâu thuẫn nhau giữa hai bên đều là quan chức, lại theo cách hành xử của giới giang hồ, xã hội đen, hệt như trong những bộ phim hình sự- khiến cho xã hội, người dân thấp cổ bé miệng sửng sốt, bất ngờ.

Điều đáng buồn, trên các trang mạng xã hội, rất ít những sự chia sẻ xót thương. Mà nhiều hơn lại là những hoài nghi về sự “ân oán” lợi ích, tình cảm, đặt trong bối cảnh xã hội lợi ích nhóm đang hoành hành, đạo đức cán bộ đảng viên suy thoái, như người đứng đầu tổ chức Đảng từng lo ngại.

Dù người viết và ai cũng tin rằng, đó vẫn là sự mất mát, tổn thất vô cùng to lớn, là nỗi đau pha chút cay đắng hoặc bẽ bàng cho gia đình, dòng họ của cả hai phía, nạn nhân và thủ phạm.

Không hiểu, gặp nhau dưới suối vàng, họ sẽ “nói” với nhau điều gì? Về những đắng cay và khắc nghiệt của tham- sân –si, khi tất cả đã chỉ còn là tro tàn quá khứ?

Vụ án đầy bi kịch nhanh chóng kết thúc. Nhưng còn mở ra biết bao điều mà những quan chức có trách nhiệm cần suy nghĩ. Liệu điều đó có phản chiếu những suy thoái, thậm chí là sự khủng hoảng, bất ổn âm thầm của đội ngũ cán bộ, của bộ máy công quyền, mà Tổng Bí thư tại Hội nghị Dân vận ngày 27/5 đã phải phát biểu:

Vụ việc đầy bi kịch tại Yên Bái, không còn là mất đoàn kết, mà có thể là mâu thuẫn nội bộ đến điểm đỉnh. Không chỉ gây sốc cho người dân cả nước ở hành vi cố tình gây tội ác, mà ở góc độ nhân tâm, còn là một đạo lý hành xử giữa đồng chí với nhau rất đáng sợ, rất không đẹp.

Xưa nay, người có tội, như một luật nhân- quả, rồi cũng phải trả giá.

Nhưng khi một guồng máy cán bộ mà sự tham- sân- si đến mức khiến cho người dân mất niềm tin và thất vọng, hoài nghi trước tổn thất của những số phận, đó mới thật đáng nghĩ, đáng buồn. Ai có lỗi đây?

                                                                                                                                                                  Nguồn: Vietnamnet

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top