Nhà báo Xuân Thủy - người thắp lửa cho sự nghiệp đào tạo báo chí cách mạng
20:38 27/07/2023
- Vấn đề sự kiện
Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, cha từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hồi đầu thế kỷ XX và đã trao truyền lý tưởng, tinh thần yêu nước, ngọn lửa cách mạng cho con trai mình. Bởi thế, ngay khi đến tuổi lên Hà Nội học, ông bắt đầu tham gia các tổ chức yêu nước có chủ trương chống thực dân. Cũng chính từ đây, hoạt động cách mạng dùng vũ khí là ngòi bút để “phò chính, trừ tà” của ông chính thức bắt đầu. Bút danh Xuân Thủy cũng ra đời trong thời kỳ này và gắn liền với sự nghiệp của một nhà báo cách mạng.
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968_Ảnh: TL
Nhà hoạt động cách mạng trên mặt trận tư tưởng
Bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX, Xuân Thủy là đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội sớm được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cách mạng vô sản. Ông cùng với các cộng sự tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ vào ban đêm; lập nhóm đọc sách, báo tiến bộ, tổ chức các cuộc mít-tinh chống sưu cao, thuế nặng, đòi cơm áo, hòa bình... cho nhân dân. Bén duyên với ngòi bút vì hoạt động giác ngộ cách mạng, ngoài 20 tuổi, Xuân Thủy đã có bài đăng trên các báo “Tin Tức”, “Đời nay”. Do năng nổ trong những hoạt động yêu nước, chống thực dân nên từ năm 1938 - 1943 ông bị chính quyền giặc bắt giam. Tuy nhiên, ngay trong nhà tù Sơn La, Xuân Thủy vẫn hoạt động cách mạng bằng cách viết báo, ông cùng bạn tù là nhà báo Trần Huy Liệu bí mật xuất bản tờ Suối Reo, vừa để tiếp tục công tác tuyên truyền vừa động viên các bạn tù kiên trì vượt khó, đợi thời cơ cách mạng. Chính vì những hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ đó, năm 1941 ngay khi còn ở trong tù, ông được Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức kết nạp, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Đây cũng là thời gian Đảng ta chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ dân tộc, đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.
Do chiến tranh, địch khủng bố, bắt bớ, cấm đoán, nhiều nhà xuất bản, cơ quan báo chí, nhà báo, nhà cách mạng trong khoảng thời gian này bị bắt, bị giam cầm, tù đày, đặc biệt có nhiều đồng chí chiến sĩ cách mạng đã hy sinh như: Đồng chí Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến... những mất mát đó của cách mạng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tờ báo cách mạng nước ta. Trước tình thế đó, Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 8 chỉ rõ: về mặt tuyên truyền, phải áp dụng một chiến thuật hết sức mềm dẻo, thống nhất, thích hợp với chính sách cứu quốc của Đảng và sát hợp với tình thế xảy ra hàng ngày, phải tránh những lối tuyên truyền khô khan, trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ, búa liềm không nên dùng. Các sách, báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc, Việt Minh thay vào. Đây cũng chính là lý do, tờ báo mang tên Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời và trở thành một trong những tờ báo cách mạng hoạt động tiêu biểu trong thời kỳ này.
Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc ra số đầu tiên góp phần ghi dấu lịch sử hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam. Đến đầu năm 1944, Xuân Thủy được thả tự do và trở lại hoạt động cách mạng, lúc này ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là Chủ nhiệm của tờ báo. Trên cương vị mới, Xuân Thủy phụ trách hoàn toàn mọi vấn đề từ tòa soạn, nhà in đến phát hành. Vậy nên, ông vừa là lãnh đạo nhưng đồng thời cũng là cây bút chủ lực của tờ báo. Tác phẩm của Xuân Thủy chứa đựng tính nhân văn, khơi gợi tinh thần đoàn kết của dân tộc; lên án, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù từ đó tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Có thể kể đến những tác phẩm gây tiếng vang của ông thời bấy giờ như: Tiễn bạn chiến khu, Nhật chết đến nơi, Không đóng một xu thuế cho Nhật, Tiễu trừ Việt gian... đặc biệt, năm 1944, khi chưa đến ngày Nhật đảo chính Pháp, Xuân Thủy đã viết bài đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/10 với tựa đề Đông Dương sắp thành bãi chiến trường, và những dự báo này của ông đã trở thành sự thật, lịch sử được cả thế giới biết đến vào ngày 9/3/1945 khi xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Đặc biệt hơn nữa, tối ngày 19/12/1946, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Báo Cứu Quốc ra số đặc biệt với lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài xã luận ký tên Xuân Thủy được đặt ngay trên trang nhất của tờ báo. Đây là một số những tác phẩm thể hiện sự nhạy bén của ngòi bút Xuân Thủy trong hoạt động cách mạng bí mật, và đồng thời cũng chính là nguồn tư liệu vô cùng quý giá đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Thủy cùng với Báo Cứu Quốc ra hoạt động công khai và trở thành “tờ báo có lượng phát hành lớn nhất, làm tốt vai trò quần chúng, chỉ đạo hành động cho các tổ chức Đảng, đoàn thể và nhân dân trong việc bảo vệ chính quyền và kháng chiến kiến quốc”(1) . Chính vì vậy, khi đánh giá về Xuân Thủy và Báo Cứu Quốc, đồng chí Trường Chinh đã viết: “Anh Xuân Thủy được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật đến suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp... đây là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Trong điều kiện kháng chiến, đất nước bị chia cắt chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói đó là một kỳ tích của nhân dân ta”(2) . Với vai trò là “linh hồn” của tờ báo, có thể nói, “đóng góp to lớn của Báo Cứu Quốc trong sự nghiệp cứu nước có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Xuân Thủy(3) .
