Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Oái oăm chấm điểm bài báo khoa học bổ nhiệm GS

Cùng với việc tăng cường các công bố quốc tế, nâng cao chất lượng các công bố trên tạp chí khoa học trong nước cũng là một giải pháp nhằm nâng tiêu chuẩn GS tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng tạp chí KH Việt Nam, không khó để hình dung việc nâng tiêu chuẩn GS, PGS ở Việt Nam vẫn là một chặng đường dài.

Nhiều tạp chí khoa học trong nước chưa tiếp cận với thế giới cả về hình thức lẫn chất lượng khoa học. (Ảnh minh họa)

Chưa tiếp cận chuẩn quốc tế

Được thành lập mới tròn 1 năm, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐHQG Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xây dựng một tạp chí tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng là tạp chí KHXH đầu tiên vào hệ thống ISI hoặc Scopus vào năm 2025.

Đây là một tham vọng rất lớn với một tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như Tạp chí KHXH&NV.

Bởi lẽ, theo thống kê từ Hội đồng Chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN), cho đến tháng 5/2016, Việt Nam mới chỉ có 1 tạp chí được vào danh sách ISI và 2 tạp chí được vào danh sách Scopus. Cả 3 tạp chí này đều thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Chưa có trường đại học nào có tạp chí được đưa vào 2 danh mục này.

Theo số liệu này thì với hệ thống 365 tạp chí khoa học của Việt Nam được HĐCDGSNN tính điểm chỉ có 0,84% tạp chí nằm trong hệ thống ISI hoặc Scopus và 6,7% tạp chí có xuất bản bằng tiếng Anh và song ngữ Việt – Anh.

Con số này khá thấp nếu so với các nước láng giềng. Chẳng hạn, Malaysia đã có 11 tạp chí ISI và 77 Scopus, Thái Lan có một số tạp chí ISI và 21 tạp chí Scopus.

Bản thân Campuchia cũng đã có 1 tạp chí được đưa vào hệ thống ISI thậm chí là vào trước tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của Việt Nam.

Trao đổi với PV mới đây, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN đã thẳng thắn thừa nhận, “so với những yêu cầu và chuẩn mực quốc tế thông thường về nội dung, chất lượng khoa học và hình thức trình bày, các tạp chí và bài báo khoa học của nước ta còn phải được cải tiến, nâng cao hơn nhiều nữa thì mới có thể tiếp cận quốc tế được”.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề hình thức trình bày vốn không khó khắc phục thì vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng khoa học của các tạp chí cũng như các bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng các tạp chí khoa học của nước ta thực tế là rất kém.

Trao đổi với PV, một biên tập viên một tạp chí KH về kinh tế của một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, nhiều tạp chí khoa học trong nước thực chất được biến thành “sân sau” để đơn vị chủ quan đăng bài nhằm đáp ứng các yêu cầu nào đó (bảo vệ luận án tiến sĩ, xét bổ nhiệm GS, PGS – PV) khi cần đến.

Vị này cũng cho biết, nhiều tạp chí tại Việt Nam không thực hiện việc phản biện các bài báo gửi đến hoặc có nhưng quy trình phản biện không chặt chẽ, đầy đủ vì không có kinh phí (trả cho người phản biện – PV) dù với các tạp chí khoa học trên thế giới, việc đọc phản biện cho các tạp chí khoa học là hoàn toàn miễn phí.

Trong khi đó, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giấu tên tiết lộ, khá nhiều tạp chí tại Việt Nam đăng bài theo cơ chế xin-cho. Nhiều người thậm chí trả tiền để nhờ đăng bài phục vụ các yêu cầu bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc xét bổ nhiệm PGS, GS.

TS Trần Văn Kham, Phó trưởng phòng Nghiên cứu KH, ĐH KHXH&NV, trưởng ban biên tập Tạp chí KHXH&NV khi nói về vấn đề này cũng thừa nhận, nhiều tạp chí trong nước không xây dựng quy trình phản biện. Có những tạp chí hội đồng biên tập, nhóm biên tập viên quyết định chuyện bài viết được xuất bản. Vì thế, chất lượng tạp chí khoa học trong nước không được đảm bảo.

Nhà khoa học quay lưng

Chất lượng bài vở kém, quy trình phản biện không chặt chẽ là nguyên nhân khiến nhiều nhà khoa học có nghiên cứu chất lượng không muốn gửi bài cho các tạp chí trong nước.

