Phất cờ đỏ tiên phong dẫn đường

13:55 29/08/2023 - Diễn đàn
Trải qua 93 năm với vai trò tiên phong “đi trước mở đường”, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, ngành Tuyên giáo ngày một khẳng định vị thế là lá cờ đỏ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, thống nhất lý tưởng và tình cảm cách mạng cho quần chúng nhân dân, từ đó tạo nên sức mạnh cộng hưởng to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, hệ thống báo chí vì sự nghiệp cách mạng cũng không ngừng nỗ lực, là cánh tay đắc lực hỗ trợ cho công tác tuyên giáo ngày một vững mạnh, nêu cao vị trí tiên phong trên mặt trận tư tưởng và nhận thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum_Ảnh: baokontum.com.vn 

 93 năm phất cờ mở đường

Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8” nhân kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình. Những tư tưởng và tinh thần trong tài liệu đã tạo nên tiếng vang lớn, thổi “lửa cách mạng” từ cá nhân này đến cộng đồng khác và cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân yêu nước cùng chung sức, đồng lòng đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược và tham gia phong trào giải phóng dân tộc.

Với sự bùng nổ ngọn lửa yêu nước và hăng hái vì cách mạng, ngày 1/8 được xem là một dấu mốc đỏ cho việc cắm ngọn cờ đầu tiên trên mặt trận xây dựng tư tưởng. Trên cơ sở đó, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm là ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Không súng đạn, không vũ khí, nhưng công tác tuyên giáo là một trong những sức mạnh quyết định sự thành công của cuộc cách mạng dân tộc trong cả chiến tranh lẫn thời bình.

Trải qua một thời máu lửa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, công tác tư tưởng đã phát huy sức mạnh tối đa, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong điều kiện khó khăn nhất, từ đó mới có thể âm thầm huy động, quy tụ và tập hợp tất cả giai cấp xã hội, tạo nên những cuộc biểu tình, mít tinh và trận địa vang dội trên mặt trận chính trị cũng như chiến trường; làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của Đông Nam Á.

Những cuộc cách mạng vang dội là kết quả một phần từ công tác tuyên giáo vốn được triển khai bài bản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, xây dựng cốt lõi chính trị trong phong trào cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với giá trị bền vững và nhân văn dựa trên hệ tư tưởng khoa học phù hợp, công tác tuyên giáo tiếp tục được phát triển,mở rộng và nhân lên, tiếp tục cùng toàn dân giành các chiến thắng trên chiến trường, là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975. Từ đó, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo nên chiến công lừng lẫy trên trường quốc tế về đất nước bé nhỏ nhưng sục sôi ý chí và tình yêu Tổ quốc.

Khi đất nước lập lại hòa bình, tiến hành xây dựng và tái thiết kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, công tác tuyên giáo tiếp tục đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy lý luận, xây dựng cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức phong trào quần chúng cũng được vạch cùng hướng đi, theo sau sự lãnh đạo của Đảng từ những định hướng có được của công tác tuyên giáo. Với sự thống nhất cơ bản trong định hướng tư tưởng vững vàng, dư luận luôn vững tin trước những biến động ở trong và ngoài nước. Trong đó, nền kinh tế - xã hội vượt qua cơn chấn động chính trị toàn cầu trong những năm 1989 - 1991, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 2008 - 2009 và đại dịch Covid-19, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với nền tảng “sức khỏe” chính trị, tư tưởng vững vàng, các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp đồng lòng thực hiện. Dư luận cũng vững vàng niềm tin với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước những vụ việc tiêu cực gây chấn động trong xã hội do một số thành phần có biểu hiện rời xa quần chúng nhân dân, đi ngược lại với mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước, lợi ích của nhân dân.

