
Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân: Cả cuộc đời đam mê, sáng tạo và giàu sáng kiến
-
Cuộc đời hoạt động của bà là chuỗi mạch đập không ngừng nghỉ, không tách rời của sự say mê đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất với sự miệt mài sáng tạo. Sự sáng tạo trong con người bà được phát triển hài hòa trong cả lĩnh vực khoa học và quản lý kinh tế, tiếp cận thị trường thật độc đáo.
Hơn 50 công trình, 12 bằng Lao động sáng tạo được ứng dụng vào sản xuất đặt hiệu quả kinh tế cao, Huy chương Vàng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Huy chương Danh nhân Who's who của tổ chức Who's who Danh nhân Mỹ, giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc Kovalevskaia, 02 giải nhất VIFOTEC, Giải thưởng Thăng Long Hà Nội…
Thành tích và sự vinh danh ấy thuộc về bà - nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân, một hiện tượng kinh tế của thời kỳ đổi mới, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, người sáng lập Công ty Việt Hà, tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng một thời…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (trái) và nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân trong Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.
Trong lễ trao giải Kovalevskaia - giải thưởng dành cho những nhà khoa học nữ xuất sắc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gọi bà Nguyễn Thị Anh Nhân là nhà khoa học của thực tiễn sản xuất.
Tại lễ kỉ niệm 60 năm Hội cựu nữ sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Phong – nguyên UVTU Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đặc phái viên của Chính phủ về tư vấn khoa học công nghệ đã phát biểu về cựu nữ sinh xuất sắc từ những khóa đầu tiên của Trường Bách Khoa rằng: “Chị Anh Nhân là một con người đáng được kính nể, quý trọng; một nhà khoa học xuất sắc. Chị đã có nhiều đóng góp cùng những công trình khoa học đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao. Không chỉ là nhà quản lý giỏi, chị còn là nhà sản xuất giỏi. Nhắc đến chị là nhắc đến một gương mặt rất đại diện cho trường Bách khoa, một đại biểu quốc hội, một doanh nhân Tâm – Tầm, một nhà khoa học giàu sáng kiến”…
Tên tuổi của Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân luôn được nhắc tới cùng với những thành công của thời kỳ đổi mới của Thủ đô, đất nước; của lao động sáng tạo, của những sáng kiến khoa học.
Tài năng và sự thành công đã đưa tên tuổi của Nguyễn Thị Anh Nhân tràn ngập trên các mặt báo và trở thành cái tên “hot” thời bấy giờ. Không chỉ báo chí trong nước mà giới truyền thông thế giới cũng viết về bà. Trên các kênh thông tin của AFP, CNN, BBC...; có hẳn một chuyên san giới thiệu 36 nhà doanh nghiệp nữ của 7 nước Đông Nam Á thành đạt trong đó có Nguyễn Thị Anh Nhân ở Việt Nam; cuốn sách “Who’s who of the Asian Pacific Rim” (Những người tiêu biểu ở Châu Á Thái Bình Dương, ngài là ai?) xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1997 - 1998 - khắc họa tiểu sử của 3.588 cá nhân có ảnh hưởng nhất Châu Á - Thái Bình Dương; cuốn sách “Added Value” (Giá trị gia tăng) - xuất bản ở Otxtrâylia năm 2000, nói về cuộc sống của 69 nữ doanh nhân hàng đầu Đông Nam Á thuộc mười quốc gia và cái tên Nguyễn Thị Anh Nhân đều nằm trong số đó… Tên tuổi của bà luôn được nhắc tới cùng với những thành công của thời kỳ đổi mới của Thủ đô, đất nước; của lao động sáng tạo, của những sáng kiến khoa học.
Bà đỡ “mát tay”… 5 lần cứu nhà máy
Bà đỡ mát tay hay chính sự lao động sáng tạo của nhà khoa học Nguyễn Thị Anh nhân đã năm lần bảy lượt cứu nhà máy khỏi nguy cơ giải thể.
