Nhà báo với những thách thức bên trong cơ hội

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các tòa soạn truyền thống đang dần chuyển sang hình thức tòa soạn số để bắt kịp với nhu cầu phát triển của công nghệ. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi không chỉ đến từ việc thay đổi các hình thức mà còn đến từ đội ngũ nhân sự của các tòa soạn hiện nay.

Sự kết hợp giữa cơ hội và thách thức

Đứng trước bối cảnh chuyển đổi số, các tòa soạn tập trung phát triển mô hình tòa soạn số với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị toà soạn. 

Trong đó, nguồn nhân lực có vai trò vô cùng quan trọng. Khi xây dựng một đội ngũ người làm báo tinh thông về nghề nghiệp, tòa soạn mới có khả năng kết hợp hiệu quả giữa công nghệ và nội dung bởi các yếu tố này đều liên quan mật thiết đến yếu tố con người. Đây vừa được xem là cơ hội để người làm báo phát triển năng lực của bản thân nhưng cũng là thách thức khi họ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh trong môi trường tòa soạn số. 

Trong vài năm qua, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam tiến hành chuyển đổi số, tuy nhiên, theo khảo sát tháng 11/2022 của Báo Nhân Dân với hệ thống báo đảng địa phương trên toàn quốc, có 35 cơ quan báo đảng cho rằng thiếu nhân lực công nghệ là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, 27 cơ quan báo chí chỉ ra vấn đề nhân sự tòa soạn thiếu kỹ năng số, 26 cơ quan báo chí cho rằng kinh phí đầu tư hạn hẹp là khó khăn lớn, 7 đơn vị nêu việc không có chiến lược chuyển đối số dài hạn. Khảo sát trên khẳng định tầm quan trọng của nhân lực đối với tòa soạn suốt quá trình chuyển đổi số, đồng thời hướng tới việc đưa ra các giải pháp để cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân sự công nghệ.

Trước xu thế hội tụ truyền thông, nhà báo trở thành người đa năng khi làm được nhiều công việc. Họ không chỉ viết cho báo in, báo mạng điện tử mà còn sản xuất các sản phẩm truyền thông cho phát thanh và truyền hình. Mặc dù hình thức của các loại hình báo chí sẽ có những điểm khác nhau nhưng người làm báo sẽ được tối ưu hóa các công việc để họ có thể đảm nhận nhiều vị trí cùng một lúc, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ của công nghệ - các thiết bị ghi âm, quay hình. 

Sử dụng công nghệ trong quá trình tác nghiệp giúp nhà báo tiết kiệm nhiều thời gian hơn_Ảnh: Internet

Dù vậy, trong quá trình sản xuất, người làm báo vẫn phải đáp ứng những yêu cầu của loại hình báo chí. Với báo in, các thông tin cần phân tích theo nhiều khía cạnh sâu và đầy đủ hơn về sự kiện, vấn đề được nhắc tới. Với báo mạng, chất lượng âm thanh và nội dung ngắn gọn giúp người nghe nắm bắt nhanh các thông tin. Điều này đòi hỏi người làm báo phải thật sự nhạy bén để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông khác nhau, đồng thời không quên đi những giá trị cốt lõi của loại hình báo chí. 

Mặt khác, sự phát triển ngày càng mạnh của công nghệ AI tạo nên những vấn đề liên quan đến tòa soạn số. Với sự trợ giúp thông minh của công nghệ, họ đã tối ưu hóa được các công việc như giải băng, lồng tiếng, đo lường, phân tích, tổng hợp dữ liệu… mà không tốn nhiều thời gian, chi phí đào tạo cũng như đầu tư cho máy móc, phần mềm. Thậm chí, sự ra đời của chat GPT đã làm cho quá trình số hóa trở nên dễ dàng hơn khi nó có thể hỗ trợ người biên tập sản xuất văn bản với ngôn ngữ tự nhiên theo yêu cầu như viết kịch bản chương trình với những từ khóa cho sẵn. 

Sự cộng tác của công nghệ và tòa soạn trong quá trình sản xuất thông tin_Ảnh: Internet

Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong báo chí cũng tạo ra mặt trái. Một bài báo được viết ra bởi công nghệ AI sẽ thiếu sự đột phá, cảm xúc và không có số liệu thống kê cho rằng những thông tin đã được kiểm duyệt và chính xác. Nếu lạm dụng công nghệ vào sản xuất truyền thông thì chất lượng nội dung sẽ giảm, đồng thời số lượng tiếp cận của công chúng cũng giảm theo, đây là một trong những điều đáng lưu tâm đối với người làm báo bởi tính chất nghề nghiệp luôn phải đổi mới, sáng tạo và chính xác. 

