Những dấu chấm than

22/04/2020, 23:29

Những dấu chấm than - Ngày 4/12 rồi, trên trang nhất báo Tuổi Trẻ, bạn đọc bất ngờ khi chạm phải 3 tiêu đề là những câu mệnh lệnh kết thúc bằng dấu chấm than: “Cần giải quyết ngay “điểm nóng” Cai Lậy!”; “Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!”; “Dời trạm vào đường tránh!”...

Sự khách quan luôn là chuẩn mực của nghề báo

Nguyên tắc khách quan có bị vi phạm?

Thông thường, những tiêu đề như thế gợi cho người đọc liên tưởng rằng đó là tít trích dẫn - dẫn lời phát biểu của một nhân vật nào đó. Nhưng không, đấy là những tiêu đề thể hiện rõ quan điểm của tòa soạn.

Phần hai có nguyên văn như sau:

“Bao giờ giải tỏa được điểm nóng Cai Lậy?

Chúng ta còn chờ đến bao giờ để chấm dứt tình trạng giằng co căng thẳng trên trục đường huyết mạch quốc gia? Không thể lâu hơn được nữa. Trước mắt, cần dừng ngay hoạt động thu phí tại trạm Cai Lậy.

Lúc này rất cần một hành động kịp thời và khẩn cấp của Chính phủ hành động!

Muộn hơn nữa chúng ta sẽ mất mát nhiều thứ hơn!”.

Bài viết “Cần giải quyết ngay ‘điểm nóng’ Cai Lậy!” (ký tên Tuổi Trẻ) nằm trong mục “Thời sự - và suy nghĩ” - vốn được xem như mục chính luận của báo - có độ dài chưa đầy 200 chữ, gồm 2 phần chính. Phần đầu nêu lại thực trạng sự kiện.

Dù có đánh giá, phân tích, giải thích, bàn luận nhưng bài viết ấy không thể xem là một tác phẩm chính luận bởi nó nặng tình cảm hơn lý lẽ. Quá nhiều dấu chấm than, quá nhiều “mệnh lệnh”. Chúng ta có thể chia sẻ chính kiến của tòa soạn khi thể hiện thái độ đứng về phía quần chúng nhân dân, đứng về phía lợi ích quốc gia dân tộc. Nhưng ở góc độ nghiệp vụ, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn: nguyên tắc khách quan, công bằng của báo chí có bị vi phạm?

Tất nhiên, không thể “khách quan máy móc”

Thông tin khách quan, chân thật là nguyên tắc hết sức cơ bản mà người làm báo nào cũng thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, không thể có thông tin khách quan qua lăng kính chủ quan của nhà báo, cơ quan báo chí. Và vì thế, nguyên tắc khách quan trong làm báo không phải là “chủ nghĩa khách quan”, không phải là khách quan một cách máy móc.

Nhà báo khai thác những khía cạnh của thông tin, chọn lọc, sắp xếp và tường thuật, bình luận trên cơ sở tôn trọng sự thật, trên mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhưng cho dù sự chọn lựa đó có tính chủ quan thì việc phản ánh, tường thuật phải dựa trên sự thật khách quan. Ở đây cũng cần phân biệt giữa đưa tin và bình luận trong làm báo.

Có vẻ như thời gian qua, có sự nhập nhèm ranh giới trong đưa tin và nêu ý kiến, bàn luận. Và đây đó, cũng có sự nhập nhèm giữa chuyện đứng về lẽ phải và đứng về đám đông. Lẽ phải thì chỉ có một, còn đám đông thì nhiều không đại diện cho chân lý.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: TL

Bình luận cần phải công bằng

Về mặt lý luận, nhà báo lấy sự thật làm thước đo cho hoạt động tường thuật, bình luận. Mà sự thật bao giờ cũng có nhiều mặt và cần được phát hiện đúng bản chất cho nên giữa lý luận và thực tiễn luôn có độ chênh. Khi đời sống xã hội diễn ra các sự kiện nóng, phức tạp và đời sống truyền thông ồn ào tin tức, bình luận trái chiều thì các chiều kích của tính chính xác, sự công bằng trong báo chí luôn bị khuếch đại và đòi hỏi nỗ lực cao của các nhà báo, các cơ quan báo chí.

Thực tiễn báo chí cho thấy, có nhiều vấn đề khá phức tạp trong mối quan hệ nhà báo - công dân. Ví dụ, một nhà báo tham gia tích cực một phong trào môi trường của một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào đó, khi viết về một sự kiện ô nhiễm môi trường liên quan, nhiều khả năng họ sẽ bị công chúng nghi ngờ tính công bằng, khách quan trong phản ánh, bình luận.

Trong một số chương trình bình luận trực tiếp trên sóng truyền hình, phóng viên đôi lúc cũng bày tỏ quan điểm cá nhân mà quan điểm ấy có khi chưa khách quan, công bằng, thậm chí có định kiến.

Từ câu chuyện về ba tiêu đề và nội dung bài viết nhiều dấu chấm than trên số báo Tuổi Trẻ ngày 4/12 liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), chúng tôi thấy cần đặt ra những “dấu hỏi” nghiệp vụ: có nên ủng hộ cho hình thức tác phẩm chính luận nặng “phát biểu cảm tưởng, thái độ” nhưng ít lý lẽ, phân tích thấu đáo?

hà báo cũng là công dân, nhà báo cũng có quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến giống như mọi người dân khác. Nhưng, kênh phát ngôn quan trọng của nhà báo là các tác phẩm báo chí thông qua cơ quan báo chí của mình.

Việc nhà báo và tòa soạn nhấn mạnh“vai trò công dân”của mình trong nội dung thông tin và hình thức thông điệp (nhân danh việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng) đôi lúc sẽ mâu thuẫn với tính khách quan, độc lập của cơ quan báo chí.

Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế thị trường tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra nhiều xung đột giữa các“cộng đồng”nhỏ hếtsức phức tạp. Trong bối cảnh ấy, báo chí cần phải thực sự khách quan, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và phải vượt qua định kiến trong tường thuật và bình luận.

Phan Văn Tú