
Những chiến sĩ “cầm bút” trên tuyến đầu chống dịch
-
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay không có nhiều cờ hoa, thiếu đi buổi gặp mặt ôn lại sự nghiệp và đến cả buổi lễ trao giải báo chí tại nhiều tỉnh, thành cũng được rút gọn. Vậy nhưng, thời điểm những phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch mới là dấu mốc đẹp nhất cho một ngày lễ ý nghĩa – khi những chiến sĩ “cầm bút” miệt mài, hăng say phục vụ công tác thông tin đến nhân dân.
Phóng viên chuẩn bị vào khu cách ly thị xã Hoàng Mai
Khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát mạnh tại các tỉnh thành, nhiều nhà báo, phóng viên đã tham gia vào công tác thông tin trên tuyến đầu chống dịch. Dịch càng căng thẳng, công việc càng bộn bề và đối mặt nhiều hơn với các khó khăn và nguy hiểm, vậy nhưng nhiều người làm báo bày tỏ nhiệt huyết và vinh dự khi được đứng giữa tâm dịch, hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan giao phó, mang thông tin và góc nhìn đa chiều về cuộc chiến Y tế cộng đồng chưa từng có tại Việt Nam.
Hành trình tác nghiệp trong điều kiện mới
Trò chuyện cùng PV Tạp chí Người Làm Báo, anh Nguyễn Thành Chung, đang công tác tại phòng Văn xã – Báo Nghệ An – địa phương bùng phát dịch trong thời gian gần đây – vui vẻ kể về thời gian tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh bùng phát và tại khu cách ly cũng như khu điều trị. Anh là một trong những phóng viên sâu sát tình hình thực tế khi liên tục theo các đoàn công tác và đưa tin trực tiếp từ hiện trường.
Mặc dù nguy hiểm là vậy khi xâm nhập vào khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, không biết mình có thể mắc bệnh khi nào, anh Thành Chung vẫn tích cực và cho biết về ngôi nhà thứ 2 của mình: “Vào mùa Covid-19, lại nhiều lần xâm nhập vào vùng tâm dịch và có dịch, nên cũng muốn hạn chế sự tiếp xúc với gia đình. May là cơ quan có tạo điều kiện để anh em phóng viên tạm trú, tạm lánh trong khu vực riêng một thời gian”. Tòa soạn trở thành ngôi nhà thứ 2 đúng nghĩa như vậy, làm hậu phương vững chãi cho những chiến sĩ “cầm bút” an tâm xông pha.
Phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly tập trung của tỉnh
Mỗi khi vào khu cách ly, cũng giống với bao cán bộ y tế khác, những phóng viên, nhà báo đều phải sử dụng bộ đồ phòng hộ theo đúng quy cách từ việc mang vào, tháo ra; sử dụng kính chống giọt bắn và sát khuẩn máy móc tác nghiệp trước và sau khi xâm nhập hiện trường. Việc xét nghiệm với vi rút SARS-CoV-2 diễn ra thường xuyên hơn. Cũng như mọi người bình thường, anh Thành Chung chia sẻ sự lo lắng khi chờ đợi kết quả vì khả năng lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, mỗi lần xác nhận âm tính là một lần thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền.
Trách nhiệm hạnh phúc của người làm báo
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng yêu cầu người dân thực hiện giãn cách và hạn chế đi lại. Tuyến đầu chống dịch là những y bác sĩ, cán bộ y tế và lực lượng hỗ trợ có nhiệm vụ cao cả trong việc là lá chắn chống dịch cho nhân dân. Với những phóng viên, nhà báo, vì đặc thù công việc, nhiều người luôn phải đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch để kịp thời thông tin đến người dân, đồng thời hoàn thành trách nhiệm là cầu nối thông tin, hỗ trợ công tác truy vết, tuyên truyền đến người dân.
Các phóng viên tác nghiệp tại cảng Hàng không quốc tế của tỉnh Nghệ An