Lần thứ nhất, khi bà được điều về nhà máy miến (Bộ Công Nghiệp Nhẹ ), sản xuất miến đậu xanh theo công nghệ của Trung Quốc, sợi miến như sợi bún có độ dai treo được trên dây. Chiến tranh xảy ra, đậu xanh dành cho bộ đội làm giá đỗ thay rau xanh phục vụ các chiến sỹ trên mặt trận. Bà đã nghiên cứu sử dụng các loại tinh bột khác như ngô khoai sắn làm nguyên liệu đạt chất lượng như đậu xanh.
Lần thứ hai, khi Nhà máy hóa chất của Việt Trì bị bom mỹ đánh phá không có a xít để sản xuất bà lại nghiên cứu thay phương pháp hóa giải sang phương pháp vi sinh, nhờ đó nhà máy trở lại sản xuất bình thường.
Lần thứ ba, Trung Quốc cắt viện trợ đậu tương không còn nguyên liệu chính để sản xuất nước chấm.
Trong tình thế ấy, bà lại mày mò nghiên cứu chuyển sang lấy hạt bo bo do Liên Xô viện trợ làm nguyên liệu sản xuất. Điều bất ngờ là, do cấu tạo của hạt bo bo nên chất lượng nước chấm ngon hơn cả nước chấm được làm từ hạt đậu tương và sáng tạo này đã giúp nhân dân Thủ đô không phải ăn bo bo nhưng vẫn có nước chấm magi chất lượng cao.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân say mê, đưa tiến bộ khoa học vào ứng dụng thực tiễn và sản xuất.
Lần thứ tư, khi nhà nước xóa bao cấp nước chấm không cung cấp tem phiếu, nhà máy lại đứng trước nguy cơ hàng sản xuất ra không có khả năng tiêu thụ. Bà lại tìm mọi cách đi chào hàng nước chấm và ngày 28/7/1987 được Bộ Y Tế (Liên Xô) đồng ý cho nhập khẩu vào (Liên Xô), vậy là hàng ngàn tấn nước chấm được xuất khẩu, nhà máy hoạt động trở lại bình thường, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước từ những đồng rúp/Đô la được chuyển về.
Đó là điều khó tin lúc bấy giờ, khi mà giữa những khó khăn của những năm đầu đổi mới, xóa bỏ bao cấp, tự hạch toán kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp vì không thích ứng được điều kiện mới đã phải giải thể thì Nhà máy của bà không chỉ hoạt động ổn định mà còn thu được ngoại tệ nhờ xuất khẩu. Thế nhưng vừa qua cơn sóng cả, số phận như lại muốn trêu ngươi, thêm một lần thử sức người cầm lái.
Lần thứ 5 bà cứu nhà máy. Đấy là những năm 1989-1990, công việc đang thuận buồm xuôi gió thì bất ngờ nhiều mặt hàng xuất khẩu bị đình lại do biến động chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhà máy rơi vào tình thế mà chính Bí thư Đảng ủy Nhà máy cũng phải thốt lên rằng: “Lần này bà Nhân hết cách, nhà máy tùy nghi di tản”.
Kỹ sư Nguyễn Thị Anh Nhân, Đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người xây dựng, sáng lập và đặt nền móng cho sự phát triển của Công ty Việt Hà. Bà là tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là "con đẻ của thời kỳ đổi mới", mà ngày nay đã trở thành "niềm tự hào bia nội".
Song, trước sóng cả mới rõ tay người chèo lái. Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân lại bắt tay vào nghiên cứu sản xuất đa dạng các sản phẩm cao cấp, các loại bánh, kẹo, dấm, mỳ ăn liền, vải sấy khô, , rượu và bia Halida đã ra đời – trở thành biểu tượng đứa con đẻ của thời kỳ đổi mới.
Sự kiện này cũng chấm dứt thời bao cấp, nhà máy là đơn vị nộp ngân sách cao nhất của Thành phố. Nhận định về Halida, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu: Halida – niềm tự hào bia nội.
Nhiều năm sau này, trong một bài báo, nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội đã viết: Còn nhớ cách đây vài chục năm (1992) thương hiệu bia Halida là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam được hãng bia Đan Mạch nổi tiếng thế giới trả tiền bản quyền hàng triệu đô la để góp vốn bằng uy tín. Thương hiệu Halida là một tài sản vô giá, và đến nay bia 333, Vinamilk cũng góp vốn bằng bán quyền thương hiệu của mình.
