
Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông
-
Sáng 27/10, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN với chủ đề "Nhận diện suy thoái và "tự chuyển hóa" qua báo chí truyền thông" nhằm chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917 - 2017).
Toạ đàm trực tuyến Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông
Toạ đàm trực tuyến Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông do Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người Làm Báo, Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức nhằm khẳng định những giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười (CMTM), nhận diện sâu thêm về những thăng trầm của lịch sử trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH), sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí cở mở, dân chủ, hết sức thẳng thắn. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp thu mọi ý kiến, tham luận để đề ra chương trình hoạt động trong thời gian tới.
Tọa đàm thu hút hàng chục ý kiến tham luận đi sâu phân tích, lý giải những nội dung theo chủ đề và câu hỏi mà BTC đặt ra;Tọa đàm đã chuyển tải được nhiều nội dung thông tin ,nhiều thông điệp đến với lãnh đạo các cấp và công chúng.
Tọa đàm góp phần nhận diện,nhận thức sâu thêm về chân lý của CMTM, của CNXH,đồng thời chỉ rõ những khó khăn,thử thách của khúc quanh lịch sử mà CNXH đang phải đối măt. Trong đó có những ý kiến có tầm trí tuệ đã phản biện sâu,phản bác những tư tưởng phủ định Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, giá trị lịch sử của CMTM,khẳng định chân lý của thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.
Đặc biệt, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp quan trọng, cụ thể để diệt trừ tệ nạn tham nhũng, quét “giặc nội xâm”, đồng thời đề cao việc sửa lỗi hệ thống, kiên quyết xoá bỏ cơ chế xin cho, sửa sai triệt để công tác cán bộ, xoá bỏ vấn nạn mua chức, bán quyền, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là cần đột phá triệt để thực thi dân chủ.
Góp phần chống suy thoái, tham nhũng
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hà Đăng cho rằng nội dung, chủ đề tọa đàm đề cập đến những nội dung rất quan trọng. Tọa đàm giúp rút ra những bài học kinh nghiệm để đấu tranh quyết liệt chống lại suy thoái, tự chuyển hóa. "Cách mạng làm thế nào để tự bảo vệ mình, nhưng cũng có niềm tin rằng sẽ giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh sắp tới', nhà báo Hà Đăng phát biểu.
Nhà báo Hà Đăng phát biểu tại Tọa đàm
Trước đó, phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, thế giới đã trải qua 100 năm lịch sử kể từ CMTM Nga thành công. CMTM đã mở ra một thời đại mới thời đại quá độ từ Chủ nghĩa Tư bản (CNTB) lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH).
Bên cạnh đó, CNXH mới ra đời, tuy giành được nhiều thắng lợi huy hoàng, thành công vang dội trong đấu tranh giải phóng, giành độc lập tự do cho các dân tộc thuộc địa, nhưng do trải bước trên con đường mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều,nhiều vấn đề còn mang tính thử nghiệm, cùng với sự nóng vội, bệnh chủ quan duy ý chí và giáo điều, các đảng cộng sản đã gặp những sai lầm trong tổ chức xây dựng mô hình xã hội mới. "Có thể nói 100 năm qua, Chủ nghĩa xã hội ra đời và thắng thế,nhưng do những sai lầm, CNXH đông âu và liên xô sụp đổ sau 73 năm xây dựng, hệ thống CNXH tan rã và đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách", nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định:
"Để góp phần chống suy thoái, tham nhũng, diệt trừ “ giặc nội xâm” ngăn chặn đẩy lùi nguy cơ đe doạ đến tồn vong của chế độ, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của TW 4 khoá XII của Đảng, thực hiện chỉ đạo về tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương trong dịp kỷ niệm 100 năm CMTM Nga thành công, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội: Cổng Thông tin Điện tử, Tạp chí Người làm báo và Báo Nhà báo & Công luận tổ chức cuộc toạ đàm trực tuyến mang tên: Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hoá” qua báo chí truyền thông. Mục đích của cuộc toạ đàm nhằm khẳng định những giá trị lịch sử của CMTM, nhận diện sâu thêm về những thăng trầm của lịch sử trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH,sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” đồng thời phê phán nhận thức lệch lạc,chệch hướng, tôn sùng chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân của một số cán bộ đảng viên thông qua các tác phẩm báo chí truyền thông, góp phần cùng toàn đảng xây dựng quyết tâm Chống “ giặc nội xâm” sửa chữa sai lầm,khuyết điểm xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo được bước đột phá mới trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, củng cố được niềm tin của nhân dân tiếp tục đi theo ánh sáng của CMTM".
Đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”
Cũng qua tọa đàm trực tuyến, đồng thời phê phán nhận thức lệch lạc, chệch hướng, tôn sùng chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân của một số cán bộ đảng viên thông qua các tác phẩm báo chí truyền thông, góp phần cùng toàn Đảng xây dựng quyết tâm chống “ giặc nội xâm”; sửa chữa sai lầm, khuyết điểm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo; tạo được bước đột phá mới trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, củng cố được niềm tin của nhân dân tiếp tục đi theo ánh sáng của CMTM.
Về nhiệm vụ đấu tranh chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trên báo chí truyền thông, Tiến sĩ Trần Bá Dung cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu trước đây rõ ràng có ảnh hưởng của báo chí, hôm nay cũng thế, báo chí có thể thổi bùng từ sự manh nha thành một ngọn lửa. "Báo chí tiếp tục phát huy là vai trò xung kích, như Giải báo chí Quốc gia gần đây có nhiều tác phẩm đề cập những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến và đã đạt giải cao. Nhiều loạt bài đi vào biểu hiện cụ thể lẫn lý luận để tuyên truyền cho nội dung "9 biểu hiện" trong Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu', TS Trần Bá Dung nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi- Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo phát biểu
Vấn nạn "chạy" trong báo chí
Về vấn nạn “chạy” trong lĩnh vực báo chí truyền thông, TS Trần Bá Dung đồng tình với loạt bài viết về "chạy" gần đây gây tiếng vang trong dư luận. Theo TS Dung, "chạy" có trong mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có báo chí. "Soi chiếu trong lĩnh vực báo chí quyền thông, 3 mục đích của chạy là có quyền, tiền, thậm chí tình. Chạy để có chức có quyền trong lĩnh vực báo chí dù tôi không có bằng chứng nhưng nói “Không” thì không ai tin. Gần đây có biểu đáng chú ý là hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Chạy làm mất niềm tin với báo chí, tạo thói quen tiền lệ xấu, biểu hiện của sự mất công bằng giữa các cơ quan báo chí. Hiện Hội Nhà báo Việt Nam đã có phần mềm theo dõi báo điện tử đăng và gỡ tin bài", TS Dung cho biết.
Tuy nhiên, TS Dung cũng cho rằng nên phân biệt có chuyện “không gặp” vẫn có thể gỡ, chỉnh sửa tin bài một cách chính đáng.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hoà Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo VN, tác giả của loạt bài báo “Chống được “chạy” sẽ thành công”, đề cập đến 2 nguyên nhân chính của “chạy”: Do yếu kém trong quản trị quốc gia; sai sót trong công tác cán bộ. Cần có hệ thống pháp luật không bảo vệ lợi ích nhóm, bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ, không để tồn tại cơ chế xin cho và nó phải được thực thi trên thực tế.
Đại tá quân đội về hưu Nguyễn Danh Giáp đánh giá vai trò của báo chí rất to lớn trong đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tự chuyển hóa. Những năm qua, báo chí không chỉ đi vào hiện tượng tiêu cực mà đi sâu làm rõ nguyên nhân, định danh được bản chất sự việc, tác hại khôn lường của nó đối với sự nghiệp xây dựng cách mạng ở nước ta, chỉ ra giải pháp căn cơ giúp Đảng, chính quyền kịp thời sửa chữa thiếu sót, khắc phục hạn chế. "Tác hại của việc “chạy”, làm đảo lộn, rối loạn trật tự kỷ cương xã hội, đạo lý xuống cấp", Đại tá Giáp nhấn mạnh.
TS Hoàng Xuân Lương phát biểu tại tọa đàm
TS Hoàng Xuân Lương hoàn toàn đồng tình với đánh giá của rất nhiều nhà nghiên cứu là hơn 90 triệu dân nước Việt không thiếu người tài, thời nào cũng vậy. Chỉ có điều công tác cán bộ làm sao phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài một cách hiệu quả, để họ cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Tuyển chọn người thực tài cả về năng lực và đạo đức “ vừa hồng, vừa chuyên” (Hồ Chí Minh) thì mới có lợi cho nước, cho dân.