Với anh Thành Chung, công tác này mang trọng trách lớn đồng thời là nhiệm vụ hạnh phúc của một người phóng viên: “Chúng tôi muốn truyền tải tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, đồng thời mang đến hình ảnh chân thực, kịp thời nhất từ khu cách ly về sự chấp hành của người dân, sự vào cuộc đồng lòng của đội ngũ cán bộ tuyến đầu chống dịch. Nhờ đó, mỗi hình ảnh, thông tin là một viên gạch để xây dựng lòng tin và góc nhìn tích cực trong toàn dân, nhằm thực hiện mục tiêu kép mà Nhà nước đã xác định là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Khi nói về sự vất vả của tuyến đầu chống dịch, anh Thành Chung nhiệt thành tâm sự với PV Người Làm Báo về những người chiến sĩ áo trắng làm việc hết mình trong điều kiện khó khăn. Đặc biệt, người phóng viên Báo Nghệ An ấn tượng với nữ điều dưỡng Nguyễn Diệu Hằng đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dù có lúc kiệt sức và ngất xỉu trong bộ đồ phòng hộ. Anh cũng chia sẻ về căng thẳng của các cán bộ y tế khi phải làm việc suốt ngày đêm nhằm thực hiện xét nghiệm và nhanh chóng khoanh vùng dịch.
Vậy nhưng, khi đề cập đến công việc của mình dù cũng phải thức trắng nhiều đêm, đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch, anh lại khiêm tốn và cho rằng đó là công việc thường xuyên: “Sau khi ghi hình và tác nghiệp, chúng tôi lại trở về viết bài. Câu chuyện này với phóng viên chúng tôi cũng cũng không có gì đặc biệt”.
Anh Thành Cường (báo Nghệ An), đồng hành cùng phóng viên Thành Chung cũng được biết đến trong giai đoạn này như một người chiến sĩ, sẵn sàng tác chiến và mang đến các góc nhìn, bức ảnh ấn tượng về cuộc chiến chống Covid-19.
Phỏng vấn công dân tại điểm cách ly y tế trong Ngày hội bầu cử
Tại các tỉnh thành khác, nhiều phóng viên, nhà báo cũng phải gác lại cuộc sống thường nhật để đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch. Phóng viên trẻ như anh Nguyễn Quốc Toàn (Tạp chí Tri thức Trực tuyến Zing News) đã có trải nghiệm cách ly tập trung tại Bệnh viện Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó mang đến cho người dân một góc nhìn tích cực từ người trẻ về hành trình này. Hay anh Phạm Trường, (phóng viên thường trú Tạp chí Trực tuyến Zing News tại khu vực miền Trung) là một người đã có gia đình, lại chia sẻ về nỗi nhớ con và chỉ có thể gặp mặt qua cuộc gọi video, gặp người thân qua hàng rào chắn dù nhà chỉ cách chưa đến 2km. Tại các tỉnh thành miền Trung khác như Quảng Bình, Khánh Hòa,… dù chưa xuất hiện ca lây nhiễm với vi rút SARS-CoV-2, Đảng bộ, chính quyền cùng đội ngũ phóng viên, nhà báo đều tích cực trong công tác thông tin và sẵn sàng tác chiến để nâng cao tinh thần quyết liệt bảo vệ sức khỏe trong nhân dân.
Năm nay, những người làm báo sẽ kỷ niệm ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam 21/6 một cách thật đặc biệt, với người ở khu cách ly, người phục vụ công tác hậu phương hỗ trợ. Nhưng hơn hết, phóng viên, nhà báo toàn cả nước đã và đang một lòng hoàn thành một nhiệm vụ cách mạng, hỗ trợ hết mình cho Đảng, chính quyền cùng Nhân dân trong cuộc chiến không tiếng súng. Để khi nhìn lại, lịch sử được tái hiện và những người làm báo đã xuất sắc trong việc hỗ trợ công tác thông tin, ghi lại kịp thời toàn cảnh cho đến chi tiết khoảng thời gian anh hùng của đất nước.
Khánh Trinh


Tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Sẽ cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mẫu mới

Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn để hoàn thành các mục tiêu phát triển

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá

Vì sao Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông chính sách?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam

Khai giảng khóa Bồi dưỡng kỹ năng căn bản về báo chí – truyền thông năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển

Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Giải Báo chí quốc gia”

Bế mạc Hội báo toàn quốc: Tạp chí Người Làm Báo đoạt Giải B giải bìa báo Tết ấn tượng