Tiếp tục là cơ quan dự báo

Bước vào những năm cuối của nhiệm vụ thế kỷ tròn 100 năm đồng hành dẫn cờ đỏ cho đường lối, chủtrương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngành Tuyên giáo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong dự báo và tham mưu, góp phần làm cho ý Đảng quyện với lòng dân, tạo đồng thuận, niềm tin trong nhân dân. Sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2023, ngành Tuyên giáo xây dựng 26 đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; toàn ngành đã tham mưu triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí, hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy, cùng với những hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tuyên giáo góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong nỗ lực và cố gắng xây dựng minh bạch. Từ đó, củng cố sức mạnh trong nước và sự ủng hộ quốc tế nhằm tiếp tục xây đắp thêm những viên gạch vững chắc trên tường thành tư tưởng. Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo cả nước thực hiện tốt công tác  tham mưu cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa - văn nghệ, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch xung quanh những vấn đề, sự kiện chính trị lớn của Đảng và đất nước...

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023: “Tuyên giáo phải là một trong những cơ quan dự báo tình hình tốt, và tham mưu xử lý tình hình kịp thời. Muốn dự báo được phải có sức mạnh tổng hợp cùng các lực lượng, và phải thường xuyên, liên tục. Cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh xử lý các tình huống trong thực tế, làm sao cho ý Đảng quyện lòng dân, tạo đồng thuận, niềm tin trong nhân dân”.

Nhiệm vụ dự báo hoàn thành được từ việc thấu hiểu ý Đảng lòng dân, đứng trong hàng ngũ của các giai tầng xã hội để nắm bắt đúng nguyện vọng, diễn biến của dư luận cũng như đánh giá đầy đủ và khách quan các yếu tố bên ngoài. Với hệ thống thông tin phủ rộng khắp, là cầu nối giữa đông đảo quần chúng nhân dân với Đảng và chính quyền, báo chí là một trong những cánh tay đắc lực cho công tác tuyên giáo. Cùng với định hướng của ngành Tuyên giáo, thông tin báo chí liên tục đổi mới mạnh mẽ, bám sát tình hình thực tiễn, quyết liệt đấu tranh với các sai phạm, chủ động, kịp thời hơn nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo chí, mang đến toàn cảnh tin tức và định hướng nội dung có trọng tâm, trọng điểm.

Những thông tin trên báo chí cũng là một nguồn căn cứ giá trị cho công tác tuyên giáo trong hoạt động nghiên cứu, dự báo và tham mưu. Với sự đa dạng trong nội dung tin tức, góc nhìn, các cơ quan báo chí sớm phát hiện và nắm bắt tình hình, từ đó đưa ra kiến nghị cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề mới trong đời sống xã hội. Nhiều tờ báo áp dụng kênh tương tác hữu hiệu, tạo nên luồng thông tin hai chiều và đón nhận ý kiến của độc giả, thính giả,... cộng hưởng với hệ thống kết nối phủ rộng, cho trích xuất những số liệu và ý kiến nhanh chóng về một chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Những thông tin trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho công tác tuyên giáo với nhiệm vụ dự báo, tham mưu.

Hoạt động báo chí thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phát huy vai trò là cầu nối mang chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước “đến từng ngõ, gõ từng nhà” và trở lại với tiếng nói, ý kiến của nhân dân. Báo chí phát triển các kênh thông tin phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, số hóa các lĩnh vực, giúp nội dung tuyên truyền ngày một đa dạng và tiếp nhận nhanh hơn. Bên cạnh đó, kênh truyền thống là báo giấy vẫn được duy trì, phát triển về chất, khẳng định vai trò và giữ nguyên giá trị với những tác phẩm tuyên truyền sâu sắc, nội dung có nhiều ý nghĩa và nhanh chóng kêu gọi được hành động. Với nền tảng 93 năm lịch sử, hướng đến hoàn thành một thế kỷ tích cực với nhiệm vụ cách mạng, ngành Tuyên giáo sẽ tiếp tục vai trò là lá cờ đỏ tiên phong dẫn đường, để thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách và tổng kết từng nhiệm vụ chính trị, cùng sự đồng hành của cả hệ thống báo chí.

An Đồng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top