Cuộc đời hoạt động của Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân là chuỗi mạch đập không ngừng nghỉ, không tách rời của sự say mê đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất với sự miệt mài sáng tạo, triển khai, dùng thực nghiệm khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế trong sản xuất để chứng minh những giả thuyết khoa học kỹ thuật và làm phong phú thêm vốn kiến thức khoa học công nghệ.
Sự sáng tạo trong con người nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân được phát triển hài hòa ở cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật, và cả trong quản lý kinh tế, mở rộng việc tiếp cận thị trường thật độc đáo.
Con người Nguyễn Thị Anh Nhân cứ như được sinh ra là để sẵn sàng làm những điều đặc biệt, để luôn xuất hiện đúng thời điểm trước mọi tình huống cần đến bà. Sự sáng tạo trong con người bà được phát triển hài hòa ở cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật, và cả trong quản lý kinh tế, mở rộng việc tiếp cận thị trường thật độc đáo.
Chính từ những kết quả hoạt động trong khoa học công nghệ, bà đã góp phần có tính quyết định vào sự thành công và phát triển nhảy vọt của công ty khi bà nắm giữ vai trò lãnh đạo.
Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học
Từ một kỹ sư mới ra trường rồi bằng tài năng, sự đam mê sáng tạo, bà Nguyễn Thị Anh Nhân được tin tưởng giao cho giữ các vị trí từ tổ trưởng nghiên cứu, phó phòng, trưởng phòng, rồi giám đốc và chỉ sau một thời gian ngắn đề bạt Tổng giám đốc liên doanh bia Đông Nam Á, Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp thực phẩm vi sinh Hà Nội. Nhưng người phụ nữ tài năng ấy lại không nhận về mình những danh hiệu, những học hàm, học vị mà trên cả chị nhận về mình sự yêu mến, cảm phục của cộng đồng, xã hội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân - Nguyễn Ngọc Anh
Với những thành tích đặc biệt trong nghiên cứu khoa học – 12 bằng lao động sáng tạo và hơn 50 công trình nghiên cứu có giá trị đã được ứng dụng vào sản xuất của bà, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khiển, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội ngày ấy đã đề nghị làm đặc cách tiến sĩ cho bà Nguyễn Thị Anh Nhân. Song do công việc điều hành nhà máy quá bận nên bà đã cảm ơn và khước từ.
Mở cửa, hòa nhập với thế giới không phải chỉ đón nhận từ bên ngoài mà còn vươn ra khẳng định chỗ đứng giữa thế giới công nghiệp hiện đại. Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân trở thành “một hiện tượng kinh tế của nhiều thập niên trước đã đóng góp hữu ích cho Thủ đô, cho đất nước”. Từ biệt danh “bà nước chấm” đến câu chuyện về người phụ nữ làm bia, câu chuyện cứu Nhà máy… là hành trình ghi dấu ấn của nhà khoa học lấy thực tiễn làm cơ sở của bà Nguyễn Thị Anh Nhân.
Nói như một bài báo nước ngoài rằng: “Lịch sử thành công của bà Nguyễn Thị Anh Nhân là điển hình cho những nhà doanh nghiệp đã thích ứng được với cơ chế ngặt nghèo của thị trường...”. Có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Thành công của bà có điểm xuất phát chính từ trái tim của nhà khoa học luôn gắn với thực tiễn, hi sinh vì thực tiễn.
Một người phụ nữ nhỏ bé nhưng lại có nghị lực và sức sáng tạo từng khiến giới khoa học trong và ngoài nước nể phục! Từ một xí nghiệp Nhà nước bao cấp 100% chuyên sản xuất nước chấm theo tem phiếu cung cấp cho nhân dân Thủ đô, mà ngày đó theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Đặng Giá "nước chấm là nguồn cung cấp đạm chủ yếu cho nhân dân", sau 30 năm trở thành nhà máy nộp Ngân sách cao nhất Thành phố. Thành quả ấy thật đáng nể và nếu không có một nữ tướng như bà cầm trịch thật khó thành công.