Một vấn đề khác được nêu lên trong các nghiên cứu về chuyển đổi số cho thấy rằng, mặc dù việc chuyển đổi số ở các tòa soạn đang ngày càng nhiều nhưng khả năng làm chủ công nghệ của các nhà báo chưa thật sự tinh nhuệ. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn ít nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới, như sử dụng các ứng dụng của máy tính bảng, điện thoại thông minh… vào hoạt động tác nghiệp. Ở một số tòa soạn vẫn còn có sự chênh lệch giữa các thế hệ nhà báo, tạo nên rào cản trong giao tiếp và đào tạo kỹ năng chuyên môn về công nghệ số. Cụ thể, sự tiếp xúc thân thuộc với công nghệ không làm khó các nhà báo trẻ bởi họ có khả năng học hỏi nhanh nhẹn hơn, nắm bắt một số thông tin, chức năng cơ bản so với thế hệ nhà báo truyền thống với những cách thức sản xuất bài theo từng loại hình báo chí riêng. 

Giải pháp để nâng cao nghiệp vụ nhà báo

Trong sự phát triển như vũ bão của thông tin và công nghệ, mọi công dân đều có thể trở thành người đưa tin. Chính vì vậy, để làm nên sự phân biệt rõ ràng thì người làm báo trước hết phải hiểu rõ công việc của mình, đó là nhận thức và có đủ kiến thức về các loại hình báo chí, mang trong mình phẩm chất chính trị chân thành với Tổ quốc. 

Quá trình chuyển đổi số là một hành trình dài, kết hợp giữa công nghệ và con người để tạo nên một hệ thống tin tức nhanh đến với độc giả. Việc tận dụng tối ưu hóa các công việc của nhà báo bằng công nghệ là một phương pháp đang được triển khai hiệu quả. Bởi vậy, cơ quan báo chí cũng cần xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên và mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho tòa soạn. Ví dụ, đối với phóng viên ảnh, ngoài việc cung cấp phóng sự ảnh, họ còn có thể phỏng vấn, ghi âm, quay phim, biên tập âm thanh, hình ảnh video và thậm chí cả thiết kế đồ họa, flash…

Học hỏi, trau dồi kinh nghiệm là điều quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển. Việc tăng cường các hoạt động đào tạo, học hỏi kinh nghiệm qua những hội thảo trong nước, khu vực và trên thế giới; học hỏi mô hình qua các chương trình thực tế; thoả thuận hợp tác để chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến sẽ giúp tòa soạn tìm kiếm sự phù hợp đối với đặc thù của hoạt động báo chí – truyền thông tại Việt Nam và nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân sự tham gia hoạt động. 

Mặt khác, mỗi tòa soạn cần đầu tư phương tiện và đào tạo để từ cán bộ tới phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên có thể thành thạo sử dụng công nghệ như ứng dụng AI, Chat GPT hoặc các ứng dụng như chuyển giọng nói sang văn bản hoặc ngược lại; các phầm mềm biên tập văn bản, âm thanh, hình ảnh, dịch thuật… Tuy vậy, người làm báo không thể dùng AI để thay thế ngòi bút của mình. Các tòa soạn báo cần nhìn nhận đây là một giải pháp mang tính chiến lược giúp tối ưu hoá quy trình sản xuất nội dung, giúp nhà báo tiết kiệm thời gian, công sức để tập trung vào những nhiệm vụ sáng tạo quan trọng hơn.

Tòa soạn đã đề ra những phương pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng làm nghề của nhà báo trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm báo dù là thế hệ nào cũng phải có nhận thức rõ ràng, đầy đủ về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Từ đó, tự bồi dưỡng, trau dồi cho bản thân những kỹ năng mới về công nghệ; thường xuyên tự học tập, phát huy khả năng sáng tạo, không ngừng học hỏi, sẵn sàng thích ứng để trở thành một nhà báo thời đại 4.0. 

Những nhà báo trẻ có nhiều hơn những cơ hội để phát triển về sử dụng công nghệ hỗ trợ quá trình sản xuất. Cụ thể, trong quá trình học tập, sinh viên được làm quen với các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, các phần mềm quay dựng, chỉnh sửa, ghi âm thường xuyên để làm bài tập. Ngoài ra, những môn học hỗ trợ sinh viên chủ động mày mò, nghiên cứu về các ứng dụng cần thiết để hoàn thành tốt bài tập. Ví dụ, khi nghiên cứu về mức độ quan tâm của công chúng đối với một vấn đề, sinh viên thực hiện những cuộc khảo sát online và phân tích các dữ liệu thông qua phần mềm SPSS… 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, vì vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số, họ phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, sự nhanh nhạy để biến công nghệ trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ công việc của mình. Điều này không chỉ xuất phát từ tòa soạn mà còn từ chính các nhà báo trong việc nhận thức được tầm quan trọng của nội dung và công nghệ. 

Hoàng Thị Thảo Ly

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top