Người tổ chức thành công Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Trên cương vị là người đứng đầu công tác tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, phụ trách tờ Cứu Quốc, tờ báo quan trọng hàng đầu của Tổng bộ Việt Minh trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Xuân Thủy là người tổ chức chính lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên ở nước ta - trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Hải - nguyên cán bộ quản lý trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng(4) , ngay từ đầu cách mạng tháng Tám, đội ngũ những người làm báo cách mạng ngày càng đông đảo, nhưng phần lớn trong số họ đều chưa được đào tạo nghiệp vụ. Trong hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập, còn rất nhiều mối họa bởi giặc ngoại xâm, vì vậy, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, lâu dài, gian khổ, đội ngũ này không những cần phải tăng về mặt số lượng mà chất lượng công tác cũng cần được nâng lên không ngừng. Do đó, muốn có được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm báo giỏi trên mặt trận chính trị, tư tưởng nhằm tuyên truyền một cách có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Chính phủ, đồng chí Xuân Thủy và Báo Cứu Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức cơ sở vật chất và mọi điều kiện hoạt động của lớp.
Để chuẩn bị cho việc mở trường đào tạo viết báo, trong điều kiện thiếu thốn, nhà báo Xuân Thủy và các cộng sự Báo Cứu Quốc phải chịu trách nhiệm gánh vác các việc, từ xây dựng nhà cửa, cơ sở vật chất, chương trình học, thời gian học, đến sắp xếp, quản lý và theo dõi số lượng giảng viên, học viên trong khóa học. Dựa theo tài liệu được ghi chép từ cuốn Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (5) thì với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Xuân Thủy và Báo Cứu Quốc, cuối cùng lớp học cũng đã được xây dựng, đó là: một khu trường khang trang, có hội trường, nhà họp, nhà ở, nhà ăn, sân bóng... trên một bãi đất thoai thoải sát bìa rừng, cạnh một con suối to, có địa chỉ ở thôn Gò Pháo, trên đường mòn xuyên từ Tân Cương xã Tân Thái qua bờ rạ huyện lỵ Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ban Giám hiệu lúc đó gồm có các đồng chí: Đỗ Đức Dục, Xuân Thủy, Đồ Phồn, Tú Mỡ, Như Phong; số lượng giảng viên dạy học của trường bao gồm 30 người, trong đó hội tụ đầy đủ những “chuyên gia” đầu ngành về chính trị, tuyên truyền, báo chí, văn học, thơ ca cách mạng. Cụ thể là các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Đỗ Đức Dục, Xuân Thủy, Đào Duy Từ, Tố Hữu, Trần Huy Liệu... với 42 học viên là những cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác tại các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền của đất nước, có trình độ văn hóa không đều nhau, đa số là trung học, một số tú tài và một vài tiểu học. Trong thời điểm, hoàn cảnh đất nước chiến tranh, việc lên kế hoạch để mở lớp đào tạo báo chí một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả và đảm bảo an toàn là một vấn đề vô cùng khó khăn. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, cố gắng và tài năng của mình, Xuân Thủy không phụ sự tin tưởng của Đảng và Bác Hồ, đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lớp đào tạo báo chí của Trường Huỳnh Thúc Kháng đã diễn ra lễ khai giảng khóa đầu tiên. Trong thời gian đào tạo, mặc dù có một số môn học không thể diễn ra theo đúng trình tự sắp xếp ban đầu do các giảng viên vừa làm công tác giảng dạy vừa phải chiến đấu, nhưng kết thúc khóa học, lớp thế hệ học viên khóa đào tạo báo chí đầu tiên này 6 NGười LàM Báo 7-2023 đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của tất cả các cán bộ, thầy và trò của nhà trường bằng hành động hăng hái “chiến đấu” trên các trận tuyến của mặt trận tư tưởng. Phần lớn trong số họ, ngay từ khi bắt đầu được lựa chọn cho đến lúc được đào tạo đã chuẩn bị tinh thần cách mạng, sẵn sàng tiên phong trên mọi tuyến đầu, dùng ngòi bút để làm vũ khí đâm thẳng phòng tuyến quân thù.