Đại biểu Nguyễn Thị Anh Nhân phát biểu tại kỳ họp Quốc hội khóa XI
Những công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất của nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân đã đem lại giá trị thực tiễn vô cùng to lớn, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Và bản thân bà được nhận tiền thưởng cao nhất nước - tiền thưởng được trích từ hiệu quả kinh tế do sáng kiến của chị mang lại.
Bà kể, khi làm Tổng Giám đốc Công ty liên doanh bia Đông Nam Á, phía Đan Mạch đề nghị lượng của chị hơn 10.000USD (cao hơn lương Phó Tổng người Đan Mạch) nhưng bà đề nghị được nhận mức lương thấp hơn. Khi được lãnh đạo Thành phố hỏi lý do, bà đã trả lời rằng: “em phải tiết kiệm lấy tiền phát triển nhà máy”.
Đóng vai nhà khoa học, nhà quản lý doanh nghiệp hay vai chính khách trên nghị trường bà Nguyễn Thị Anh Nhân luôn để lại cho người đối diện những ấn tượng sâu sắc bởi tư duy, cách nghĩ, cách làm sáng tạo. Đặc biệt những lời khen tặng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bà phát biểu đã mang lại nguồn động viên lớn cho bà.
Niềm vui của Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân và người bạn đời GS Nguyễn Ngọc Anh - Ông bà đã trở thành tấm gương lao động, công hiến mẫu mực cho con cháu, cho cộng đồng.
Cảm phục bà Nguyễn Thị Anh Nhân không chỉ bởi tài năng mà còn bởi ở bà một trái tim giữ lửa gia đình, ấm lòng nhân ái. Với Nhà máy, bà Anh Nhân không chỉ quan tâm chăm sóc đời sống CBCNV, bà còn luôn chú ý ưu tiên nhận về Nhà máy con em các gia đình liệt sĩ, con em thương binh, gia đình bị chất độc da cam, những hoàn cảnh khó khăn… Ngay cả sau này, khi đã về hưu, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển,…
Với gia đình, bà là người vợ người mẹ tuyệt vời. Cùng với chồng - GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, chị đã chăm lo, nuôi dạy các con trưởng thành. Hai con trai của ông bà đều đã mang hàm Thứ trưởng, cháu nội đã làm Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về đô thị thông minh…
Hạnh phúc của bà thật khiến người ta cảm phục. Ông bà đã trở thành tấm gương lao động, công hiến mẫu mực cho con cháu, cho cộng đồng.
Những phần thưởng cao quý
12 bằng Lao động sáng tạo, Huy chương Vàng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Huy chương Danh nhân Who’s who của tổ chức Who’s who Danh nhân Mỹ, giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc KOVALEVSKAIA, 02 lần nhận Giải VIFOTEC các năm (1993, 2002), Giải thưởng Thăng Long Hà Nội Phụ nữ xuất sắc và đặc biệt chị được nhiều báo chí trong và ngoài nước khen ngợi hết lời trong các bài báo viết về chị
Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…Đơn vị đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Tiêu biểu trong đó là Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới năm 2006.
Thảo Chi


Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX

Tuyên dương gương mặt trẻ Cảnh sát biển tiêu biểu

Đoàn thanh niên Công ty Nhiệt điện Thái Bình hưởng ứng Tháng thanh niên

Khởi động chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch” năm 2023

Tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay"

Phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm 2023

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên

Hà Nội tổ chức đồng loạt 26 điểm quyết toán thuế năm 2022

Lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Báo Sức khỏe và Đời sống ký giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa báo chí
