Nhà báo Thái Ngụ - nơi núi Giăng Màn
23:20 29/11/2023
- Diễn đàn
Vùng núi Giăng Màn nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa phận huyện Hương Khê - Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây sinh thành nhiều hào kiệt, chí sỹ yêu nước, một thời căn cứ hoạt động của nghĩa quân Phan Đình Phùng và của phong trào Cần Vương kháng Pháp. Vùng núi có ngọn Giăng Màn cũng là quê hương của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo tâm huyết với đời, với nghề. Nhà văn Phan Thúy Hà với “Qua khỏi dốc là nhà”; nhà báo Bùi Thanh Liêm với “Mây phủ Giăng Màn”; nhà văn Huyền Dân với “Dòng sông chảy ngược”; nhà báo Triêu Dương với “Khúc hát sông Ngàn”. Và đến lượt nhà báo Thái Văn Ngụ (Thái Ngụ) trình làng “Chuyện đời tôi” (NXB Nghệ An, 8/2023), thêm một cách nhìn về đời và nghề, ngồn ngộn thông tin, báo và văn quyện chặt cùng nhau, bên nhau…
Nhà báo Thái Văn Ngụ tác giả cuốn sách "Chuyện đời tôi"
Bao nỗi truân chuyên
Tháng 10 năm 2023. Một chiều mưa, tại thành phố biển Vũng Tàu cô cháu gái của nhà báo Thái Văn Ngụ tìm gặp tôi để chuyển tận tay cuốn sách quý của anh tựa đề “Chuyện đời tôi”, nhà xuất bản Nghệ An vừa ấn hành, còn tươi rói màu mực in. Cô cháu gái, cựu học sinh trường cấp 3 Hương Khê, Hà Tĩnh chỉ nói rất ngắn gọn mà hóm hỉnh: “Bác Ngụ dặn cháu trực tiếp chuyển cho bác. Một tháng nay cháu tìm bác mà ít khi bác ngồi nhà”. Cuốn sách đóng bìa cứng, dày dạn gần 650 trang in.
Hà Tĩnh là tỉnh nghèo nhưng là đất hiếu học, nơi sản sinh nhiều nhân sỹ trí thức lớn. Huyện miền núi Hương Khê được coi là địa phương nghèo khó top đầu của Hà Tĩnh. Vùng hạ huyện Hương Khê, nay là một phần của huyện Vũ Quang lại là nơi nghèo khó nhất của Hương Khê. Nghèo vì khí hậu khắc nghiệt, chưa mưa đã lụt - rốn lũ của sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Ngàn Phố hợp lại. Đây cũng là nơi chưa nắng đã hạn, rốn của ngọn gió Tây khô nóng, đường đi lối lại trắc trở (thời kỳ chưa có đường Hồ Chí Minh chạy qua) vùng núi Giăng Màn thăm thẳm trời cao gần như ngõ cụt.
Nhà báo Thái Văn Ngụ sinh thành từ xã Hương Đại, huyện Hương Khê, nay là huyện Vũ Quang, ăn sắn và khoai lang, khoai môn đi học trọ xa, vượt đường rừng cuốc bộ ba bốn chục km. Vậy mà cậu trò nhỏ này lại học giỏi, là cử nhân ngữ văn, cử nhân báo chí bằng hai từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội. Thái Văn Ngụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh hơn 6 năm, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh hơn 10 năm. Người ta vẫn nói “Vũ Quang là nàng công chúa trong rừng ngủ quên”; đây là vùng rừng nguyên sinh có nhiều loại thực vật, động vật ghi vào sách đỏ quý hiếm. Con Sao La - kỳ lân châu Á, hiện diện tại tại Vườn Quốc gia Vũ Quang được coi là linh vật - biểu tượng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEAGAMES - 31), tổ chức tại Việt Nam năm 2022.
