Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Những ký ức không thể nào quên của người dân Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 8/8/2023, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. HCM tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn..

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao giải Nhất cho các cá nhân.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Viết để lưu giữ ký ức

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, thành viên Ban Giám khảo, chia sẻ, từng làm thành viên ban giám khảo của không ít cuộc vận động sáng tác và những cuộc thi văn chương của thành phố, cũng như khu vực và cả nước, nhưng chưa lần nào tôi và các thành viên ban giám khảo lại được tiếp nhận một khối lượng bản thảo đồ sộ (bài viết và hình ảnh nhân vật, sự việc kèm theo) với số lượng tác giả nhiều như cuộc vận động này.

Với đề tài “người thật việc thật” nên tác giả các bài viết đều là người trực tiếp hay gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Và có lẽ, cũng chưa có cuộc vận động viết nào mà người tham gia đa dạng, phong phú từ nhiều ngành, nghề, nhiều tầng lớp nhân dân đến vậy, từ thầy cô giáo (chiếm đa số), y bác sĩ, người tu hành đến đội ngũ cán bộ, viên chức của hệ thống chính trị các cấp, từ xã, phường, quận, huyện đến thành phố. Điều đặc biệt ở cuộc vận động này là các tác phẩm đã làm bật lên ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Sài Gòn - TP.HCM. Ký ức và phẩm hạnh được hiện diện bằng nỗi niềm sâu lắng, bằng cảm xúc trí tuệ, bằng nghĩa cử, bằng việc làm cứ ngỡ như quá đổi bình thường.

Hầu hết các bài viết của cuộc vận động này, phản ánh ở diện rộng, vào từng đơn vị cơ sở trường học, y tế, từng cơ quan, nhất là ở cấp phường xã, thậm chí từng ngõ ngách, để thấy rõ hơn lòng tốt và vẻ đẹp tâm hồn của người dân Sài Gòn - TP.HCM. Vẻ đẹp bình dị của người dân thành phố mang tên Bác, bất cứ lúc nào cũng có và bất cứ ở đâu cũng gặp. Cái đẹp của tấm lòng, của phẩm hạnh hiện diện mọi lúc mọi nơi. Điển hình như:

Cô Nguyễn Thị Diệu dạy học ở quận 8, với bài viết đặt tên là “Ổng”. “Ổng” không tên tuổi, không có những hành động quả cảm phi thường nhưng vẫn đem đến cho người đọc sự cảm kích về một con người chân thành, lạc quan, tận tụy với cộng đồng nhất là trong những ngày khốn khó. Hình ảnh “Ổng” như trở thành một nhân vật tiêu biểu cho lòng tốt, cho sự lặng lẽ sống, lặng lẽ tận hiến trong thời khắc khốc liệt của đại dịch mà cả thành phố chúng ta chống chọi.

“Đợi anh về, em nhé. Anh sẽ về sớm thôi. Tết này, chúng ta sẽ cùng nhau về ra mắt gia đình, anh sẽ xin ba mẹ cưới em. Không ngờ rằng, đó là câu nói cuối cùng của anh khi tình nguyện tham gia vào cuộc chiến sinh tử - cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngày anh trở về, cơ thể vạm vỡ của anh dân quân chỉ vỏn vẹn trong một hũ tro tàn. Anh đã bỏ lại tôi, bỏ lại bao ước mơ và hoài bão vẫn còn dang dở”, đó là những dòng cảm xúc mà chị Nguyễn Thị Bích Vàng (quận Gò Vấp) nhớ và viết về anh dân quân - người chồng chưa kịp cưới, đã mãi mãi ra đi ở tuổi thanh xuân.

Hay bài viết cảm nhận của PGS, TS Phạm Thị Dung (Trưởng đoàn công tác Trường ĐH Y Dược Thái Bình) đoàn công tác đặc biệt với 5 thầy cô và 245 sinh viên, đã tiếp sức cho TP.HCM suốt 2 tháng trong tâm dịch.

"Vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên. Đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi. Có ai đó từng nói “người Sài Gòn tánh kỳ” cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứ âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào..."  PGS, TS Phạm Thị Dung đã viết.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng các tác  giả đoạt giải.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương thầm lặng mà kiên cường và tận tụy của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện dã chiến để giành lại sự sống cho bệnh nhân và cả những sinh linh còn trong bụng mẹ, cũng như những hoạt động bền bỉ của cả một hệ thống chính trị từ xã, phường, quận, huyện đến thành phố giúp cho người dân trong suốt thời gian chống chọi và vượt qua đại dịch.

Bài viết “Ước mơ của em là gì” với lòng biết ơn vô biên của em học sinh lớp 10 Nguyễn Nam An đang học Trường THPT Tam Phú, TP. Thủ Đức khi kể về cô sinh viên Dương Thị Anh, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đã nuốt nước mắt vọng tang cha trong chuyến tình nguyện tham gia chống dịch tại thành phố chúng ta.

Hãy dấn thân, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống để viết

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn tập thể, cá nhân đã tham gia cuộc vận động viết về phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí đánh giá những bài viết mang lại nhiều ý nghĩa, giá trị không thể đo đếm, không có ngôn từ nào diễn tả hết được. Các tác giả tham gia không chỉ viết bằng con chữ, bằng bài viết mà còn bằng cả tấm lòng, bằng niềm tin. Họ không phải viết cho mình mà viết cho cuộc đời, viết như sống và sống không chỉ cho riêng mình. Đồng chí chia sẻ, cuộc thi viết này còn là hành động để cảm ơn những người tham gia cuộc chiến phòng chống dịch, xa hơn là ghi lại một phần của lịch sử TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ, đại dịch Covid-19 qua đi còn để lại nhiều điều để nói, để viết về nó như là một bài học trong cuộc sống của mỗi người. Đại dịch vừa qua là chưa có tiền lệ, thậm chí vài trăm năm mới gặp một lần. Do vậy, cuộc thi đã khép lại nhưng câu chuyện về cuộc chiến phòng, chống dịch sẽ tiếp tục viết. Đồng chí mong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc vận động thi viết về chủ đề này với trách nhiệm cao nhất. Trong đó, người viết hãy dấn thân, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống để nghe những câu chuyện kể và viết lại. Bởi trong cuộc sống còn rất nhiều người họ không có dịp kể hoặc chưa kể được cần người viết lại, cần người viết hộ.

Đồng chí Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao giải cho các cá nhân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, chúng ta phải có bổn phận ghi lại, viết lại thời khắc đó và đó là trách nhiệm, là hành động sống của mỗi người. Đồng thời mong muốn, cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần lan tỏa, mở rộng không chỉ ở cấp thành phố mà xuống tận cơ sở, đến từng cấp từng ngành để ghi lại, lưu lại những thời khắc khốc liệt mà TP.HCM đã trải qua trong đại dịch Covid-19, làm phong phú thêm những giá trị về tình người, về lịch sử TPHCM.

Sau gần 7 tháng phát động cuộc thi với chủ đề “Vượt qua đại dịch - Hướng đến tương lai”, Ban Tổ chức đã nhận được 2.267 bài dự thi, 245 bài vào vòng chung khảo và 48 bài đoạt giải.

Cuộc thi đã kết thúc nhưng sự tác động của cuộc thi vẫn chưa dừng. Ban tổ chức đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục tuyên truyền để nhiều người cùng ghi lại những cảm xúc về sự cố gắng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước hết là bản thân mỗi người và sau đó, vận động nhiều người tích cực hưởng ứng cuộc sưu tầm tài liệu, hiện vật… về công tác phòng chống, dịch Covid-19 do UBND TP.HCM phát động. Cuộc vận động sưu tầm kéo dài đến hết tháng 7/2024.

Ngọc Bích

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top