Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phát huy hiệu quả mô hình bán trú: “Sứ mệnh trời đày”

15:15 22/05/2024 - Văn hóa xã hội
Từ mô hình bán trú mà cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đã từng triển khai ở những điểm trường vùng khó tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), cùng với sự chỉ đạo, quan tâm, vào cuộc một cách quyết liệt của ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Hướng Hóa, chương trình bán trú cho học sinh đã được nhân rộng và đạt những thành quả đáng phấn khởi. Cách mà ngành chức năng thực hiện mô hình bán trú cho học sinh trên địa bàn có gì đặc biệt, làm sao để người dân đồng tình, xã hội hưởng ứng, thầy, cô giáo trọn tình, tâm huyết?..., phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Nga,Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trao chứng nhận cho học sinh.
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về chương trình bán trú cho học sinh trên địa bàn huyện trong năm học vừa qua?
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga: Trong những năm học vừa qua, trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thực hiện chương trình bán trú đối với học sinh cấp mầm non và phổ thông cụ thể như sau: 
Đối với học sinh các trường mầm non công lập trên địa bàn, các nhà trường đã tổ chức cho 100% học sinh ăn bán trú (24/24 trường). Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chế độ, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 3-5 tuổi theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Chính phủ với mức 160.000 đồng/học sinh/tháng và được hưởng 9 tháng/năm học (bình quân 1 bữa ăn của 1 học sinh từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng), tuỳ thuộc vào điều kiện của từng xã/thị trấn. 
Đối với các trường mầm non vùng thuận lợi (các xã, thị trấn vùng Đường 9) mức ăn bán trú của học sinh do hội cha mẹ học sinh thỏa thuận đóng góp, trung bình dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kết nối, kêu gọi nguồn xã hội hoá từ Câu lạc bộ từ thiện Ánh Sao để hỗ trợ thêm kinh phí bữa ăn trưa cho trẻ (năm học 2022 - 2023 Câu lạc bộ từ thiện Ánh Sao đã hỗ trợ bữa ăn trưa 6.000 đồng/trẻ/ngày cho 18 trường, cho 537 trẻ với tổng số tiền gần 600.000.000 đồng.
Năm học 2023 - 2024, hỗ trợ bữa ăn trưa 7.000 đồng/trẻ/ngày cho 17 trường, 476 trẻ với tổng số tiền 685.440.000 đồng, đây là nguồn lực góp phần nâng cao thể chất cho trẻ, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi.
Đối với học sinh phổ thông: Cấp tiểu học, có 2 hình thức tổ chức bán trú đó là bán trú dân đưa cơm (người dân tự đưa cơm đến cho con ăn trưa và nghỉ lại tại trường, hoặc các cháu mang cơm đi từ sáng và ăn trưa nghỉ lại tại trường), hiện nay trên địa bàn có các trường có cấp tiểu học tổ chức theo hình thức này (Tiểu học Hướng Phùng, TH&THCS Hướng Việt, TH Thuận, TH Húc, PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc, PTDTBT TH&THCS Hướng Lập).
Hình thức thứ hai là người dân tự nguyện đăng ký cho học sinh ăn bán trú và đóng góp tiền ăn theo thoả thuận tại trường đối với các trường vùng thuận lợi (TH &THCS Tân Hợp, Tiểu học số 2 Khe Sanh, TH số 1 Khe Sanh, Tiểu học số 2 Lao Bảo, Tiểu học Hướng Phùng…).
Cấp Trung học cơ sở: Thực hiện theo Nghị định số 116/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (7 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 11 trường PT có học sinh bán trú). Học sinh các trường PTDTBT thực hiện ăn, ở bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, cuối tuần các em trở về gia đình.
Chương trình bán trú cho học sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được triển khai, nhân rộng.
Phóng viên: Huyện Hướng Hóa là một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có biện pháp gì để chương trình bán trú đạt hiệu quả thưa bà? 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga: Với điều kiện kinh tế xã hội của một huyện biên giới, miền núi, tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 57% (năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 57,22%), một bộ phận người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, vì vậy chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế, trước tình hình đó, ngành Giáo dục của huyện nhà ra sức vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và chính quyền các địa phương tăng cường công tác xã hội hoá, kêu gọi các nhà hảo tâm, các mệnh thường quân, các doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ về kinh phí để tăng cường chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú, trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Thuý Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Việt là một điển hình.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kết nối, kêu gọi và tăng cường sự sự giúp đỡ của Câu lạc bộ từ thiện Ánh Sao để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ 3 đến 5 tuổi trên địa bàn các trường đặc biệt khó khăn, ưu tiên cho các đối tượng trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Phát huy các mô hình trồng rau xanh, tăng gia sản xuất tại các khu bán trú nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú. 
Phóng viên: Từ chương trình bán trú lòng dân mà cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đã từng tổ chức tại các điểm trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa đánh giá như thế nào về mô hình này? 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga: Với mô hình bán trú lòng dân mà cô giáo Nguyễn Thị Thuý Phụng đã tổ chức tại điểm trường, chúng tôi đánh giá rất cao về sự tâm huyết và hiệu quả của mô hình này. Trên địa bàn cũng có một số mô hình tương tự như ở Trường TH Thuận, mỗi cán bộ, giáo viên có một cách làm và hướng đi riêng nhưng tất cả đều hướng đến thúc đẩy phát triển giáo dục trên địa bàn, chúng tôi luôn ghi nhận, tin tưởng và đồng hành hỗ trợ cùng quý thầy, cô giáo trên địa bàn để con đường đến trường của các em học sinh người đồng bào DTTS ngày càng bớt gập ghềnh hơn.
Phóng viên: Những khó khăn nhất mà ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa gặp phải trong chương trình bán trú cho học sinh là gì? 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga: Những khó khăn mà chúng tôi thường gặp khi triển khai chương trình bán trú cho học sinh đó là việc quản lý các em học sinh bán trú diện dân đưa cơm, vì các em và phụ huynh đưa cơm đi từ sớm, đến trưa mới ăn nên có một số thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là mùa đông và mùa nắng. Mặt khác, buổi trưa các em ở lại tại trường việc quản lý, bố trí các em ngủ, nghỉ cũng khá vất vả vì thiếu khu bán trú, thiếu chỗ nằm cho các em, giáo viên ở lại buổi trưa cùng các em trên tinh thần tự nguyện chứ không có chế độ phụ cấp gì; một số phụ huynh phó mặc việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh cho các nhà trường.
Phóng viên: Từ những khó khăn trên, trong năm học tới, chúng ta rút ra được bài học gì và phương hướng triển khai công tác bán trú thời gian tới là gì thưa bà? 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga: Bài học chúng tôi rút ra từ công tác tổ chức bán trú là sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của toàn xã hội và gia đình học sinh. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác xã hội hoá mới có nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả. Muốn có chất lượng thì phải duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần. Muốn tổ chức hiệu quả công tác bán trú thì phải hội đủ các yếu tố cần thiết như: Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sự đồng thuận và vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội; cuối cùng là sự đoàn kết, quyết tâm của chính mỗi một đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó con người đóng vai trò quan trọng nhất./.
 Xin trân trọng cảm ơn!
Thành Nam (thực hiện)
 
 
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.