Tôi biết Thái Văn Ngụ đã lâu, quen thân anh mấy chục năm có lẻ, cùng là dân miền sơn cước núi Giăng Màn, đói ăn thiếu mặc đi học mà nay đọc tự truyện của anh, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của anh, với bao nỗi truân chuyên. Có những chuyện riêng tư của chính mình và của bạn thân mà tôi thầm nghĩ là “sống để bụng, chết mang theo”, vậy mà Thái Văn Ngụ cứ huỵch toẹt ra trên trang viết. Đọc tự truyện “thật như đếm”, vậy mới sướng (!).
Thái Văn Ngụ học giỏi môn văn của Hà Tĩnh, từ khi còn là học sinh tiểu học trường làng đến trung học phổ thông. Anh trở thành sinh viên khoa ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đang học năm thứ hai thì được lệnh nhập ngũ, trở thành lính thiết giáp. Sau ngày miền Nam được giải phóng đất nước thống nhất, anh xin rời quân ngũ trở về trường đại học học tiếp ngữ văn, sau đó học tiếp bằng hai đại học báo chí. Yêu văn học, đam mê với cây bút, tải chuyện đời bằng những trang viết sống động hơi thở cuộc sống, các cơ quan báo chí ở Thanh Hóa, Hà Sơn Bình - nơi Thái Văn Ngụ về thực tập muốn giữ anh lại làm báo lâu dài, nhưng anh đều khéo léo từ chối. Đến lượt Báo Vũng tàu - Côn Đảo và sau đó là Báo Nhân Dân (và một vài cơ quan báo chí khác ở Hà Nội) chọn đầu quân, nhưng tình yêu quê hương xứ Nghệ quá lớn lại nặng gánh gia đình, Thái Văn Ngụ trở thành phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Nghệ Tĩnh (sau cuộc đầu quân cho báo Nghệ Tĩnh không thành). Từ phóng viên, Thái Văn Ngụ trưởng thành làm Trưởng phòng Biên tập, lúc chia tách tỉnh thì đóng vai Phó Giám đốc Đài Phát thành - Truyền hình Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm rồi Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Hà Tĩnh.
Sinh ra từ miền sơn cước nghèo, cuộc đời năm chìm bảy nổi, Thái Văn Ngụ gọi là “Biến cố khôn lường, họa vô đơn chí”. Có lúc anh bị rắn rừng cắn, ong rừng đốt, chó dữ tấn công suýt toi mạng, nhưng nhờ cao số - như anh nói, Thái Văn Ngụ yêu đời, yêu người, như có đồng nghiệp đã ví von, chàng trai “núi Giăng Màn” vẫn như cây tùng cây bách réo gọi giữa trời cao (!).
Bìa sách Chuyện đời tôi
Đam mê ngọn bút
Học giỏi văn từ nhỏ, có năng khiếu báo chí, nhưng lòng đam mê mới là yếu tố quyết định của một cây bút thành danh. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh Thái Văn Ngụ tâm tình “Nghề báo đã chọn tôi, nên càng phải yêu nghề vậy”. Thái Văn Ngụ đã rành rọt hơn 30 năm làm báo chuyên nghiệp, nơi quê nhà - nơi có ngọn núi Giăng Màn.
Tôi hỏi chuyện nhà báo Võ Xuân Báu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Thư ký Biên tập Đài Phát thành - Truyền hình Hà Tĩnh về tự truyện “Chuyện đời tôi” của Thái Văn Ngụ, đồng nghiệp lớp đàn em thân cận nói ngay:
- Bác Ngụ viết tự truyện được lắm! Bác ấy yêu nghề, cương trực, thẳng thắn, thương “lính”, ai đó dưới quyền gặp “nạn” nghề nghiệp, bác Ngụ nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho ai.
Còn nhớ, một lần, đài phát thanh tường thuật trực tiếp Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh từ Nhà Văn hóa Lao động thành phố Vinh, ngày 20/10/1986. Ông Phó Bí thư Tỉnh ủy hô to, các đại biểu một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn (vừa từ trần trước đó) đã nói nhầm thành “Tổng thống Lê Duẩn!”. Phát thanh viên của đài không kịp sửa đã lặp lại cụm từ: “Tưởng nhớ cố Tổng thống Lê Duẩn!”. Lập tức hai cán bộ an ninh ập vào phòng phát thanh mời phát thanh đi “làm việc”. Thái Văn Ngụ đã từ tốn xử lý, nhận ngay trách nhiệm, kéo hai cán bộ an ninh ra ngoài phân tích có lý có tình, thế là mọi việc êm xuôi, về sau nhà đài chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm nhẹ nhàng.
