Những con chữ làm đổi thay cuộc sống người nông dân

22/04/2020, 23:29

Những con chữ làm đổi thay cuộc sống người nông dân - Xuống đồng bằng, ra biển cả rồi lại lên rừng sâu, những hành trình cứ liên tục cuốn tôi đi với những cảm xúc khác lạ, làm cùng, ăn cùng, ở cùng với các nhân vật của mình để có được cái nhìn từ bên trong, đồng cảm với họ...

Khó khăn vẫn còn bộn bề ở trước mắt nhưng lác đác tôi đã thấy những vật dụng mới, những manh áo mới, những nụ cười tươi mới ở nơi này

Từ những sự tình cờ

Giờ giải lao, trong lúc các đồng nghiệp báo, đài khác đang bận rộn phỏng vấn “sếp” công ty giống cũng như lãnh đạo địa phương, tôi lại chú ý đến những khuôn mặt ngơ ngác, có phần tồi tội của mấy nông dân người dân tộc. Làm quen thì được biết họ đang lo lắng vì đang mắc nợ các chủ đầu tư (đại lý giống vật tư nông nghiệp dạng tín dụng đen) rất nhiều, có người còn phải gán cả đất nương rẫy, trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Tôi liền mượn xe máy để thâm nhập bản làng dù lúc đó sau một cơn bão hầu hết các tuyến đường mòn đều hư hại, đa phần là dắt bộ chứ không đi được.

Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái nhà sàn to đẹp của ông Quàng Văn Cương nằm hoang lạnh ngay trên đường vào bản Mờn (xã Chiềng Lương). Căn nhà bị phát mãi bởi chủ của nó trót vay nặng lãi của chủ đầu tư (đại lý giống) để rồi long đong với phận ăn nhờ, ở đậu, vạ vật khiến ông phát bệnh thần kinh.

Tôi vẫn còn nhớ tiếng nhạc vui bập bùng phát ra từ túp lều rách nát trông còn tồi tệ hơn chuồng trâu của anh Vi Văn Tuấn ở bản Nà Nhụng (xã Phiêng Pằn). Tò mò, ngó vào bên trong, một người đàn ông tàn tật chỉ lê lết được bằng tay đang lim dim mắt, đắm say với tiếng nhạc cất lên từ cái đài được đánh đổi bằng cả một nương ngô.

Cũng như bao người dân ở đây từ hồi được các chủ đầu tư phỉnh nịnh, thuyết phục cho vay tiền, cho vay ngô giống, cho vay gạo mắm muối, anh Tuấn ký vào giấy vay 1 tạ gạo, 20 kg ngô giống với mức lãi cắt cổ. Cụ thể, giá ngô giống ở ngoài 70.000đ/kg nhưng chủ đầu tư cho nợ cuối vụ tính lên 130.000đ/kg, không trả nổi năm sau vọt lên 180 - 200.000đ/kg.

Ngược lại, giá mua ngô thương phẩm ở ngoài 4.000đ/kg nhưng bán cho họ chỉ được 2.500 - 3.000đ/kg mà không bán cũng không xong, tới vụ thu ngô sẽ có người đến quay phim, chụp ảnh những nông dân nào dám “cả gan” bớt lại 1-2 bao ngô để nuôi gà, nuôi lợn. Những con gà, con thì chết đói, con không chết nhưng lông cứ xù lên, không lớn vì thiếu ngô.

Người nào ốm đau, con cái cưới hỏi hay cha già, mẹ héo bắt buộc phải ký giấy vay tiền liền sập bẫy và mãi mãi không bao giờ rút ra được nữa. Lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng mấy mốc mà số lãi gấp 5-10 lần tiền vay ban đầu, ai không có tiền để trả thì liền bị bắt đất, xiết đồ đạc, bắt cả nhà để gán nợ. Bằng những thủ đoạn tinh vi, chỉ một thời gian ngắn, nhiều dân bản trở thành các con nợ, non nửa ruộng nương của bản bị xiết nợ.

Ngược Tây Bắc nếu chỉ nhìn lướt qua các thị trấn ven đường của Sơn La tòa ngang, dãy dọc, với những ô tô tiền tỉ hoành tráng thuộc vào hạng nhất nhì so với toàn bộ các tỉnh miền núi còn lại. Phần đa đó là nhà của những người dưới xuôi lên đây buôn bán, không ít trong số đó là các đại lý giống, vật tư phân bón. Nhưng ẩn sau vẻ hào nhoáng là sự tồi tàn, bần cùng, không lối thoát của nhiều phận người ở các bản làng vùng sâu bởi nạn vay nợ nặng lãi rồi phải gán nợ đất.

Nhiều con nợ chỉ biết ký mỗi cái tên hoặc lăn ngón tay vào lọ mực rồi điểm chỉ trên tờ giấy được đại lý soạn sẵn bởi không hề biết chữ. Nhiều con nợ quanh năm phải lệ thuộc vào chủ đầu tư, phải ăn đong, ăn chịu gạo, vài tuần không được biết đến mùi thịt cá, vài tháng không biết đến bộ quần áo mới, mắc bệnh cũng không dám đi khám chữa vì đã cháy túi.

Theo điều tra, chỉ riêng trên địa bàn 2 xã Phiêng Pằn và Chiềng Lương đã có 269 hộ vay nợ không có khả năng trả phải gán đất trồng ngô cho các chủ nợ với diện tích là 405 ha, tổng số tiền nợ trên 15,6 tỷ đồng.

Trên các triền núi, triền đồi là những màu xanh nhu nhú của mía, của dong riềng, của cây ăn quả các loại và cuộc sống no đủ của người dân hơn trước

Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp

Nông nghiệp Việt Nam trở thành tờ báo tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh tình trạng hàng trăm hộ trồng ngô của huyện Mai Sơn đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất vì bị gán nợ trái phép. Dư luận bàng hoàng và phẫn nộ. Hàng triệu lượt xem, hàng ngàn vạn lượt phản hồi tràn ngập trên các mạng, các diễn đàn. Hàng trăm cú điện thoại gọi về cho tòa soạn, cho tác giả chỉ để bày tỏ sự bất bình.

Huyện Mai Sơn đã thành lập hẳn Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng vay nợ tiêu dùng, gán nợ đất sản xuất do Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban. Các xã trọng điểm nợ cũng thành lập ra các Ban chỉ đạo để đốc thúc. Kết quả, một số chủ nợ đã phải trả lại đất cho người dân, phải chốt nợ, giãn nợ, không dám tính lãi suất cao, không cưỡng ép con nợ bằng những hình thức phi pháp. Hàng trăm con nợ được hưởng lợi trực tiếp từ động thái này nhưng cũng có hàng ngàn người khác được lợi gián tiếp từ những dự án khuyến nông, chương trình đầu tư cho toàn vùng.

Lần trở lại bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn của tôi vào tháng 6 năm 2017 này trên các triền núi, triền đồi là những màu xanh nhu nhú của mía, của dong riềng, của cây ăn quả các loại. Nông dân bắt đầu làm chủ chứ không chịu chấp nhận phận làm thuê cho chủ đầu tư trên chính mảnh đất của mình như trước...

Khó khăn vẫn còn bộn bề ở trước mắt nhưng lác đác tôi đã thấy những vật dụng mới, những manh áo mới, những nụ cười tươi mới ở nơi này./.

Dương Đình Tường