Nhớ mãi lời chúc Tết Giáp Thìn của Bác 60 năm trước

15:00 10/02/2024 - Văn hóa xã hội
Cách đây 60 năm, Thư chúc Tết Giáp Thìn 1964 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý nghĩa khích lệ đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước để từ đó làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Xuân Giáp Thìn nay, chúng ta nhớ về lời chúc Tết Giáp Thìn xưa của Người để cùng nhau đoàn kết trên con đường xây dựng nước Việt Nam mạnh giàu, phát triển phồn vinh; để nhân dân được đón xuân trong niềm vui hạnh phúc, yên bình như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép Thái Nguyên) ngày 1/1/1964. Ảnh: TL.

Xuân Giáp Thìn (1964) là năm thứ 4 miền Bắc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất. Lúc bấy giờ, cách mạng nước ta đang tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Hiểu rõ những thách thức mà đồng bào cả nước phải đối mặt giữa những ngày bom đạn rền vang, Bác Hồ đã đặt toàn tâm, toàn ý vào Thư chúc Tết gửi đến bà con với tất cả tình yêu thương, niềm tin tưởng lớn lao:

“Năm thứ 4 của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. 

Đồng bào miền Bắc hãy hăng hái thi đua yêu nước, đẩy mạnh hai phong trào trong công nghiệp, nông nghiệp và cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng miền núi. Đồng bào miền Nam đang anh dũng chiến đấu cho tự do độc lập và đang giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Đồng bào miền Bắc phải hết lòng ủng hộ đồng bào miền Nam, phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Kiều bào ở nước ngoài luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và hướng về Tổ quốc thân yêu.

“Bắc - Nam như cội với cành 

Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng 

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà 

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.

Bác mở đầu bức thư với lời kêu gọi đồng bào miền Bắc "hăng hái thi đua yêu nước", cùng nhau đẩy mạnh các phong trào để xây dựng hậu phương vững chắc. Đó là lời kêu gọi đầy cương quyết, mạnh mẽ mà vô cùng chân thành, mang theo cả tấm lòng của Người. Khi đó, Đảng chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh cây mới tốt" (1). Vì vậy, giữa không khí ngày xuân rộn ràng, trong phút Giao thừa thiêng liêng, Bác vẫn không quên động viên, nhắc nhở nhân dân miền Bắc phải đồng lòng nhất trí đi lên, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào.

Đặc biệt, Bác Hồ cũng dành lời khen ngợi "đồng bào miền Nam đang anh dũng chiến đấu cho tự do độc lập và đang giành được nhiều thắng lợi vẻ vang". Những lời ấy đã khích lệ đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu, hy sinh ở tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời, động viên hậu phương miền Bắc thêm vững vàng hơn trong cuộc “thử lửa” của lịch sử.

Bác nhắc đến mối quan hệ Bắc - Nam chặt chẽ, gắn bó "như cội với cành", nó không còn dừng lại ở tình thương giữa những người đồng bào, mà đã trở thành tình "anh em ruột thịt", một thứ tình cảm gia đình thiêng liêng, không thể chia cắt. Đã là anh em, thì gian nan cách mấy cũng sẽ bền chặt, đấu tranh vất vả nhưng luôn "một lòng".

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà". Một lần nữa, niềm tin, khát vọng về một ngày Việt Nam thống nhất được nhấn mạnh. Niềm tin ấy của Người không phải ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có cơ sở. Bác hiểu, Bác quý, Bác trân trọng những giọt mồ hôi, giọt máu, sự hy sinh cao cả của cả hậu phương và tiền tuyến, và Bác tin, những điều thiêng liêng ấy rồi sẽ hội tụ về nơi lá cờ độc lập tung bay. Bác Hồ tinh tế trao gửi niềm tin ấy cho nhân dân hai miền trong thời khắc chuyển giao của năm mới, như hạt giống tốt lành gieo vào trái tim mỗi người dân yêu nước một ngọn lửa khát vọng, để họ có ý chí nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng hành động cách mạng vì lý tưởng cao đẹp: Độc lập, tự do.

Khép lại Thư chúc Tết, Bác nhắn nhủ: "Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân". Những áng văn, thơ đầy hào hùng kiêu hãnh được chính Bác gói gọn trong hai từ "nôm na" một cách thực sự gần gũi, bình dị. Và chính những lời mộc mạc ấy đã lay động hàng triệu con tim, đã tiếp thêm sức mạnh, sự sống cho hàng ngàn chiến sĩ, và hơn cả, là đã xây nên nền hòa bình, độc lập hôm nay.

Mọi người đều có thể cảm nhận được niềm tự hào, yêu thương và niềm tin chiến thắng qua từng dòng Thư chúc Tết của Người. Có thể thấy, trong Thư chúc Tết của Bác Hồ năm Giáp Thìn 1964 cũng như những bài thơ Xuân chúc Tết của Người luôn thể hiện một niềm tin tất thắng về ngày mai độc lập, cùng với đó là lòng yêu nước mãnh liệt, tư tưởng chiến lược đề cao tinh thần đoàn kết của nhân dân.

Nhìn lại Thư chúc Tết - thơ mừng Xuân của Bác, chúng ta như thấy có một sợi chỉ dài xuyên suốt, nối liền những trái tim yêu nước thành một khối đoàn kết vững mạnh. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người nắm giữ hai đầu sợi chỉ đỏ tình đồng bào mãi mãi gắn kết, khối đoàn kết toàn dân mãi mãi bền chặt. Và từ đó, Người cùng Đảng ta khơi dậy trong lòng đồng bào cả nước tình yêu Tổ quốc nồng nàn, thổi bùng lên ngọn lửa chiến đấu hừng hực, khiến nhân dân cả nước có thêm động lực để hăng hái lao động, góp phần vào nhiệm vụ dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Những ngày này, cả nước ta đang đón chào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Thư chúc Tết năm Giáp Thìn 1964 đã trở thành hiện thực. Khắc ghi lời dạy của Bác, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước đang tiếp tục chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng nước Việt Nam mạnh giàu, phát triển phồn vinh, để nhân dân được đón xuân trong niềm vui hạnh phúc, yên bình như mong muốn của Bác kính yêu!

Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.14, tr.224.

Theo dangcongsan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top