
Những lần tác nghiệp ở rẻo cao
-
Đồng bào dân tộc với những phong tục tập quán đặc sắc luôn là những điều hấp dẫn
những người mới từ dưới xuôi lên, đặc biệt là cánh nhà báo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ.
Mỗi người làm báo cần am hiểu và đánh giá đúng các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ảnh: TL
Hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc
Năm 1981, do hoàn cảnh gia đình, tôi xin chuyển từ Phòng CK (Lào, Campuchia) của Thông tấn xã Việt Nam về nơi bố mẹ đang sinh sống đầu quân làm phóng viên cho tờ báo Bắc Thái. Đây là nơi có địa hình nửa đồng, nửa núi, nhiều vùng sâu, đa dân tộc.
Tổng Biên tập khi đó là bác Phạm Hồng Dương, đã không quên nhắc nhở một người mới chân ướt chân ráo về đây. Ông dặn tôi phải chú ý tìm hiểu các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây, giúp đỡ họ cùng tiến bộ và phát triển. Đặc biệt, phải luôn giữ được đạo đức và chuyên môn nghề nghiệp của mình.
Có lần tôi lên tác nghiệp tại xã Nguyên Phúc (Bắc Kạn) - một xã thâm sơn cùng cốc, nơi cư trú nhiều đời của đồng bào Tày, Nùng. Đây là xã điển hình tiên tiến của phong trào khai thác gỗ rừng, luôn đạt và vượt kế hoạch được giao. Sau khi khai thác, xã lại trồng rừng mới để phủ kín đất trống, đồi trọc. Nơi đây vốn cũng là nơi một đội sơn tràng của Lâm trường Bạch Thông đóng, có nhiều thành tích lúc đó. Trong thời gian tác nghiệp, tôi ở tại nhà anh Ma Văn Mạc, một người hòa nhã và rất mến khách. Tuy nhiên, một hôm anh Mạc buồn hẳn.
Một tuần sau báo ra (hồi ấy báo chỉ có 2 kỳ/tuần), có bài ghi chép “Đất rừng Nguyên Phúc” của tôi. Tôi hăm hở trở lại Nguyên Phúc, vừa là để biếu mấy tờ báo (đặc biệt có ảnh anh Mạc đang khoát tay tả cảnh đổi mới của bản làng) và cũng tìm hiểu sự bất thường của anh Mạc tuần trước. Anh Mạc không có nhà, chị Mỵ vợ anh rất vui nhưng cũng không quên nhắc tới lí do anh Mạc - chồng chị buồn vì nghĩ nhà báo không tin lời anh nói khi kể chuyện vài năm trước bản có hổ từ rừng vào.
Chị Mỵ - một người phụ nữ dân tộc Nùng ngoài ba mươi mà đã có 4 con, lao động đầu tắt mặt tối, nói tiếng Kinh chưa sõi, ấy vậy mà suy nghĩ hơn cánh phóng viên chúng tôi và rất chu đáo, tận tình với khách. Theo lời chị, tôi đã biết chỉ vì câu lỡ lời hỏi “Có thật không?” của mình khi nghe anh Mạc kể chuyện cách đây vài năm có hổ về bản, đã làm anh buồn. Cầm trên tay bài báo do tôi viết tại chính Phúc Nguyên, anh vui mừng khi có ảnh mình trong đó. Không giấu nổi vẻ ngượng ngùng nhưng đầy hối lỗi, tôi thẳng thắn giải thích với anh về đặc thù nghề nghiệp phải luôn có thái độ cảnh giác, kiểm chứng thông tin mới chứ không hề có ý nghi ngờ anh trong câu chuyện vừa qua.
Trân trọng và đánh giá đúng mức kho tàng văn hóa
Từng học ngành văn, đọc nhiều, nhưng về Nguyên Phúc tôi ngộ ra 2 điều: Quả thật, có đi thực tế thì mới thấy hết được vẻ đẹp của thiên nhiên tuyệt diệu đến vậy. Thứ hai là, đồng bào dân tộc vốn thật thà, chất phác, nếu muốn bày tỏ sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của mình thì đừng nên làm cho họ cảm thấy không được tin tưởng. Câu hỏi nghi vấn chỉ ra đời khi có những thứ không thật (như sai lầm của tôi khi hỏi anh Mạc về chuyện có hổ đến bản).
Anh Sùng Mý Chứ, một nhà báo lâu năm ở biên ải Hà Giang thẳng thắn nói về cách gọi của người dưới xuôi đối với đồng bào dân tộc. Theo anh, nếu một địa bàn dân cư có dân tộc nào sinh sống ít nhất thì dân tộc đó mới được gọi là thiểu số, kể cả người Kinh.
Anh A Giun, cán bộ văn hóa sống và làm việc ở Tây Nguyên thì bảo: “Người dân tộc ít người nào cũng có thể nói, đọc được tiếng Kinh. Người Kinh thì coi tiếng dân tộc ít người là ngoại ngữ”. Ở các tỉnh như Thái Nguyên chẳng hạn, nếu có giấy chứng nhận biết tiếng Tày thì được miễn thi tiếng Anh ở các cuộc thi công chức. Dù học chả đâu vào đâu nhưng các cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số không lo khi tiếp xúc vì đồng bào nào chẳng biết tiếng Kinh. Đi về bản thì phụ nữ Kinh thi nhau thuê quần áo đồng bào chụp hình, cũng không thấy đồng bào nào thuê quần áo người Kinh mà chụp ảnh...
Suy cho cùng, văn minh hay lạc hậu đều được thể hiện qua thước đo từ những việc rất cụ thể. Phong tục tập quán vùng miền của đồng bào các dân tộc vẫn là một kho tàng văn hóa đặc sắc mà mọi người nói chung và những người làm báo nói riêng phải trân trọng và đánh giá đúng mức./.
Hữu Minh

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