Thế nhưng, chúng ta lại chưa có cơ chế để tuyển dụng đúng người tài để sử dụng vào những vị trí trọng yếu? Lịch sử của dân tộc ta, của đất nước ta đã chứng minh rằng, tại bất cứ thời điểm lịch sử nào, dân tộc ta cũng tìm được người giỏi để trao cho họ sứ mệnh lịch sử dân tộc. Chúng ta đang vấp phải khó khăn trong công tác cán bộ khi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực đang là một vấn nạn. Hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ chính là nạn chạy chức, chạy quyền. Vì sao chạy chức, chạy quyền lại xảy ra tràn lan? Tôi lấy ví dụ, ngay một anh cấp phòng ở cấp Huyện đã phải chạy rồi, để chạy được chức đó cũng phải bỏ ra một khoản tiền, khi đạt được rồi thì họ lại tìm mọi cách để bù đắp lại. Chức nhỏ đã vậy, đã chạy thì cái anh cấp trên chắc còn làm lớn hơn nữa, nên cuối cùng cả một xã hội thành một hệ thống chạy, vấn đề này tôi rất đồng tình với loạt bài “Chống được Chạy sẽ thành công” của nhà báo Nguyễn Hòa Văn. Nếu như chúng ta không chịu đổi mới thì chắc chắn chuyện chạy chọt chức quyền trong cán bộ không thể khắc phục được.
Một số hình ảnh khác tại buổi tọa đàm:
TS Nhị Lê phát biểu tại tọa đàm
PGS, TS Lương Ngọc Vĩnh phát biểu tại tọa đàm
Đại tá Nguyễn Danh Giáp phát biểu tại tọa đàm
Nhà báo Nguyễn Hoà Văn phát biểu
Nhà báo Hà Minh Huệ phát biểu tại tọa đàm
Nhà báo Lê Quốc Trung phát biểu tại tọa đàm
Nhà báo Phan Khắc Hải phát biểu tại tọa đàm
Toạ đàm Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông tập trung vào 3 nội dung chính: Một là, Cách mạng Tháng Mười và tương lai nhân loại; Hai là, nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” của một bộ phận đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những hệ lụy và nguyên nhân của suy thoái, “tự chuyển hóa”; Ba là, các giải pháp quan trọng chống suy thoái và “tự chuyển hóa” với mục đích nhằm tuyên truyền ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với Việt Nam qua các thời kỳ; khẳng định tính đúng đắn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, phê phán những nhận thức lệch lạc, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong Đảng.
Đông đảo phóng viên tác nghiệp
Phát biểu tổng kết, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Tọa đàm đã chuyển tải được nhiều nội dung thông tin, nhiều thông điệp đến với lãnh đạo các cấp và công chúng báo chí cả nước. Cuộc toạ đàm đã góp phần nhận diện, nhận thức sâu thêm về chân lý của CMTM, của CNXH, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức của khúc quanh lịch sử mà CNXH đang phải đối măt.
Nhiều ý kiến có tầm trí tuệ đã phản biện sâu, phản bác những tư tưởng phủ định Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, giá trị lịch sử của CMTM, khẳng định chân lý của thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Qua báo chí và Truyền thông, chúng ta đã nhận diện sâu hơn, đầy đủ hơn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Một bộ phận không nhỏ này đang là nguy cơ đe doạ tồn vong của chế độ, đang làm suy yếu đảng, làm sai lệch mục tiêu lý tưởng cách mạng của đảng và là tác nhân làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với đảng.
Một số ý kiến đã đi sâu phân tích hệ luỵ mà do sự suy thoái, tha hoá trong đảng, trong bộ máy nhà nước tạo ra. Càng chứng minh sâu sắc luận điểm của Lê Nin rằng: Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Nhiều ý kiến tâm huyết, không chỉ liên hệ thực tiễn mà còn kiến giải những vấn đề nóng bỏng mà đất nước ta đang phải “vượt cạn” để tạo sự hồi sinh, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối nghị quyết của Đảng.
Các đại biểu đề xuất một số giải pháp quan trọng để diệt trừ tham nhũng, quét “giặc nội xâm” được báo chí nêu và được đặt vấn đề trọng tâm nêu ra trong toạ đàm có những điểm mới. Trước mắt, cần đề cao việc sửa lỗi hệ thống, kiên quyết xoá bỏ cơ chế xin cho, sửa sai triệt để công tác cán bộ, xoá bỏ vấn nạn mua chức, bán quyền, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là cần đột phá triệt để thực thi dân chủ.
Báo chí – truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không chỉ là vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận, mà thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh điều đó. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ như nó cần được nhận thức.
Không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẻ vang đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó và luật pháp quy định là “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kĩ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quyền con người. Về phía lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam có Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Phan Khắc Hải, Nguyên Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Hà Minh Huệ, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Trần Gia Thái, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, các Đồng chí lãnh đạo Học viện Báo chí Tuyên truyền, Khoa Báo chí Truyền thông Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các Đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Hà Nội và các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các Đồng chí lãnh đạo các Ban, Đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. |
Nhóm P.V

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
