Những “cú sốc”... truyền thông

22/04/2020, 23:29

Những “cú sốc”... truyền thông - Mới đây, truyền thông cả chính thống lẫn mạng xã hội, rộn lên chuyện một cô gái ốm tong teo trên một chương trình truyền hình dành cho giới người mẫu.

Người tiếp nhận thông tin phải biết tự biến mình thành “công chúng thông minh” để không bị xô dạt trên dòng chảy truyền thông. Ảnh minh họa

Quá đỗi hoang mang

Nhiều người lo ngại hình ảnh cô người mẫu kia sẽ ảnh hưởng đến xu hướng hình thể của một bộ phận các bạn gái trẻ. Có ảnh hưởng hay không, còn quá sớm để kết luận. Nhưng, với tư cách là người tiêu dùng, lâu nay, công chúng cũng đã ít nhiều bị dẫn dắt bởi rất nhiều các chiến dịch truyền thông.

Một cuộc hội thảo về sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đến văn hóa Việt Nam được tổ chức năm 2016 đã khẳng định phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc đã tác động đến sự chọn lựa về thời trang, kiểu tóc, xe, điện thoại của người tiêu dùng Việt Nam.

Phim truyền hình cũng là yếu tố làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ, tác động đến những quyết định quan trọng hơn rất nhiều so với những yếu tố ngoài thân như tóc hay trang phục. Đó là những quyết định liên quan đến một phần cấu trúc cơ thể.

Rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để phẫu thuật theo chuẩn thẩm mỹ Hàn Quốc và bằng công nghệ Hàn Quốc. Và, có những chương trình trên truyền hình, cổ vũ để khán giả dễ dàng chọn lựa. Sau phim ảnh là các mặt hàng mỹ phẩm (son phấn), thời trang “làm mưa làm gió”; người nổi tiếng lẫn chưa nổi kéo nhau sang Hàn phẫu thuật thẩm mỹ. Và giờ đây, cùng với chương trình truyền hình cổ vũ cho phẫu thuật thẩm mỹ, các bệnh viện thẩm mỹ thương hiệu Hàn Quốc nhan nhản mọc lên ở các đô thị lớn.

Ngoài ra, rất nhiều thông điệp truyền thông hướng công chúng đến những xu hướng ăn, chơi, giải trí... thậm chí kiếm tiền khác nhau. Từ các loại thực phẩm chức năng đến thị trường du lịch, tất cả đều có thể được mang ra để thuyết phục khách hàng qua các thông điệp truyền thông, trên cả kênh chính thống lẫn mạng xã hội.

Giờ đây những người nổi tiếng cũng xuất hiện nhiều hơn với vai trò “người bán hàng” nhờ uy tín và khả năng thuyết phục công chúng. Họ, vì đại diện cho những thương hiệu cụ thể, nên đã dẫn dắt công chúng một cách rất chủ quan. Và công chúng, không vì thế mà lấy làm phiền lòng.

Có một khoảng thời gian, các bạn trẻ đua nhau làm Vlog với vài tấm gương kiếm triệu view và thu tiền từ Youtube hay Facebook mà các du học sinh là những người tiên phong. Một xu hướng kiếm tiền mới được hình thành. Nhưng hệ quả là nhiều bạn trẻ chỉ học cách làm, học phong cách, nhưng không thể học để có nội dung chia sẻ tốt. Vì thế, xu hướng này sớm phai màu.

Cũng khoan nói đến sự đúng sai. Vì, đúng sai luôn khó kết luận. Chỉ có một sự thật hiển nhiên là công chúng đang phải đứng trước một trận đồ bát quái của thông tin. Càng nhiều thông tin và nhất là thông tin càng khác biệt, công chúng càng hoang mang

Các kiểu gương mặt V-line Hàn Quốc đang là mốt của một bộ phận cô gái trẻ ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Hãy là công chúng thông minh

Các nhà lý luận truyền thông lâu nay hay nhắc đến mô hình truyền thông theo chiều ngang. Mô hình này khác biệt hoàn toàn với mô hình truyền thông hình chóp ngược hoặc xuôi.

Khác biệt cơ bản nhất là, trong khi mô hình truyền thông hình chóp ngược hoặc xuôi đều cho thấy thế mạnh áp đảo của một nhóm cung cấp thông tin (nguồn phát đi thông điệp) so với các nguồn còn lại, thì mô hình truyền thông theo chiều ngang cho thấy tất cả các nguồn tin đều thể hiện uy lực riêng và chúng tương tác với nhau một cách tương đối bình đẳng.

Thế nên, khi nhà sản xuất đưa ra thông điệp trong cuộc thi tìm gương mặt cho làng thời trang, thì ngay lập tức, các nhà truyền thông trên mạng xã hội cũng lên tiếng đanh thép và các luồng ý kiến từ các nguồn khác nhau rùng rùng cùng quyện vào nhau và cuộn chảy theo timeline. Trong mối tương tác này, nhà sản xuất trên kênh chính thống hoàn toàn có thể không chiếm được ưu thế mà bị các nguồn phát khác xô đẩy vùi dập. Vấn đề là, trong dòng chảy thông tin ngồn ngộn đó, người tiếp nhận thông tin đơn thuần, một chiều và thụ động sẽ hoặc là mệt mỏi, hoặc là hoang mang và có khi có cả hai trạng thái.

Trong trường hợp người tiếp nhận thông tin bị tác động mạnh theo một chiều hướng nào đó, rất có thể họ lại rơi vào một quyết định cực đoan. Ví dụ, bất chấp để có cằm V-line dù nó không hề phù hợp với cấu trúc gương mặt thuần Việt hoặc quan niệm về cái đẹp “phúc hậu” truyền thống; hay như, kiên quyết đi theo những cách thức kiếm tiền lời vài chục phần trăm một tháng mà không phải làm việc vất vả, bất chấp đó là một lãi suất hoang đường chẳng hạn.

Và, để không bị xô dạt trên dòng chảy truyền thông, nhất định công chúng, người tiếp nhận thông tin phải biết tự biến mình thành “công chúng thông minh”.

rên thế giới những năm gần đây đã xuất hiện thuật ngữ “news literacy” hay “media literacy” (năng lực truyền thông). Nhiều dự án trong và ngoài nước đang nỗ lực triển khai 2 chương trình này vào Việt Nam để mong cải thiện trình độ tiếp nhận thông tin và trình độ làm truyền thông trong công chúng Việt.

Để trở thành “người đọc thông minh”, công chúng không chỉ cần biết cách phân biệt tin tức giả / thật, thông tin hợp lý hay bất thường để có thái độ phù hợp, mà còn phải học cách chia sẻ / bình luận thông tin một cách có cân nhắc, phù hợp với luật pháp, biết đưa ra chính kiến và chia sẻ kiến thức cho cộng đồng; biết tự bảo vệ mình trước những cái bẫy của tin tặc, tội phạm mạng ngày càng tinh vi. Và để có thông tin tốt, đa chiều, việc tạo điều kiện cho từng người dân có cơ hội được “chia sẻ” kiến thức, cảm xúc, thái độ của mình là vô cùng quan trọng.

Và để thực sự trở thành công chúng thông minh, mỗi người cần có kiến thức sâu rộng để tiếp nhận thông tin trên tinh thần sẵn sàng phản biện. Và, mỗi cá nhân tiếp nhận thông tin, nhiều khi, lại cần thiết phải trở thành nguồn phát thông tin.

Nhưng, để có công chúng thông minh, những người làm báo, làm truyền thông chính thống cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong từng sản phẩm truyền thông.

Cù Thị Thanh Huyền