Thái Văn Ngụ sống và làm việc nghĩa tình, tận tâm và chu đáo. Kỷ niệm 45 năm Phát thanh, 10 năm Truyền hình Hà Tĩnh và kỷ niệm 50 năm Phát thanh, 15 năm Truyền hình Hà Tĩnh, anh được giám đốc phân công phụ trách làm 2 cuốn kỷ yếu truyền thống. Anh đã “trằn” ra làm, phát hiện những cán bộ có công đầu trong những ngày đầu làm phát thanh mà lâu nay ít ai nhắc đến. Một cuộc tìm kiếm quyết liệt để gặp, hỏi chuyện họ - khi họ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, lại không còn sống tại quê nhà quả là vô cùng khó khăn, mất rất nhiều công sức, thời gian. Thái Văn Ngụ không lùi bước, bằng mọi cách anh tiếp cận và hỏi chuyện họ - có trường hợp cách trở hàng ngàn kilômét. Câu chuyện của họ kể lại những ngày đầu làm phát thanh ở Hà Tĩnh sinh động và nghĩa tình vô cùng. Nhiều đồng nghiệp phát thanh - truyền hình cảm kích ghi nhận đóng góp to lớn, rất trách nhiệm của anh đối với các bậc tiền bối, món quà vô giá cho các đồng nghiệp hậu sinh.
Bắt đầu khởi nghiệp, Thái Văn Ngụ có những ngày rất đáng nhớ khi anh về thực tập viết báo ở hai tờ báo Đảng địa phương “top đầu” ở phía bắc: Báo Thanh Hóa và Báo Hà Sơn Bình. Cuối năm thứ nhất Đại học Báo chí (5-1981), lớp được phân chia đi các báo địa phương thực tập, Thái Văn Ngụ về Báo Thanh Hóa. Anh được phân công đi Xí nghiệp sứ Thanh Hóa. Bài viết đầu tiên của đời làm báo chuyên nghiệp ra đời nhanh gọn, đăng kín trang báo: “Xí nghiệp sứ chủ động giải quyết nguyên vật liệu cho sản xuất”. Bài báo này “đá văng” bài một đồng nghiệp tại chỗ, chuyện tế nhị khó xử khi anh vừa vào nghề. Bài được đăng, Tổng Biên tập khen “Cậu bắt trúng vấn đề, viết tốt”. Những tuần sau đó, trên báo lần lượt xuất hiện các bài viết - có cả phóng sự dài hơi của Thái Văn Ngụ, niềm vui và tự hào của cậu phóng viên trẻ về thực tập.
Cuối tháng 10 năm 1982, Thái Văn Ngụ dẫn đầu đoàn phóng viên thực tập về Báo Hà Sơn Bình, trước khi làm khóa luận tốt nghiệp. Anh được Tổng Biên tập Báo Hà Sơn Bình giao nhiệm vụ bám trụ viết bài về tiến độ thi công nước rút trên công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình. Chỉ một ngày lên công trình, anh đã có bài phóng sự “Một ngày trên công trường sông Đà”. Vừa nộp bài cho trưởng phòng, ông ấy lật lật xem lướt và phán ngay: “Cậu viết được đấy, nhưng không còn “đất” (diện tích mặt báo) để tải nó”. Anh tự nhủ thầm: “Các lão khen thật lòng là vui rồi. Tại công trình thủy điện Hòa Bình, Thái Văn Ngụ có vinh dự được sếp công trường cho xem bản thảo bức thư, không những vậy anh còn được cậy nhờ xem và góp ý kiến bản thảo, trước lúc hoàn thiện để niêm phong “Gửi các thế hệ Việt Nam mai sau”, phải chờ đến ngày kỷ niệm 100 năm thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì bức thư này mới được công bố trước bàn dân thiên hạ. Thật là vinh dự và tự hào đời phóng viên trẻ, càng thôi thúc cây bút Thái văn Ngụ thêm yêu nghề báo nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng thật vinh quang.