Không chỉ là người tổ chức chính lớp học, Xuân Thủy còn là Phó Hiệu trưởng, đóng vai trò là một cán bộ quản lý làm công tác đào tạo, đồng thời là giảng viên huấn luyện, chịu trách nhiệm giảng dạy về đường lối và kỹ năng làm báo. Trong công tác đào tạo, việc xây dựng chương trình rất quan trọng, đó là xương sống, là chìa khóa khởi đầu của mỗi khóa học. Lần đầu tiên mở lớp đào tạo báo chí nhưng Xuân Thủy và các cộng sự Báo Cứu Quốc đã xây dựng được một chương trình đào tạo báo chí bài bản, khoa học và chuyên nghiệp. Cụ thể, chương trình học gồm 3 phần: Lý thuyết, chuyên môn và thực hành, trong đó, mỗi phần đều đề rõ tên các giảng viên phụ trách môn học. Giảng viên được mời đều là những người có kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn. Có thể thấy, đây chính là cái tài về mặt tổ chức giảng dạy báo chí của Xuân Thủy. Bởi vì trên thực tế, các trường đào tạo báo chí ở nước ta hiện nay, vấn đề xây dựng nội dung, chương trình, tên môn, giảng viên... là rất quan trọng và cần phải có thời gian, nhân lực, vật lực tương xứng để đầu tư nghiên cứu, nghiệm thu cẩn thận. Theo đó, mỗi trường đào tạo cũng sẽ có những quan điểm khác nhau nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhưng dù có khác nhau gì thì chương trình dành cho các lớp đào tạo báo chí vẫn luôn phải có các tiêu chí cần thiết để đảm bảo về mặt chất lượng, đặc biệt là gắn lý thuyết với thực hành, gắn giảng đường với đời sống, mà điều này đã được nhà báo Xuân Thủy và các cộng sự của Báo Cứu Quốc xây dựng, áp dụng vào sự nghiệp đào tạo cách đây nhiều thập kỷ trước.
Nhà báo Xuân Thủy, người quàng khăn ngồi giữa, và đồng nghiệp khi làm Báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc_Ảnh: TL
Xuân Thủy đồng thời cũng là người trực tiếp giảng dạy về đường lối và kỹ năng làm báo. Thông qua lớp học, ông đã khai thác, phát hiện và động viên khuyến khích các học viên phát triển năng lực tùy theo thế mạnh của mỗi người. Cụ thể là, trong thời gian thực học, Xuân Thủy đã yêu cầu một số học viên thực tế nghiệp vụ bằng cách phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, làm báo ngay trong thời gian học, tuyển cán bộ phục vụ cho Báo Cứu Quốc...
Ngay khi kết thúc lớp học, ông cũng chính là người tập hợp, đưa ra những đánh giá, nhận xét chính xác về kết quả của từng học viên, đồng thời tổng kết kinh nghiệm, cũng như những thiếu sót cần phải bổ cứu cho các khóa sắp tới. Khi học xong, đã có nhiều bút ký gửi gắm lại trường tựa như lời tuyên thệ của các nhà chính trị, nhà báo chiến sĩ trước khi ra trận, những người đã tin tưởng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là khởi nguồn của sự nghiệp đào tạo báo chí cho nước nhà. Trong tiến trình phát triển đó, Xuân Thủy đóng vai trò là người trực tiếp xây dựng nền móng vững vàng trong sự nghiệp đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhà báo - chiến sĩ cách mạng một lòng vì Tổ quốc. Năm 2019, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 182/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời cầm bút để hoạt động cách mạng, Xuân Thủy với vai trò vừa là nhà báo, vừa là giảng viên đào tạo báo chí, đồng thời là nhà lãnh đạo, tổ chức thành lập các cơ quan báo quan trọng của nước nhà như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Dù ở cương vị nào của nghề, ông vẫn luôn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp báo chí, trái tim ông ngừng đập khi ông đang viết sách về Những chặng đường phát triển của Báo Cứu Quốc.
Để ghi nhận những cống hiến quan trọng của nhà báo Xuân Thủy đối với đất nước, năm 1998, Hà Nội đã đặt tên Xuân Thủy cho con đường dẫn về quê hương ông. Như một cơ duyên của tạo hóa, trên con đường mang tên Xuân Thủy có một Học viện Báo chí và Tuyên tuyền - ngôi trường hơn 60 năm tuổi, là cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất, lâu đời nhất và uy tín nhất ở nước ta. Đây cũng là một sự ghi nhận đối với những cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp đào tạo báo chí của một nhà báo cách mạng tài hoa - nhà báo Xuân Thủy.
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (3), (4), (5) Bảo tàng báo chí Việt Nam (2020), Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Hội Nhà văn tr.101, 102, 101, 51, 71 - 76.
Bình luận: 0