Nhà báo phải cẩn trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội
21:58 22/12/2016
- Pháp luật
Tình trạng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do của
một số nhà báo hiện nay đang đến mức báo động, khiến
dư luận dậy sóng. Bởi lẽ, dù ở cương vị nào, những người
cầm bút phải có trách nhiệm về phát ngôn của mình với vai
trò dẫn dắt cộng đồng và trách nhiệm phụng sự xã hội...
Nhà báo nên cân nhắc sử dụng thông tin trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Nhập nhằng ranh giới thông tin
Trên thế giới và Việt Nam, thời gian qua, khi mạng xã hội phát triển, đã xảy ra tình trạng ranh giới thông tin của cá nhân một thành viên mạng xã hội với một nhà báo cụ thể, một cơ quan báo chí cụ thể bị nhập nhằng, dẫn đến những tổn hại uy tín cho cơ quan, tập thể, cá nhân.
Đã có hiện tượng một số nhà báo phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội trái với tinh thần, quan điểm của chính họ trong những bài đã viết trên báo. Đã có hiện tượng một số nhà báo tham gia các cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng và vô tình làm tổn hại cho cơ quan báo chí mình khi cộng đồng mạng đồng nhất quan điểm cá nhân, thái độ của nhà báo ấy với quan điểm, thái độ của cơ quan báo chí. Trong một số trường hợp, việc nhập nhằng ranh giới thông tin, tính chất hai mặt trong phát ngôn như thế là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật.
Mạng xã hội giúp nhà báo xây dựng mạng lưới để phát triển nguồn tin, góp phần quảng bá cho cơ quan báo chí, tạo dựng và duy trì quan hệ tốt với công chúng truyền thông, với các nguồn tin và những người có ảnh hưởng trong xã hội, cũng như những độc giả, khán giả, thính giả tiềm năng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt trái tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà báo sử dụng thiếu bản lĩnh. Trên môi trường ấy, nhà báo khác những cá nhân bình thường do họ có nguồn thông tin phong phú từ cơ quan báo chí của mình, từ hoạt động báo chí của bản thân và do họ có tên tuổi, có “nghề”. Họ được cư dân mạng thích kết nối, theo dõi. Và nguy cơ, rủi ro dành cho họ thường xuất phát từ tính chất đặc biệt này.
“Con dao hai lưỡi”
Thực tiễn báo chí nhiều năm qua cho thấy, có nhà báo bị mất việc vì vô tình đưa lên mạng xã hội các thông tin riêng của tòa soạn từ chương trình làm việc, các định hướng nội dung, các đề tài báo chí, các hội nghị, giao ban có tính chất nội bộ và cần được bảo mật cho đến chiến lược của tòa soạn.
Nhiều nhà báo đã bị kỷ luật vì đưa lên mạng xã hội những tài liệu, thông tin mà họ đang trong quá trình xử lý, theo dõi, và chưa sử dụng cho tòa soạn. Dù đây có thể là những thông tin của chính họ khai thác (đề tài, nhân vật, số liệu...), nhưng đã là hoạt động nghiệp vụ, thì thông tin ấy được xem là tài nguyên, tài sản của cơ quan cần bí mật, cấm chia sẻ. Thậm chí việc nhà báo chuẩn bị tham gia một sự kiện, một cuộc họp nào đó theo phân công của tòa soạn, nếu thông tin về sự kiện đó trên mạng xã hội trước khi đi dự và chưa viết tin bài - ở đôi nơi đôi chỗ - cũng có thể bị kỷ luật.
Cần có bộ quy tắc ứng xử
Hiện nay trên thế giới, nhiều cơ quan báo chí đã có những bộ quy tắc cụ thể cho nhà báo trong việc sử dụng mạng xã hội, trong đó có quy định những điều không được làm, những điều phải cân nhắc nên hay không nên làm. Bộ quy tắc này giúp nhà báo biết kiểm soát mình trên mạng xã hội tốt hơn để khai thác phương tiện này hiệu quả và có ý nghĩa hơn.
Xây dựng quy tắc không đồng nghĩa với cấm. Tinh thần của bộ quy tắc là ủng hộ và khuyến khích cán bộ; nhân viên các cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội như một phương tiện khai thác thông tin, phát triển đề tài, trao đổi về nghiệp vụ, quảng bá nội dung cho báo... bên cạnh công việc cá nhân. Và tất nhiên, việc sử dụng mạng xã hội của nhà báo phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định đạo đức báo chí. Có quy tắc ứng xử, nhà báo khi sử dụng mạng xã hội sẽ biết duy trì và bảo vệ những giá trị cơ bản của nghề nghiệp và tôn chỉ, mục đích; không làm tổn hại tới uy tín của cơ quan báo chí họ đang phục vụ
Trong khi chờ đợi cơ quan báo chí của mình xây dựng quy định riêng, các nhà báo có thể tham khảo nhiều bộ quy tắc ứng xử trong môi trường mạng xã hội của các cơ quan báo chí trên thế giới. Lời khuyên của các chuyên gia là nhà báo nên cân nhắc về thái độ và thông tin để tránh tình trạng cộng đồng mạng suy diễn nhà báo của cơ quan báo chí đó ủng hộ hay đả kích những nhân vật cụ thể, những vấn đề cụ thể nào đó. Nhà báo chỉ nên tham gia tranh luận trên chính tờ báo, chương trình của cơ quan mình, hạn chế thể hiện quan điểm trong các vấn đề tranh cãi trên môi trường mạng xã hội. Trong trường hợp bị buộc phải tranh luận, nên trao đổi với Ban Biên tập để tìm ra giải pháp tốt nhất, và nên ghi rõ: Đây là quan điểm của cá nhân tôi, quan điểm này không phải của cơ quan tôi đang công tác |
Phan Văn Tú
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)