Truân chuyên, lận đận, Thái Văn Ngụ xin về quê xứ Nghệ đầu quân cho báo chí quê nhà. Bị Ban Biên tập Báo Nghệ Tĩnh lúc đó từ chối, Thái Văn Ngụ qua Đài Phát thanh tỉnh xin việc và được lãnh đạo đài chấp nhận ngay, chính thức gia nhập nghề báo nói, lúc tuổi đời của anh tròn 32 - mừng vui khôn tả. Tuy nhiên, sự vất vả, khó khăn, lận đận đời thường vẫn không buông tha nhà báo trẻ Thái Văn Ngụ. Nhưng một Thái Văn Ngụ vững chãi, bản lĩnh, vượt khó. Từ phóng viên trở thành Trưởng phòng Biên tập, Phó Giám đốc Thường trực nhà Đài - báo nói và báo hình, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội, rồi Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh. Từ ông Phó Giám đốc đa năng, nặng gánh Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, dưới một người, trên cả trăm người, được tổ chức giao nhiệm vụ, Đại hội bầu cử làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh coi như một thuyền một lái, Thái Văn Ngụ nhẹ nhõm, tận tụy và hết mình, đã thích nghi ngay và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 năm đóng vai Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.
Thái Văn Ngụ làm việc cẩn trọng, làm tư liệu báo chí chỉn chu. Bài báo đăng trên số báo nào, phát trên sóng phát thanh, sóng truyền hình ngày giờ nào, ai làm nhân chứng anh đều chú giải đầy đủ khi viết bài, biên tập và thể hiện rất đậm nét trong tự truyện “Chuyện đời tôi”. Tôn trọng sự thật, không bịa hoặc thêm bớt trong các sự kiện dẫn giải, coi đó là nguyên tắc tối thượng của nghề báo.
***
Người con của vùng Khai Trướng - núi Giăng Màn là vậy. Cực khổ mà vui, khó khăn mà yêu đời, giàu khát vọng và nghị lực vượt khó, sống tử tế. Thái Văn Ngụ bị các chứng bệnh mạn tính - bệnh nền từ lúc còn trẻ hoành hành, càng lớn tuổi bệnh càng nặng thêm. Dù vậy, gần như rất ít khi anh kêu ca, phàn nàn, giận hờn hoặc trách cứ bất cứ ai - sống không tranh giành, không bon chen, trách nhiệm với từng con chữ, chu đáo và lịch lãm phép ứng xử cuộc đời.
Cuộc đời có quy luật bù trừ, tiền bạc không dôi dả, đất nhà chỉ một căn khiêm tốn để ở, đổi lại các con anh chăm học, chăm làm, thành đạt, hiếu thảo. Thái Văn Ngụ và người bạn đời chăm đi đây đó, vi vu khắp mọi chân trời, góc bể, trong nước, ngoài nước. Anh nói: “Đi cho vui, bỏ lại bệnh tật phía sau, đi cho thỏa chí tang bồng”. Đi để trải nghiệm, lấy cảm hứng cuộc đời mà viết báo, làm sách.
Tuổi ngoại thất thập, nhiều bệnh tật, có những năm anh sống tại bệnh viện nhiều hơn ở nhà, Thái Văn Ngụ vẫn miệt mài đọc sách, ham đi ham viết. Ngọn bút của anh đam mê, tuôn chảy - tấm gương yêu nghề, trọng nghĩa tình đáng nể./.
TP. HCM, tháng 11/2023
NHÀ BÁO PHẠM QUỐC TOÀN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát động Giải báo chí chào mừng 80 năm ngành Giao thông vận tải (04:15 04/09/2024)
- Trao 97 giải thưởng Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ 2 (04:25 29/08/2024)
- Khởi động Giải báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân” lần thứ 2 (05:16 28/08/2024)
- Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí: Tin giả và vấn đề đạo đức (12:15 21/08/2024)
- Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai: Nhiều tuyến bài, bài viết có tính chất gợi mở, chủ đề đa dạng, bao trùm (06:15 14/08/2024)