Bài báo khoa học là một tiêu chí để tính điểm xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS. (Ảnh: Văn Chung)

TS Phạm Văn Đồng, Viện Vật lý, Viện HLKH&CN Việt Nam một trong những TS có nhiều công bố quốc tế cho rằng, quy trình phản biện, xuất bản của các tạp chí trong nước chưa chặt chẽ dẫn đến bài báo trên các tạp chí có chất lượng không cao, từ đó, uy tín của tạp chí không nâng lên được.

“Những bài viết chất lượng mình không bao giờ gửi các tạp chí trong nước. Vì các tạp chí đó không phải là tạp chí uy tín”, TS Đồng thẳng thắn. “Nếu các tạp chí trong nước ngay từ đầu khẳng định chỉ nhận những bài báo chất lượng thì mình sẽ gửi bài ngay. Như hiện tại, công trình của mình tốt mà lại phải đứng cạnh một công trình chất lượng tồi thì sẽ không ổn”.

Chất lượng tạp chí “lôm côm” cũng dẫn đến một thực tế khá oái oăm là, mặc dù các tạp chí được HĐCDGSNN tính tối đa 1 điểm hoặc 0,75 và 0,5 điểm khi xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS, tuy nhiên, các bài báo khoa học khi đưa vào hồ sơ sẽ được chấm- điểm- lại với thang điểm thấp nhất từ 0 điểm.

Điều này có nghĩa, kể cả có bài viết trên tạp chí được tính điểm thì công bố khoa học của ứng viên GS, PGS vẫn có thể bị hội đồng ngành và liên ngành chấm mức điểm 0 nếu chất lượng không đạt.

Nói cách khác, các hội đồng chức danh giáo sư dường như không dám đặt niềm tin vào khâu xét duyệt và xuất bản của các tạp chí nội mà phải rà soát và đánh giá lại chất lượng của từng bài viết trong hồ sơ của các ứng viên.

TS Trần Văn Kham cho rằng “đây là mâu thuẫn cần tìm ra lời giải” mà nguyên nhân anh cho rằng, bắt nguồn từ việc “các tạp chí trong nước chưa đạt điều kiện chuẩn mực về quy trình phản biện”.

Đồng thời, TS Kham cũng cho rằng, nếu như HĐCDGSNN xây dựng một tiêu chuẩn rõ ràng cho các tạp chí trong nước để khi các tạp chí đạt tiêu chuẩn thì các bài viết đăng trên tạp chí đó sẽ được tính tròn 1 điểm chứ không phải chấm lại với thang điểm từ 0-1 điểm.

Làm cách nào để nâng cao chất lượng của các tạp chí khoa học trong nước, từ đó nâng cao chất lượng của các công bố khoa học của các ứng viên GS, PGS?

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Bởi, việc thay đổi quy trình xuất bản của các tạp chí đã tồn tại hàng chục năm nay, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp hiện nay là điều không dễ dàng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Văn Kham cho biết, ngoài việc tuân theo các chuẩn mực về cách thức trình bày, trích dẫn, điều quan trọng nhất là xây dựng quy trình phản biện chặt chẽ để đảm bảo những bài đăng trên tạp chí là những bài chất lượng nhất.

“Hầu hết các tạp chí khoa học tại Việt Nam đều có người phản biện nhưng thường chỉ có 1 phản biện. Tạp chí của chúng tôi hướng đến lựa chọn có 2 phản biện” – TS Kham chia sẻ. “Để hoàn thành quy trình phản biện này, một bài viết có thể mất từ 4-6 tháng mới được duyệt xong”.

Trong khi đó, từ góc nhìn của một nhà khoa học, TS Phạm Văn Đồng chia sẻ rằng, các tạp chí khoa học trong nước cần phải “nghiêm túc ngay từ đầu”, xây dựng quy trình phản biện quy củ, nâng chuẩn bài viết, không đăng bài theo kiểu xin- cho thì mới mong có các công bố chất lượng được gửi đến.

Trong bài trả lời phỏng vấn với VietNamNet, GS Trần Văn Nhung cũng khẳng định yêu cầu phản biện một cách nghiêm túc là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng các bài báo khoa học cũng như tạp chí khoa học trong nước, dù đây là việc khó khăn và lâu dài hơn nhiều so với việc hoàn thiện hình thức trình bày của các tạp chí.

Nguồn: Báo Vietnamnet

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top